Trang chủ    Diễn đàn    Những vấn đề rút ra từ cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay
Thứ ba, 31 Tháng 12 2013 23:34
5479 Lượt xem

Những vấn đề rút ra từ cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Cách mạng Việt Nam đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lư­ợc xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử: “Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCNđược đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc đ­ược củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên tr­ường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp”(1).

Tuy nhiên, n­ước ta đang đứng tr­ước những thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp không thể coi thư­ờng như: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều n­ước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại; tình trạng suy thoái về tư­ tư­ởng, đạo đức, lối sống, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn đang diễn ra nghiêm trọng ch­ưa đ­ược ngăn chặn một cách hiệu quả; những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tư­ởng của CNXH ch­ưa đ­ược khắc phục; các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện âm m­ưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở n­ước ta.

Từ sau Đại hội X của Đảng (4-2006) đến nay, bên cạnh tư tưởng chủ đạo là ý thức độc lập dân tộc, ý chí tự lực tự cường, kiên trì xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh theo định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, còn có sự diễn biến khá phức tạp của tình hình tư tưởng, chính trịdo nhiều nguyên nhân đang tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Có thể nói, tình hình đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, làm cho cuộc đấu tranh ý thức hệ ở nước ta những năm gần đây trở nên ngày càng phức tạp. Các thế lực thù địch với CNXH tấn công vào Việt Nam từ nhiều phía, trong đó nổi lên hai xu hướng chính:

Một là, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi.

Ngày nay, chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ đang được các thế lực thù địch chống CNXH đẩy mạnh và ngày càng quyết liệt về cường độ, toàn diện về nội dung, đa dạng về phương pháp để tấn công vào Việt Nam nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đó là xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đi đến làm suy yếu và thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN, đưa nước ta theo con đường TBCN. Chúng ra sức phủ nhận, xuyên tạc lý luận CNXH khoa học, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp với con đường phát triển của Việt Nam vì học thuyết này đã bị thất bại ở Đông Âu và Liên Xô; rằng Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện và việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sự sai lầm...

Ở nước ta, trong những năm gần đây các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cũng ra sức tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tấn công vào Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta; chúng không chỉ đòi xoá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn tấn công trực diện, phê phán, bác bỏ đường lối chính sách của Đảng, tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân. Họ cho rằng “giữ vai trò độc tôn chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ đưa tới sự trì trệ về trí tuệ”, mục đích là bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, nền tảng tư tưởng của Đảng. Họ cho rằng đi theo CNXH “là ngõ cụt, là thất bại”;họ cho rằng sự lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là “Đảng trị”, “Đảng chỉ nên lãnh đạo chính trị”, “sự lãnh đạo độc quyền của Đảng là nguồn gốc của sự lạm quyền, tham nhũng”. Họ bác bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, cho rằng với nguyên tắc này “nhiều lắm dân chủ chỉ trở thành đồ rởm”, chỉ có tác dụng trang trí cho tập trung quyền lực. Họ bác bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, cho rằng nền kinh tế quốc doanh “trở thành nguồn tham ô, lãng phí ghê gớm”, kinh tế quốc doanh thành chủ đạo có nghĩa là triệt tiêu hoặc làm suy yếu các thành phần kinh tế khác, nhất là kinh tế tư nhân. Họ hô hào phát triển kinh tế tư nhân, cho đó là thành phần chủ lực quyết định trong nền kinh tế thị trường. Hô hào dân chủ tư sản, trong khi đó họ đưa ra quan điểm “lập lờ” để làm cho mọi người hiểu lầm là: “trong quan niệm về dân chủ, không nên cứng nhắc đưa ra dân chủ tư sản và dân chủ vô sản”. Có quan điểm cho rằng “chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác là thứ xa xỉ phẩm”, rằng “Cụ Hồ không hiểu gì về chủ nghĩa xã hội mà vẫn chọn”, rằng “chủ nghĩa xã hội khoa học cũng là không tưởng, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ là không tưởng mới”. Họ đòi xoá bỏ điều 4 của Hiến pháp nước ta nói về địa vị pháp lý của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; v.v..

Tất cả những quan điểm sai trái trên, kể cả những người tự cho mình “đổi mới”, “tiên tiến” ở nước ta đều là phủ nhận những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ yếu là phủ nhận vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những người đó đã quên rằng thực tế lịch sử đã và đang chứng minh: giai cấp công nhân Việt Nam với đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là trong 25 năm đổi mới vừa qua, đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, đã đưa dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới như thế nào.

Từ thực tế thế giới những thập kỷ gần đây đã chứng minh: trong khi các thế lực thù địch ra sức rêu rao rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không còn sức sống trong thời đại ngàynay, giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử nữa thì lịch sử vẫn đi con đường của nó. Bằng sự thành công của công cuộc cải cách CNXH ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam cho thấy, giai cấp công nhân - với Đảng Cộng sản của nó, hiện nay vẫn là người đại diện cho lực lượng sản xuất của một phương thức sản xuất mới. Các lực lượng cánh tả ở Mỹ Latinh những năm qua liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và đã trở thành lực lượng cầm quyền ở 9 quốc gia Mỹ Latinh, trong đó có 4 quốc gia công khai đi theo con đường XHCN, hướng tới sự công bằng, bình đẳng, tự do cho mọi người. Trên thực tế, họ đang thực hiện một nền giáo dục, y tế miễn phí cho người dân. Đặc biệt về tư tưởng, các nước này công khai tuyên bố lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy tư tưởng Simon Boliva, và các tư tưởng tiến bộ khác, làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động...

Đó chính là những biểu hiện khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng Cộng sản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay. CNXH hiện thực đang trải qua những thách thức ngặt nghèo, tuy nhiên quy luật đi lên CNXH vẫn đang diễn ra. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản vốn đã được lịch sử trao cho, mọi sự áp đặt hay phủ nhận đều là chủ quan, phi lý và không tưởng.

Hai là, các hoạt động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt chủ nghĩa, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Đây là kết quả của sự “tự diễn biến” dưới sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Niềm tin cộng sản bị thử thách nghiêm trọng và ở một bộ phận không nhỏ đã bị lung lay, phai nhạt. Một bộ phận không nhỏ chưa hiểu được CNXH là gì, con đường đi lên CNXH ở nước ta ra sao. Một bộ phận khác, bên ngoài vẫn nói về CNXH, nhưng trong suy nghĩ hầu như không còn tin CNXH, có người ngại nói về CNXH... Đã và đang xuất hiện những dấu hiệu “tự chuyển hóa”, tuy chưa công khai từ bỏ CNXH, nhưng cho rằng CNXH là mục tiêu cao cả, nhưng xa xôi, trước mắt chỉ lo phấn đấu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh là đủ... Một số đã thực sự “diễn biến”, “chuyển hóa” với danh nghĩa “đổi mới triệt để”, đổi mới kinh tế phải song song “đổi mới chính trị”, phê phán và bác bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi “đa nguyên”, “đa đảng”, “ly thân”, “chia tay ý thức hệ”, sám hối, đi “tìm cái tôi đã mất”, từ bỏ CNXH, ca ngợi CNTB một chiều.

Từ sự lung lay ý chí, suy thoái về tư tưởng đã xuất hiện nhiều hành động, từ phát ngôn đến việc làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương và pháp luật của Nhà nước. Thậm chí có những hành động mang tính chống đối với giọng điệu không khác mấy quan điểm của những phần tử cơ hội, phản động đang mơ tưởng xây dựng tổ chức chính trị đối lập cũng đã xuất hiện trong nội bộ. Có người vốn được nuôi dưỡng, trưởng thành trong chế độ XHCN, từng làm cách mạng và được mang ơn cách mạng, thậm chí được nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhưng do thoái hóa, biến chất đã quay lại chống Đảng, chống Nhà nước và chế độ ta, cuối cùng đã phải xa vào vòng lao lý...

Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, nhất là trên mạng internet đã xuất hiện những bài viết, trả lời phỏng vấn thể hiện sự “tự diễn biến” về tư tưởng, công khai xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, hùa với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tạo nên những bi quan, hoang mang nghi vấn trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ nội bộ, làm yếu sức đề kháng, tạo cơ sở cho sự xâm nhập dễ dàng của chiến lược “diễn biến hòa bình” dẫn đến lây lan sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng gia tăng. Cũng có báo chí vô tình hay hữu ý đã không ngừng dựng lên những bức tranh ảm đạm về mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... có những bình luận lập lờ, vòng vo hoặc suy diễn trực tiếp, quy nguyên nhân về phía chủ trương của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm giảm lòng tin của dân chúng đối với Đảng, Nhà nước, với con đường chúng ta đang đi...

Tất cả những điều đó cùng với những yếu kém, những bức xúc của xã hội, đã làm cho trong Đảng đã xuất hiện các ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng đến tính đồng thuận của xã hội.

Trước tình hình trên đây, một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho công tác tư tưởng, lý luận trong thời kỳ mới là phải tăng cường tính thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi những nhân tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mục tiêu, con đường đi lên CNXH của đất nước trong tình hình mới. Do vậy, cần phải có sự thống nhất ý chí và hành động của toàn đảng, toàn dân trên nền tảng tư tưởng và Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng.

Do vậy, để đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, lý luận hiện nay, cần làm tốt những vấn đề sau:

Thứ nhất, xây dựng một hệ thống quan điểm lý luận thật sáng tỏ, có tính thuyết phục về cơ sở khoa học và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; kiên trì và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tuân thủ nghiêm minh và sáng suốt tư tưởng Hồ Chí Minh là điều tiên quyết, mang tính cơ bản, giữ vị trí nền tảng của an ninh tư tưởng hiện nay. Muốn vậy phải phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác lý luận, của khoa học xã hội và nhân văn, của cả hệ thống chính trị trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của nước ta trong quỹ đạo vận hành của lịch sử nhân loại và trong bối cảnh chung toàn cầu.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lựa chọn những cán bộ có đủ tiêu chuẩn, khả năng làm công tác lý luận và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để dần dần hình thành những nhà khoa học đầu đàn, có phẩm chất, đạo đức, có tư duy lý luận sáng tạo, năng động trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Thứ ba, giữ vững trận địa tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục một cách thuyết phục để nâng cao sức đề kháng cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, sinh viên, học sinh, công nhân và các tầng lớp nhân dân từ cơ sở. Đó sẽ là nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, ngăn ngừa “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, bảo đảm an ninh tư tưởng, góp phần tích cực giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống.

Thứ tư,tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng; thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tập trung vào việc giáo dục đạo đức cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ, đảng viên; đồng thời với việc cải cách hành chính nhà nước, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân, làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh. Có thể nói, thực hiện thắng lợi trên thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chính là vũ khí phê phán mạnh mẽ nhất đối với các quan điểm sai trái, thù địch.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2011

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.67.

 

PGS, TS Dương Văn Bóng

Viện Khoa học nghệ thuật quân sự - Học viện Quốc phòng

 


(*).

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền