Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Cống hiến của Ph.Ăngghen trong xây dựng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác
Thứ năm, 26 Tháng 11 2015 09:38
4457 Lượt xem

Cống hiến của Ph.Ăngghen trong xây dựng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác

(LLCT) - Kỷ niệm 195 năm ngày sinh Ph.Ăngghen trong điều kiện cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang diễn ra gay gắt, quyết liệt và phức tạp, kẻ thù của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tìm mọi cách để hạ bệ học thuyết khoa học và cách mạng của thời đại; trong đó, xen lẫn “bản hợp xướng chống phá” chủ nghĩa Mác - Lênin có những luận điệu xuyên tạc, bóp méo vai trò và những đóng góp của Ph.Ăngghen. Trong bối cảnh ấy, một lần nữa nghiên cứu, đánh giá, khẳng định lại những cống hiến to lớn của Ph.Ăngghen trong sự hình thành, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác là hết sức quan trọng và cần thiết.

(C.Mac và Ph.Awngghen, ảnh: internet)

1. Ph.Ăngghen - bổ sung, làm phong phú và sâu sắc hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác, đồng thời tích cực tuyên truyền trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Vào đầu những năm 40 thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản (GCVS) chống lại sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản (GCTS) đã phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc bãi công, biểu tình và đấu tranh của công nhân đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Mặc dù khi đó đã xuất hiện nhiều học thuyết khác nhau như: chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa cải lương, tư tưởng vô chính phủ, v.v.., nhưng chúng đều không đáp ứng được phong trào. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng lúc này là cần có một học thuyết cách mạng tiên tiến soi đường, chỉ lối.

C.Mác và Ph.Ăngghen đã xuất hiện và đáp ứng xuất sắc yêu cầu đó của lịch sử. Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, đồng thời lăn lộn trong thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh cách mạng của GCCN, từ đó xây dựng nên chủ nghĩa Mác - học thuyết khoa học và cách mạng, hệ tư tưởng của GCCN và những người cộng sản, vũ khí tư tưởng của GCVS trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vai trò của Ph.Ăngghen trong sự hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác biểu hiện ở hệ thống các tác phẩm đồ sộ của ông, cả những tác phẩm viết riêng và viết chung với C.Mác. Trong các tác phẩm đó đều cho thấy những cống hiến to lớn và dấu ấn sâu sắc của Ph.Ăngghen; ông đã trực tiếp bổ sung tư tưởng của C.Mác, cũng như chủ nghĩa Mác trên cả ba bộ phận cấu thành.

Về phương diện triết học: Nhiều luận điểm, nguyên lý, quy luật và phạm trù của triết học lần đầu tiên đã được ông và C.Mác trình bày một cách khoa học, có hệ thống. Đặc biệt, Ph.Ăngghen là người đầu tiên vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nhận thức những quy luật của tự nhiên, luận giải, khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên đương thời. Và nhờ đó, ông đã phát hiện ra ý nghĩa triết học sâu sắc của chúng, đưa ra những tiên đoán thiên tài về mối liên hệ giữa triết học với khoa học tự nhiên, về sự phát triển của khoa học trong tương lai, đồng thời chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật là cơ sở lý luận, phương pháp luận không chỉ cho các khoa học xã hội, mà còn cho cả các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.

Mặt khác, sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử - một trong hai phát kiến vĩ đại của C.Mác, đồng thời là một trong những nội dung chủ yếu tạo nên bước ngoặt cách mạng trong triết học còn ghi nhận vai trò rất lớn của Ph.Ăngghen. Bên cạnh các tác phẩm viết chung với C.Mác, cùng với C.Mác khởi thảo, xây dựng và hoàn thiện chủ nghĩa duy vật lịch sử, Ph.Ăngghen còn có nhiều tác phẩm viết riêng. Tiêu biểu như: Cách mạng và phản cách mạng ở Đức, Chống Đuyrinh,  Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Biện chứng của tự nhiên,  Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, v.v.. Trong đó, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nướcđược xem là một tác phẩm xuất sắc của Ph.Ănghen bàn về những vấn đề của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Về phương diện kinh tế chính trị học: Ngay từ cuối năm 1843, Ph.Ăngghen đã công bố những thành tựu lý luận của tác phẩm Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị  trên các sách báo tiến bộ. Đây là một văn kiện quan trọng đầu tiên về kinh tế chính trị học của GCVS, trong đó lần đầu tiên Ph.Ăngghen đứng trên lập trường giai cấp vô sản để phê phán nghiêm túc phương pháp và một số quan điểm lý luận chủ yếu của kinh tế chính trị học của giai cấp tư sản. Chính C.Mác đã gọi tác phẩm này của Ph.Ăngghen là bản “sơ thảo thiên tài... phê phán các phạm trù kinh tế”. Tiếp đó, năm 1845, Ph.Ăngghen đã cho ra đời tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh. Trong tác phẩm này, ông đã nghiên cứu vấn đề bần cùng hóa giai cấp công nhân và vấn đề nhân khẩu thừa dưới giác độ kinh tế chính trị học.

Hai tác phẩm trên cùng những bài viết về kinh tế, chính trị, xã hội ở nước Anh của Ph.Ăngghen lúc bấy giờ đã góp phần rất quan trọng vào việc hình thành chủ nghĩa Mác. Với những phát hiện và những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong các công trình nghiên cứu ngay từ thời gian đầu của Ph.Ăngghen, đã gợi mở và tạo cảm hứng cho C.Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị học (như C.Mác nhận xét). Từ đó C.Mác đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản - quy luật giá trị thặng dư. Mặt khác, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã vạch rõ quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nêu lên những mặt tiến bộ, đồng thời cũng vạch rõ những khuyết tật và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Từ đó hai ông đã chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn, tiến bộ hơn - phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.

Về phương diện chủ nghĩa xã hội khoa học: Với việc từ bỏ vị trí xuất thân, gắn bó và “tắm mình” trong phong trào công nhân, Ph.Ăngghen là người đầu tiên phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của GCVS. Như khẳng định của V.I.Lênin, việc phát hiện ra sứ mệnh lịch sử thế giới của GCCN chính là “điểm trọng yếu trong học thuyết Mác”. Cùng với đó, Ph.Ăngghen còn góp phần vạch ra vai trò của các chính đảng cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân. Ông chỉ rõ, GCCN chỉ có thể đấu tranh chống lại quyền lực của GCTS, chỉ khi họ tự tổ chức được thành một đảng độc lập với tất cả chính đảng cũ do GCTS lập ra và chỉ khi đó, GCCN mới có thể hành động với tư cách là một giai cấp độc lập.

Không những thế, ông còn khẳng định, việc tạo ra những thế hệ con người mới, nhất là đội ngũ những công nhân giác ngộ, có ý chí, nghị lực, có năng lực sáng tạo lý luận và hoạt động thực tiễn, luôn nhạy bén với sự biến đổi của hiện thực lịch sử,... là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các chính đảng cộng sản. Đặc biệt, bằng trí tuệ thiên tài và bản lĩnh khoa học vững vàng, Ph.Ăngghen đã phát triển và hoàn thiện lý luận về CNXH khoa học. Và, một trong những điểm nhấn sáng tạo của Ph.Ăngghen trong vấn đề này là ông đã đưa ra lý luận về thời kỳ quá độ và con đường phát triển “rút ngắn” ở các nước lạc hậu. Ông khẳng định, đối với các nước đang ở giai đoạn tiền tư bản hoặc chưa từng trải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa đều “không những có thể mà còn chắc chắn... rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình lên xã hội xã hội chủ nghĩa và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu... phải trải qua”(1). Tư duy biện chứng mang tầm vóc vạch thời đại đó sau này đã được V.I.Lênin phát triển thành khả năng “không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” để tiến lên CNXH đối với các nước, các dân tộc chậm phát triển và nhiều đảng cộng sản vận dụng thành công.

Rõ ràng, có một thực tế không thể phủ nhận là, dù tiếp cận dưới góc độ nào, hoặc là ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, hoặc là hai phát kiến vĩ đại của C.Mác, hoặc theo chiều đồng đại - lịch đại, v.v.. đều cho thấy những cống hiến xuất sắc của Ph.Ăngghen trong sự phát triển chủ nghĩa Mác. Hệ thống các quan điểm, tư tưởng của Ph.Ăngghen luôn chứa đựng một khối lượng tri thức khoa học vô cùng to lớn và với hàm lượng trí tuệ rất cao. Mỗi tác phẩm, mỗi vấn đề, mỗi luận điểm được Ph.Ăngghen khái quát đều có giá trị khoa học sâu sắc và có ý nghĩa vạch thời đại.

Để không ngừng phát triển và hoàn thiện chủ nghĩa Mác, Ph.Ăngghen không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, bổ sung lý luận, mà ông còn tích cực giác ngộ, truyền bá chủ nghĩa Mác vào trong phong trào công nhân một cách sâu rộng. Trong đó, Ph.Ăngghen luôn ủng hộ việc dịch các tác phẩm kinh điển chủ yếu của C.Mác sang các thứ tiếng. Mỗi dịp như vậy, ông đều viết lời giới thiệu, phân tích, làm sâu sắc, phát triển nhiều tư tưởng mácxít; qua đó làm cho chủ nghĩa Mác được phổ biến rộng rãi trong phong trào công nhân và ra toàn thế giới. Đồng thời, Ph.Ăngghen còn tích cực viết nhiều tác phẩm độc lập trình bày một cách tài tình, khái quát, hệ thống, phổ thông hóa chủ nghĩa Mác, làm cho các tác phẩm lý luận của C.Mác trở nên dễ hiểu hơn với quần chúng.

Những đóng góp của Ph.Ăngghen đối với sự hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác là hết sức lớn lao, như V.I.Lênin khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Phriđrích Ăngghen”, và hơn thế, chúng ta sẽ “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph.Ăngghen”(2).

2. Ph.Ăngghen đấu tranh trực tiếp, kiên quyết và triệt để chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác

Trong quá trình hoạt động nghiên cứu lý luận, sáng tạo khoa học, Ph.Ăngghen luôn kiên trì và đấu tranh kiên quyết với những quan điểm phản động, phản khoa học như: chủ nghĩa duy tâm, siêu hình, chủ nghĩa cơ hội tả khuynh và hữu khuynh, chủ nghĩa xét lại dưới các sắc thái khác nhau, cũng như các trào lưu tư tưởng, lý luận đối lập, thù địch, để bảo vệ và phát triển hệ thống quan điểm, lý luận của chủ nghĩa Mác. Mỗi phát kiến khoa học, mỗi sự ra đời của một quan điểm, luận điểm, một nguyên lý lý luận và trong mỗi tác phẩm, mỗi bài viết của Ph.Ăngghen đều mang đậm dấu ấn đấu tranh tư tưởng, lý luận và là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh ấy. Ngay trong các tác phẩm viết chung với C.Mác vào những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen đã thể hiện rõ thái độ kiên quyết, triệt để, bản lĩnh kiên cường và tư duy trí tuệ sắc sảo trong phê phán, đấu tranh với các quan điểm phản diện. Trong tác phẩm Gia đình thần thánh, Ph.Ăngghen đã thể hiện sự phê phán quan điểm duy tâm, khẳng định mình là nhà duy vật kiên định. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức- một tác phẩm bút chiến của C.Mác và Ph.Ăngghen, thông qua việc phê phán các học thuyết triết học ở Đức đương thời và các trào lưu tư tưởng “chủ nghĩa xã hội chân chính”, tức CNXH không tưởng, các ông đồng thời kế thừa những giá trị tư tưởng của nhân loại để trình bày thế giới quan mới của mình, bảo vệ và phát triển lý luận, tư tưởng chủ nghĩa cộng sản.

Trong các tác phẩm viết riêng, Ph.Ăngghen càng thể hiện rõ hơn quan điểm, thái độ, năng lực và phương pháp đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch. Trong tác phẩm  Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, ông đã thể hiện sự vững vàng đứng trên lập trường duy vật biện chứng để phê phán khoa kinh tế chính trị tư sản. Đây là lần đầu tiên ông áp dụng phép biện chứng duy vật vào phê phán quan hệ kinh tế tư bản, đồng thời cũng chứng minh hoạt động cơ bản của trật tự kinh tế hiện đại với những quy luật vốn có như: quy luật cạnh tranh, tích tụ và tập trung tư bản, quy luật phá sản, bần cùng hóa, khủng hoảng,... Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước,Ph.Ăngghen đã thể hiện sâu sắc thế giới quan duy vật trong các hiện tượng xã hội từ góc độ kinh tế, đồng thời kế thừa những thành tựu của khoa học tự nhiên hiện đại trong phát triển thế giới quan duy vật. Ở đó, ông đã đấu tranh, phê phán quan điểm coi sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản là vĩnh hằng.

Tiêu biểu và mẫu mực cho những tác phẩm của Ph.Ăngghen trong đấu tranh trực tiếp, kiên quyết và triệt để chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác phải kể đến tác phẩm Chống Đuyrinh. Bằng sự sáng tạo, linh hoạt của Ph.Ăngghen trong việc phê phán, đấu tranh với Đuyrinh mà chủ nghĩa Mác đã được trình bày có tính hệ thống trong một tác phẩm. Như ông đã chỉ rõ: “Thành thử..., cố gắng này nhằm trình bày một cách bách khoa quan điểm của chúng tôi về các vấn đề triết học, khoa học tự nhiên và lịch sử đã có tác dụng của nó”(3).

Với sự đấu tranh, phê phán Đuyrinh có hiệu quả, Ph.Ăngghen đã làm cho hệ thống lý luận của ông ta và tất các quan điểm khác không còn sức sống trong xã hội, góp phần bảo vệ chân lý khoa học và cách mạng của triết học Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác nói chung, xua đi “đám mây mờ” đang bao phủ phong trào công nhân Đức thời bấy giờ. Và thông qua đấu tranh, phê phán Đuyrinh đã nâng Ph.Ăngghen lên tầm cao mới về uy tín khoa học.

Sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăngghen vẫn phát huy phẩm chất, năng lực đấu tranh với các quan điểm sai trái nhằm bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Trong Những bức thư về chủ nghĩa duy vật lịch sử, một lần nữa Ph.Ăngghen đã thể hiện xuất sắc tư chất đó. Trong một bức thư, Ph.Ăngghen khẳng định: “Theo quan điểm duy vật về lịch sử, xét đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả tôi lẫn Mác chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Còn nếu ai xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất, thì người đó biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa”(4).

Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài, cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của GCCN. Ông đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái (của Pruđông, Latxan, Bacunin, v.v..) để thống nhất hàng ngũ quốc tế. Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen là người đỡ đầu của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, có ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của Đảng. Những nhà XHCN Pháp, Áo, Hunggari, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý, Nga, Rumani, Bungari, Hà Lan và nhiều nước khác đều nhận được sự giúp đỡ vô giá của Ph.Ăngghen. Như V.I.Lênin nhận xét: Tất cả họ đều khai thác trong kho tàng kiến thức và kinh nghiệm phong phú của ông già Ăngghen.

Những dẫn chứng sinh động, thuyết phục trên đã chứng tỏ, Ph.Ăngghen là một kiểu mẫu điển hình trong đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ, phát triển và hoàn thiện chủ nghĩa Mác.

3. Ph.Ăngghen - luôn đổi mới tư duy, nâng cao trình độ lý luận và bám sát thực tiễn để không ngừng phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác

Cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen kiên quyết phê phán khuynh hướng và những mưu toan biến học thuyết do các ông sáng lập trở thành một mớ những công thức giáo điều, bất biến. Các ông không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, là chân lý vĩnh hằng và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Như Ph.Ăngghen nhấn mạnh: Lý luận của chúng tôi là lý luận về sự phát triển chứ không phải là một giáo điều, mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc. Chính vì thế, ông luôn đặt ra yêu cầu cao với chính bản thân mình và những người mácxít trong việc đổi mới tư duy, nâng cao trình độ lý luận để không ngừng phát triển và hoàn thiện chủ nghĩa Mác.

Mặt khác, ông triệt để đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học hiện thực, coi thường những điều kiện lịch sử mới và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh. Trong những trường hợp cần thiết, khi xuất hiện hiện thực lịch sử mới, khi tình hình thay đổi và cuộc sống hiện thực đặt ra những vấn đề mới, ông dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm lý luận của chính bản thân mình, thậm chí dũng cảm thừa nhận những sai lầm lý luận mà mình đã mắc phải trước đó. Đây thật sự là quan điểm và phong cách của một nhà khoa học đích thực, một nhà cách mạng chân chính. Chẳng hạn, Ph.Ăngghen đã thừa nhận sai lầm của ông và C.Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng 1848 - 1852, khi nhận định về tình hình thế giới, về CNTB, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân,... Ngay cả một số nhận định trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sảnsau này cũng được Ph.Ăngghen và C.Mác chỉ rõ: Nếu được viết lại thì cũng cần bổ sung và yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(5).

Hay như, vào năm 1895, sau khi C.Mác qua đời, trong “Lời nói đầu” tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Phápcủa C.Mác, ông thẳng thắn thừa nhận sai lầm của ông và C.Mác. Ph.Ăngghen viết: “Lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi cũng đã phạm sai lầm, lịch sử đã vạch ra rằng quan điểm của chúng tôi lúc bấy giờ là một ảo tưởng. Lịch sử lại còn đi xa hơn thế nữa: lịch sử không những đã đánh tan sai lầm hồi bấy giờ của chúng tôi mà còn hoàn toàn đảo lộn những điều kiện trong đó giai cấp vô sản đang phải chiến đấu. Ngày nay, phương pháp đấu tranh trong thời kỳ 1848 đã bị lỗi thời về mọi phương diện, và đó là một điểm đáng được nghiên cứu tỉ mỉ hơn nữa”(6).

Như vậy, với trí tuệ sáng suốt của một “bộ óc bách khoa”, với tầm hiểu biết sâu rộng và sự lăn lộn trong thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng của GCVS, Ph.Ăngghen đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự hình thành, phát triển và hoàn thiện chủ nghĩa Mác; một tấm gương sáng ngời về phát triển lý luận cách mạng. Những cống hiến của Ph.Ăngghen là khoa học thực sự và cách mạng triệt để, nên có ý nghĩa thời đại rất to lớn. Từ khi hình thành, phát triển và được xác lập vào cuối thế kỷ XIX, các quan điểm, tư tưởng mà hệ thống khoa học đó phát hiện ngày càng được chứng minh thuyết phục bằng thực tiễn, và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đối với cách mạng Việt Nam nói chung, với sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN trong giai đoạn hiện nay nói riêng, chủ nghĩa Mác, trong đó có những đóng góp vĩ đại của Ph.Ăngghen (sau nữa là những phát triển của V.I.Lênin và sự vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh) luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng nước ta.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

(1), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.632, 641.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.110.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, t.36, tr.194.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, t.18, tr.128.

(6)C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, t.22, tr.758.

 

TS Nguyễn Đình Bắc

Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền