Trang chủ    Diễn đàn    Phong cách lãnh đạo, quản lý
Thứ ba, 24 Tháng 12 2013 09:18
23013 Lượt xem

Phong cách lãnh đạo, quản lý

(LLCT)- Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta hiện nay đang đặt ra nhiều đòi hỏi và thách thức đối với chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nghiên cứu phong cách LĐ,QL dưới góc nhìn khoa học nhằm đưa ra các giải pháp về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả LĐ,QL là góp phần vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

Phong cách lãnh đạo, quản lý (LĐ,QL) là một thuộc tính của nhân cách người LĐ,QL. Trong cuộc sống, người ta thường quan niệm phong cách theo hai nghĩa. Thứ nhất, phong cách là phong cách của con người trong từng lĩnh vực nghề nghiệp, nghệ thuật như: phong cách của một nhà văn, nhà thơ, nhà kiến trúc... Thứ hai, phương pháp hành động của một người hay một lớp người nào đó trong xã hội được hình thành một cách tương đối ổn định, làm nên phong cách riêng của một người hay một lớp người đó. Phong cách tuy đa dạng như vậy nhưng nhìn chung khi nhắc đến phong cách ta vẫn thường nhắc đến dấu ấn cá nhân của người đó. Phong cách LĐ,QL cũng vậy, nó mang dấu ấn cá nhân người LĐ,QL. Phong cách LĐ,QL chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc từ môi trường hoạt động của người LĐ,QL. Mỗi người LĐ,QL ở các vị trí và chức vụ khác nhau sẽ là cơ sở và điều kiện để hình thành phong cách LĐ,QL của người đó. Đã có nhiều nhà nghiên cứu coi phong cách lãnh đạo là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của người LĐ,QL. Hai tác giả Paul Hersey và Kent Blanchard cho rằng: “Phong cách lãnh đạo là mẫu hành vi mà người LĐ,QL thể hiện khi cố gắng gây ảnh hưởng tới hoạt động của những người khác theo nhận thức của người đó”(1). Tác giả K. Lêwin coi phong cách lãnh đạo thực chất đó là nghệ thuật sử dụng quyền lực của người LĐ,QL và quá trình xử lý tình huống xảy ra trong công việc. Ông căn cứ vào mức độ sử dụng quyền lực và phương pháp xử lý tình huống của người LĐ,QL để phân chia thành 3 kiểu phong cách lãnh đạo: phong cách lãnh đạo dân chủ, phong cách lãnh đạo độc đoán và phong cách lãnh đạo tự do(2).

Dominique Chalvin - một nhà nghiên cứu người Pháp cho rằng: “Phong cách lãnh đạo là kết quả của mối quan hệ giữa cá nhân và sự kiện”. Tác giả đưa ra công thức: Phong cách lãnh đạo = Cá tính x Môi trường (sự kiện)(3). Các tác giả
A.J.Dubrin, C.R.Dalglish và P.Miller cho rằng: “Phong cách lãnh đạo là hệ thống các cách thức, phương pháp hành động tương đối ổn định của người LĐ,QL. Phong cách của người LĐ,QL trở thành phù hợp và hiệu quả khi người LĐ,QL vận dụng chúng một cách linh hoạt trong những tình huống lãnh đạo, quản lý cụ thể”(4). Kế thừa những quan điểm các nhà nghiên cứu về phong cách LĐ,QL, chúng tôi thấy rằng, xét một cách toàn diện thì mỗi cách tiếp cận nghiên cứu chưa thể đưa ra những quan điểm đầy đủ và hoàn hảo về phong cách LĐ,QL. Hoặc là các nhà nghiên cứu vẫn còn quá nhấn mạnh đến yếu tố con người, hoặc họ quá nhấn mạnh đến hành vi bên ngoài mà chưa thực sự quan tâm đến đặc điểm nhân cách của cá nhân. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, cần phải có cách nhìn đầy đủ và khoa học về phong cách LĐ,QL, chúng tôi xem Phong cách LĐ,QLlà hệ thống các phương pháp hành động, cách thức ứng xử tương đối ổn định và đặc trưng của người LĐ,QL nhằm đạt tới mục tiêu xác định cho tổ chức.Từ định nghĩa phong cách lãnh đạo, chúng tôi hiểu:

Về bản chất, phong cách LĐ,QLphản ánh đặc điểm cá nhân người LĐ,QL thông qua hệ thống các phương pháp hành động tương đối ổn định và đặc trưng của họ khi xử lý các tình huống lãnh đạo. Phong cách LĐ,QLkhông phải là cái nhất thành bất biến mà luôn thay đổi, tùy thuộc vào tình huống lãnh đạo. Thông thường, phong cách LĐ,QL tồn tại ở dạng tiềm năng, chỉ khi nào người LĐ,QL xử lý tình huống lãnh đạo thì phong cách LĐ,QL của họ mới xuất hiện và gắn liền với các tình huống lãnh đạo đó. Phong cách LĐ,QLkhông tự phát hình thành mà là một quá trình hình thành có định hướng rõ rệt. Chúng ta phê phán quan niệm sai lầm khi cho rằng con người sinh ra đã có phong cách bẩm sinh. Để có phong cách LĐ,QL hiệu quả, người LĐ,QL phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng và tự rèn luyện bản thân để có sức khoẻ, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, họ phải thực sự chủ động, linh hoạt, nhanh nhạy nắm bắt và xử lý được các tình huống xảy ra trong công việc theo hướng hiệu quả nhất.

Phong cách LĐ,QL có quan hệ chặt chẽ với tình huống lãnh đạo,tình huống lãnh đạo được xem là những hoàn cảnh có vấn đề nảy sinh trong quá trình lãnh đạo đòi hỏi người LĐ,QL phải đưa ra các quyết định lựa chọn sử dụng các chiến lược gây ảnh hưởng phù hợp nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra. Tình huống lãnh đạo diễn ra trong công việc, nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người LĐ,QL. Các tình huống có thể là: tình huống về sự tác động của các điều kiện kinh tế - xã hội (thay đổi cơ chế, chính sách và pháp luật...); các tình huống này sinh trong thực hiện các mục tiêu đã được xác định (thực hiện các mục tiêu về quản lý con người, đất đai, tài chính, xây dựng, an ninh...); các tình huống về đặc tính của khách thể lãnh đạo (đặc điểm tâm lý của cá nhân, tập thể, các tình huống bất trắc xảy ra trong quan hệ khách thể như những bất đồng mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ nhóm, tập thể, thiên tai, hỏa hoạn...)(5). Mỗi tình huống lãnh đạo có bản chất và đặc điểm riêng đòi hỏi người LĐ,QL phải có những thay đổi hợp lý và sẵn sàng đối phó với những tình huống có thể xảy ra. Tùy theo tính chất của những tình huống khác nhau, người LĐ,QL quyết định sử dụng kiểu phong cách LĐ,QLnào để đạt được mục tiêu lãnh đạo chứ không sử dụng tùy tiện mà phải có cơ sở, căn cứ xác đáng của việc lựa chọn đó. Ví dụ: Khi những tình huống bất trắc, gấp gáp xảy ra đòi hỏi người LĐ,QL phải giải quyết ngay thì phong cách LĐ,QLchỉ huy, thậm chí phải dùng mệnh lệnh thì mới giải quyết được việc. Khi tình huống bình thường, không đòi hỏi phải quyết định gấp gáp thì phong cách LĐ,QLdân chủ, bàn bạc, lắng nghe nhiều ý kiến rồi mới đưa ra quyết định. Khi những tình huống gây hoang mang, dao động đối với nhiều người thì đòi hỏi người LĐ,QL phải thân mật, lắng nghe và tìm cách thuyết phục, gần gũi với nhân viên để họ tìm thấy chỗ dựa, đặt niềm tin thì phong cách LĐ,QLdân chủ, thân mật sẽ phát huy hiệu quả. Thông thường, phong cách LĐ,QL tồn tại ở dạng tiềm năng, chỉ khi nào người LĐ,QL xử lý tình huống lãnh đạo thì phong cách lãnh đạocủa họ mới xuất hiện và gắn liền với các tình huống lãnh đạo đó. Thông qua các phương pháp hành động, cách thức ứng xử, người LĐ,QL có thể là lắng nghe, thảo luận với cấp dưới, có thể là người LĐ,QL dùng quyền lực của mình để ra mệnh lệnh yêu cầu họ phải thi hành, cũng có thể là người LĐ,QL buông lỏng, ít sử dụng quyền lực trong lãnh đạo để cán bộ, nhân viên tự giải quyết công việc, người LĐ,QL chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc mà thôi... Các hoạt động của người LĐ,QL như chúng tôi vừa mô tả liên tục xảy ra mỗi khi tình huống lãnh đạo xuất hiện cần giải quyết. Quá trình đó dần dần hình thành ở người LĐ,QL một số kiểu phương pháp hành động, cách thức ứng xử được các nhà khoa học đã khái quát hóa và phân loại thành các kiểu phong cách LĐ,QL khác nhau. Hay nói cách khác, các tình huống luôn diễn ra đòi hỏi người LĐ,QL phải có các biện pháp giải quyết. Cách thức người LĐ,QL sử dụng quyền lực khi xử lý các tình huống lãnh đạo khác nhau dẫn đến hình thành ở họ các kiểu phong cách LĐ,QL khác nhau, kiểu phong cách LĐ,QL xuất hiện trong quá trình xử lý các loại tình huống đó. Có nhiều cách phân chia kiểu phong cách LĐ,QL, mỗi cách phân chia đều phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, theo chúng tôi cách phân chia của K. Lêwin được nhiều người thừa nhận và phù hợp vì phân chia này xuất phát từ mức độ sử dụng quyền lực khi xử lý các tình huống của người LĐ,QL. Với cách phân chia này, chúng tôi có ba kiểu phong cách LĐ,QL đó là: phong cách LĐ,QL độc đoán, dân chủtự do. Mỗi kiểu đều có đặc điểm riêng. Phong cách độc đoán là khi người LĐ,QL sử dụng quyền lực chức vụ trong lãnh đạo, buộc cán bộ, nhân viên dưới quyền phải thực hiện theo. Phong cách dân chủ là khi ngườiLĐ,QL kết hợp sử dụng quyền lực trên cơ sở tôn trọng ý kiến của tập thể, gần gũi cán bộ, nhân viên dưới quyền, đoàn kết, biết tập hợp và phát huy sáng kiến của người khác. Phong cách tự do ngườiLĐ,QL buông lỏng, ít sử dụng quyền lực, cung cấp nhiều thông tin, quan tâm đến kết quả công việc, ít quan tâm đến tiến trình công việc. Mỗi phong cách đều có mặt ưu và mặt nhược điểm, điều quan trọng là người sử dụng phù hợp với các tình huống lãnh đạo sẽ phát huy hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Tùy theo từng hoàn cảnh khác nhau, tình huống khác nhau, ngườiLĐ,QL sẽ lãnh đạo theo kiểu phong cách lãnh đạophù hợp. Phong cách độc đoán cũng giúp cho ngườiLĐ,QL có được sự tự tin, sự cương quyết khi đưa ra quyết định cho tổ chức, với những trường hợp ngườiLĐ,QL có năng lực, có ý chí mãnh liệt thì họ có thể đưa ra những quyết định mang tính đột phá và đưa lại kết quả cao. Trong môi trường lãnh đạo dân chủ, phong cách dân chủ sẽ khuyến khích được ý kiến đóng góp của cấp dưới, người LĐ,QL trưng cầu được ý kiến của cấp dưới khi ra quyết định. Với phong cách LĐ,QL dân chủ, ngườiLĐ,QL dễ tạo nên được sự đồng thuận các ý kiến, đồng thời cũng biết được những ý kiến trái chiều để tìm ra được những mặt khó khăn gặp phải trong quá trình ra quyết định lãnh đạo. Trong một số trường hợp, phong cách LĐ,QL tự do cũng là điều kiện thuận lợi để cán bộ, nhân viên phát huy sáng kiến. Với phong cách LĐ,QL này, cán bộ, nhân viên được độc lập suy nghĩ cho các phương án và tự tìm cách giải quyết, điều quan trọng là họ có được kết quả của công việc... ngườiLĐ,QL chủ yếu giám sát kết quả công việc, tìm hiểu công việc thông qua báo cáo kết quả... Vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác LĐ,QL, việc cấp thiết là cần phải loại bỏ kiểu lãnh đạo quan liêu vì quan liêu là con đẻ của cơ chế bao cấp, là nguyên nhân của các thứ bệnh như: độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ, thiếu sâu sát dân, tư tưởng cục bộ... sẽ dẫn đến hiệu quả công việc kém, cấp dưới chán nản không còn mặn mà với công việc, tác phong trì trệ, thiếu năng động, thiếu đổi mới, bóp nghẹt sáng kiến của cấp dưới...

Phong cách LĐ,QL được biểu hiện thông qua kiến thức và hành động trong công việc của người LĐ,QL. Đó là, kiến thức hiểu biết chính trị và khả năng sử dụng quyền lực trong LĐ,QL. Thực chất, người LĐ,QL là người làm chính trị, tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội. Nếu người LĐ,QL sử dụng quyền lực chính trị hợp lý, như là một nghệ thuật, thì quyền lực sẽ trở thành “phương tiện, công cụ” để họ thực hiện các hoạt động chỉ đạo, điều hành có hiệu quả. Đó là, khả năng tổ chức công việc, lãnh đạo, điều hành con người trong tổ chức, tầm “nhìn xa, trông rộng”, “tư duy chiến lược”, có được những khả năng này, sẽ giúp người LĐ,QL định hướng và chọn mục tiêu đúng, đồng thời họ sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công việc có hiệu quả. Đó là, tri thức và khả năng chuyên môn thuộc lĩnh vực người LĐ,QL trực tiếp phụ trách. Thực tế đã chứng minh, không thể trở thành người LĐ,QL giỏi nếu người đó không hiểu biết, hoặc hiểu biết ít về chuyên môn mà mình lãnh đạo, điều hành. Tiếp đến, phong cách LĐ,QL thể hiện ở các kỹ năng giao tiếp, ứng xử của người LĐ,QL, đó là cách nói, viết, cách hùng biện, các kỹ năng tuyên truyền, vận động cấp dưới và người dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khả năng giao tiếp tốt, cách ứng xử thông minh, khôn khéo, tế nhị, có nghệ thuật và hiệu quả được coi là bí quyết thành công của người LĐ,QL.

Hiệu quả của phong cách LĐ,QLtùy thuộc vào khả năng nắm bắt bản chất các tình huống LĐ,QL và khả năng người LĐ,QL xử lý có hiệu quả các tình huống đó. Hay nói cách khác, tùy thuộc vào năng lực phán đoán, nhận định, đánh giá của người LĐ,QL trước những tình huống mới đòi hỏi họ phải đưa ra quyết định xử lý. Tiêu chí cuối cùng để đo hiệu quả phong cách LĐ,QL chính là kết quảcông việc của người LĐ,QL. Kết quả công việc là tiêu chí quan trọng nhất, là thước đo tổng hợp nhất, chính xác nhất để đánh giá thành công của người LĐ,QL.

Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta hiện nay đang đặt ra nhiều đòi hỏi và thách thức đối với chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý còn những yếu kém về phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức, năng lực và lối sống, đặc biệt là phong cách LĐ,QL bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Vẫn còn những cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa qua thử thách và rèn luyện, tác phong chậm chạp, lối làm việc quan liêu, xa dân, chưa thích ứng với điều kiện của cơ chế thị trường nên họ còn thiếu chủ động, bỡ ngỡ trước những tình huống lãnh đạo mới cần phải giải quyết như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu… làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”(6).

Nghiên cứu phong cách LĐ,QL dưới góc nhìn khoa học nhằm đưa ra các giải pháp về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả LĐ,QL là góp phần vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2013

(1) Paul Hersey, Ken Blanchard, Quản lý nguồn nhân lực, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.135.

(2) K.Lewin: “Leadership styles”, NewYork, 1968, p.128.

(3) Dominique Chalvin, Các phong cách lãnh đạo,Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1993, tr.22.

(4) A.J. Dubrin, C.R.Dalglish và P.Miller:
Leadership. 2nd Asia - Pacific Edition, 2002, p.82.

(5) Nguyễn Các, Đoàn Văn Nhuệ, Nguyễn Cảnh Hoan: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.31.

(6) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.

 

ThS Trần Nhật Duật

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền