Trang chủ    Diễn đàn    Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của công tác xã hội
Thứ năm, 22 Tháng 5 2014 14:47
3296 Lượt xem

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của công tác xã hội

(LLCT) - Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tăng trưởng kinh tế phải đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với tăng trưởng kinh tế phải tập trung giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Thực hiện chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020 (còn gọi là Đề án 32), mở ra một bước ngoặt quan trọng cho sự hình thành và phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam.

 

1. Về nhu cầu và tính chuyên nghiệp của công tác xã hội

Trước hết cần phải khẳng định rằng, nhu cầu đối với CTXH ở nước ta là khá lớn. Cùng với sự phát triển về kinh tế, những năm gần đây khoảng cách giàu nghèo và các vấn đề xã hội ở nước ta có chiều hướng gia tăng và trở nên phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180 nghìn người nhiễm HIV, gần 170 nghìn người nghiện ma túy và hơn 15 nghìn người hoạt động mại dâm… Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, CTXH ở nước ta cần có tính chuyên nghiệp cao. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một nghề với những người chuyên nghiệp làm CTXH, như các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Úc,... Trong khi đó ở nước ta, CTXH chỉ vừa được công nhận là một nghề và mới được ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội, nên còn rất thiếu tính chuyên nghiệp. Điều này được thể hiện trên tất cả các mặt: nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, chiến lược phát triển và vấn đề đào tạo, bồi dưỡng về CTXH. Để tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta cần phải thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi về mặt nhận thức, hoàn thiện thể chế, xây dựng mạng lưới hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH, và đặc biệt phải đào tạo được đội ngũ những người trực tiếp làm CTXH một cách chuyên nghiệp.  Các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.

2. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của công tác xã hội ở nước ta

Các tổ chức XHDS ở nước ta bao gồm rất nhiều loại hình khác nhau như: tổ chức quần chúng, hay còn gọi là các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân,…);  tổ chức xã hội nghề nghiệp (các hội và liên hiệp hội thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, văn hoá- nghệ thuật, các hội nghề nghiệp…). Các tổ chức XHDS có đặc trưng chung là tổ chức tự nguyện do dân lập ra và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập (nhưng không nằm trong hệ thống tổ chức của Nhà nước), hoạt động thường xuyên theo điều lệ của tổ chức, mang tính tự nguyện và không vì mục tiêu lợi nhuận. Các tổ chức XHDS hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như: xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo vệ hội viên, tham gia xã hội hoá các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các hoạt động từ thiện nhân đạo, tư vấn, phản biện và giám định xã hội,...Do đó, các tổ chức XHDS có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là đối với CTXH (các hoạt động trợ giúp đối với những người yếu thế trong xã hội). Để phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH ở nước ta, cần  thực hiện tốt một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của xã hội về nghề CTXH và các dịch vụ CTXH. Thực tế cho thấy, còn không ít người có sự nhầm lẫn hoặc đồng nhất giữa hoạt động từ thiện với CTXH. Mặc dù cả hai hoạt động này đều là giúp đỡ những người khác, nhưng khác xa về mặt phương pháp, hiệu quả và có khi ngay cả động cơ. Hoạt động từ thiện thường chỉ đơn thuần là việc tặng, cho những người cần giúp đỡ một khoản vật chất nhất định xuất phát từ lòng tốt của những người làm từ thiện. Như vậy, hoạt động từ thiện chỉ đem lại “hiệu quả nhất thời”, và đó không phải là một nghề. Còn CTXH hướng đến mục tiêu xa hơn là để giải quyết những vấn đề của xã hội một cách hiệu quả và bền vững hơn với cách thức tiến hành một cách chuyên nghiệp hơn. Việc giúp đỡ một người yếu thế trở thành tự lực đòi hỏi nhiều kiến thức khoa học, nhiều công phu và thời gian hơn nhiều so với hành vi từ thiện. Trường hợp trên đòi hỏi sự can thiệp của nhà chuyên môn gọi là “nhân viên xã hội chuyên nghiệp” được đào tạo về CTXH. Vì vậy, các tổ chức XHDS cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên và toàn thể xã hội nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển CTXH và nghề CTXH đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển bền vững của đất nước;tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia CTXH, tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 32.

Thứ hai, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc huy động nguồn lực phục vụ CTXH. Không có nguồn lực tài chính một cách dồi dào và ổn định thì CTXH không thể trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Hiện nay, nguồn lực chủ yếu phục vụ cho CTXH ở nước ta vẫn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước. Trong khi ngân sách có hạn, nên phần đầu tư cho CTXH còn nhiều hạn chế. Thậm chí, ở nhiều địa phương còn chưa chủ động dành một phần ngân sách của địa phương cho CTXH mà hoàn toàn trông chờ vào ngân sách phân bổ của Trung ương cho công tác này. Do đó, nguồn vốn dành cho CTXH ở nước ta hiện nay là khá hạn hẹp. Ở đa số các quốc gia trên thế giới có nghề CTXH phát triển, nguồn kinh phí cho hoạt động CTXH chủ yếu được huy động từ xã hội thông qua các tổ chức XHDS. Vì vậy, cần phải phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc vận động, huy động các nguồn đóng góp của xã hội cho CTXH thông qua các kênh khác nhau. Trong đó, các tổ chức XHDS có thể vận động các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các loại quỹ ở trong và ngoài nước đóng góp nguồn tài chính cho CTXH thông qua việc tổ chức các chương trình từ thiện, các sự kiện và qua các phương tiện thông tin đại chúng,...

Trong thời gian qua, các tổ chức XHDS đã phối hợp với một số doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, cơ quan truyền thông tổ chức được khá nhiều chương trình gây quỹ từ thiện và phục vụ CTXH như: chương trình “Xây dựng nhà đại đoàn kết” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp phát động và chỉ đạo thực hiện; chương trình “Chắp cánh ước mơ bé thơ” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (Văn phòng phía Nam) phối hợp với Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Mỹ; và nhiều các chương trình khác như chương trình “Trái tim cho em”, “Ước mơ Việt Nam”, “Nối vòng tay lớn”, “Dấu ấn tình người”, “Công dân toàn cầu”, v.v... Tuy nhiên, việc tổ chức các chương trình này vẫn chủ yếu mang tính thời vụ và thiếu tính chuyên nghiệp nên kinh phí cho CTXH chưa lớn. Các tổ chức XHDS cần phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tăng cường hơn nữa cả về mặt số lượng và chất lượng của các chương trình nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội, cả trong nước và ngoài nước cho CTXH.

Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm CTXH. Theo Đề án 32, hiện cả nước có hơn 32 nghìn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, trong đó phần lớn (81,5%) chưa qua đào tạo. Đồng thời, Đề án 32 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 60 nghìn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên nghề CTXH, trong đó có 35 nghìn người phải được đào tạo chính thức và đào tạo lại, 25 nghìn người được đào tạo qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Trong khi đó, số lượng và chất lượng đào tạo ngành CTXH vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Cả nước hiện có gần 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành này, mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 2 nghìn sinh viên chuyên ngành CTXH. Để đạt được các mục tiêu đề ra, vai trò và trách nhiệm chính thuộc về các cơ sở đào tạo, nhưng bên cạnh đó các tổ chức XHDS cũng có vai trò khá quan trọng. Cần phải phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội (đặc biệt là những người trực tiếp hoạt động về CTXH) về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với CTXH. Đồng thời, một số tổ chức XHDS trực tiếp tham gia cung ứng dịch vụ CTXH, tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho viên chức, nhân viên làm CTXH. Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề xã hội bằng sự nhiệt tình và kinh nghiệm, mà cần sử dụng phương pháp tiếp cận khoa học và các công cụ nghiệp vụ của CTXH. Đó là cách để giải quyết cơ bản, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức XHDS trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về CTXH. Sự công nhận của luật pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp về CTXH. Trong thời gian qua, hệ thống các văn bản pháp luật về CTXH đã từng bước được hoàn thiện. Sau khi Đề án về phát triển nghề CTXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành mã ngạch đào tạo nghề CTXH, và Bộ Nội vụ đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức CTXH tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp ở nước ta.

Tuy nhiên, hệ thống các chính sách, pháp luật về CTXH vẫn cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật về vị trí làm việc của cán bộ làm CTXH, tiêu chuẩn nghiệp vụ nghề nghiệp, hệ thống thang bảng lương, về việc thành lập và cơ chế hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH,... Vì vậy, các tổ chức XHDS (đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân) cần phát huy vai trò trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến và phản biện chính sách nhằm đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về CTXH ở nước ta. Đồng thời, với vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, các tổ chức XHDS cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về CTXH.

Thứ năm, các tổ chức XHDS cần thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội CTXH cấp quốc gia để bảo vệ quyền và lợi ích của những người làm CTXH chuyên nghiệp; cần nghiên cứu ban hành quy chế đạo đức đối với viên chức, nhân viên CTXH (tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp). Đồng thời, thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội các trường đào tạo chuyên ngành CTXH nhằm tăng cường phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CTXH. Trên thế giới, Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế được thành lập từ năm 1926 với hàng chục nghìn thành viên là cán bộ, nhân viên xã hội được đào tạo chuyên nghiệp của 78 nước trên thế giới. Hiệp hội các trường đào tạo CTXH thế giới có sự tham gia của 80 quốc gia. Việc sớm thành lập các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp này là rất quan trọng đối với sự phát triển của nghề CTXH chuyên nghiệp ở nước ta.

Thứ sáu, các tổ chức XHDS cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nghề CTXH. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Trong khi đó, CTXH ở nước ta vừa được xác định là một nghề vài năm nay nên còn rất thiếu tính chuyên nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, các tổ chức XHDS (đặc biệt là các tổ chức trực tiếp cung ứng dịch vụ CTXH) cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ CTXH, các cơ sở đào tạo của các nước, các tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội quốc tế nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng và huy động nguồn lực cho quá trình phát triển CTXH.

Để tăng cường tính chuyên nghiệp của CTXH cần có sự chung sức của toàn xã hội, trong đó phải phát huy được vai trò của các tổ chức XHDS trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về CTXH; huy động các nguồn lực cho CTXH; hoàn thiện thể chế pháp luật và tăng cường phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế về CTXH, thành lập các Hiệp hội về CTXH chuyên nghiệp.

 

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2013

ThS Trịnh Xuân Thắng

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền