Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bảo đảm quyền bình đẳng của các tôn giáo trong thời kỳ đổi mới
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 16:58
7377 Lượt xem

Bảo đảm quyền bình đẳng của các tôn giáo trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Việc đoàn kết, tập hợp đồng bào các tôn giáo trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ lịch sử là rất quan trọng. Cùng với nguyên tắc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các tôn giáo được Đảng, Nhà nước ta vận dụng phát triển trong thời kỳ đổi mới. Đại hội VII của Đảng khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đảng và Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân; thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo; khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc(1).

Quan điểm của Đảng tiếp tục được khẳng định, bổ sung và phát triển qua các kỳ Đại hội VIII, IX, X và XI. Đặc biệt, quyền bình đẳng của các tôn giáo được Đảng ta đề cập chi tiết, cụ thể hơn trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX: Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Nguyên tắc các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật được thể hiện ở chủ trương của Đảng và được kịp thời thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 70, Hiến pháp 1992 ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”(2).

Trong Bộ luật Dân sự, Điều 5 nguyên tắc bình đẳng quy định : “Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau” và Điều 47 ghi rõ: “Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”(3).

Pháp lệnh số 21 về tín ngưỡng tôn giáo (năm 2004) đã quy định cụ thể, chi tiết về quyền bình đẳng của các tôn giáo, quyền bình đẳng giữa các công dân có tín ngưỡng và công dân không có tín ngưỡng, giữa các công dân có tín ngưỡng khác nhau:

Mọi công dân đều có quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Nhà nước không phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nghĩa là các công dân có tín ngưỡng, tôn giáo được bình đẳng như mọi công dân khác trong xã hội trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Quyền công dân được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như quyền bầu cử, ứng cử, quyền sở hữu, quyền được học hành, vui chơi, giải trí, được tiếp cận các nguồn lợi xã hội, quyền tự do cư trú, tự do đi lại và các quyền dân sự, chính trị khác... Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân không có tín ngưỡng tôn giáo đều có nghĩa vụ như nhau trước pháp luật. Một số nghĩa vụ mà mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều phải thực hiện như: nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ lao động công ích, nghĩa vụ đóng thuế... Ngoài bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, mọi công dân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng còn bình đẳng về trách nhiệm pháp lý. Nghĩa là bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng các chế tài theo quy định của pháp luật, không phân biệt thành phần xuất thân, không phân biệt địa vị xã hội, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo. Với các công dân có tín ngưỡng thì được tự do bày tỏ đức tin, thực hành nghi thức thờ cúng và được tự do tham dự các sinh hoạt tôn giáo, không phân biệt đó là người theo tôn giáo nào. Trong thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, công dân có tín ngưỡng, tôn giáo phải tôn trọng tự do không tín ngưỡng của người khác, và sinh hoạt tôn giáo không cản trở quyền thực hiện nghĩa vụ công dân. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được tự do giảng đạo theo quy định của pháp luật, không phân biệt chức sắc, nhà tu hành đó là người của tôn giáo nào. Chức sắc, nhà tu hành ngoài thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình còn phải có trách nhiệm giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật và hướng dẫn tín đồ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.

Quyền bình đẳng của các tổ chức tôn giáo được quy định trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là,các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận đều có quyền hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tôn giáo khác nhau đều được Nhà nước đảm bảo.

Hai là,tài sản hợp pháp thuộc các cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận đều được pháp luật bảo hộ. Các tôn giáo được xây dựng, sửa chữa, tu bổ cơ sở thờ tự phù hợp với nhu cầu của tôn giáo, phù hợp với điều kiện của đất nước và những quy định của pháp luật.

Ba là,các tổ chức tôn giáo được thành lập, sáp nhập, chia tách, được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật không phân biệt đó là tôn giáo nào.

Bốn là,các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận được bình đẳng với nhau trong thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo; bình đẳng trong xuất bản, in ấn, sử dụng kinh sách, đồ dùng việc đạo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo.

Năm là,cáctổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc của các tôn giáo được quyền bình đẳng trong thực hiện quan hệ đối ngoại theo quy định của hiến chương, điều lệ, giáo luật của tổ chức tôn giáo, phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Những nội dung cơ bản của nguyên tắc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật được thực thi trong thực tiễn. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điệu kiện cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được diễn ra thuận lợi. Các tôn giáo được tự do hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà nước luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân, đảm bảo bình đẳng giữa các công dân, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Tín đồ của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tại gia đình và các cơ sở thờ tự hợp pháp. Mọi công dân, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, khi vi phạm luật pháp đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Hiện nay, ở Việt Nam có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83 nghìn chức sắc, 250 nghìn chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo (tương đương từ bậc trung cấp đến trên đại học), 25 nghìn cơ sở thờ tự. Trong đó, Phật giáo có khoảng 11 triệu tín đồ, 46.495 chức sắc, 14.778 cơ sở thờ tự, 37 cơ sở đào tạo chức sắc (4 học viện, 1 trường trung- cao đẳng Phật học, 32 trường trung cấp). Công giáo có gần 7 triệu tín đồ, 4.044 chức sắc, 7.500 chức việc, 3 Tổng giáo phận, 3 nghìn giáo xứ, 6 nghìn giáo họ, 9 nghìn cơ sở thờ tự, 7 đại chủng viện. Tin lành có 10 tổ chức hệ phái đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với khoảng hơn 1 triệu tín đồ, 436 mục sư, 306 mục sư nhiệm chức, 458 truyền đạo, 455 chi hội, 4.409 điểm nhóm, 351 nhà thờ có Viện Thánh kinh thần học. Đạo Cao đài có 10 hệ phái được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức, có 1 pháp môn tu hành, có khoảng 2,4 triệu tín đồ, hơn 10 nghìn chức sắc, gần 20 nghìn chức việc, 958 họ đạo, 65 Ban đại diện, hơn 1.290 thánh thất. Phật giáo Hòa Hảo có khoảng 1,5 triệu tín đồ, 3.200 chức việc, 94 chùa, 50 hội quán, 399 tòa đọc giảng. Hồi giáo có 6 tổ chức được công nhận với khoảng 75 nghìn tín đồ, 770 chức sắc, 79 cơ sở thờ tự. Tịnh độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam có khoảng 1,5 triệu tín đồ, 4.800 chức sắc, chức việc, 206 hội quán, 350 nghìn hội viên. Ngoài ra còn hơn 1 triệu tín đồ của 6 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận về tổ chức gồm: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo, Bàlamôn, Bahai (4).

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trùng tu, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Rất nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được tu sửa khang trang hơn; hàng trăm héc ta đất đã được cấp cho các tổ chức tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin lành... để xây dựng cơ sở thờ tự, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng chân chính của nhân dân.

Kinh sách và các ấn phẩm tôn giáo, tín ngưỡng được in ấn, xuất bản với số lượng ngày càng nhiều hơn. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp phép xuất bản 5.841 ấn phẩm của các tôn giáo, trong đó có 4.725 đầu sách với khoảng 14,5 triệu bản in, 1.118 đĩa MP3, VCD, CD, DVD... với nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số(5). Hầu hết các tôn giáo đều có các ấn phẩm chuyên san, chuyên sâu (tạp chí, báo, bản tin), qua đó tín đồ có thể bày tỏ đức tin và quan điểm của mình đối với chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Nhiều chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo đã được Nhà nước tạo điều kiện để ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ. Phật giáo hiện có hàng trăm tăng, ni sinh đang du học ở nước ngoài và hàng trăm tăng, ni sinh đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về nước phục vụ cho Giáo hội. Công giáo mỗi năm cũng có hàng chục linh mục, tu sĩ được ra nước ngoài để học tập...

Nhà nước đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin lành... được ra nước ngoài tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế về tôn giáo. Hàng trăm đoàn khách nước ngoài đã đến làm việc với các tôn giáo ở Việt Nam.

Cả nước hiện có 544 lễ hội tôn giáo. Hằng năm, những ngày lễ hội lớn của các tôn giáo như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và Tin lành, lễ hội Yến Diêu Trì của đạo Cao đài, lễ Khai đạo của Phật giáo Hòa Hảo... đều được tổ chức long trọng ở nhiều địa phương trên cả nước... Nhà nước cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho giáo hội các tôn giáo khi có nhu cầu đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế, tổ chức những ngày lễ kỷ niệm với quy mô lớn như Phật giáo với Đại lễ Phật đản 2008 và Hội nghị Nữ giới lần thứ XI; Tin lành với lễ kỷ niệm 100 năm; Công giáo với các hội nghị và các ngày lễ kỷ niệm như: Tổng tu nghị của các dòng tu, Hội nghị quốc tế dòng Đức Bà truyền giáo, Hội nghị thường kỳ của các tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Tên vùng Đông Á- Úc; Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X, lễ năm Thánh, lễ kỷ niệm 50 hàng Giáo phẩm Việt Nam, lễ kỷ niệm 350 năm thành lập Giáo phận Đàng trong và Giáo phận Đàng ngoài... với hàng nghìn lượt người trong và ngoài nước đến dự. Đó là thực tế sinh động chứng minh sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa chủ trương, chính sách và sự bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật của Đảng, Nhà nước ta đối với tôn giáo; rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật không chỉ là nguyên tắc trên lý thuyết mà còn được thực thi nghiêm túc trong thực tế cuộc sống ở Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

(1) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội , 1991.

(2) Xem: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1992.

(3) Xem: Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

(4) Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo khái quát tình hình tôn giáo và một số đề xuất về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tháng 2-2013.

(5) Theo Nguyễn Công Huyên: “Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo qua 8 năm thực hiện và những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi”, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 8-2013.

TS Hoàng Thị Lan

Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền