Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Học tập và làm theo phong cách quần chúng Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 16 Tháng 10 2015 15:32
3194 Lượt xem

Học tập và làm theo phong cách quần chúng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Phong cách Hồ Chí Minh được hình thành từ sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng trọng dân, thân dân trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; là kết quả của quá trìnhkhông ngừng học tập, làm theo phong cách của những vĩ nhân trong lịch sử; là những trải nghiệm thực tiễn trong quá trình sống và hoạt động. Phong cách quần chúng mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh - người hết mực yêu nước, thương dân, cống hiến trọn đời cho đất nước, cho nhân dân.Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh được thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động của Người, từ nhận thức đến hành động, từ sinh hoạt đến ứng xử, từ đời riêng đến việc công.

 

Phong cách là lề lối, cách thức, cung cách, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nề nếp ổn định của một người, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó. Như vậy, nói đến tính ổn định, bền vững tương đối và dấu ấn cá nhân của chủ thể hoạt động.

Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc điểm, mang dấu ấn riêng của Hồ Chí Minh về cách thức, phong độ,... góp phần hình thành nên tính độc đáo. Hệ thống của phong cách Hồ Chí Minh; được hình thành từ sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng trọng dân, thân dân trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; là kết quả của quá trình Hồ Chí Minh không ngừng học tập, làm theo phong cách của những vĩ nhân trong lịch sử dân tộc và thế giới mà Người rất khâm phục, kính trọng, như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Mác, Ăngghen, Lênin...; là những trải nghiệm thực tiễn của Người trong quá trình sống và hoạt động. Những quan điểm của các nhà tư tưởng phương Đông và phương Tây đánh giá cao vai trò, vị trí của người dân đối với sự ổn định và phát triển xã hội, nhất là những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Phong cách quần chúng mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh - người hết mực yêu nước, thương dân, cống hiến trọn đời cho đất nước, cho nhân dân.

Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh được thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động của Người, từ nhận thức đến hành động, từ sinh hoạt đến ứng xử, từ đời riêng đến việc công.

Thứ nhất, yêu thương nhân dân, phấn đấu vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, tại một vùng đất địa linh nhân kiệt của đất nước, Hồ Chí Minh sớm kế thừa truyền thống yêu nước, thương dân sâu sắc của các thế hệ tiền bối và trở thành người hội tụ, thể hiện tiêu biểu nhất truyền thống quý báu đó. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại và cao đẹp của Người xuất phát từ tấm lòng vì nước, vì dân, muốn cho người dân ai cũng có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, thoát khỏi kiếp sống nô lệ, lầm than, khỏi mọi đau khổ, bất công. Đó chính là hành trang quý giá, là động lực mạnh mẽ thôi thúc Người đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Khi đất nước còn đang bị ngoại bang thống trị, dân tộc bị mất quyền làm người, Hồ Chí Minh không quản khó khăn, hiểm nguy, tập trung mọi tâm huyết, trí lực, thể lực để đấu tranh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc và dân tộc. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(1). Chính với mục tiêu cao đẹp như vậy, với tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí kiên định, sắt son và tâm thế hết sức thanh thản, Hồ Chí Minh đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc đời hoạt động cách mạng.

Khi nước nhà đã giành được độc lập, Hồ Chí Minh tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi để cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Người trăn trở khi thấy nhân dân vẫn đói, vẫn rét, vẫn khổ và khẳng định chân giá trị của độc lập, tự do chính là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(2). Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, người dân được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cả cuộc đời Người luôn luôn tập trung, phấn đấu cho ham muốn đó.

Thứ hai, tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân

Hồ Chí Minh có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân. Với Người, quần chúng nhân dân luôn là lực lượng có sức mạnh vô địchvà là lực lượng chủ yếu, quyết địnhsự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, Hồ Chí Minh xác định một trong mười hai tiêu chí của một người cách mạng mẫu mực là phải lãnh đạo được nhân dân. Người lý giải “vì sức mạnh của họ không thể thiếu được với sự thành công của sự nghiệp cách mạng”(3).

Đề cập đến kinh nghiệm thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng quan trọng nhất là vì lực lượng toàn dân đoàn kếttheo lá cờ Việt Minh, quyết giành lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Người nêu rõ: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(4). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh xác định, trước những đế quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn này, cách thức hữu hiệu nhất là phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc theo tinh thần: “Thực hiện được toàn dân kháng chiến, phần thắng thế nào cũng về ta”(5).

Trong quan niệm của Người, quần chúng nhân dân chẳng những là lực lượng có sức mạnh vô địch, lực lượng chủ yếu, quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng, mà còn là khởi nguồn mang lại sức mạnhcho Đảng, Nhà nước, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng vũ trang. Trên cơ sở đánh giá rất cao vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra một chân lý:

“Nước lấy dân làm gốc.

...

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(6).

Hay:

“Dễ mười lần không dân cũng chịu,

          Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”(7).

Đối với lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh khẳng định Quân đội ta là quân đội nhân dân, Công an ta là công an nhân dân. Các lực lượng này phải từ nhân dân mà ra, dựa vào nhân dân để phát triển, để hoàn thành nhiệm vụ và vì nhân dân mà phục vụ. Tóm lại, phải quán triệt sâu sắc quan điểm: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân”.

Chính với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của lực lượng nhân dân nên Hồ Chí Minh chủ trương sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới nhằm mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân phải là sự nghiệp của chính nhân dân, do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải mang tài dân, sức dân, của dân ra làm lợi cho dân.

Thứ ba, sâu sát dân, gần dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu nhất, sinh động nhất của một người cán bộ cách mạng luôn luôn sâu sát dân, gần dân, qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để xây dựng đường lối, chủ trương chính sách đúng đắn, phù hợp. Trong 10 năm sau ngày miền Bắc được giải phóng (1955 - 1965), Người đã có khoảng 700 lần tới thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, nhà trường, đơn vị lực lượng vũ trang... Trung bình mỗi năm có khoảng 60 lần Người xuống cơ sở. Trong những chuyến đi như vậy, với tình cảm chân thành và gần gũi, Người vừa quan tâm động viên đồng bào, chiến sĩ, vừa hỏi thăm nắm bắt tình hình thực tiễn. Người ân cần thăm hỏi và tìm hiểu sâu sát cuộc sống của nhân dân từ nơi ăn, chốn ở có hợp vệ sinh không, các cháu bé có nơi trông giữ hay không, cho đến những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những điển hình mới trong lao động sản xuất và chiến đấu....

Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, nhắc nhở các cán bộ, đảng viên cần chú ý tính thiết thựctrong công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Trong quan niệm của Người, cách lãnh đạothiết thực có nghĩa là khi xây dựng một đường lối, chủ trương mới, phải xuất phát từ thực tiễn, tham khảo những kinh nghiệm hay, những ý kiến tâm huyết của nhân dân. Sau đó, tập hợp các kinh nghiệm, ý kiến lại và phân tích, nghiên cứu, sắp đặt có hệ thống. Từ đó xây dựng thành đường lối chung và tuyên truyền, tổ chức nhân dân thực hiện. Khi quần chúng nhân dân thực hiện thì kiểm tra, xem xét lại đường lối đó có phù hợp không, rồi tiếp tục tập trung ý kiến của quần chúng, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và tuyên truyền, tổ chức nhân dân thực hiện. Cứ như vậy, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước sẽ ngày càng hoàn thiện, sát hợp với thực tế, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn, qua đó thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng đi lên. Với ý nghĩa này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(8).

Muốn thực hiện được cách lãnh đạo như trên, mỗi cán bộ phải thấm nhuần quan điểm quần chúng, sâu sát dân, gần dân, khiến cho dân tin yêu, cảm phục: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(9).

Thứ tư, chống bệnh quan liêu, xa dân và các căn bệnh khác trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền

Là người luôn luôn yêu mến, kính trọng nhân dân, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân, Hồ Chí Minh đặc biệt ghét thói quan liêu, cửa quyền, “vác mặt quan cách mạng” với nhân dân và các căn bệnh khác làm tổn hại đến quan hệ giữa Đảng cầm quyền với nhân dân. Dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, ở nơi chiến khu gian khổ, hay lúc cách mạng đã thành công, trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Người vẫn luôn giữ nếp sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, sống chan hòa, gần gũi với các cán bộ cấp dưới và quần chúng nhân dân.

Trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh luôn kiên quyết chống bệnh quan liêu. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà,Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hoá, đề phòng sự tha hoá, hư hỏng bản thân; trong đó, Người nghiêm khắc phê bình những người mắc bệnh “lên mặt quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán”(10) và thẳng thắn yêu cầu họ phải lập tức sửa đổi ngay.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Những thành tựu đó có được một phần là do Đảng đã kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, cán bộ, đảng viên đã học tập, làm theo phong cách quần chúng Hồ Chí Minh, tin yêu nhân dân, luôn luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân. Do vậy đã nắm bắt thực tiễn từ đó tổng kết những cách làm hay, những kinh nghiệm quý góp phần xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Song, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số cán bộ thoái hóa, biến chất, làm việc quan liêu, cửa quyền, sống xa dân, vô cảm với những khó khăn, vất vả của nhân dân. Cùng với việc phát huy vai trò của pháp luật, việc giáo dục, nâng cao nhận thức có ý nghĩa quan trọng, góp phần khắc phục tình trạng này. Trong đó, có việc học tập và làm theo phong cách quần chúng Hồ Chí Minh.

Để học tập và làm theo phong cách quần chúng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách quần chúng Hồ Chí Minh, để mỗi cán bộ đảng viên học tập, làm theo. Để qua học tập, mỗi cán bộ mới hiểu rõ hơn giá trị của phong cách quần chúng Hồ Chí Minh, từ đó liên hệ với bản thân, nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải học tập, làm theo.

Đảng viên ở cương vị lãnh đạo cần có cách lãnh đạo theo đường lối quần chúng. Theo Hồ Chí Minh, biết cách lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị là một trong những tiêu chuẩn của người đảng viên, nhất là đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Cách lãnh đạo theo đường lối quần chúng trước hết đòi hỏi việc xây dựng đường lối, chính sách phải trên cơ sở nguyện vọng quần chúng, từ những yêu cầu của cuộc sống nhân dân của xã hội. Khi đã xây dựng được đường lối, chính sách phải tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng thực hiện một cách dân chủ, tự nguyện, tự giác, tránh dùng biện pháp mệnh lệnh. Trong quá trình thực hiện đường lối, chính sách, cán bộ phải luôn luôn theo sát tình hình, sơ kết, tổng kết những kinh nghiệm hay để nhân rộng, kịp thời phát hiện những điểm còn chưa phù hợp để bổ sung đường lối, chính sách.

Các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình, đồng thời lắng nghe nhân dân góp ý, phê bình. Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh được thể hiện ở sự tin yêu, tôn trọng, sâu sát, học hỏi và luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của quần chúng. Muốn nhân dân yêu mến, tin tưởng và chân thành góp ý, phê bình, các cấp uỷ đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải thực hiện tốt tự phê bình. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”(11).

_________________

(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch(in lần thứ 9), Nxb Văn học, Hà Nội, 1989, tr. 45-46.

(2), (4), (5), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.175, 19, 99, 65, 20.

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.2, tr.450

(6), (8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.501-502, 330.

(7), (11) Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr.280, 280.

 

TS Lý Việt Quang

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền