Trang chủ    Diễn đàn    Một số vấn đề về đổi mới hoạt động khoa học tại Học viện
Thứ năm, 20 Tháng 3 2014 13:52
2234 Lượt xem

Một số vấn đề về đổi mới hoạt động khoa học tại Học viện

(LLCT)- Công tác quản lý khoa học ở Học viện đã được cải tiến một phần nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa mới đáp ứng được yêu cầu một trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học. Giải pháp cho vấn đề này có nhiều và cần được phân tích một cách thấu đáo hơn.

 

1. Một trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh với chức năng, nhiệm vụ là  một trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Học viện đang tích cực tiếp tục đổi mới, thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sự phát triển của lý luận chính trị, góp phần vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Điều đặc biệt và cũng là sự khác biệt với các cơ sở đào tạo khác trong hệ thống giáo dục-đào tạo quốc dân là: Học viện đào tạo chủ yếu cán bộ lãnh đạo, quản lý dự nguồn trung - cao cấp và cán bộ lý luận chính trị cho hệ thống chính trị, những người vốn đã có ít nhất một bằng đại học. Tương ứng với đội ngũ học viên như vậy là các chương trình cao cấp lý luận chính trị; đại học chính trị; thạc sĩ, tiến sĩ… Học viện còn có nhiệm vụ mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các chức danh cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cũng như các cơ sở kinh tế. Học viện cũng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho một số đảng bạn, nước bạn.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đó, Học viện phải tiến hành công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới còn lập ra các viện nghiên cứu ở trong trường; coi các thành tích nghiên cứu khoa học là những chỉ số bắt buộc và cực kỳ quan trọng để xếp hạng mức độ chất lượng tốt hay chưa tốt của một trường. Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, cần nhìn lại vai trò của Học viện trong công tác nghiên cứu khoa học. Ở Học viện, công tác nghiên cứu khoa học gồm ba điểm sau đây:

Một là, nghiên cứu khoa học để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trình độ của giảng viên phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng công tác nghiên cứu khoa học. Vì một điều hiển nhiên là những kết quả nghiên cứu khoa học ở đây ngay lập tức được đội ngũ khoa học đưa vào các tập chương trình, bài giảng, giáo án, giáo trình, được chính những giảng viên đưa lên bục giảng hằng ngày.

Hai là, công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện đưa ra những luận cứ khoa học giúp cho Trung ương Đảng và Nhà nước, các ngành và các cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương tham khảo trong quá trình hoạch định, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách phát triển. Như vậy, Học viện như là một cơ quan tham mưu, tư vấn chính trị cho Đảng và Nhà nước, nhưng là một cơ quan tham mưu, tư vấn đặc biệt, vì Học viện phải chủ động tham mưu, tư vấn bằng kết quả nghiên cứu khoa học để sáng tạo, tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới trong lý luận chính trị để xây dựng, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách.

Ba là, nghiên cứu khoa học ở Học viện góp phần thúc đẩy công tác lý luận chính trị, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Học viện có nhiều lợi thế so với các trường đại học cũng như các viện nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn khác trong cả nước do chức năng, nhiệm vụ, do vị trí, vai trò của mình, trong việc đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy Học viện không phải là cơ sở duy nhất nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng đối với một số ngành, chuyên ngành thì rõ ràng chỉ có ở đây. Chẳng hạn, đó là viện nghiên cứu chuyên sâu Hồ Chí Minh học; xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; khoa học chính trị.

Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đặt chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình biện chứng, phát triển, vì bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những hệ thống mở và luôn luôn được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống. Để công việc này đạt hiệu quả nhất, phải đưa chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình phát triển của đất nước chứ không dừng lại ở lý thuyết. Điều này được Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI nhấn mạnh khi đề cập khoa học phải bám sát thực tế, phải coi trọng tổng kết thực tiễn.

2. Những kết quả chủ yếu

Nhìn lại một cách tổng quát, trong nhiều năm qua, Học viện đã đạt được một số kết quả sau đây:

Một là, đã nghiên cứu một cách cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Học viện đã khẳng định những giá trị đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, chỉ ra những vấn đề tuy trước đây đúng nhưng đã bị lịch sử vượt qua. Đó là quá trình nghiên cứu vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Quá trình nghiên cứu khoa học của Học viện đã góp phần lý giải về các sự kiện quan trọng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, khẳng định lại bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đáng chú ý là, trong quá trình nhận thức, Đảng coi tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, đã, đang và sẽ còn tiếp tục soi đường cho cách mạng Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn vận động và phát triển cùng thời đại. Học viện đã nghiên cứu để góp phần bổ sung, phát triển lý luận đó trên nhiều nội dung. Đó là vấn đề Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong điều kiện mới, về những vấn đề kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức, những vấn đề kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH, những vấn đề của thế giới đương đại, v.v..

Hai là, Học viện đã góp phần nghiên cứu về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Con đường XHCN của Việt Nam chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Lý luận Mác-Lênin nói chung chỉ đưa ra những vấn đề phương pháp luận và là những nguyên lý chung. Ở đây, những quan điểm của Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam vẫn là những chỉ dẫn có tính soi đường cho phát triển. Song, do những điều kiện lịch sử nhất định, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu để vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện mới - điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; trong điều kiện của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền do một đảng chính trị duy nhất trong xã hội mà đảng đó đóng vai trò cầm quyền; trong điều kiện hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá.

Ba là, Học viện đã góp phần nghiên cứu về hệ thống chính trị Việt Nam trong quá trình cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Đây là một trong những nội dung được Học viện triển khai nhiều nhất và sâu nhất trong những năm qua. Một hệ thống chính trị bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là yếu tố hạt nhân, Nhà nước là trung tâm, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội khác là các tổ chức thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Trong hệ thống chính trị đó, một cơ chế vận hành của xã hội đã được nghiên cứu và khẳng định trong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Học viện đã có nhiều chương trình, đề tài về quá trình lịch sử hoạt động của Đảng và những bài học của quá trình đó; những vấn đề lý luận - thực tiễn của Đảng cầm quyền, nhất là trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Bốn là, Học viện đã góp phần nghiên cứu làm sáng tỏ đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu của chính bản thân công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và là yêu cầu tự thân của các đơn vị cũng như cá nhân các nhà khoa học của Học viện. Chỉ có trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc những vấn đề đó thì đội ngũ giảng viên mới hướng dẫn, truyền đạt, khơi sức sáng tạo cho học viên tiếp nhận, vận dụng, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào trong thực tế công tác lãnh đạo, quản lý của mình sau khi tốt nghiệp. Đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện đã quán triệt các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, luôn đi sâu nghiên cứu, cập nhật những vấn đề mới trong lý luận và nhất là thực tiễn để bổ sung, phát triển, hoàn thiện quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Năm là, Học viện đã nghiên cứu những vấn đề của khoa học hành chính, góp phần tích cực vào xây dựng Nhà nước và nền hành chính hiện đại, XHCN, phù hợp với tình hình đất nước trong các giai đoạn của cách mạng nước ta. Với bề dày truyền thống Học viện Hành chính đã có nhiều đóng góp tích cực, có giá trị vào việc xây dựng nền hành chính quốc gia và nói riêng vào cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay, đã xây dựng được nhiều bộ chương trình, giáo trình, tập bài giảng, từ đó xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học để đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Do yêu cầu của tình hình mới, Học viện Hành chính lại trở về Bộ Nội vụ, không nằm trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nữa, nhưng Học viện Hành chính cũng đã để lại dấu ấn tích cực trong việc duy trì và phát triển công tác nghiên cứu khoa học.

Sáu là, Học viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học khá đông đảo, đó là vốn rất quý để Học viện tiếp tục phát triển. Toàn Học viện cho đến thời điểm hiện nay có khoảng 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó cán bộ khoa học chiếm gần 60%. Đó là đội ngũ cán bộ khoa học có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định con đường XHCN; nghiêm chỉnh chấp hành và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Bên cạnh đó, hoạt động khoa học của Học viện nói chung vẫn còn một số hạn chế: Học viện chưa tạo được những công trình khoa học lớn, có đóng góp thật xuất sắc vào quá trình giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh; chưa có nhiều công trình khoa học xứng đáng tầm tham mưu, tư vấn cho Trung ương, cho Nhà nước, trước hết cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Học viện xử lý mối quan hệ giữa công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học chưa thật nhuần nhuyễn, hợp lý, do đó lực lượng khoa học bị hút khá lớn vào tác nghiệp giảng dạy, nhất là khi các lớp hằng năm mở ra khá nhiều, kể cả các lớp không tập trung tại các địa phương, ngành. Do đó, quỹ thời gian vật chất để cho cán bộ khoa học nghiên cứu cho thật sâu, về mặt lý luận và nhất là điều tra, khảo sát tổng kết thực tiễn còn hạn chế rất nhiều.

3. Một số vấn đề đặt ra

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Học viện đang đứng trước những thời cơ và cả những thách thức trong công tác nghiên cứu khoa học để tiếp tục xứng tầm là một trung tâm quốc gia về nghiên cứu lý luận chính trị. Trong giai đoạn tới, những điều sau đây được chú ý rất đúng:

Một, bắt đầu từ nhận thức, nghĩa là phải làm cho tất cả mọi người trong Học viện, từ lãnh đạo các cấp cho đến cán bộ, công chức, viên chức quan tâm hơn nữa đến vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học. Phải thấy rõ mối quan hệ khăng khít, tính biện chứng giữa hai mặt công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, để có sự phân bố nguồn lực phù hợp.

Hai, xây dựng kế hoạch, lộ trình trong công tác nghiên cứu khoa học để triển khai thực hiện có hiệu quả, tập trung nguồn lực cho những công trình lớn, tránh dàn trải trong khi vẫn chú ý bảo đảm phát triển tiềm năng khoa học của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học trẻ.

Ba, chú trọng hơn nữa vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, khắc phục một cách cơ bản sự hẫng hụt đội ngũ hiện nay.

Bốn, Đảng và Nhà nước cần có sự đầu tư tương xứng, nhất là đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách, cho quá trình triển khai nghiên cứu khoa học của Học viện. Đồng thời, Học viện cần tích cực hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở nước ngoài, các địa phương, ngành ở trong nước. Với sự đầu tư nhỏ giọt và ít ỏi như hiện nay, thì khó thể hiện được là trung tâm quốc gia trong nghiên cứu khoa học. Kinh phí không phải yếu tố duy nhất và quyết định đến chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, nhưng thiếu kinh phí sẽ thiếu đi một cú hích quan trọng để thúc đẩy sự phát triển.

Năm, đổi mới cơ bản cơ chế quản lý các hoạt động khoa học ở cả tầm vĩ mô và cả ở tầm hệ thống Học viện. Đối với khoa học xã hội và nhân văn, cần bước đột phá lớn trong đổi mới cơ chế quản lý, để làm sao thúc đẩy được sự sáng tạo lớn trong nghiên cứu, đưa ra nhiều cống hiến mới về khoa học áp dụng vào thực tế của cuộc sống. Mặc dù đã có sự đổi mới cơ bản và toàn diện công tác khoa học và công nghệ ở tầm quốc gia, đã có Nghị quyết Trung ương về khoa học và công nghệ, có Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, nhưng công tác quản lý khoa học không phải một sớm một chiều mà có thể cải tiến được. Khoa học xã hội nói chung, những chuyên ngành lý luận chính trị nói riêng thì sự đổi mới, cải tiến cơ chế quản lý càng khó khăn và thường diễn ra chậm chạp.

Cần cải tiến công tác quản lý các hoạt động khoa học. Thực chất, quản lý khoa học là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng cường chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các hoạt động khoa học.

Có một thực tế là đầu tư nghiên cứu hầu hết là từ “bầu sữa” ngân sách nhà nước. Nghiên cứu, nghiệm thu xong thì nộp sản phẩm là hết. Có thể thấy, các dự án, chương trình, đề tài khoa học xã hội và nhân văn hiện với cơ chế như thế này đang gây ra sự tốn kém, lãng phí rất lớn.

Công tác quản lý khoa học ở Học viện đã được cải tiến một phần nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa mới đáp ứng được yêu cầu một trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học. Trong tình hình cơ chế ở tầm vĩ mô như vậy, thì quả thật ở tầm Học viện rất khó phát triển mạnh được. Mấy năm nay, thực ra ở Học viện, đã có sự tìm tòi cải tiến công tác quản lý để nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khoa học.

Một vấn đề đặt ra một cách cực kỳ cấp bách hiện nay và trong tương lai gần của Học viện là phải chú ý nhiều hơn nữa đến chất lượng của các hoạt động khoa học. Giải pháp cho vấn đề này có nhiều và cần được phân tích một cách thấu đáo hơn, bước đầu xin nêu sáu điểm sau đây:

- Đổi mới toàn bộ công việc xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học hằng năm và dài hạn (thường là 5 năm) và phải được đặt trong tổng thể phát triển của Học viện một cách dài hạn hơn, chí ít là 10 năm.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thật sự hợp lý. Phải bố trí lại cơ cấu, đầu tư các nguồn lực một cách đúng đắn nhất. Theo đó, cân đối lại các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tập trung tạo ra những “quả đấm chủ lực” cho một số nhiệm vụ khoa học vừa cơ bản, vừa cấp bách để đóng góp lâu dài cũng như trước mắt cho Học viện và cho xã hội.

- Tiếp tục tạo ra và khuyến khích cơ chế cạnh tranh lành mạnh để sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học, khắc phục dần những biểu hiện xấu của cơ chế “xin-cho”. Đổi mới cơ chế quản lý nguồn nhân lực và kinh phí để cán bộ khoa học được cạnh tranh, kiểm định hằng năm qua thực tế hoạt động khoa học. Đồng thời, kinh phí không có hiệu quả phải được thu hồi cũng như nếu có hiệu quả tốt thì được thưởng trên mức đầu tư ban đầu.

- Xây dựng và thực hiện cơ chế các chủ nhiệm, chủ trì đề tài, nhiệm vụ khoa học chịu trách nhiệm cao đối với các sản phẩm của mình. Ngoài việc đổi mới cơ chế đánh giá, nghiệm thu, các kết quả phải được những địa chỉ cụ thể nhận chuyển giao thẩm định.

- Đổi mới công tác quản lý khoa học ở Học viện, dù muốn hay không muốn, vẫn nằm trong guồng chế định của cơ chế quản lý ở tầm vĩ mô. Do vậy, với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Học viện phải có những đóng góp thực sự để đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chung của toàn quốc.

Học viện cần phát huy các nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động khoa học, để có cơ hội triển khai nhiều, triển khai sâu nhiều vấn đề khoa học, đóng góp cho quốc kế dân sinh. Trong giai đoạn hiện nay, ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Tài chính cần bổ sung các nguồn sau: Từ hợp tác nghiên cứu với các địa phương, ngành; từ hợp tác với các tổ chức ngoài nước, qua các dự án, các nguồn tài trợ.

Thống nhất quản lý khoa học ở Học viện. Sự phân tán trong công tác quản lý các hoạt động khoa học như bấy lâu nay ở Học viện là điều không hợp lý.

- Khuyến khích và có cơ chế để người nghiên cứu đưa ra những cái mới. Nếu không như thế thì sẽ gây ra lãng phí lớn về nguồn lực. Thật là vô lý và lãng phí khi một công trình khoa học nào đó không đưa ra được những cái mới, gọi là “cống hiến khoa học”. Theo dõi những năm gần đây, tôi thấy rằng, nhiều đề tài giai đoạn sau trùng với đề tài của giai đoạn trước; không ít đề tài khi được nghiệm thu thì không có địa chỉ áp dụng những kết quả nghiên cứu.

Một vấn đề đặt ra là: thế nào là cái mới trong các công trình khoa học xã hội và nhân văn?  Theo tôi, có bốn điểm đáng chú ý sau đây:

Một là, công trình khoa học đó phải đưa ra được những kết quả hoàn toàn mới và đúng đắn mà trước đó chưa từng có một công trình nào nêu ra.

Đây là cấp độ cao nhất trong nghiên cứu khoa học, thường được gọi là các phát minh khoa học. Đến một mức nào đó, những phát minh khoa học này được cộng đồng quốc gia hoặc quốc tế thừa nhận và được giải thưởng.

Hai là, công trình giải quyết tốt vấn đề khoa học mà các công trình trước đây đặt ra nghiên cứu nhưng giải quyết sai.

Công trình này về mặt nào đó có ý nghĩa như là sự đính chính lại những kết quả nghiên cứu của những người đi trước, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã giải quyết sai, đưa ra những kết luận khoa học không đúng; hoặc trong thời điểm lúc ấy tưởng là đúng nhưng nghiên cứu lại thì thấy không đúng.

Ba là, công trình được coi là có cái mới về khoa học khi nó giải quyết tốt những vấn đề mà các công trình trước đấy giải quyết chưa xong, chưa triệt để.

Ở đây, có sự kế thừa, vượt gộp mà trong khoa học xã hội và nhân văn thường hay thấy. Cái mới của các công trình sau chính là ở chỗ tiếp nối và nâng cao công trình cùng dạng, cùng tên, cùng loại trước đấy, để giải quyết tốt, triệt để những vấn đề khoa học đã được đặt ra. Các đề tài này, muốn có cái mới, có những cống hiến khoa học mới, ắt phải vượt qua cái cũ, có sáng tạo, nếu không như thế thì sẽ sa vào lối xào xáo cái cũ, tân trang lại những kết quả của các đề tài khác, thậm chí mắc vào tội ăn cắp kết quả của những đồng nghiệp, của những nhà khoa học đi trước (đạo văn, đạo ý tưởng của người khác).

Bốn là, công trình phải có cách đặt vấn đề mới, theo hướng tiếp cận mới.

Có thể có những công trình sau đưa ra những kết quả khoa học mà so với công trình trước đó không có gì mới, nhưng cái mới ở đây chính là ở chỗ cách đặt vấn đề mới, hướng tiếp cận mới. Cùng một kết luận khoa học nhưng những kết luận đó là của hai hoặc nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, trên cơ sở xuất phát từ các phương pháp và các hướng tiếp cận khác nhau.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2013

GS,TS Mạch Quang Thắng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền