Trang chủ    Diễn đàn    Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, thanh tra
Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 11:23
3226 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, thanh tra

(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, thanh tra được hình thành rất sớm, biểu hiện rõ nét trong hai văn kiện quan trọng: "Án nghị quyết của Hội nghị trù bị toàn quốc đại biểu đại hội" (ngày 23 tháng Giêng năm 1929) và trong "Điều lệ của Hội Việt Nam cách mệnh thanh niên". Trong văn kiện thứ nhất, Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề "đặt ra đặc biệt uỷ viên hội để điều tra và xử đoán" những sự đồng chí kiện cáo nhau. Trong văn kiện thứ hai đã đề cập tới các hình thức kỷ luật đối với các hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phạm sai lầm, khuyết điểm. Tiếp đó, trong các văn kiện, bài viết, bài nói từ năm 1930 đến năm 1969, tư tưởng của Người về công tác kiểm tra, thanh tra đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.

Trong tác phẩm "Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay" Hồ Chí Minh đã khẳng định:

"Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi.

Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh.

Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích"(1)

Tại cuộc họp Chính phủ ngày 13-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “các Bộ trưởng có thể chia nhau đi thanh tra một khu vực gần Hà Nội. Bộ Nội Vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này”. Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, có nhiệm vụ giám sát tất cả công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Người căn dặn “cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng”(2).

Vai trò của các cơ quan thanh tra được thể hiện ngay từ Sắc lệnh số 64/SL ngày 23-11-1945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Tại Sắc lệnh này quy định Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền “nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của Ủy ban Hành chính hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban Hành chínhhay của Chính phủ đã phạm lỗi”.

Công tác thanh tra cũng là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý mà thiếu sự kiểm tra, thanh tra thì sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và chỉ có tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì mới chống được các tệ nạn này. Người chỉ rõ“muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”(3).

Cùng với việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, thanh tra còn đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu các vi phạm pháp luật. Thanh tra cùng với các phương thức kiểm tra, giám sát luôn là hiện thân của kỷ cương pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát luôn có tác dụng hạn chế, răn đe những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng quản lý. Mặt khác, các giải pháp được đưa ra từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ hướng vào việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn có tác dụng khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa tận gốc mầm mống phát sinh những vi phạm pháp luật.

Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không phải là viết nghị quyết và ra chỉ thị, mà điều quan trọng, lãnh đạo còn là tổ chức thi hành và kiểm soát thực hiện. Lãnh đạo là kiểm soát, điều đó hoàn toàn chính xác cả về lý luận và thực tiễn. Sự chính xác của các quyết định của Đảng và Nhà nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố quan trọng là công tác kiểm tra, thanh tra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I Lênin: khi mục đích, nhiệm vụ chính trị đã được xác định, quyết định đã được thông qua, thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải đặt lên hàng đầu. Điều chủ yếu là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các sắc lệnh và mệnh lệnh sang việc lựa chọn người và kiểm tra sự thực hiện. Đó là vấn đề then chốt nhất đối với Đảng tiên phong, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền - Tìm người, kiểm tra công việc - tất cả là ở đó. Cần phải ưu tiên thời gian, trí tuệ thích đáng, vì nếu không làm như vậy thì “tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mới giấy lộn”(4).

Trong Đảng ta gồm những người có tài, có đức, phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết dũng cảm nhất. Tuy vậy, không phải là người người đều tốt, làm việc đều hay. Trong Đảng chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vụ lợi những việc không chính đáng. Do vậy kiểm tra và thanh tra là một tất yếu khách quan, để ngăn chặn khuyết điểm sai lầm, sửa chữa thói hư tật xấu, thải loại những kẻ thoái hóa biến chất, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Phạm vi, nội dung của công tác kiểm tra, thanh tra rất rộng nhưng tập trung nhất là kiểm tra việc và kiểm tra người. Việc ở đây chủ yếu bao gồm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Người ở đây là cá nhân cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích, tác dụng của công tác kiểm tra, kiểm soát là giúp Đảng và Nhà nước nắm chắc được tình hình lãnh đạo, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong hiện thực cuộc sống có gì đúng đắn, sai lệch, ai chấp hành tốt, ai chấp hành chưa tốt, năng lực thực tế của mỗi người...

Người cho rằng: có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết. Muốn chống bệnh quan liêu bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi.

Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc những cơ quan, cán bộ mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy mà tựu trung lại vào hai hạng người.

Một là, những người cậy mình là công thần cách mạng rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Họ kiêu ngạo, bất chấp kỷ luật, kỷ cương. Với những người này, "cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ và kỷ luật" để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và Chính phủ.

Người đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát nên thường xuyên nhắc nhở: "Đảng phải luôn luôn xem lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không như vậy, thì những nghị quyết, chỉ thị đó không chỉ là lời nói suông mà còn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Các cấp, các ngành nếu tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát thì cũng như ngọn đèn pha, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm chúng ta đều biết rõ. Có thể nói: “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức kiểm tra chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định bội gấp mười, gấp trăm”(5)

Hai là, hạng người nói suông. Hạng người này tuy thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông.

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc và kiểm tra người. Người thường xuyên nhắc nhở: Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không như vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.

Trong công việc thường ngày, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về cách làm việc có kiểm tra, tôn trọng kỷ luật của Đảng. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn thường xuyên đến với quần chúng - công nhân, nông dân, bộ đội... trực tiếp xem và nghe người thật việc thật, trên cơ sở đó hình thành những chủ trương, quyết sách lớn, có liên quan đến vận mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Kiểm tra, thanh tra phải được tiến hành thường xuyên, chứ không phải lúc làm, lúc bỏ, đánh trống bỏ dùi; phải trở thành công việc thường ngày của các cấp ủy Đảng (nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt). Mỗi cuộc kiểm tra đều phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng. Thực hiện đúng các nguyên tắc: công khai, công bằng; dân chủ gắn liền với kỷ luật.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác kiểm tra,thanh tra là một nội dung, một phương thức thực hiện sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, do vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Kiểm tra, thanh tra là công tác đặc biệt quan trọng, vì vậy Đảng và Nhà nước phải chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ làm công tác thanh tra, nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cần phải quán triệt sâu sắc các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bố trí cán bộ và về tổ chức đối với công tác thanh tra.

________________

(1), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,  tr.520, 297

(2) Một số văn kiện chủ yếu của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, 1977

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, tr.451

(5) Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.155-156

 

                       TS Lê Văn Cường

       Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền