Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 16:07
5394 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

(LLCT) - Trong hoàn cảnh nước Nga sau chiến tranh với nền kinh tế kém phát triển, bị bao vây của Chủ nghĩa đế quốc, Lênin chủ trương hướng mạnh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với hai nội dung quan trọng: Chính sách kinh tế mới (NEP) và chế độ hợp tác xã.

(Xây dựng nông thôn mới, nguồn: internet)

Sau chiến tranh, nước Nga lâm vào khủng hoảng, nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đời sống nhân dân (80% dân số nước Nga là nông dân) cực kỳ khó khăn, lạm phát phi mã đang tàn phá nền kinh tế yếu kém (1 triệu rúp năm 1923 chỉ bằng 1 rúp năm 1921). Cùng với đó là gia tăng nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội, sự nổi dậy của nhiều phần tử cơ hội, phản cách mạnh càng đẩy cuộc khủng hoảng đến cực điểm. Trong hoàn cảnh đó, để ổn định chính trị và xây dựng kinh tế, Lênin đã đề ra Chính sách kinh tế mới. Theo Lênin, muốn giữ được lòng tin với cách mạng phải cải thiện được đời sống của quần chúng và bắt đầu từ nông dân. Vì vậy, khi bàn về thuế lương thực, Lênin khẳng định: “Tại sao lại chính là của nông dân chứ không phải của công nhân? Vì muốn cải thiện đời sống của công nhân thì phải có bánh mì và nguyên liệu”(1), do đó “Phải bắt đầu từ nông dân”(2). Từ phân tích về kinh tế và chính trị, Lênin đưa ra giải pháp là khôi phục nền nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, từ đó, cải thiện đời sống công nhân và các tầng lớp lao động khác trong xã hội, đó là nền tảng vững chắc nhất để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Luận điểm của Lênin “Bắt đầu từ nông dân” không chỉ là vấn đề nông dân riêng biệt, mà sâu sắc hơn là giải quyết mối quan hệ kinh tế hàng hóa, quan hệ hàng - tiền giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, mối quan hệ chính trị liên minh giữa hai giai cấp công nhân và nông dân để tạo ra cơ sở xã hội vững chắc cho chính quyền Xô viết, những vấn đề này được Lênin phân tích rất sâu sắc trong Chính sách kinh tế mới.

Về xây dựng chế độ hợp tác xã văn minh, Lênin cho rằng xây dựng CNXH trong điều kiện kinh tế, văn hóa lạc hậu không những chỉ bắt đầu từ nông dân mà phải đưa nông dân lên CNXH, xây dựng “chế độ hợp tác xã văn minh”, phát triển Chính sách kinh tế mới lên mô hình sản xuất lớn XHCN. Chính sách kinh tế mới và hợp tác xã là không tách rời của chiến lược phát triển. Lênin chỉ ra những nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã văn minh là: tự nguyện, quản lý dân chủ và cùng có lợi. Lênin khẳng định, muốn thực hiện có hiệu quả hợp tác xã văn minh phải có 3 tiền đề quan trọng. Một là,phải có chính quyền nhân dân để bảo đảm quyền làm chủ của nông dân theo pháp luật trên phạm vi cả nước. Hai là,phải hình thành và củng cố thành phần kinh tế XHCN ở những khâu then chốt của nền kinh tế quốc dân. Ba là,phải nâng cao dân trí ở nông thôn bằng phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa.     

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm và nhận thức sâu sắc nông nghiệp, nông dân và nông thôn về lý luận cũng như thực tiễn dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, đây cũng là vấn đề được Hồ Chí Minh vận dụng thành công trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cách nhìn nhận, đánh giá về nông dân của Hồ Chí Minh hết sức sâu sắc, tinh tế. Người không dừng lại ở thái độ chính trị mà còn nghiên cứu tâm lý, bản chất, tập quán người nông dân làm nông nghiệp trong cộng đồng nông thôn.

Theo Hồ Chí Minh, về chính trị, nông dân là cơ sở chính của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong kháng chiến; sau độc lập, liên minh công - nông - trí thức là nền tảng của chính quyền, là công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Về mặt kinh tế - xã hội, phải coi nông nghiệp và công nghiệp như hai chân của nền kinh tế. Người nhấn mạnh: “Nước ta là một nước nông nghiệp... Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp”(3). Người chỉ rõ, phải có cơ chế quản lý thật tốt để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo hàng hóa phục vụ quốc kế dân sinh nhanh, nhiều, rẻ, tốt. Hồ Chí Minh khẳng định chính trị phải thể hiện được yêu cầu về kinh tế, có như vậy chính trị mới thành công.

Trên tinh thần đó, Người đã tìm ra quyết sách chiến lược đúng đắn, chỉ đạo sản xuất thắng lợi, khôi phục và phát triển kinh tế, bắt đầu từ nông nghiệp. Nhìn lại nạn đói 1945 và sự hồi phục sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1955 - 1960), có hơn 80% số hộ nông dân có mức sống ngang bằng tầng lớp trung nông, đời sống cư dân nông thôn được ổn định, tác động tích cực đến hoạt động kinh tế ở thành thị. Có thể khẳng định, trong 10 năm (1955 - 1965) đánh dấu mốc quan trọng về thành tựu kinh tế - xã hội ở nông thôn miền Bắc.

Theo quy luật phát triển thì các nước lạc hậu đi lên CNXH bước đi ban đầu chưa phải là công nghiệp nặng, công nghiệp hiện đại mà phải giải quyết từ gốc là nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phải CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn để tạo tiền đề, điều kiện cho sự phát triển toàn diện. Quán triệt tư tưởng nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, Đảng đã có nhiều chủ trương kinh tế quan trọng để tháo gỡ nút thắt trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-04-2009 về Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Qua 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí cụ thể, bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội nông thôn nước ta không ngừng khởi sắc.

Song, trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đặt ra nhiều vấn đề phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

Thứ nhất, cần bổ sung, đổi mới tư duy quy hoạch. Quy hoạch là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong 19 tiêu chí của nông thôn mới. Trong những năm qua, cả nước đã quy hoạch hơn 95% số xã và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu tính về lượng thì đây là thành tích đáng ghi nhận, nhưng thực chất của quy hoạch cho phát triển lâu dài, bền vững thì còn nhiều bất cập:

Một số địa phương nhận thức không đúng về đô thị hóa nông thôn, nên quy hoạch xã giống như phường, trong khi đời sống vật chất, tinh thần, các sinh hoạt văn hóa, hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nông thôn nhiều nơi khác xa với đô thị; nhiều nơi quy hoạch đã phá bỏ cấu trúc, bản sắc văn hóa truyền thống, đảo lộn môi trường sinh thái và vẻ đẹp tự nhiên ở nông thôn.                                            

Một số địa phương gần như sao chép, rập khuôn mẫu quy hoạch giống nhau giữa các xã đồng bằng, trung du, miền núi; như xã miền núi cũng có cánh đồng lớn; đồng bằng có trồng rừng, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, đường làng ngõ xóm, cầu cống, chợ, trường học... tương tự nhau.

Một số địa phương chạy theo thành tích, quy hoạch thiếu cơ sở thực tiễn, khi triển khai không làm được, nhân dân không đồng tình, phải bổ sung, quy hoạch lại một cách chắp vá, dẫn đến tốn kém, không đạt hiệu quả trong quy hoạch.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, để nhân dân nhận thức đúng bản chất Chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí. Trước tiên, phải hiểu xây dựng nông thôn mới là xây dựng lòng dân. Vì đây là chủ trương chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước với mục đích cấu trúc lại mô hình để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn văn minh, hiện đại. Trong quá trình tái cấu trúc đụng chạm đến lợi ích của dân, nhất là đất đai, phong tục tập quán sinh hoạt... Vì vậy, phải tăng cường và cụ thể hóa công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới, khi dân hiểu thì chính họ là chủ thể của sức mạnh ở nông thôn. Tất cả mọi việc lớn, nhỏ phải được dân bàn, công khai, minh bạch; lợi ích trước mắt và lâu dài phải thuộc về dân.

Thứ ba, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn. Để ổn định sản xuất, thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Một mặt, đẩy mạnh chuyên canh theo hướng nông nghiệp xanh, xây dựng những mô hình kinh tế năng động như hộ hàng hóa, trang trại gia đình, kinh tế hợp tác xã, mở rộng liên kết hợp tác phát triển công nghiệp, dịch vụ chế biến với các nông, lâm trường. Mặt khác, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất làm tăng giá trị sản phẩm, giải quyết vấn đề việc làm, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Thực tế cho thấy, khi phân công lao động xã hội phát triển mới có điều kiện nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, từ đó các trung tâm khuyến nông; trung tâm nghiên cứu giống cây trồng, con vật nuôi... mới thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao trực tiếp khoa học - công nghệ cho nông dân. Khi công nghiệp chế biến phát triển, ngoài tham gia giải quyết việc làm, nâng cao giá trị gia tăng và ổn định sản xuất còn góp phần đáng kể vào chống mất mùa trong kho, mất mùa sau thu hoạch. Do vậy, phải tăng cường công nghiệp chế biến để nâng cao sức cạnh tranh.

Thứ tư, cần có phương án, chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cơ sở và người lao động. Cần mở nhiều lớp ngắn hạn với nội dung, chương trình sát thực tế, nhất là những dự án sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngư dân; tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức, kỹ năng gắn với công việc cụ thể, như biết chọn giống, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách đánh bắt hải sản khơi xa, bảo vệ ngư lưới cụ, tài sản, chủ quyền trên biển, sử dụng từ tàu gỗ sang tàu sắt. Ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; làm ăn có hiệu quả trong cơ chế thị trường phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức làm vườn, phát triển vườn hàng hóa, kinh tế hộ gia đình, trang trại gia đình.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1) Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.262.

(2) Sđd, tr.263.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.180.

 

TS Đỗ Thanh Phương

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền