Trang chủ    Diễn đàn    Hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay
Thứ năm, 11 Tháng 12 2014 11:32
5424 Lượt xem

Hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay

(LLCT) - Việt Nam đang tích cực tham gia hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, điều đó đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật kinh tế nói riêng để đảm bảo tương thích với pháp luật quốc tế. Luật Trọng tài thương mại 2010 (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17-6-2010, có hiệu lực ngày 01-01-2011) đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thương mại cũng như một số vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, qua thời gian thi hành từ 2011 đến nay, Luật Trọng tài thương mại 2010 (sau đây gọi tắt là Luật Trọng tài thương mại) đã bộc lộ không ít những bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và uy tín của Trọng tài thương mại ở Việt Nam.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Trọng tài thương mại chưa được quy định một cách rõ ràng. Tại Điều 1 Luật Trọng tài thương mại quy định về phạm vi điều chỉnh như sau: “Luật này quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài”. Quy định này dẫn tới có hai quan điểm khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền của Trọng tài. Quan điểm thứ nhất, Luật Trọng tài thương mại chỉ áp dụng đối với các quyết định của Trọng tài trong nước. Quan điểm thứ hai, Luật này cũng có thể được áp dụng cả đối với các quyết định của Trọng tài nước ngoài trong quá trình giải quyết tranh chấp nếu quyết định được tuyên tại Việt Nam hoặc địa điểm giải quyết vụ tranh chấp là tại Việt Nam (ngoại trừ việc công nhận, cho thi hành phán quyết cuối cùng của Trọng tài giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp).

Các quy định về hòa giải trong Luật Trọng tài thương mại còn quá sơ sài. Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở Việt Nam cho thấy số vụ được hòa giải thành công không phải là ít và việc hòa giải có ý nghĩa tích cực trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, Luật quy định về vấn đề hòa giải còn sơ sài, chủ yếu theo hướng khuyến khích hòa giải. Các trung tâm trọng tài ở Việt Nam hiện nay phần lớn chưa có quy tắc hòa giải riêng. Do vậy, việc hòa giải dựa trên kinh nghiệm và kỹ năng của Trọng tài viên, điều này làm giảm ý nghĩa của hòa giải và có thể có nhiều cơ hội hòa giải bị bỏ lỡ.

Luật Trọng tài thương mại chưa quy định cụ thể về nội dung của thỏa thuận trọng tài. Thực tiễn cho thấy, không ít những thỏa thuận của Trọng tài bị vô hiệu vì nội dung của nó không rõ ràng, cụ thể.

Luật Trọng tài thương mại có nhiều quy định về Trọng tài viên nhưng lại chưa có quy định về công nhận Trọng tài viên. Một số quy định về tiêu chuẩn đối với Trọng tài viên chưa thật hợp lý.

Luật Trọng tài thương mại có quy định về thời hạn thông báo đơn khởi kiện, thời hạn gửi bản tự bảo vệ của bị đơn, thời hạn thành lập Hội đồng trọng tài, thời hạn bầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài nhưng lại không quy định về thời hạn giải quyết vụ tranh chấp từ khi Hội đồng trọng tài được thành lập đến khi ra phán quyết trọng tài. Về thời hạn ra phán quyết trọng tài thì Luật Trọng tài thương mại có quy định: Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng. Vấn đề đặt ra là chưa có quy định cụ thể mỗi vụ kiện sẽ có bao nhiêu phiên họp, mỗi phiên họp cách nhau bao nhiêu ngày và khi họp giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài phải có trách nhiệm công bố cho các bên tranh chấp biết về phiên họp cuối cùng giải quyết tranh chấp như thế nào. Thực tế, các bên tranh chấp kinh doanh - thương mại thường lựa chọn Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp do ưu điểm của hình thức giải quyết này là thủ tục tố tụng trọng tài nhanh gọn. Tuy nhiên, vì không có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết tranh chấp nên còn có vụ kiện kéo dài.

Một số quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Trọng tài thương mại chưa được quy định rõ ràng. Điều 49, Luật Trọng tài thương mại quy định Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời là: “Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài”. Vậy những hành vi nào được coi là bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài? Thực tế, việc xác định những hành vi này không phải là dễ vì nó phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của mỗi cá nhân dưới nhiều góc độ khác nhau.

Luật Trọng tài thương mại chưa quy định rõ về nội dung trong kết quả giải quyết tranh chấp của Trọng tài.Luật Trọng tài thương mại quy định "Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài" và một trong những nội dung của phán quyết trọng tài là: "Kết quả giải quyết tranh chấp". Tuy nhiên, thực tế có những vụ giải quyết tranh chấp trong quyết định trọng tài chỉ ghi "không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn", "không chấp nhận yêu cầu kiện lại của bị đơn" mà không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các bên như thế nào. Phán quyết trọng tài như vậy, liệu có đảm bảo đúng quy định của pháp luật? Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại thì "bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài". Tuy nhiên, với phán quyết như nêu trên thì không biết cơ quan thi hành án dân sự sẽ thi hành như thế nào? Với phán quyết trọng tài khó có thể thực thi như trên, một trong các bên buộc phải thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài để khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.Tuy nhiên, theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, để yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài thì phải có căn cứ chứng minh phán quyết đó thuộc một trong các trường hợp hủy quyết định trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn giải quyết tại Tòa án hiện nay thì vấn đề yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài quả thực rất khó khăn.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên của Luật Trọng tài thương mại, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, quy định rõ về phạm vi điều chỉnh của Luật Trọng tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp và các chủ thể có liên quan xác định đúng thẩm quyền của Trọng tài thương mại một cách thống nhất, tránh tình trạng có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền trọng tài như hiện nay.

Hai là, cần bổ sung quy định cụ thể về hòa giải trong thủ tục tố tụng trọng tài. Trước hết nên quy định hòa giải là một thủ tục bắt buộc trong tố tụng trọng tài. Trọng tài chỉ đưa vụ tranh chấp ra giải quyết nếu các bên hòa giải không thành công. Quy định này sẽ làm tăng thêm trách nhiệm của Trọng tài viên trong việc cho các bên tranh chấp hoà giải với nhau trước khi đi vào giải quyết vụ tranh chấp. Quy định này cũng không làm mất đi quyền tự định đoạt của đương sự vì quyền quyết định trong hòa giải phụ thuộc hoàn toàn vào các bên. Nếu các bên hòa giải không thành, trọng tài vẫn có thể đưa vụ việc ra giải quyết.

Ba là, nên bổ sung quy định về nội dung thỏa thuận trọng tài trong Luật Trọng tài thương mại. Thực tế, có rất nhiều thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu, dẫn đến các bên tranh chấp không thể lựa chọn trọng tài để giải quyết. Để khắc phục tình trạng này, Luật Trọng tài thương mại cần có quy định cụ thể về nội dung của thỏa thuận trọng tài như: Trung tâm trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài; chi phí, lệ phí trọng tài; quy tắc tố tụng của trọng tài; cam kết thực hiện quyết định của Trọng tài.

Bốn là, bổ sung quy định về điều kiện công nhận Trọng tài và tiêu chuẩn Trọng tài viên. Sự thiếu sót các căn cứ pháp lý về tiêu chuẩn Trọng tài và điều kiện công nhận Trọng tài viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giải quyết các vụ tranh chấp của Trọng tài chưa đạt hiệu quả. Điều này không những gây phiền toái cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Trọng tài thương mại Việt Nam trên trường quốc tế. Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Trọng tài, cần xây dựng các quy định pháp lý về điều kiện công nhận Trọng tài viên một cách chặt chẽ để đảm bảo Trọng tài viên có đủ năng lực thực thi nhiệm vụ.

Năm là, bổ sung quy định về thời gian tiến hành tố tụng trọng tài. Luật Trọng tài thương mại có quy định về thời hạn thông báo đơn khởi kiện, thời hạn gửi bản tự bảo vệ của bị đơn, thời hạn thành lập Hội đồng trọng tài, thời hạn bầu chủ tịch Hội đồng trọng tài nhưng lại không quy định rõ về thời hạn giải quyết tranh chấp, nên trên thực tế việc giải quyết vụ việc trong thời hạn bao lâu phụ thuộc hoàn toàn vào Trọng tài. Bởi vậy, Luật cần quy định rõ về thời hạn giải quyết vụ tranh chấp từ khi Hội đồng trọng tài được thành lập đến khi ra phán quyết trọng tài. Ví dụ như: Mỗi vụ kiện có bao nhiêu phiên họp, mỗi phiên họp cách nhau bao lâu, phiên họp cuối của trọng tài được tổ chức khi nào và cần phải thông báo công khai cho các bên tranh chấp biết về phiên họp cuối.

Sáu là,cần có quy định rõ về “những hành vi được coi là bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài” trong Luật Trọng tài thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng trọng tài thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên.

Bảy là, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp thực hiện phán quyết của Trọng tài, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trọng tài và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, tránh tình trạng hủy hoặc không công nhận phán quyết trọng tài tùy tiện, làm mất lòng tin của doanh nghiệp vào các tổ chức trọng tài, làm ảnh hưởng đến uy tín của Trọng tài Việt Nam trên trường quốc tế, cần bổ sung các quy định trong kết quả giải quyết tranh chấp trong Luật Trọng tài thương mại. Kết quả giải quyết tranh chấp cần ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, thời hạn thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên… có như vậy các bên liên quan mới có thể dễ dàng thực thi phán quyết của Trọng tài.

 

ThS Nguyễn Thị Diễm Anh

Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền