Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Các yếu tố tác động đến hoạt động di cư quốc tế ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:20
5681 Lượt xem

Các yếu tố tác động đến hoạt động di cư quốc tế ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng nổi trội và đã trở thành một môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam nằm trong khu vực kinh tế năng động và nhạy cảm của nền kinh tế thế giới. Do vậy, Việt Nam chịu tác động của những xu hướng phát triển kinh tế quốc tế. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và có những thách thức to lớn trong quá trình chuyển đổi và phát triển nền kinh tế; từ đó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến di cư quốc tế của Việt Nam.

1. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của các quốc gia ngày càng sâu rộng

Một cách tổng quát, toàn cầu hóa kinh tế là kết quả của sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất và đến lượt nó tác động trở lại thúc đẩy sự phát triển tài chính, dịch vụ, lao động...; giữa các quốc gia được kết nối với nhau, tạo nên những dòng chảy vốn, hàng hóa, dịch vụ, lao động, công nghệ ngày càng tự do trong phạm vi khu vực và toàn cầu, hỗ trợ cho mọi quốc gia tham gia toàn cầu hóa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội một cách nhanh chóng hơn. Tác động tích cực này thể hiện rõ rệt nhất trong việc giảm đói nghèo. Điều này thể hiện rõ rệt nhất đối với các nước đang phát triển chủ động tham gia toàn cầu hóa có chính sách đúng đắn và lựa chọn các bước đi thích hợp trong quá trình hội nhập.

Ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với nền kinh tế các nước được thể hiện qua các tác động chủ yếu sau:

Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế tạo lợi thế so sánh cho các quốc gia, nhất là các quốc gia chậm phát triển tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại toàn cầu đem lại cơ hội cho mỗi quốc gia, dân tộc có thị trường rộng lớn để có thể tiêu thụ sản phẩm được sản xuất ra trong quá trình CNH, HĐH và được hưởng thụ những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các nước khác tạo ra, đồng thời tạo ra “văn hóa tiêu dùng toàn cầu” với biên giới và không gian giữa các quốc gia ngày càng thu hẹp. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy các dòng di cư lao động quốc tế với biên giới quốc tế và không gian lãnh thổ ngày càng mở rộng hơn.

Thứ ba, tự do hóa thị trường tài chính toàn cầu gắn liền với việc thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế, mở cửa cho các dòng vốn lưu chuyển một cách tự do từ quốc gia này tới các quốc gia khác, tạo tiền đề cho sự hội nhập các thị trường tài chính quốc tế. Dòng lưu chuyển này được thực hiện chủ yếu qua các dự án đầu tư kinh tế và dịch vụ, tạo ra nhu cầu lớn về lao động, trong đó có lao động di cư quốc tế.

Thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện để các nước tiếp cận với khoa học và kỹ thuật hiện đại, với công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, đổi mới công nghệ thông qua các nhà đầu tư và từ đó tạo cơ hội và động lực cho các dòng di cư lao động quốc tế, nhất là lao động có trình độ chuyên môn cao.

Như vậy, toàn cầu hóa kinh tế tạo ra sự phân công lao động ngày càng sâu sắc trên phạm vi toàn cầu. Đây là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các dòng di cư quốc tế, với đặc trưng chủ yếu là dòng di cư lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề nhất định và dòng di cư du học từ các nước nghèo, kém phát triển tới các nước giàu, phát triển, có nền giáo dục, khoa học và công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn.

2. Chênh lệch tiền lương giữa các nước giàu và nghèo - yếu tố chủ yếu thúc đẩy di cư quốc tế

Theo báo cáo của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrith cũng như kết quả các công trình nghiên cứu về di cư nội địa, di cư quốc tế thì tiền lương tính theo sức mua tương đương (PPP) là một trong những yếu tố quan trọng nhất của “lực đẩy” và “lực hút” trong di cư. Xét về điều kiện này thì chênh lệch mức thu nhập của Việt Nam với nhiều nước trong khu vực còn rất lớn.

Theo số liệu so sánh từ những năm trước đây: GDP của Việt Nam bình quân đầu người đã tăng từ 225USD (1991) lên 410USD (2000) và 1.061USD (2010) trong khi nhiều nước trong khu vực, cách đây hàng chục năm mức bình quân này đã gấp nhiều lần so với Việt Nam: năm 1998, Xinhgapo 30.060USD, Philíppin 1.050USD,
Malaixia 3.600USD, Thái Lan 2.200USD, Hàn Quốc 8.686USD(1).

Theo số liệu tính theo tỷ giá hối đoái, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 114USD (1991) lên 1.061USD (2010). Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cùng trong khoảng thời gian trên đã tăng từ 353USD lên 3.915USD. Mặt khác, tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 706USD (1991) lên 2.948USD (2010). Trong khoảng thời gian này Trung Quốc tăng từ 888USD lên 6.786USD.

Theo số liệu “Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009” của WB, “thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Inđônêxia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Xinhgapo”(2).

So với 29 nước mà IMF gọi là các nước tiên tiến (các nước phát triển) thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn 20 - 40 lần. Thí dụ GDP bình quân đầu người năm 2006 một số nước như Hoa Kỳ là 43.444USD, Canađa 28.494USD, Đức 31.095 USD, Pháp 30.693USD, Nhật Bản 32.647USD...

Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và khu vực ngày càng rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa đã tạo ra nhu cầu lớn về di cư.

Chênh lệch về mức sống, cơ hội có việc làm với mức thu nhập cao hơn ở trong nước đã thúc đẩy dân di cư tìm các cơ hội mới, cho dù chỉ là tạm thời ở nước ngoài. Di cư vì mục đích kinh tế là loại hình di cư nổi trội, đặc biệt là trong điều kiện toàn cầu hóa và tự do kinh tế.

3. Các xu hướng nhân khẩu học: sự già hóa dân số và sự thiếu hụt lao động ở các nước giàu và phát triển

- Già hóa dân số là nguyên nhân chủ yếu của thiếu hụt nguồn lao động ở các nước phát triển.

Sự gia tăng của già hóa dân số làm gia tăng sự thiếu hụt sức lao động. Nhiều nước lâm vào cảnh thiếu lao động nên phải thu hút các dòng nhập cư lao động từ các quốc gia khác.

Di cư quốc tế, nhất là di cư lao động từ các vùng đông dân, tỷ lệ sinh cao tới các nước, vùng già hóa dân số cao sẽ là một xu hướng tất yếu, nhất là khi toàn cầu hóa kinh tế đang là một xu thế không thể đảo ngược.

- Dân số Việt Nam đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, nhưng đã bắt đầu quá trình già hóa.

Dân số Việt Nam năm 2011 đạt khoảng 88 triệu người, tiếp tục giữ vị trí thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 13 trên thế giới. Mặc dù vậy, tổng tỷ suất sinh (TFR) từ 2,33 năm 1999 đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2000 và giảm còn 2,03 vào năm 2009(3). Mức sinh cao trong quá khứ đã tạo ra nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước. Năm 2000, quy mô dân số 15 tuổi trở lên là 54,3 triệu người, chiếm 69,9% tổng dân số, tăng lên trên 65,3 triệu người, chiếm 75,2% vào năm 2010. Việt Nam đã kết thúc thời kỳ “dân số trẻ” vào năm 2005 và bước vào thời kỳ “dân số vàng” khi tỷ số phụ thuộc chung (được tính bằng tỷ số giữa trẻ em và người già với 100 người trong độ tuổi lao động) nhỏ hơn hoặc bằng 50. Nguồn nhân lực vàng sẽ thực sự trở thành cơ hội vàng cho sự phát triển của đất nước nếu có các chính sách hợp lý. Ngược lại, nó sẽ gia tăng áp lực về việc làm, về tích lũy để bảo đảm an sinh xã hội khi Việt Nam bước vào “dân số già” trong vài thập niên tới. Như vậy, trong khoảng 10 - 15 năm tới, nguồn nhân lực nước ta có “cơ cấu vàng” (cả về số lượng cũng như chất lượng) sẽ là nguồn lực tham gia vào các thị trường lao động nội địa cũng như quốc tế, kể cả khi nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ.

4. Chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng

Công cuộc đổi mới đã đem lại những thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội, tác động trực tiếp và gián tiếp đến tình hình di dân trên ba lĩnh vực trọng yếu: Thứ nhất, về sản xuất nông nghiệp, đó là việc giải thể của sản xuất tập thể và sự ra đời của cơ chế khoán đã dẫn đến người nông dân không còn bị ràng buộc với đất đai của mình. Xu hướng thương mại hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng và việc thay thế sức lao động thủ công bằng vốn đầu tư đã có những tác động rất đáng kể trong việc phân bố lại lực lượng lao động nông thôn và hối thúc họ rời quê hương đi làm ăn xa. Thứ hai, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và đầu tư công nghệ mới, sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế chung của toàn cầu đã thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Lao động di cư được thu hút đến những khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và những trung tâm công nghiệp. Thứ ba, mạng lưới xã hội dựa trên cơ sở cộng đồng liên kết chặt chẽ vùng xuất cư và nhập cư ngày càng được mở rộng và thúc đẩy việc di chuyển của người dân. Sự phát triển của mạng lưới giao thông vận tải với chất lượng tốt hơn, dễ dàng hơn và mạng lưới viễn thông liên lạc, các phương tiện thông tin đại chúng giữa các vùng khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển về không gian và tăng cường sự giao thoa và các quan hệ xã hội giữa nông thôn và thành thị(4).

Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ chính sách mở cửa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Môi trường kinh doanh quốc tế rộng lớn, tự do và bình đẳng, với việc ngày càng dỡ bỏ các rào cản, các phân biệt đối xử chính thức và không chính thức, kinh tế và phi kinh tế sẽ tạo ra các cơ hội không chỉ cho các công ty lớn, các nền kinh tế lớn mà còn cho các công ty nhỏ, các nền kinh tế nhỏ tham gia rộng rãi vào sự vận hành của các guồng máy kinh tế thế giới mang tính toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cũng có những ưu thế khi tham gia tích cực vào thị trường này bởi hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với nguồn nhân lực dồi dào luôn sẵn sàng tham gia vào khu vực kinh tế tầng thấp và trung bình ở các thị trường lao động quốc tế và trong nước.

Nguồn nhân lực Việt Nam đông đảo, trẻ, giá nhân công không cao song thiếu đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, nhất là công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, thiếu vốn ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế rộng rãi, có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nước ta có nguy cơ gia tăng sự thiếu vắng những nhà khoa học đầu đàn trong hầu hết các lĩnh vực, thiếu những nhà quản lý, những doanh nhân và cả các công chức nhà nước đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí công việc khi tham gia vào thị trường cạnh tranh chất lượng cao trên thế giới.

5. Điều kiện kinh tế tốt hơn cho phép có thêm nhiều người dân có thể đầu tư cho di cư quốc tế

- Các nhà giàu trên thế giới cũng muốn di cư tới những nơi có môi trường phát triển hơn.

Nhiều năm gần đây, chúng ta đã và đang chứng kiến làn sóng di cư của dân nhà giàu thế giới. Tầng lớp tỷ phú, triệu phú của thế giới đang có xu hướng dịch chuyển tới sống ở các quốc gia khác, nơi có môi trường sống tốt hơn và có thể thực hiện được những ý định của họ trong hiện tại và tương lai.

Tại Pháp, những người giàu có đang xem Thụy Sỹ, Anh và Xinhgapo là những điểm đến mới để né mức thuế 75% mà tân Tổng thống Francois Hollande nước này dự kiến đánh vào thu nhập từ một triệu Euro trở lên. Một số người khác cũng muốn rời bỏ đất nước vì lo ngại thái độ kém thân thiện đối với nhà giàu đang có xu hướng gia tăng ở nước này.

Trong khi đó, tầng lớp mới giàu lên ở nhiều nền kinh tế mới như Nga, Trung Quốc hay Braxin muốn di cư ra nước ngoài để bảo đảm tài sản và tìm kiếm chất lượng cuộc sống cao hơn cho gia đình mình. Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng đi xuống, thay đổi về chính trị và thị trường nhiều biến động đã thúc đẩy người giàu ở các nước này chuyển tới sống ở Anh hay Mỹ,... Năm 2011, có tới hơn 2.000 công dân Trung Quốc xin nhập cư vào Mỹ thông qua hộ chiếu đầu tư, cao gấp đôi năm 2010. Chương trình hộ chiếu đầu tư này cho phép người nước ngoài và gia đình họ được cư trú vĩnh viễn ở Mỹ nếu họ đầu tư một khoản 500 nghìn USD hoặc hơn (trong một số trường hợp là từ một triệu USD trở lên) và tạo ra một số lượng việc làm nhất định.

- Kinh tế Việt Nam trong những năm tới sẽ phát triển ở mức cao hơn, sẽ có nhiều nhà giàu hơn và họ sẽ năng động hơn trong quyết định tham gia vào “làn sóng di cư quốc tế” của Việt Nam.

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội nước ta thời kỳ 2000 - 2010 cho thấy tăng trưởng kinh tế cao là điều kiện thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội trong tương lai.

Sau cơn bão khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi. Thời kỳ 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8%. GDP tăng trưởng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành kinh tế, nhất là các ngành dịch vụ, xây dựng, công nghiệp. Về giá trị, GDP năm 2020 dự báo sẽ tăng gấp 2 lần giá trị GDP năm 2010 (tính theo giá 1994) hay có thể tăng gần 3 lần so với giá hiện hành. Theo đà tăng này, nhiều người dân sẽ giàu hơn, có cơ hội gia tăng tích lũy, gia tăng đầu tư cho các hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, trong đó có việc tìm kiếm thị trường đầu tư, lao động việc làm, học tập và nghiên cứu cho con em mình ở các nước phát triển, giàu có, thu nhập cao hơn, việc làm hiệu quả hơn so với thị trường trong nước.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thời mở cửa cũng đồng thời khơi rộng thêm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền cũng như giữa các tỉnh, thành. Cùng với vốn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của từng địa phương, những vận hội mới đã tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế khác nhau ở từng địa phương, đồng thời dẫn đến sự chênh lệch ngày càng lớn giữa các tỉnh, thành về cung cầu lao động cũng như mức độ thu hút, hấp dẫn người dân(5).

6. Thông tin, chính sách di cư quốc tế và thị trường lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và có tính liên kết chặt chẽ hơn

Sự phát triển của đất nước sau gần 30 năm đổi mới, cùng với quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sau hơn 5 năm gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã thúc đẩy nhu cầu và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam đi lao động, học tập, du lịch, làm việc và cư trú ở nước ngoài. Xu hướng này ngày càng phát triển và phong phú.

Mối quan hệ giữa người Việt Nam ở nước ngoài với người dân trong nước ngày càng sâu rộng và bền chặt.

Hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng hơn 4 triệu người, đang sống, học tập và làm việc ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở 24 quốc gia thuộc các khu vực Bắc Hoa Kỳ, Tây Bắc Âu, Nga và Đông Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. Sự phát triển mạnh mẽ và phong phú của công nghệ thông tin cùng với hàng triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài cho phép người di cư nói chung và người lao động nói riêng dễ dàng liên hệ với nhau và giao kết việc làm. Đồng thời, với sự phát triển của dịch vụ giao thông quốc tế tạo điều kiện cho việc đi lại với chi phí rẻ hơn và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây là một nhân tố quan trọng thúc đẩy thị trường di cư quốc tế của Việt Nam, nhất là di cư lao động và di cư du học.

Công tác quản lý và chính sách di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực di cư lao động và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được đổi mới, phục vụ có hiệu quả cho tiến trình hội nhập và phát triển đất nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chủ động tìm kiếm thị trường đã tạo nhiều cơ hội, thông tin quý báu về thị trường lao động quốc tế cho người lao động để họ có quyết định lựa chọn thị trường phù hợp.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường lao động quốc tế, đặc biệt là việc cung cấp thông tin, số liệu để giúp cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong việc hoạch định chính sách, biện pháp quản lý cũng như cho người di cư để tham gia vào thị trường lao động có hiệu quả còn rất nhiều bất cập, yếu kém.

Cùng với các yếu tố thông tin và thị trường gắn kết trên, cần phải làm tốt hơn công tác thị trường để điều chỉnh xu hướng di chuyển và thúc đẩy quyết định di chuyển của người di cư với quy mô ngày càng lớn hơn.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1) Báo cáo phát triển thế giới 1999 - 2000.

(2) Báo cáo của Đề tài khoa học cấp nhà nước “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2012: từ nhận thức tới hành động”, Đại học Kinh tế quốc dân.

(3) Tổng cục thống kê (2010): Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

(4) Xem thêm Đặng Nguyên Anh: Di dân trong nước: Vận hội và thách thức đối với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam, tr.12.

(5) Đặng Nguyên Anh: Di dân trong nước: Vận hội và thách thức đối với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Sđd, tr.13.

 

TS Doãn Hùng

ThS Nguyễn Thị Ngọc Diễn

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền