Trang chủ    Diễn đàn    Giáo dục quyền con người tại các trường đại học hiện nay
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 16:41
3841 Lượt xem

Giáo dục quyền con người tại các trường đại học hiện nay

(LLCT) - Việc nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người là một yêu cầu bức thiết, nhất là khi Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người. Trên thực tế các quyền con người đã được giảng dạy thông qua nhiều môn học, ở nhiều cấp học tại Việt Nam. Tuy vậy, việc giáo dục quyền con người vẫn còn nhiều hạn chế, đôi khi mang tính hình thức, chưa thực sự cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết để người dân có thể tự đề kháng với những thông tin không chính xác đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, giáo dục quyền con người là một yêu cầu bức thiết, nhất là ở bậc giáo dục đại học.       

1. Tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người. 

Quyền con người luôn là  một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển và tiến bộ của xã hội cũng như là tiền đề cho sự phát triển đầy đủ về nhân cách và năng lực của mỗi cá nhân. Ở phạm vi rộng hơn, quyền con người là sự kết tinh những giá trị cao đẹp nhất trong nền văn hóa nhân loại. Những giá trị này được kết tinh từ tất cả các quốc gia, dân tộc, giai cấp và mỗi một con người trên trái đất. Chính vì vậy, việc bảo đảm các quyền con người là tiền đề cho hòa bình- hạnh phúc và thịnh vượng của toàn nhân loại.        

Quyền con người có giá trị chung, tính phổ cập và mang tính đặc thù của từng dân tộc, quốc gia, sự khác nhau về lịch sử, thể chế chính trị, văn hóa và tôn giáo. Chính vì vậy, trên thế giới đang tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau về quyền con người.  

Hiện nay, tình trạng phân biệt chủng tộc, kỳ thị dân tộc, vấn đề đói nghèo, tôn giáo, người bóc lột người, thi hành chính sách cực đoan, chống lại những giá trị cơ bản về quyền con người... vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, quyền con người vẫn luôn là khát khao cháy bỏng, là mục tiêu hàng đầu của toàn nhân loại.

Nhân dân Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, tự do và những giá trị thiêng liêng của quyền con người. Những tư tưởng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong câu nói nổi tiếng đã trở thành chân lý của nhân dân ta, đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng vấn đề nhân quyền để xuyên tạc, vu khống Việt Nam không bảo đảm các quyền con người hòng gây mất ổn định tình hình trong nước, tạo tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, phục vụ cho mục đích phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.            

Chúng ta trước sau như một, kiên trì quan điểm bảo đảm quyền con người, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Bên cạnh đó, tiến hành các hoạt động ngoại giao, đối thoại với các đối tác quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam là Mỹ, Thụy Sỹ, EU, Pháp và Ôxtrâylia. Thông qua đó, các tổ chức và quốc gia sẽ hiểu hơn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam tránh được những quan niệm sai lầm, lệch lạc cho rằng chúng ta vi phạm nhân quyền.    

Thực tế hiện nay, việc nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người là một yêu cầu bức thiết, nhất là khi Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người. Trên thực tế các quyền con người đã được giảng dạy thông qua nhiều môn học, ở nhiều cấp học tại Việt Nam. Tuy vậy, việc giáo dục quyền con người vẫn còn nhiều hạn chế, đôi khi mang tính hình thức, chưa thực sự cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết để người dân có thể tự đề kháng với những thông tin không chính xác đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, giáo dục quyền con người là một yêu cầu bức thiết, nhất là ở bậc giáo dục đại học.       

2. Thực trạng giáo dục quyền con người ở các trường đại học  

Tại Việt Nam, công tác nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người được bắt đầu cách đây gần 20 năm. Năm 1994, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu quyền con người (nay đổi tên là Viện Nghiên cứu quyền con người). Được thành lập sau đó là: Viện Nghiên cứu con người (Viện Khoa học xã hội Việt Nam); Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về quyền con người và quyền công dân (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng kết quả nghiên cứu và giảng dạy còn rất khiêm tốn.

Viện Nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm đầu tiên và lớn nhất cả nước chuyên nghiên cứu các vấn đề lý luận và pháp luật về quyền con người. Viện đã hợp tác với rất nhiều đối tác quốc tế trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến các giá trị của quyền con người, đặc biệt là quyền con người ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động giảng dạy của Viện còn rất khiêm tốn. Trong chương trình đào tạo của Học viện chỉ có 1 chuyên đề (5 tiết) cho các lớp cao cấp lý luận chính trị tại Học viện. Hiện nay, Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã mở được mã ngành cao học về quyền con người và đã tuyển được những khóa đầu tiên với số lượng tương đối lớn, cho thấy nhu cầu nghiên cứu, học tập quyền con người là khá cao.          

Tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, việc giảng dạy về quyền con người chủ yếu tập trung ở các trường có đào tạo chuyên ngành luật. Trong toàn bộ chương trình đào tạo bắt buộc không có môn học về quyền con người theo nghĩa là một môn học độc lập. Riêng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng được chương trình và giáo trình cho môn quyền con người là một môn học tự chọn và hiện tại đã đưa vào giảng dạy. Trong chương trình đào tạo, nội dung này thường được tiếp cận dưới góc độ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được giảng dạy trong môn Luật đại cương, Luật Hiến pháp, Luật Lao động... Các bộ môn khác tùy theo đặc thù các chuyên ngành, nội dung của từng môn học ở các mức độ khác nhau cũng đề cập đến quyền con người, như: vấn đề con người trong môn Triết học Mác - Lênin; vấn đề dân tộc trong môn Chủ nghĩa xã hội khoa học; quyền dân sự của công dân trong Luật Dân sự; quyền tự do trong kinh doanh môn Luật Thương mại; an sinh xã hội cho công dân (Luật An sinh xã hội);... Môn Công pháp quốc tế có hai bài riêng nói đến quyền con người, đó là Dân cư trong luật quốc tế và Luật quốc tế về quyền con người. Tuy vậy, do đặc thù của từng trường khác nhau nên việc xây dựng giáo trình giảng dạy về quyền con người cũng có sự khác nhau.    

Trên cơ sở chương trình đào tạo khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ thực trạng đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo bậc đại học, có một số nhận xét sau:      

Trong chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có môn học độc lập về quyền con người. Vấn đề quyền con người được đưa vào chương trình tự chọn cho luật chuyên ngành ở một số trường. Vì thế, số lượng sinh viên dự học môn này cũng rất hạn chế.        

Trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, nội dung quyền con người thường được tiếp cận theo nghĩa hẹp là các quyền cơ bản của công dân. Do đó, vấn đề quyền con người được tiếp cận ở các mức độ khác nhau trong hầu hết các môn học. Tuy nhiên, khi giảng dạy, các giảng viên thường tiếp cận nó thuần túy như là một nội dung của môn học mà không tiếp cận nó ở góc độ quyền con người.          

Vì những lý do chủ quan và khách quan nhất định mà quan điểm và nhận thức về vấn đề này trong đào tạo chưa có sự thống nhất. Vẫn còn tâm lý ngại và né tránh vấn đề quyền con người, dẫn đến việc nghiên cứu giảng dạy quyền con người gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người còn bất cập, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Vì vậy, số lượng cán bộ tham gia nghiên cứu, giảng dạy quyền con người còn rất hạn chế.         

3. Một số đề xuất 

Vấn đề nghiên cứu và giảng dạy quyền con người ở Việt Nam phải xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vì vậy, quyền con người có tính tiền đề cần được cả xã hội và người dân nhận thức đúng. Ở nước ta, quyền con người là vấn đề mới và tương đối nhạy cảm nên việc nghiên cứu cũng như giảng dạy vấn đề quyền con người có rất nhiều mối tương quan khác nhau với không ít rào cản bên trong và bên ngoài. Như vậy, nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo bậc đại học cần lưu ý một số khía cạnh chính sau:         

Về nhận thức cần thấy rằng việc đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các trường đại học là sự cần thiết có tính tất yếu khách quan.      

Cần nhận thức lại việc quy định chương trình khung trong đào tạo đại học. Nên chăng, mở rộng hơn nữa quyền tự quyết định về nội dung chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các trường, nhất là các trung tâm đào tạo lớn và có uy tín.           

Việc đưa vào giảng dạy, đào tạo có tính phổ cập về quyền con người một mặt nhằm nâng cao nhận thức, mặt khác để thế giới có thông tin và hiểu biết đầy đủ hơn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. 

Về nội dung chương trình cần tiếp cận những giá trị, quan niệm về quyền con người đương đại của các nước trên thế giới, nhưng phải đặt nó trong giá trị văn hóa Việt Nam với điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể. Nên xây dựng môn học quyền con người theo nghĩa là một phân môn đào tạo bắt buộc của chương trình cử nhân. Trên cơ sở đó cơ cấu lại nội dung chương trình giảng dạy về quyền con người theo các nội dung chủ yếu sau: khái quát chung, lý luận tổng quan (hay khái quát chung, lý luận chung) về quyền con người; hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người; các nhóm quyền cơ bản theo pháp luật quốc tế; các nhóm quyền đặc thù; Việt Nam với vấn đề quyền con người.         

Về đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy: Cần được quan tâm hơn nữa về số lượng cũng như chất lượng, nên thường xuyên tổ chức tập huấn để cập nhật kiến thức mới về quyền con người, đưa cán bộ đi đào tạo trong nước cũng như nước ngoài. Các chế độ chính sách đối với cán bộ nghiên cứu, giảng dạy quyền con người cũng cần được cải thiện hơn nữa để họ yên tâm công tác.         

Đối với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, trung, cao cấp; công chức hành chính, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập... việc nghiên cứu, giáo dục quyền con người là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Học viện nên đưa môn học quyền con người trở thành môn học chính thức  bắt buộc trong chương trình khung toàn bộ hệ thống với thời lượng tối thiểu là 3 chuyên đề (15 tiết).           

Cùng với sự quyết tâm của các nhà khoa học, rất cần sự quyết tâm về chính trị, của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường đại học trong việc tiếp nhận và đổi mới chương trình đào tạo cử nhân nói chung và vấn đề quyền con người nói riêng.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013

Nguyễn Trường Giang

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền