Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quá trình đổi mới lý luận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 16:12
17083 Lượt xem

Quá trình đổi mới lý luận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam

(LLCT) - Lý luận về công nghiệp hóa (CNH) của Việt Nam được hình thành từ những năm đầu thập kỷ 60 trong điều kiện toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: đẩy mạnh xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điểm xuất phát của miền Bắc nước ta khi đó là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trình độ lực lượng sản xuất thấp; hoạt động kinh tế mang đậm tính tự nhiên, tự cung, tự cấp; và phải thực hiện nhiệm vụ chiến lược là tiến thẳng lên CNXH không qua phát triển CNTB trong bối cảnh vừa xây dựng CNXH vừa chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

(Hiện đại hóa giao thông đô thị, nguồn: intrernet)

1. Lý luận về công nghiệp hóa thời kỳ trước đổi mới

Lý luận về công nghiệp hóa (CNH) của Việt Nam được hình thành từ những năm đầu thập kỷ 60 trong điều kiện toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: đẩy mạnh xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điểm xuất phát của miền Bắc nước ta khi đó là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trình độ lực lượng sản xuất thấp; hoạt động kinh tế mang đậm tính tự nhiên, tự cung, tự cấp; và phải thực hiện nhiệm vụ chiến lược là tiến thẳng lên CNXH không qua phát triển CNTB trong bối cảnh vừa xây dựng CNXH vừa chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Nhận thức về tính tất yếu của con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam, Đảng ta xác định phải thực hiện CNH nền kinh tế quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến”(1[1]). Người yêu cầu: “Muốn đảm bảo đời sống sung s­ướng mãi mãi, phải công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng”(2). Từ đó, đường lối CNH XHCN ở miền Bắc được xác định rõ tại Đại hội III của Đảng (1960):“Nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”(3). Theo đó, nhiệm vụ CNH XHCN ở miền Bắc được cụ thể: “Xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”([1]4). Trong giai đoạn này, Đảng ta đã xác định đúng sự cần thiết phải CNH nền kinh tế quốc dân trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong quá trình tổ chức thực tiễn, những nhận thức về nội dung, bước đi trong tiến hành CNH gắn với điều kiện thực tế Việt Nam cũng dần được hình thành trong tư duy của Đảng. Hội nghị Trung ương 7 khóa III của Đảng bàn về nhiệm vụ, phương hướng xây dựng và phát triển công nghiệp đã khẳng định cần xây dựng một nền công nghiệp tương đối hoàn chỉnh làm nền tảng cho nền kinh tế tự chủ của nước ta.   

Sau năm 1975, đường lối, chủ trương về CNH ở miền Bắc được thực hiện trên phạm vi cả nước. Tuy lý luận về CNH đã có một số điều chỉnh tại Đại hội IV và Đại hội V của Đảng, nhưng về cơ bảnvẫn không có nhiều thay đổi so với trước.

 Nhìn lại quá trình nhận thức lý luận về CNH đất nước những năm trước Đổi mới cho thấy, mặc dù chúng ta đã xác định đúng sự cần thiết phải CNH trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nhận thức đúng mục tiêu của CNH nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, vì lợi ích của toàn dân, xác định được nội dung cơ bản và tiền đề của CNH, nhưng chúng ta đã nóng vội và thiếu tính thiết thực trong lựa chọn hướng đi và nội dung CNH, thiên về phát triển công nghiệp nặng và phát triển hướng nội, trong khi các nguồn lực nhất là vốn và nhân lực còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn bởi điểm xuất phát là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trải qua nhiều năm chiến tranh; tiến hành CNH chỉ bó hẹp ở việc sử dụng khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tập thể, các khu vực kinh tế khác tuy có nhiều tiềm năng nhưng không được phát huy...

2. Quá trình đổi mới lý luận về công nghiệp hóa từ năm 1986 đến nay

Tại Đại hội VI (12-1986), Đảng ta đặt ra nhiệm vụ cần thiết phải đổi mới nhận thức và lý luận để tổ chức thực tiễn về CNH. Nội dung đổi mới là chuyển hướng chiến lược CNH từ lựa chọn mô hình CNH hướng nội (thay thế nhập khẩu) trước đây sang mô hình CNH hỗn hợp (hướng về xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu) đã và đang được áp dụng phổ biến và khá thành công tại nhiều nước châu Á với chủ trương “lấy nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu làm trọng tâm” thay vì “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” ở giai đoạn trước. Nội dung chính của CNH được cụ thể bằng việc thực hiện 3 chương trình: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Trong đó, phát triển lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng nhằm bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho đời sống nhân dân sau mấy chục năm chiến tranh ác liệt và trong bối cảnh nền kinh tế trong tình trạng thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội; phát triển hàng xuất khẩu là yếu tố quyết định khuyến khích sản xuất và đầu tư trong nước, tạo nguồn thu ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất([1]5). Đồng thời, trong nhận thức và tổ chức thực tiễn, chúng ta đã chuyển hướng nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từ cơ cấu kinh tế khép kín chuyển sang cơ cấu mở và phát huy nguồn lực của nền kinh tế có nhiều thành phần.

Nhận thức được bối cảnh mới của đất nước, đồng thời đón bắt cơ hội phát triển, từ kinh nghiệm của những nước đi trước, lý luận về CNH nền kinh tế quốc dân của Đảng ta đã có sự điều chỉnh. Bên cạnh việc tập trung đầu tư, giải quyết vấn đề cấp thiết là lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, Đảng ta chủ trương gắnCNH với HĐH, phát triển ngành kinh tế dịch vụ và phát triển kinh tế vùng. Tại Đại hội VII (6-1991), lần đầu tiên phạm trù “kinh tế dịch vụ” được ghi trong nghị quyết và hiện thực hóa thành chủ trương của Đảng: “Mở mang kinh tế dịch vụ ở cả thành thị và nông thôn, tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động”(6[1]).

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII(1-1994), lý luận mới về CNH có sự thay đổi căn bản. Đảng ta chủ trương “công nghiệp hóa phải đi đôi với hiện đại hóa”, phải “đẩy tới một bước công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước” với mục tiêu được xác định là nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quan điểm CNH là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên CNXH nay được xác định lại cho đúng và sát thực hơn. Sở dĩ như vậy, là vì “công nghiệp hóa và hiện đại hóa là con đường thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước chung quanh, giữ được ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa”(7). CNH thực chất là xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH. Đó không chỉ đơn giản là tăng thêm tốc độ và tỷ trọng của sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế, mà là quá trình chuyển dịch cơ cấu gắn với đổi mới căn bản về công nghệ, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và lâu bền của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình thực hiện, phải kết hợp những bước tiến tuần tự về công nghệ với việc tranh thủ những cơ hội đi tắt, đón đầu, hình thành những mũi nhọn phát triển theo trình độ tiên tiến của khoa học và công nghệ thế giới.

Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa VII(7-1994), lý luận về CNH của Đảng ta tiếp tục được bổ sung, làm sáng tỏ và đi vào thực chất hơn. Đại hội nêu rõ quan niệm về CNH, HĐH đất nước và xác định rõ mục tiêu của CNH, HĐHvới hai tầm nhìn: Trong dài hạn: thông qua CNH, HĐH, phấn đấu tạo ra một trình độ phát triển mới về kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao khả năng hợp tác phát triển với bên ngoài. Trong ngắn hạn:CNH, HĐH phải nhằm đạt và vượt các mục tiêu đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho bước phát triển cao hơn trong thập kỷ sau, mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 2 đến 2,5 lần so với năm 1990, trong đó công nghiệp tăng bình quân hằng năm 13%-15%, đưa tỷ trọng công nghiệp trong GDP lên trên 30% vào năm 2000(8). Quan điểm CNH, HĐH ở Việt Nam được gắn với các nội dung cụ thể nhằm định hướng đúng và chỉ đạo tốt việc tổ chức thực hiện: đầu tư chiều sâu để khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có; ưu tiên quy mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến, thu hồi vốn nhanh, đồng thời xây dựng một số công trình quy mô lớn thật cần thiết và có hiệu quả; tập trung thích đáng nguồn lực cho các lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm; quan tâm đáp ứng những nhu cầu phát triển thiết yếu của mọi vùng trong nước; có chính sách hỗ trợ những vùng khó khăn.

Tại Đại hội VIII (1996), Đảng ta xác định, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và hoàn thành nhiệm vụ của chặng đường đầu thời kỳ quá độ, bắt đầu chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đại hội đặt ra yêu cầu “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp” .

Nội dung CNH, HĐHđược điều chỉnh theo hướng lấy nông nghiệp làm khâu đột phá, coi nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến là mặt trận hàng đầu. Để tăng thêm điều kiện, tiền đề cho CNH, HĐH, Đại hội yêu cầu tiếp tục thực hiện rộng rãi hơn chính sách mở cửa, phát triển kinh tế nhiều thành phần, nâng cao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Gắn CNH với HĐH, lấy khoa học và công nghệ làm động lực, lấy nguồn lực con người làm yếu tố trung tâm, đồng thời xác định nội dung cụ thể của CNH, HĐH trong những năm trước mắt (1996-2000): “đặc biệt coi trọng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn...”. Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Đỗ Mười yêu cầu: “Chúng ta cần tránh sai lầm chủ quan nóng vội, quá thiên về công nghiệp nặng, ham quy mô lớn. Phải đặc biệt coi trọng công nghiệp hóanông nghiệp và nông thôn, ra sức phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, các ngành du lịch, dịch vụ; khôi phục, phát triển, từng bước hiện đại hóa các ngành nghề tiểu thủ công truyền thống đi đôi với mở mang những ngành nghề mới”(9).

Tại Đại hội IX (2001), từ nhận thức bối cảnh mới khi thế giới bước vào thế kỷ XXI với 3 xu hướng nổi trội (khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt; kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất; toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia), Đảng ta xác định: đường lối CNH, HĐH trong 10 năm đầu thế kỷ XXI là“Phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóalà nhiệm vụ trung tâm”. Điểm mới trongnhận thức lý luận về CNH, HĐH được thể hiện ở chủ trương cầnvà có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt. Để thực hiện tốt quá trình đó cần phát huy mọi lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn, phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức..; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển kinh tế nhanh, có hiệu quả và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH(10).

Nội dung CNH, HĐH được cụ thể hóa trong các ngành và các khu vực của nền kinh tế, như: đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; phát triển các ngành công nghiệp; phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; chiến lược phát triển các vùng lãnh thổ và chiến lược kinh tế biển. Trong đó, CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn được coi trọngtrong chiến lược phát triển giai đoạn 2001-2010;tăng cường sự chỉ đạo và huy động các nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục phát triển và đưa nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp lên một trình độ mới bằng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học(11).

Tại Đại hội X (2006), trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và trước bối cảnh mới, Đảng ta chủ trương: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắnquá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức. Kết hợp việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”(12). Điểm mới trong lý luận CNH của Đảng ta thời kỳ này là thực hiện phát triển rút ngắn và được cụ thể bằng con đường gắn CNH, HĐH với phát triển kinh tế tri thức. Để thực hiện con đường này, cần phải nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nhân lực, và phải coi đó là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước.

Tại Đại hội XI (2011), trên cơ sở những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lênchủ nghĩa xã hội (1991), xuất phát từ yêu cầu và dự báo tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020của Đảng xác định tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa(13).Nhiệm vụ CNH, HĐHđược xác định phù hợp với yêu cầu mới: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức”(14). Trong đó,phương hướng cơ bản được quán triệt và thực hiện làđẩy mạnh CNH, HĐHđất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội xác định tầm nhìn dài hạn: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(15).Theo hướng đó, phải đổi mới mô hình tăng trưởngvà cơ cấu lại nền kinh tếtừ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ sang tăng trưởng chủ yếu do áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh lớn gắn với phát triển kinh tế tri thức; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường(16).

Trong quá trình đổi mới, có thể rút ra lý luận về CNH của Đảng ta có 3 bước chuyển đổi quan trọng: Thứ nhất,từ phê phán sai lầm của mô hình CNH cổ điển thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu và nhận diện bối cảnh mới, Đảng ta tiến hành đổi mới có tính “cục bộ” về lý luận CNH, HĐH (1986-1993); Thứ hai,hình thành hệ thống lý luận về CNH, HĐH (1994-2000); Thứ ba,phát triển lý luận về CNH, HĐH trong xu thế mới - nhiều nước trên thế giới chuyển động mạnh từ nền kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức. Với các bước chuyển này, Đảng ta đã nhận thức rõ, khẳng định và làm sâu sắc thêm sự cần thiết phải tiến hànhCNH, HĐH; xây dựng hệ thống quan điểm làm cơ sở định hướng tiến trình theo mục tiêu đã lựa chọn; xác định đúng những nội dung cơ bản, cụ thể hóa trong ngắn hạn và các điều kiện, tiền đề cần thiết cho đẩy mạnh CNH, HĐH trong giai đoạn mới. Nhờ đó, việc lãnh đạo và tổ chức thực tiễn công cuộc đổi mới đã thu được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều biến đổi nên việc phát triển lý luận về CNH, HĐH vẫn cần tiếp tục làm sáng rõ, đáp ứng những yêu cầu thay đổi để phù hợp thực tiễn đất nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.673, 604-605.

(3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập:t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.554, 545-546.

(5) Sđd, t.47, tr.381.

(6) Sđd, t.51, tr.91-92.

(7), (8) Sđd, t.53, tr.199, 558.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, 1996, tr.22-23.

(10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr.91, 92.

(12)ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.87-88.

(13), (14), (15), (16) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30, 75, 25, 37-38.

 

PGS,TS An Như Hải

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền