Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng hệ giá trị văn hóa trong đổi mới và hội nhập
Thứ năm, 08 Tháng 10 2015 14:42
4610 Lượt xem

Xây dựng hệ giá trị văn hóa trong đổi mới và hội nhập

(LLCT) - Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, xác định vấn đề hoàn thiện hệ thống chuẩn mực giá trị của văn hóa và con người Việt Nam bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay là một nội dung quan trọng

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được ban hành là văn kiện chuyên sâu thứ ba của Đảng ta về chủ đề này sau Đề cương văn hóa (1943) và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998). Mỗi nghị quyết đặt dấu mốc quan trọng về quan điểm, lý luận phát triển văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đề cương Văn hóa đưa ra ba nguyên tắc vận động, xây dựng nền văn hóa dân tộc: dân tộc, khoa học, đại chúng. Đây là cương lĩnh Mácxít hoàn chỉnh đầu tiên về vấn đề văn hóa, con người, đóng vai trò nền tảng lý luận, tư tưởng và phương pháp luận trong suốt thời kỳ lịch sử lâu dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho đến nay, nhiều nội dung của văn kiện vẫn còn mang tính thời sự.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đánh dấu bước chuyển quan trọng trong đường lối phát triển văn hóa, con người từ mục tiêu xây dựng nền văn hóa XHCN (Đại hội IV, 1976) sang mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tức là xây dựng nền văn hóa, con người, xã hội Việt Nam đủ khả năng, bản lĩnh và ý chí hội nhập với sự phát triển của các nước trên thế giới, nhưng vẫn giữ được “bản sắc”, “cốt cách” dân tộc, “hòa nhập mà không hòa tan”.

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta cũng chỉ ra một số hạn chế trong triển khai, thực hiện. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nhận định: “Thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”([1]1).

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI bên cạnh việc kế thừa những giá trị của các văn kiện trước đã khẳng định chiến lược xây dựng văn hóa giai đoạn hiện nay là: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” với các nội dung cơ bản: nguyên tắc của xây dựng văn hóa, con người trong giai đoạn hiện nay - dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; quan niệm về con người và xây dựng con người với đầy đủ những yêu cầu về phẩm chất, năng lực trong thời kỳ CNH, HĐH; tiếp tục khẳng định quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”, “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”;mở rộng nội hàm của khái niệm xây dựng văn hóa và con người, đặc biệt “chú trọng hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa”.

Khái niệm văn hóa rất rộng, nhưng căn cốt của văn hóa là hệ thống giá trị. Đặc biệt, trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay, sự truyền bá và cạnh tranh “hệ giá trị văn hóa” là chủ đề được quan tâm. Giá trị là khái niệm phức tạp, được sử dụng khá đa nghĩa ở những lĩnh vực khác nhau: đạo đức, kinh tế, xã hội, pháp lý... Giá trị không phải là phát biểu mô tả mà là đánh giá và phán đoán từ quan điểm văn hóa về những gì nên làm dưới dạng hệ thống nguyên tắc để trên cơ sở đó mỗi cá thể và cộng đồng xây dựng những quan điểm riêng của mình về bản thân và thế giới. Mỗi nền văn hóa bao giờ cũng định hình hệ thống giá trị với hạt nhân là những giá trị cốt lõi, tạo nên những đặc điểm, phong cách, định vị cách tư duy, định hướng ứng xử của những con người là thành viên của xã hội, của nền văn hóa đó. Nói cách khác, hệ giá trị là một trong những “yếu tố kiến tạo” căn bản mẫu người cần có và sẽ làm nên đặc trưng của một xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 9 là: Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Phát huy “giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” là yếu tố nền tảng của sự phát triển bền vững của các cộng đồng, các quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, thực tế xây dựng và phát triển văn hóa nhiều thập kỷ qua cho thấy vẫn tồn tại “điểm nghẽn” trong gìn giữ, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống trong xây dựng văn hóa.

Thực trạng văn hóa Việt Nam hiện nay khá phức tạp: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”; “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Văn hóa Việt Nam đang ở trong một thời kỳ chuyển tiếp nên dung nạp những biểu hiện, giá trị, xu hướng văn hóa trái chiều, thậm chí đối lập, mâu thuẫn với nhau. Ở đây, vai trò của chủ thể, nhất là chủ thể quản lý, lãnh đạo là hết sức quan trọng.

Những thách thức của việc nhận dạng hệ thống giá trị truyền thống cũng không nhỏ. Không ít nhà văn hoá, tại nhiều công trình khoa học, đã khái quát những đặc trưng căn bản của hệ thống giá trị truyền thống. Tuy nhiên, việc nhận diện những đặc trưng của hệ thống giá trị truyền thống thường phải đối diện với những khó khăn, bởi chúng không tồn tại dưới dạng thuần túy (đơn trị), mà những giá trị đặc trưng của nền văn hóa cũ thường hiện hình dưới dạng những biến thể, có khi ngược lại với những giá trị vốn có. Nghiên cứu các biến thể này có thể cho phép chúng ta tìm thấy logíc vận động của thực tại văn hóa cộng đồng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khoá XI.

Lưu Minh Văn

Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền