Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sống mãi tư tưởng vĩ đại của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"
Thứ tư, 25 Tháng 11 2015 17:08
2670 Lượt xem

Sống mãi tư tưởng vĩ đại của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"

(LLCT) - Giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã thắng lợi trên toàn thế giới. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử xóa bỏ chế độ phong kiến lỗi thời, giải phóng lực lượng sản xuất khỏi những xiềng xích trung cổ, tạo ra lực lượng sản xuất mới hùng mạnh, là đại công nghiệp. CNTB đã “xâm lấn toàn cầu, xâm nhập khắp nơi, khai thác khắp nơi, thiết lập những mối liên hệ khắp nơi”. CNTB đã nhào nặn thế giới theo hình ảnh của nó, duy có điều như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản chỉ rõ: “Xã hội tư sản hiện đại... không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới... thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”(1).

 

(C.Mac và Ph. Ăngghen, nguồn: internet)

Khi Tuyên ngôn ra đời, giai cấp công nhân đang phát triển rất nhanh chóng cùng với sự phát triển của đại công nghiệp TBCN.

Giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài như một lực lượng chính trị độc lập, với những yêu sách giai cấp của riêng mình. Trong đấu tranh, giai cấp công nhân tự thể hiện là giai cấp có tính tổ chức nhất, có tinh thần cách mạng triệt để nhất trong số các giai tầng bị tư sản áp bức. Song, phong trào công nhân vẫn mang tính tự phát và sự cần thiết phải có lý luận khoa học dẫn đường trở thành đòi hỏi cấp bách của lịch sử. Sau một quá trình vừa nghiên cứu lý luận, vừa tham gia phong trào thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập học thuyết cách mạng đáp ứng đòi hỏi đó. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đánh dấu phong trào công nhân đã phát triển từ tự phát đến tự giác.

Tư tưởng khoa học và cách mạng trong văn kiện lịch sử này đã đi vào quần chúng vô sản, trở thành lực lượng vật chất vĩ đại. Nó tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân, tổ chức giai cấp thành chính đảng.

Tuyên ngôn không phải là cuốn sách thông thường nghiên cứu một lĩnh vực cụ thể nào đó của đời sống xã hội mà là cương lĩnh chính trị và lý luận vạch thời đại. Nó tuyên bố sự ra đời hợp quy luật lịch sử của xã hội mới sẽ thay thế xã hội tư bản và chỉ ra động lực trực tiếp của quá trình đó, động lực này lại do chính CNTB tạo ra. Tuyên ngôn giác ngộ giai cấp công nhân bằng thế giới quan và phương pháp luận thực sự khoa học, chỉ ra cho giai cấp công nhân những điều kiện để tự giải phóng.

Có người nói, tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn chỉ là tư tưởng về đấu tranh giai cấp. Nói như thế là hiểu Tuyên ngôn chưa đến nơi, chưa căn bản, là tầm thường hóa học thuyết Mác, là cắt bỏ đi nền tảng khoa học, cơ sở cho chính tư tưởng của Mác về đấu tranh giai cấp. Tuyên ngôn trình bày ngắn gọn nhưng rất sâu sắc, sáng sủa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng áp dụng triệt để trong lĩnh vực lịch sử, chỉ rõ quy luật chung của sự phát triển xã hội loài người. Đó là cơ sở lý luận, phương pháp luận của tác phẩm và toàn bộ học thuyết Mác. Tuyên ngôn vạch ra bản chất của CNTB, quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất TBCN, vai trò rất to lớn và tính tất yếu nhất thời về mặt lịch sử của chế độ tư bản. Phân tích những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, phân tích lịch sử cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản để tự giải phóng, Tuyên ngôn chứng minh xã hội tư bản nhất định sẽ bị thay thế bằng xã hội cộng sản, một xã hội mà chính CNTB về khách quan đã và đang chuẩn bị những điều kiện tiền đề. Cuối Chương II, Mác và Ăngghen viết: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(2). Đây là kết luận chủ yếu của tác phẩm.

Để hiểu đúng thực chất tư tưởng của Tuyên ngôn, để bác bỏ những cách giải thích phiến diện, tầm thường nội dung tư tưởng cơ bản và chủ đạo của tác phẩm, cần nhắc lại ở đây nguyên văn câu của Ph.Ăngghen trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1883. Ph.Ăngghen viết: “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của “Tuyên ngôn” là: trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ; nhưng cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, - tư tưởng cơ bản ấy hoàn toàn và tuyệt đối là của Mác”(3).

Nếu tư tưởng chi phối cách mạng tư sản là sự luận giải về cuộc giải phóng một giai cấp đặc thù của xã hội là giai cấp tư sản - sự giải phóng giai cấp này được lý tưởng hóa thành những khái niệm bình đẳng, tự do, bác ái, thì tư tưởng chi phối cách mạng vô sản, tư tưởng xuyên suốt Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tư tưởng khoa học về sự giải phóng toàn xã hội, giải phóng nhân loại, giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức bóc lột, khỏi mọi sự tha hóa - đây chính là nhiệm vụ lịch sử đặt lên vai giai cấp công nhân. Và đây cũng chính là quan điểm giai cấp của giai cấp vô sản, là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực.

Tư tưởng nhân văn cộng sản, tính cách mạng triệt để kết hợp làm một với tính khoa học cao độ tạo nên sức mạnh cải tạo thế giới của Tuyên ngôn. Trong lịch sử tư tưởng loài người, khó có tác phẩm nào sánh được với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản về tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đối với cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân chống áp bức bóc lột, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nhưng ở thế kỷ XIX, điều kiện khách quan và chủ quan cho thắng lợi của cách mạng vô sản chưa chín muồi. Vai trò chủ yếu của Tuyên ngôn là chuẩn bị cho giai cấp công nhân về mặt ý thức tư tưởng và qua đó tổ chức công nhân thành giai cấp.

Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giai đoạn những mâu thuẫn của CNTB phát triển lên đỉnh cao. Phong trào công nhân phát triển thành cao trào cách mạng trên toàn thế giới. Nhiệm vụ do Tuyên ngôn đề ra là lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản đứng lên giành lấy chính quyền đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp.

Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người, là thắng lợi vĩ đại nhất của tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Thắng lợi vĩ đại tiếp theo của tư tưởng Tuyên ngôn là thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Liên Xô. Tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được hiện thực hóa từng bước trên lãnh thổ rộng một phần sáu địa cầu.

Sau Cách mạng Tháng Mười, sự hình thành hệ thống XHCN thế giới, thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cách mạng Trung Quốc, cách mạng Cuba, thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục chứng minh sức sống vĩ đại của tư tưởng Tuyên ngôn.

Như vậy là sau hơn một thế kỷ từ khi Tuyên ngôn ra đời, thế giới đã trải qua nhiều biến đổi lớn lao theo chiều hướng mà Tuyên ngôn đã khẳng định về mặt lý luận. Từ chỗ bị giai cấp tư sản thống trị xem là “bóng ma”, lý tưởng cộng sản đã trở thành hiện thực sinh động có sức lôi cuốn hàng trăm triệu người, làm thay đổi bộ mặt thế giới. Nếu tôn trọng thực tế lịch sử thì làm sao có thể nói rằng các nguyên lý trong Tuyên ngôn chỉ là những giáo điều, những ảo tưởng?

Chiều hướng lịch sử khách quan là nhân loại sẽ đi lên một xã hội công bằng, nhân đạo, phù hợp với bản chất con người. Nhưng lịch sử không bằng phẳng, trơn tru. Con đường cách mạng diễn ra quanh co, khi cao trào, lúc thoái trào, có lúc nơi này nơi khác cách mạng đứng trước những trở lực tưởng như không vượt qua nổi.

Tư tưởng Tuyên ngôn đã trải qua nhiều thử thách lớn lao trên con đường hiện thực hóa. Mỗi lần vượt qua thử thách, tư tưởng Tuyên ngôn càng thể hiện sức sống bền vững của nó, Tuyên ngôn càng được nhận thức, được vận dụng đúng hơn, tác động của Tuyên ngôn đối với phong trào cách mạng càng to lớn, sâu sắc hơn.

Từ năm 1848 đến những năm 80 thế kỷ XX tuy cách mạng trải qua nhiều khúc quanh co, song nói chung đó là giai đoạn Tuyên ngôn giành thắng lợi ngày càng to lớn. Tuy nhiên, một kiểu bước ngoặt mà lịch sử chưa từng biết đến đã xảy ra. Từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX đến nay, phong trào cách mạng XHCN lâm vào khủng hoảng. Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu diễn ra quá bất ngờ và dường như nó đặt Tuyên ngôn thành vấn đề - hơn một thế kỷ rưỡi qua, Tuyên ngôn chưa gặp thử thách nào nghiêm trọng đến thế. Câu hỏi lịch sử đặt ra là: liệu Tuyên ngôn có vượt qua nổi thử thách cực kỳ nghiệt ngã này? Câu trả lời của chúng ta là khẳng định Tuyên ngôn sẽ vượt qua thử thách, bởi lịch sử nhất định mở đường đi tất yếu của nó không gì ngăn cản được, CNXH hiện thực tuy bị sụp đổ trên một mảng lớn nhưng không có nghĩa là tư tưởng Tuyên ngôn sụp đổ. Biện chứng về mối quan hệ giữa lôgíc và lịch sử cho thấy không bao giờ có sự trùng khít hoàn toàn giữa lý luận và hiện thực. Vì hiện thực xã hội phức tạp hơn rất nhiều so với lý thuyết. Mặc dù vậy, lôgíc của lịch sử có sức mạnh tất thắng. Lịch sử CNXH hiện thực, cả những thành tựu và những sai lầm, cả thắng lợi huy hoàng và cả sự khủng hoảng, sụp đổ - tất cả đã chứng minh càng rõ ràng tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin và giá trị bền vững của những tư tưởng cơ bản, chủ đạo của Tuyên ngôn. Toàn bộ lịch sử cách mạng trên thế giới hơn một trăm năm qua với tất cả những bước đi dích dắc của nó, chứng tỏ rằng ở đâu, lúc nào, những nguyên lý chủ yếu của chủ nghĩa Mác, của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được nhận thức, được vận dụng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện khách quan, thì lúc đó, nơi đó, cách mạng vượt qua được những thử thách để tiến lên. Ngược lại, ở đâu, lúc nào các nguyên lý ấy bị hiểu sai, vận dụng sai hoặc phạm vào giáo điều, hoặc xét lại thì lúc đó, nơi đó, cách mạng gặp trắc trở, khó khăn, tổn thất, thậm chí thất bại. Trong Lời tựa viết cho Tuyên ngôn bản tiếng Đức xuất bản năm 1872, chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong 25 năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn nay vẫn còn hoàn toàn đúng”(4). Tuy nhiên, hai ông khẳng định ngay rằng, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời. Trong lịch sử loài người, chế độ mới ra đời bao giờ cũng là quá trình không suôn sẻ, mà trải qua bao thăng trầm, tròng trành, giành đi giật lại giữa các lực lượng cách mạng và phản cách mạng, tiến bộ và phản động.

Nếu hình dung lịch sử thế giới là con đường thẳng tắp, trơn tru, không có những bước gập ghềnh, khúc khuỷu, không có những bước lùi tạm thời, đôi khi rất lớn, là không biện chứng, không khoa học, không đúng về mặt lý luận. V.I.Lênin đã từng chỉ ra như thế. Từ thế kỷ XIV-XV, CNTB đã xuất hiện trong lòng xã hội phong kiến, nhưng để đi tới thắng lợi triệt để, thắng lợi hoàn toàn, xác lập được sự thống trị vững chắc và hoàn chỉnh của giai cấp tư sản, phải mất hai, ba thế kỷ.

CNTB đã vậy, đối với CNXH còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Vì cách mạng XHCN là sự nghiệp giải phóng triệt để toàn xã hội khỏi mọi hình thức áp bức bóc lột chứ không phải thay thế chế độ áp bức bóc lột này bằng chế độ áp bức bóc lột khác. Hơn nữa, không như cách mạng tư sản chỉ lật đổ giai cấp phong kiến là xong, sứ mệnh chủ yếu của cách mạng XHCN là xây dựng, là sáng tạo ra xã hội mới cao hơn CNTB về mọi phương diện. Sự nghiệp xây dựng, sáng tạo này so với giành chính quyền thì khó khăn, phức tạp gấp trăm nghìn lần.

Cuộc cách mạng vĩ đại như thế rõ ràng không thể làm chóng vánh, một lần là xong. Lý luận về cuộc cách mạng ấy cũng không thể vạch ra một lần là xong. Nó phải được không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh qua tổng kết thực tiễn lâu dài, từ những kinh nghiệm thành công và cả từ những sai lầm, thất bại.

Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ mới. Nhìn lại thế kỷ XX, không thể không nhận thấy bước đi của lịch sử quanh co, phức tạp hơn bất cứ thế kỷ nào trước đây. Tổng kết những thay đổi lớn lao hơn 160 năm qua phải có những công trình đồ sộ, còn phải dày công và đòi hỏi trí tuệ của đông đảo các đảng cộng sản và các nhà khoa học trên thế giới.

Giá trị cơ bản, đích thực của Tuyên ngôn không phải ở chỗ nó cung cấp những lời giải đáp có sẵn cho mọi vấn đề của thực tiễn cách mạng hôm nay mà ở chỗ nó đã phản ánh một cách khái quát xu hướng vận động khách quan của xã hội, chỉ ra những nhiệm vụ lịch sử cần giải quyết để từng bước giải phóng các giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người và xã hội loài người khỏi mọi hình thức tha hóa.

Sự phân tích của Tuyên ngôn về CNTB, nội dung chính của tác phẩm, tuy có một số điểm cụ thể đã không còn phù hợp, song xét về bản chất, về những mâu thuẫn cơ bản, về xu hướng phát triển, về vận mệnh lịch sử của CNTB thì chính những dữ kiện trong CNTB hiện đại càng chứng minh những phân tích trong Tuyên ngôn là đúng đắn, sâu sắc và giữ nguyên giá trị. Trong điều kiện giữa thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen không thể dự kiến cụ thể giai đoạn phát triển như hiện nay của CNTB. Nhưng ngay một số học giả phương Tây cho rằng, nghiên cứu về xã hội tư bản đương đại thì khó có phương pháp phân tích nào có thể thay thế được phương pháp của Mác. Ngay giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang diễn ra hiện nay, tác phẩm vĩ đại Tư bản của C.Mác được tái bản và bán rất chạy ở các nước tư bản đủ nói rất rõ điều đó.

Những mâu thuẫn cơ bản của CNTB, đặc biệt là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động làm thuê tiếp tục phát triển. Trong thực tế, cái hố ngăn cách giàu - nghèo không giảm, mà sâu rộng thêm. Hiện nay có mấy trăm nhà tỷ phú thôi mà chiếm khoảng 50% GDP của toàn thế giới. Đó là một xã hội rất không bình thường, một xã hội tích tụ những khả năng bùng nổ không tránh khỏi. Các mâu thuẫn khác của CNTB tiếp tục sâu sắc thêm như mâu thuẫn giữa các trung tâm tư bản lớn, mâu thuẫn giữa các nước giàu và đại đa số các nước nghèo. Hiện nay, các nước tư bản lớn một mặt cạnh tranh nhau rất quyết liệt, một mặt thỏa hiệp với nhau để áp đặt trật tự thế giới có lợi cho các nước lớn giàu có. CNTB hiện đại, mặc dù nắm trong tay phần lớn của cải, các phương tiện vật chất kỹ thuật và chất xám của thế giới, song nó không thể giải quyết những vấn đề toàn cầu hết sức bức xúc mà còn làm cho những vấn đề ấy trầm trọng hơn, bởi xét cho cùng thì nguồn gốc phát sinh các vấn đề ấy là ở sự bóc lột và thống trị của CNTB.

Luận chứng về mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa nền sản xuất xã hội hóa cao với sự chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất, Tuyên ngôn viết như sau về xu hướng quốc tế hóa lực lượng sản xuất và đời sống xã hội: “Giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới... Những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp mới..., những ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản xứ mà dùng những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến và sản phẩm làm ra không những được tiêu thụ ngay trong xứ mà còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi trên trái đất nữa... Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc... Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản... buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó”(5). Một nhận định thật thiên tài, sau hơn 160 năm vẫn giữ nguyên tính thời sự.

Với trình độ quốc tế hóa lực lượng sản xuất và nền kinh tế thế giới hiện nay, mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất TBCN được vạch ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rất dễ thấy là đã bao trùm quy mô hành tinh, không chỉ tại các trung tâm TBCN mà cả trong quan hệ giữa trung tâm và các vùng ngoại vi rộng lớn. Chế độ tư bản ngày càng trở thành vật chướng ngại không chỉ đối với tiến bộ xã hội trong các nước tư bản, mà còn đối với toàn bộ nền văn hóa, văn minh loài người, đối với chính ngay chủ quyền và nền độc lập của các quốc gia, dân tộc. Sự quốc tế hóa, toàn cầu hóa trên cơ sở thống trị và chi phối của quan hệ sản xuất TBCN của một nhóm nhỏ cường quốc TBCN không tránh khỏi làm cho những mâu thuẫn giai cấp và dân tộc trở thành phổ biến và ngày càng sâu sắc trên toàn thế giới ngay cả dưới hình thức vừa hợp tác vừa cạnh tranh, vừa đấu tranh vừa hợp tác trong điều kiện hội nhập kinh tế như một tất yếu toàn cầu.

Có người cho rằng, khái niệm “giai cấp vô sản”, “giai cấp công nhân” trong Tuyên ngôn đã mất ý nghĩa. Thực tế thế nào? Đúng là có những phân tích, nhận định cụ thể trong Tuyên ngôn và các tác phẩm khác của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp vô sản đã không còn phù hợp. Ngày nay, người công nhân công nghiệp cổ điển đang bị thay thế bằng người công nhân hiện đại “đứng ngoài và bên cạnh quá trình sản xuất trực tiếp” như C.Mác đã có dự báo. Song, giai cấp công nhân không thu hẹp số lượng mà còn tăng lên: năm 1990 toàn thế giới có khoảng 350 triệu công nhân thì hiện nay con số ấy là khoảng hơn 800 triệu. Gia nhập hàng ngũ công nhân có một bộ phận ngày càng đông đảo những người lao động trí óc làm thuê.

Xã hội tư bản hiện đại không thể xóa bỏ được đối kháng giai cấp và đấu tranh giai cấp. Những lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội mà giai cấp công nhân giành được là kết quả cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, gian khổ, có lúc hết sức quyết liệt với giai cấp tư sản và nhà nước tư sản. Tuy xã hội tư bản ngày nay đang có sự ổn định tương đối nào đó, giai cấp tư sản còn khả năng áp dụng các biện pháp làm dịu tạm thời những mâu thuẫn giai cấp, song nó không xóa bỏ được căn nguyên những mâu thuẫn đó.

Các hình thức đấu tranh giai cấp đã thay đổi nhiều do điều kiện đấu tranh đã thay đổi. Trong điều kiện hiện nay, các cuộc đấu tranh thường không trực tiếp gắn với mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Song, do quy luật phát triển không đều về kinh tế và chính trị của CNTB, do những biến động và bất trắc khôn lường trong thế giới tư bản có thể xảy ra nơi này hay nơi khác, ai dám quả quyết rằng không thể nổi lên các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân rộng rãi ở những khâu yếu nào đó trong cả sợi dây chuyền TBCN thế giới, dẫn đến mục tiêu xóa bỏ ách thống trị của tư bản độc quyền, thiết lập chính quyền nhân dân, hướng tới xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, nhân đạo? Gần đây, sự nổi lên của cánh tả ở Mỹ Latinh là một ví dụ rất thuyết phục.

Kết luận cuối cùng của Tuyên ngôn là: chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ thắng lợi trên toàn thế giới. “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(6).

Chúng ta hiểu một xã hội phát triển cao như thế, nhân bản như thế không thể đến ngay ngày mai, song niềm tin của chúng ta là tương lai đó, dù lâu dài và khó khăn như thế nào - nhất định sẽ đến.

Đối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có ý nghĩa đặc biệt. Năm 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen viết trong Tuyên ngôn: “Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ mới, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu”. Mười năm sau, tàu chiến Pháp vào bắn phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Dân tộc ta có truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm, song cho đến đầu thế kỷ XX, những người yêu nước Việt Nam chưa biết rõ bản chất của kẻ thù xâm lược đến từ phương Tây. Những câu hỏi đặt ra: Vì sao nước Pháp đến xâm lược Việt Nam xa xôi? Vì sao các nước như ta đều bị biến thành thuộc địa? Vì sao các phong trào yêu nước rất anh dũng, kiên cường nhưng đều thất bại? Muốn cứu nước phải đi con đường nào? Không trả lời chính xác những câu hỏi ấy thì không thể đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thành công. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến tận “sào huyệt” của kẻ xâm lược và nhiều xứ sở khác thuộc các châu lục Âu, Á, Mỹ, Phi. Người thấy ở nước Pháp, nước tự xưng là “tự do, bình đẳng, bác ái” cũng có kẻ giàu, người nghèo, kẻ áp bức và người lao động bị áp bức. Người thấy bọn thực dân ở đâu cũng tham tàn bạo ngược. Hồ Chí Minh sớm tiếp cận chân lý của Tuyên ngôn bằng trực giác và suy lý lôgíc thiên tài xuất phát từ thực tiễn quan sát cuộc sống. Chân lý đó là: chế độ áp bức bóc lột, bất công tồn tại phổ biến mọi nơi trên thế giới. Kẻ áp bức bóc lột thợ thuyền và những người lao động nghèo khổ ở Pháp cũng chính là kẻ áp bức bóc lột nhân dân Việt Nam, nhân dân châu Phi, nhân dân tất cả các nước thuộc địa. Nó là tư bản. Từ đó Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin như một sự gặp gỡ tất yếu và tự nhiên giữa chủ nghĩa yêu nước, phong trào yêu nước Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế và với học thuyết cách mạng của thời đại. Qua Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin - bản Luận cương phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong điều kiện lịch sử mới, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ánh sáng con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Việt Nam càng phát triển đi lên càng khẳng định những nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn. Tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, của Tuyên ngôn nói riêng, luôn là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam.

Hơn 80 năm qua, cách mạng Việt Nam luôn trung thành với những tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn, vận dụng những tư tưởng ấy một cách sáng tạo, coi chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Hoàn cảnh càng khó khăn, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh càng ngời sáng, càng tỏ rõ sức sống trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, con đường đi lên của cách mạng nước ta có những thuận lợi mới, song nhiều nguy cơ và thử thách to lớn đang phải vượt qua. CNXH thế giới lại đang ở bước thoái trào. Song, Đảng ta tiếp tục khẳng định với đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn rằng lịch sử xã hội loài người vẫn tiếp tục tiến lên theo những quy luật mà Tuyên ngôn đã dự báo, thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH; rằng dân tộc ta đang đi trên con đường đúng.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

(1), (2), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tr.597, 601-602, 613, 628.

(3)Sđd,t.21, tr.11-12.

(4) Sđd, t.18, tr.128.

GS Nguyễn Đức Bình

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền