Trang chủ    Diễn đàn    Văn hóa biển và thực thi chính sách biển
Thứ năm, 17 Tháng 4 2014 14:16
2844 Lượt xem

Văn hóa biển và thực thi chính sách biển

(LLCT) - Văn hóa biển là yếu tố không thể thiếu, nhất là khi hiện nay nước ta đang chủ trương xây dựng Việt Nam trở thành một “quốc gia biển”. Một “quốc gia biển” chỉ thật sự hùng mạnh khi chủ quyền đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc và chiến lược “phát triển kinh tế biển” gắn liền với “bảo tồn văn hóa biển”, với những giá trị truyền thống ngày càng được bổ sung những yếu tố mới để tạo nên nền tảng tinh thần vững chắc cho việc thực thi chính sách biển nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.

Văn hóa biển là văn hóa trong một lĩnh vực cụ thể - lĩnh vực biển. Cũng như văn hóa nói chung, văn hóa biển gồm cả khía cạnh giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa phi vật chất (tinh thần). Có thể hiểu văn hóa biển: “Là hệ thống hóa các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại lấy biển cả làm nguồn sống chính... Văn hóa biển phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng có tính hệ thống về giá trị nhân văn, tính lịch sử, không gian, môi trường...”(1).

Cùng với quá trình tồn tại của đất nước, văn hóa biển Việt Nam đã có từ xa xưa, rất cần được tiếp tục nghiên cứu. Do các hoạt động liên quan đến biển là lĩnh vực được phát triển muộn so với nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội và vì vậy tất yếu văn hóa biển là lĩnh vực phát triển muộn và thời gian nghiên cứu chưa được nhiều.

Văn hóa biển của chúng ta được nhìn nhận, đánh giá tích cực: “Sử liệu cho chúng ta thấy ý thức về biển đảo đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc. Trong điều kiện đương thời, các nhà Tiền Lê, Lý đã xây dựng được hải quân với hàng trăm binh thuyền để trông coi vùng biển. Năm 1172, Lý Anh Tông đích thân đi tuần tra các đảo và vẽ bản đồ trên biển” và “chúng ta vẫn phải ghi nhận ông cha ta đã có ý thức về lãnh thổ trên biển cả rất sớm. Sau này, từ thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn cũng đã xác lập chủ quyền người Việt trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”(2).

Từ thực tiễn đời sống xã hội và lịch sử dân tộc, văn hóa biển của nước ta cũng rất đa dạng và phong phú ở cả khía cạnh kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ hàng nghìn năm, người Việt đã biết dùng nước biển để làm muối và kỹ thuật làm muối của người Việt cũng vô cùng độc đáo: nấu nước biển để lấy muối. Không chỉ khai thác nguồn lợi từ biển, người Việt còn biết chế biến những sản phẩm của biển để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, người Việt còn chinh phục biển bằng cách “quai đê, lấn biển”, “thau chua, rửa mặn” để biến những đầm lầy hoang vắng hoặc những vùng đất chua mặn ven biển thành những vùng làng quê trù phú như: sự hình thành hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) vào thời Nguyễn là một minh chứng điển hình. Biển đã gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt với Lễ hội cầu ngư, tục thờ cúng cá Ông, với những vị thần từ biển khơi hiện diện trong hệ thống thần linh của những cộng đồng cư dân ven biển. Cùng với quá trình sống chung với biển và chinh phục biển, người Việt cũng đã chú trọng xác lập chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ thế kỷ XVI - XVII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các nước lân cận như Trung Hoa, Nhật Bản,... Đặc biệt, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) đã thành lập đội Hoàng Sa, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của Tổ quốc trên những vùng biển đảo xa xôi(3). Bên cạnh đó, “cư dân Việt từ các làng quê ven biển đã không quản ngại gian khó, vượt biển tìm đến những hòn đảo nằm giữa muôn trùng sóng dữ, vừa để khẩn hoang, lập làng làm nơi cư trú và mưu sinh muôn đời, vừa tạo nên những phên dậu vững chắc để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”(4). Từ hàng trăm năm trước đã có hàng nghìn làng chài lênh đênh trên biển, có hàng triệu người sống ở vùng duyên hải, gắn bó với biển, lấy biển làm nguồn sống.

Cùng với quá trình chinh phục, khai thác biển của người dân Việt Nam là tinh thần yêu thiên nhiên, là sự gắn bó với thiên nhiên, “coi thiên nhiên như máu thịt của mình và để vào đó tâm huyết và tài năng. Con người tạo ra môi trường thiên nhiên của mình thành giang sơn gấm vóc, thành Tổ quốc thiêng liêng của mình, nhân dân Việt Nam đã tiếp nối nhau kiên quyết bảo vệ thiên nhiên ấy. Chủ nghĩa yêu nước cũng bắt đầu từ đấy”(5).

Cũng như các lĩnh vực khác, việc thực thi chính sách biển không thể tách rời môi trường mang các yếu tố văn hóa. Trong văn hóa biển Việt Nam cũng đã có những yếu tố trở thành giá trị truyền thống - đó là cơ sở để bảo đảm cho việc thực thi chính sách biển, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng còn có những yếu tố văn hóa chưa tích cực và là những yếu tố thách thức cho việc thực thi chính sách biển. Có ý kiến cho rằng, hiện tại, Nhà nước chưa có chính sách hợp lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Niềm tự hào về một truyền thống văn hóa biển của người Việt có nguy cơ mai một. Nước ta chưa có một bảo tàng nào liên quan đến nghề đi biển hay truyền thống văn hóa biển của người Việt...

Văn hóa biển được bảo tồn và không ngừng bổ sung những yếu tố mới là chỗ dựa, là động lực và là điều kiện cần thiết để làm cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực thi chính sách biển với sự chủ động, tự giác, trách nhiệm, thậm chí cả sự tự hào và làm cho việc thực thi chính sách biển đúng đắn và hiệu quả. Cho nên, cần chú trọng xây dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa biển để làm nền tảng cho việc thực thi chính sách biển. Một mặt, cần bảo tồn, phát huy và phát triển những yếu tố truyền thống, giá trị đã có. Mặt khác, cần khắc phục những yếu tố văn hóa chưa tích cực, xây dựng những yếu tố giá trị mới.

Một số giải pháp xây dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa biển:

Một là, bảo tồn văn hóa biển.

Cần tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa biển của người Việt, đồng thời cần đầu tư nguồn vốn cho các công trình trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến quá trình khai thác, chinh phục biển, xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo... Nhà nước cần “đầu tư xây dựng ít nhất là ba bảo tàng về văn hóa biển và lịch sử hàng hải Việt Nam. Theo đó, cần có một bảo tàng về ngành hàng hải ở miền Bắc, một bảo tàng về ngành đóng thuyền ở miền Nam và một bảo tàng về văn hóa biển ở miền Trung. Những bảo tàng này không chỉ là nơi lưu dấu về lịch sử khai thác và chinh phục biển của người Việt, mà là môi trường giáo dục niềm tự hào về truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác, chinh phục và giữ gìn chủ quyền biển đảo của các thế hệ người Việt”(6).

Hai là, tôn vinh những người có công chinh phục, khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo; hỗ trợ nghề đi biển.

Những người có công chinh phục, khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo rất cần được tôn vinh, ghi nhận công trạng để động viên tinh thần, tạo dựng tấm gương cho các thế hệ sau noi theo và sẵn sàng đón nhận những khó khăn, vất vả để chinh phục, khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngay từ thời các chúa Nguyễn, những người có công lao trong việc chinh phục, khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã được tôn vinh là những “Hùng binh” và được triều đình khen thưởng khi họ còn sống, được sắc phong và thờ phụng sau khi họ qua đời.

Đi biển là một nghề có không ít những khó khăn do phải đối mặt với thiên nhiên bao la, phương tiện đi biển phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, sự chuẩn bị về vật chất và các yếu tố hỗ trợ khác. Để người đi biển có thêm sự tự tin và quyết tâm bám biển, khai thác biển và bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng biển thì rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước. “Giờ đây phải hướng mối quan tâm và tầm nhìn của người dân ra biển Đông. Tất nhiên cần tăng cường đầu tư của Nhà nước để người dân có điều kiện thực hiện mối quan tâm của mình.... Muốn phát huy trong cộng đồng khát vọng chinh phục biển cả, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, cần phải tạo thói quen đi biển, tham gia giao thông bằng đường biển”(7).

Ba là, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật biển.

Chính sách, pháp luật biển với rất nhiều nội dung cụ thể, nếu không được phổ biển, giáo dục đầy đủ và có hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi trong thực tiễn. Cần tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật biển trên các phương tiện truyền thông; tăng cường nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chính sách, pháp luật biển trong nhà trường. Vùng biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2, hơn 3 nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhưng ranh giới biển Việt Nam đến đâu và các vùng biển như thế nào thì cũng còn nhiều người chưa biết rõ. Do vậy, cần phổ biến trên bản đồ và các tài liệu phổ biến khác về ranh giới biển của quốc gia để mọi người dân biết. Đối với lãnh thổ trên đất liền, đường biên giới quốc gia được xác định rõ trên bản đồ nên đối với mỗi người phần lãnh thổ đó được định hình rõ trong tâm thức của mỗi người và là phần thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với vùng biển của quốc gia cũng cần thực hiện như vậy.

Việc giảng dạy về lịch sử biển đảo của Tổ quốc có tác dụng rất lớn để nâng cao nhận thức của mọi người nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng biển Việt Nam. Chính lịch sử giúp ta tự vệ tốt hơn trước những mối nguy cơ rình rập, giúp ta sống có tự trọng hơn, tự hào hơn và tự tôn dân tộc hơn

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

(1) Dẫn theo Hùng Lượng: Âm vang văn hóa biển đảo với Festival Biển 2011, http://phapluatvn.vn.

(2),(7) Biển và chiến lược biển Việt Nam, http://daidoanket.vn.

(3) Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, tr.325.

(4),(6) Trần Đức Anh Sơn: Quốc gia biển và chính sách bảo tồn văn hóa biển, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.

(5) Vũ Khiêu - Thành Duy: Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.48-49.

 

TS Nguyễn Bá Chiến

Học viện Hành chính

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền