Trang chủ    Diễn đàn    Báo chí tích cực tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay
Thứ ba, 11 Tháng 3 2014 09:18
2815 Lượt xem

Báo chí tích cực tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội…góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương, minh bạch hoá quan hệ xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

 

Báo chí cách mạng Việt Nam trong những năm qua đã có sự phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng, nội dung thông tin ngày càng đa dạng, phong phú. Hiện nay, cả nướccó 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo, 507 tạp chí; địa phương có 113 báo, 132 tạp chí; có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.Mạng lưới phát thanh, truyền hình có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng mặt đất toàn quốc, gồm có Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương. Nhiều chương trình phát thanh truyền hình quốc gia và một số chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá khác được phát sóng trên mạng Internet đến các khu vực và các nước trên thế giới phục vụ thông tin đối ngoại.Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng lớn mạnh.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí đã đóng góp quan trọng vào việc tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thông tin về kết quả đấu tranh chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương; biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vai trò của báo chí trong việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng được thể hiện ở một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, góp phần phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực.

Báo chí đã trở thành một lực lượng xung kích trong việc phát hiện, phanh phui các hành vi tham nhũng, tiêu cực trước dư luận. Nhiều nhà báo đã tham gia điều tra, nắm bắt thông tin về tham nhũng, tiêu cực có tác dụng thôi thúc các cơ quan chức năng vào cuộc...

Các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí bám sát cập nhật thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Trong quá trình tác nghiệp chống tiêu cực, báo chí đã phải chịu những áp lực rất lớn, sự chống trả quyết liệt. Những năm gần đây, báo chí đã có hàng loạt các bài phóng sự điều tra phản ánh tình trạng tha hóa của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, gây nên tình trạng mất dân chủ trầm trọng, vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trên lĩnh vực thu hồi đất, đền bù thiệt hại không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân; tình trạng vi phạm dân chủ ở cơ sở...Các vụ án liên quan đến tham nhũng đã được báo chí phản ánh góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động công vụ ở các cơ quan nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, để người dân làm tốt hơn vai trò giám sát hoạt động thực thi công vụ của công chức và đội ngũ lãnh đạo trong bộ máy công quyền.

Trên thực tế, hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi  phức tạp đến đâu, cũng khó qua được tai mắt của nhân dân, trong đó có báo chí. Trong nhiều vụ việc tiêu cực, báo chí đã cung cấp chứng cứ ban đầu để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý…Có thể thấy, báo chí không chỉ làm tốt công tác giám sát mà còn là công cụ phục vụ đắc lực cho công tác điều hành, quản lý của bộ máy nhà nước.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng và những điển hình tiên tiến được báo chí tuyên truyền, nhân rộng, góp phần hình thành dư luận xã hội bài trừ hành vi tham nhũng. Qua thông tin báo chí, người dân nắm được diễn biến của thực trạng tham nhũng, biết và thấu hiểu hơn về những khó khăn trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng.

Thứ hai, tham gia tuyên truyền, giáo dục nhận thức của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Báo chí, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã được báo chí tuyên truyền sâu rộng, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc làm tăng tính công khai, minh bạch của hệ thống cơ quan nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ về các vụ tham nhũng được thanh tra, điều tra và xét xử.                 

Với nội dung thông tin có định hướng đúng đắn, chân thật, có sức thuyết phục, báo chí có khả năng hình thành dư luận xã hội, dẫn đến hành động xã hội, phù hợp với sự vận động của hiện thực theo những chiều hướng có chủ định.
Trong bối cảnh hiện nay, quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân là ngăn chặn đẩy lùi suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đã thực sự đi trước, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong xã hội; thể hiện sự nhạy bén, trách nhiệm trước nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Đảng, Nhà nước, pháp luật luôn khẳng định vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực và trên thực tế, báo chí đang làm tốt vai trò đó. Song, để thực hiện được vai trò của mình, các cơ quan báo chí, nhà báo cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cần có nghiệp vụ cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.  

Phòng, chống tham nhũng được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Về bản chất, phòng chống tham nhũng là giữ gìn sự trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Đây là nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta.

Thứ ba, tham gia phát hiện những vấn đề chưa hoàn chỉnh trong chính sách, pháp luật, ngăn ngừa sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tham nhũng.     

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tập trung cao độ. Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường phòng ngừa và chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Một trong những nguyên nhân là do chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn không ít kẽ hở, để những kẻ cơ hội lợi dụng để tham nhũng. Trong xây dựng chính sách chưa lường hết những bất cập, những tình huống thực tế có thể xảy ra do chính sách chưa rõ ràng, thiếu tính ổn định lâu dài, hoặc không phù hợp với thực tế, chính sách mang tính cục bộ về lợi ích, thiếu tính liên thông giữa các chính sách,...  Trong những năm qua, báo chí đã phát hiện, phản ánh những bất cập trong chủ trương, chính sách, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho các cơ quan hoạch định chính sách để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.  

 

ThS Trương Thị Văn

                                                                                                                                             Ban Nội chính Trung ương

 

Thông tin tuyên truyền