Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vì nhân dân quên mình, phẩm chất cách mạng cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam
Thứ sáu, 16 Tháng 10 2015 15:28
2368 Lượt xem

Vì nhân dân quên mình, phẩm chất cách mạng cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam

(LLCT) - Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến phẩm chất hiếu với dân trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chiến sỹ. “Hiếu với dân, vì nhân dân quên mình bao hàm cả đức độ, nghĩa nặng tình sâu, là sự hàm ơn sâu sắc, sự phụng sự báo đền tận tụy người sinh ra và nuôi dưỡng mình, mà sự báo đền lớn nhất là sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân”. Vì nhân dân quên mình, cốt lõi đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sỹ sẽ được Quân đội ta giữ gìn, bồi đắp ngày càng phong phú và làm cho giá trị đó ngày càng tỏa sáng.

1. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, đáp ứng yêu cầu lịch sử dân tộc

Ngay từ thời kỳ vận động thành lập Đảng, vấn đề tổ chức quân đội công nông, tiến tới đấu tranh vũ trang giành chính quyền đã được đặt ra. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương (6-1929)(1) và tiếp đó Chánh cương vắn tắt của Đảng, thông qua tại Hội nghị hợp nhất (2-1930) nêu rõ, “Tổ chức ra quân đội công nông”(2). Theo chủ trương của Đảng, lực lượng vũ trang, quân đội công nông được thành lập với mục tiêu đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc. Khi tình thế cách mạng trực tiếp chưa chín muồi và lực lượng vũ trang còn non yếu, Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh bằng các hình thức: biểu tình, tuần hành thị uy, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa... để bảo vệ các quyền dân sinh, dân chủ, các quyền lợi cơ bản và hàng ngày như tăng lương, giảm giờ làm, bỏ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo, đem lại quyền tự do cho nhân dân(3),... Trên thực tế, những cuộc đấu tranh kể trên cũng là bước tôi luyện cho quần chúng trong cuộc đấu tranh vũ trang về sau.

Từ các phong trào đấu tranh, các tổ chức vũ trang cách mạng lần lượt ra đời: Xích vệ - Tự vệ Đỏ trong Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931); Đội du kích Bắc Sơn (1940), sau đổi thành Việt Nam Cứu quốc quân.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ở nước ta, trên khắp ba miền đều diễn ra biến động: Khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940), Nam Kỳ (11-1940) và cuộc binh biến ở Đô Lương (1-1941). Đảng ta nhận định: “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”(4).

Đến năm thứ ba của cuộc Chiến tranh đế quốc, đoán định về thời cơ mới “sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”(5), lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Trung ương 8
(5-1941). Với sự đánh giá chính xác về tình hình quốc tế và trong nước, Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(6). Trên cơ sở đánh giá đó, Đảng khẳng định: “Cần phải thay đổi chiến lược... phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho phù hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi...”(7), “cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”(8). Và, “cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang...”(9).

Hội nghị chủ trương lập “Việt Nam nhân dân cách mạng quân và võ trang dân chúng”(10), chuẩn bị đón thời cơ khởi nghĩa giành độc lập, tự do, trừng trị Việt gian phản quốc, bảo vệ chính quyền. Ngày 22-12-1944, theo Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Chỉ thị xác định rõ: Đây là “Đội quân chủ lực”, “Đội quân đầu tiên”, “Đội quân đàn anh”, là “khởi điểm của Giải phóng quân”, có nhiệm vụ giúp đỡ, phối hợp hoạt động với lực lượng vũ trang các địa phương(11). Ngày 15-5-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Sau đó, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, Vệ quốc quân, Quân đội quốc gia Việt Nam, rồi Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày nay.

Như thế, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời trong bão táp cách mạng, “từ nhân dân mà ra”, đáp ứng yêu cầu lịch sử, đã cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành độc lập, tự do cho toàn dân tộc  (8-1945).

2. Quân đội nhân dân Việt Nam: sự thống nhất tính dân tộc, tính nhân dân và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân

Do điều kiện tự nhiên và lịch sử, ý thức về cộng đồng dân tộc ở nước ta đã hình thành từ rất sớm. Cư dân trên lãnh thổ Việt Nam xưa đã phải đoàn kết - cố kết để sinh tồn và phát triển, phải tìm mọi cách để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt... Từ điều kiện tự nhiên như vậy, nhân tố quan trọng nhất để hình thành nhà nước đó là từ các công việc về trị thủy và thủy lợi - đắp đê ngăn lũ để sản xuất chứ không phải do phân hóa xã hội như ở nhiều quốc gia khác(12)

Cùng với yêu cầu về khắc phục thiên tai, làm thủy lợi là các cuộc chiến đấu bảo vệ địa vực cư trú, bảo vệ cuộc sống. Cách đây trên 2.500 năm, Nhà nước Văn Lang của người Việt ra đời. Nhà nước hình thành sớm là cái nền ươm mầm ý thức về quê hương - xứ sở, ươm mầm cho quá trình hình thành ý thức quốc gia - dân tộc, về lòng yêu nước. Tinh thần yêu nước là một giá trị phổ quát mang tính toàn nhân loại. Nhưng ở nước ta, nội dung và đặc trưng của tinh thần yêu nước có đặc thù riêng, do chi phối bởi những điều kiện riêng. Đó là, để sinh tồn và phát triển mà trong xã hội Việt Nam xưa, đã sớm hình thành kết cấu cơ bản Nhà - Làng - Nước. Mọi người, dù ở tầng lớp, thành phần, tuổi tác, địa vị nào trong xã hội đều được gắn kết vào gia đình, giống nòi, cộng đồng, quê hương, đất nước; từ đó và trong đó hình thành nên ý thức về lãnh thổ, sự toàn vẹn lãnh thổ, về lịch sử, văn hóa, về độc lập, tự chủ của dân tộc. Đây là biểu hiện thường xuyên và đặc trưng nhất của tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước; đây cũng là nguồn gốc và chuẩn mực của ý thức, thái độ vì cộng đồng, vì nhân dân của từng cá nhân đến toàn xã hội, từ cá thể đến cả thể chế.

Trong kỷ nguyên Đại Việt, từ Lý - Trần đến Lê Sơ, cách tổ chức đời sống xã hội, tổ chức quân sự - quốc phòng đã tạo nên những điều kỳ diệu. Đó là Nhà nước thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”, tức là “gửi binh ở nông”. Nhờ đó, lúc nào đất nước cũng có nhân lực sản xuất, luyện tập quân sự và bảo vệ đất nước. Người sản xuất, lực lượng luyện tập lại luân phiên nhau theo quy định, khiến họ có thể vừa làm nông, vừa sẵn sàng chuyển sang cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ đất nước. Trạng thái đó khiến người dân và người lính khá hiểu nhau, gần gũi nhau. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang ở nước ta, cho đến trước khi Đảng Cộng sản ra đời, chủ yếu do giai cấp phong kiến tổ chức và lãnh đạo, mang bản chất của giai cấp phong kiến. Lực lượng vũ trang ra đời trong các cuộc khởi nghĩa nông dân chống phong kiến thống trị hoặc quân xâm lược, dù tiến bộ, vẫn không thoát khỏi ý thức hệ phong kiến. Trong lịch sử dân tộc, khi đất nước đứng trước họa ngoại xâm, đó là lúc lợi ích của giai cấp thống trị và nguyện vọng cứu nước bức thiết của đông đảo quần chúng nhân dân, được điều hòa và tạo nên sức mạnh vĩ đại chiến thắng giặc ngoại xâm. Những chiến công hiển hách của tổ tiên ta các thời Lý - Trần - Lê và Quang Trung - Nguyễn Huệ là những ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang của nhà nước phong kiến và dân chúng đông đảo luôn có sự đối lập về lợi ích giai cấp; nhiều khi còn mâu thuẫn về đường lối chỉ đạo kháng chiến chống ngoại xâm, khiến cho thắng lợi bị hạn chế và trong nhiều trường hợp, quân đội nhà nước không hoàn thành được sứ mệnh dân tộc (thời kỳ Thục An Dương Vương, Hồ Quý Ly và Nhà Nguyễn...).

Thấm nhuần sâu sắc truyền thống dân tộc “Nước lấy dân làm gốc” và nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về sức mạnh và vai trò lịch sử của quần chúng nhân dân, trong sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhấn mạnh nhân dân là chủ thể - cội nguồn sức mạnh của Quân đội, đồng thời thường xuyên giáo dục, bồi đắp bản chất giai cấp công nhân cho Quân đội. Bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc thống nhất làm một và hợp thành bản chất cách mạng của Quân đội ta(13). Bản chất đó đã nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu của Quân đội, góp phần làm phong phú, sâu sắc và hài hòa các truyền thống nhân văn tốt đẹp của văn hóa giữ nước, văn hóa Việt Nam. Tư tưởng chỉ đạo cơ bản trong xây dựng bản chất cách mạng cho lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”. Đó là bổn phận thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang ta. Xưa, trung với vua, với nước, hiếu với cha mẹ là đạo lý lớn của người Việt Nam. Nay, đạo lý đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên thành đạo lý cho  quân đội ta ở tầm cao mới. Trung với vua trước kia, nay trở thành trung với nước; hiếu với cha mẹ nay mở ra gồm cả lòng hiếu nghĩa với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ chiến đấu, mà xả thân cứu nước.

3. Vì nhân dân quên mình - phẩm chất cách mạng hình thành như quá trình lịch sử tự nhiên

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Quân đội ta. Tính dân tộc, tính nhân dân và bản chất công nhân hội tụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này quy định phẩm chất cách mạng của Quân đội, trong đó một phẩm chất cực kỳ cao đẹp, mang giá trị đạo lý và nhân văn sâu sắc, vững bền mà cán bộ, chiến sỹ luôn tâm niệm, đó là vì nhân dân quên mình.

Quân đội ta vì nhân dân quên mình,vì Quân đội được Đảng và Bác Hồ thường xuyên giáo dục về mục tiêu chiến đấu, về lý tưởng và đạo đức cách mạng, và bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ cũng luôn tự tu dưỡng rèn luyện, thấm nhuần và thực hiện tốt những lời dạy đó. 34 chiến sỹ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, trong khu rừng Trần Hưng Đạo thâm nghiêm, đã trang trọng thề dưới cờ Tổ quốc “hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam... làm cho nước Việt Nam trở thành một nước Dân chủ, Độc lập, Tự do, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”(14).

Ngày 25-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Lễ khai giảng khóa đầu tiên của Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (Sơn Tây), tặng nhà trường lá cờ đỏ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” và nhấn mạnh “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sỹ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”(15).

Năm 1964, nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người còn dạy: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(16). Như thế, người chiến sỹ ở thời đại Hồ Chí Minh, vì nhân dân,là người chiến sỹ không chỉ cùng toàn dân bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn cùng toàn dân xây dựng một chế độ xã hội mới, ở đó con người được giải phóng, được làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, xây dựng quốc gia giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh như mong muốn và Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như thế, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trao - truyền cho cán bộ chiến sĩ mục tiêu và lý tưởng chiến đấu cao cả.

Quân đội vì nhân dân quên mình, bởi từ thuở trứng nước với vô vàn khó khăn, đến khi thành một đội quân hùng hậu, cùng toàn dân đánh thắng nhiều “đế quốc to”, họ luôn được nhân dân đùm bọc, chở che.

Khi mới thành lập, quân đội ta “ban đầu lương thực, khí giới, chăn áo, thuốc men cái gì cũng thiếu thốn”, nhờ dựa vào dân mà “chẳng mấy lâu, từ vài chục người đã trưởng thành đến vài trăm người, thanh niên rầm rầm kéo đến xin vào bộ đội. Nhờ đồng bào Việt Bắc hăng hái giúp đỡ mọi mặt, có người bán cả trâu, cả ruộng để giúp, đồng bào các nơi cũng ra sức ủng hộ..., từ đó người càng đông, sức càng mạnh...”(17). Vừa giáo dục Quân đội kính ngưỡng nhân dân, mang ơn sâu, nghĩa nặng với đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa giúp đồng bào hiểu thêm về bộ đội. Đó là lực lượng sẵn sàng hy sinh tính mệnh “để giết giặc, cứu nước, bảo vệ đồng bào”. Người nói: “Đồng bào biết rằng, các chiến sĩ trong bộ đội ai cũng có cha mẹ anh em, ai cũng có gia đình thân thích. Nhưng họ đã hy sinh tiểu gia đình của họ, họ đã không ngại rời cha mẹ, bỏ quê hương ra xông pha bom đạn để phụng sự đại gia đình dân tộc, gồm cả gia đình của mỗi đồng bào. Do đó, nhân dân ta biết ơn và yêu mến bộ đội”(18).

Ra đời trong bối cảnh nước mất, nhà tan, trong không khí sục sôi của cuộc cách mạng giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta kế thừa và phát triển lên đỉnh cao những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, chiến đấu vì độc lập tự do, vì CNXH. Nhân dân ta đã trìu mến gọi Quân đội nhân dân Việt Nam danh xưng cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

“Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là phẩm chất cao quý nhất, cơ bản nhất của “Bộ đội Cụ Hồ”, là cái gốc của cả cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sỹ Quân đội ta”(19).

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến phẩm chất hiếu với dân trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chiến sỹ. “Hiếu với dân, vì nhân dân quên mình bao hàm cả đức độ, nghĩa nặng tình sâu, là sự hàm ơn sâu sắc, sự phụng sự báo đền tận tụy người sinh ra và nuôi dưỡng mình, mà sự báo đền lớn nhất là sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân”(20).

Vì nhân dân quên mình, cốt lõi đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sỹ sẽ được Quân đội ta giữ gìn, bồi đắp ngày càng phong phú và làm cho giá trị của nó ngày càng tỏa sáng.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

(1), (2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.122, 2, 16.

(4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập,  t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.109, 100, 113, 118, 119, 129, 150.

(11) Xem Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí MinhLời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, in trong sách  Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

(12) Theo Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước Bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập (KX 03.14/06.10).

(13) Xem: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.177.

(14) Dẫn theo Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.353.

(15) Hồ Chí Minh: Về xây dựng lực lượng vũ trang, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.601.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.350.

(17)  Sđd, t.4, tr.330.

(18) Sđd, t.6, tr.427.

(19), (20) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 -  1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.349, 350.

 

Thiếu tướng, PGS, TS Trịnh Vương Hồng

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền