Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Vận dụng tư tưởng “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin vào thực hiện tinh giản biên chế hiện nay
Thứ tư, 20 Tháng 1 2016 17:31
6616 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin vào thực hiện tinh giản biên chế hiện nay

(LLCT)Để thực hiện tốt Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị nhấn mạnh: “Cần quán triệt thực hiện đúng mục tiêu, quan điểm tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XI và các kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã đề ra” của Đảng ta, trước hết về mặt lý luận, chúng ta cần quán triệt, vận dụng sâu sắc những chỉ dẫn của V.I.Lênin nêu trong tác phẩm: Thà ít mà tốt(2). Tác phẩm này được công bố trên báo Sự thật số 49, ngày 4-3-1923 tại Liên Xô (cũ) đến nay vẫn là kim chỉ nam cho chúng ta học tập, vận dụng vào thực tiễn.

 

Trong những năm qua, nhất là từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về vấn đề tinh giản biên chế, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Vừa qua ngày 13-1-2015, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI, Đảng ta tiếp tục thông qua Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị nhấn mạnh: “Cần quán triệt thực hiện đúng mục tiêu, quan điểm tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XI và các kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã đề ra”(1). Để thực hiện tốt Đề án quan trọng này của Đảng ta, trước hết về mặt lý luận, chúng ta cần quán triệt, vận dụng sâu sắc những chỉ dẫn của V.I.Lênin nêu trong tác phẩm: Thà ít mà tốt(2). Tác phẩm này được công bố trên báo Sự thật số 49, ngày 4-3-1923 tại Liên Xô (cũ) đến nay vẫn là kim chỉ nam cho chúng ta học tập, vận dụng vào thực tiễn.

Thứ nhất, V.I.Lênin cho rằng cần phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu thực trạng đánh giá khách quan tình hình để có giải pháp đúng đắn, phù hợp

Về vấn đề này V.I.Lênin nhận định: “Từ trước đến nay, chúng ta có quá ít thời gian để nghĩ đến và chú trọng đến chất lượng của bộ máy nhà nước của chúng ta, nên quan tâm chỉnh đốn bộ máy đó một cách thật đặc biệt và chu đáo...”(3).

Thứ hai, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước phải tiến hành kiên quyết, có lộ trình và có chất lượng tốt: Để tiến hành việc đổi mới một cách có hiệu quả bộ máy nhà nước, Lênin yêu cầu: “Phải theo nguyên tắc: thà ít mà tốt... thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp, vội vàng mà không có chút hy vọng nào”(4). Tuy nhiên, Lênin cũng dự liệu trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên Người căn dặn: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn”(5).

Thứ ba, quá trình cải cách bộ máy nhà nước phải lựa chọn khâu đột phá

Việc đổi mới một cách toàn diện và triệt để bộ máy nhà nước, nhất là trong hoàn cảnh phức tạp của nước Nga Xô viết lúc đó là một vấn đề không đơn giản. V.I.Lênin đã thể hiện thiên tài của mình qua việc Người lựa chọn  khâu đột phá để chính qua đó tác động tới toàn thể bộ máy nhà nước. Đó chính là bộ máy cơ quan Bộ Dân ủy Thanh tra công nông, như trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” Người đã nhấn mạnh: “Nên quan tâm chỉnh đốn bộ máy đó một cách thật đặc biệt chu đáo, quan tâm tập trung cho Bộ Dân ủy Thanh tra công nông một số nhân viên có phẩm chất cao, nghĩa là không kém gì những nhân viên kiểu mẫu giỏi nhất ở Tây Âu”(6).

Thứ tư, phải biết coi trọng yếu tố con người và phát huy tối đa nội lực con người trong quá trình cải cách bộ máy nhà nước

Theo tư tưởng của Lênin, khi đề cập đến vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, với quan điểm chung là: “tất cả cái gì thật sự là ưu tú trong chế độ XHCN của chúng ta phải được đem sử dụng một cách hết sức thận trọng, có suy nghĩ với sự am hiểu cặn kẽ”(7). Lênin thực sự đã đề cao việc phát huy yếu tố nội lực trong việc đổi mới bộ máy nhà nước; trong các yếu tố nội lực mà Lênin cho rằng có thể sử dụng để đổi mới bộ máy nhà nước thì ở nước Nga lúc đó chỉ có: “Những công nhân hăng hái đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội... và yếu tố kiến thức, học thức, giáo dục”. Đó là những con người có phẩm chất cách mạng và tri thức tốt. Như vậy, theo Lênin, yếu tố con người là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, của việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, Lênin không chỉ đề ra những vấn đề có nguyên tắc chung mà trong quá trình chỉ đạo đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Người còn đề ra các biện pháp cụ thể, thiết thực, Người viết: “mở ngay một cuộc thi soạn hai cuốn sách giáo khoa, hoặc nhiều hơn nữa, viết về tổ chức công tác nói chung, và đặc biệt là về công tác quản lý”(8); “cử một vài người có năng lực và tận tâm sang Đức hay sang Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề”(9).

Trong những biện pháp mà Lênin nêu ra, ta thấy Người đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và công tác quản lý. Đồng thời, qua đó còn cho thấy một tư tưởng rất tiến bộ không kỳ thị của Lênin với chế độ tư bản chủ nghĩa - đó là quan điểm rộng mở sẵn sàng học tập, tiếp thu tri thức của nhân loại.

Thứ năm, phải gắn bó lý luận với thực tiễn. Theo Lênin, “Muốn đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”(10). Qua luận điểm này, cho thấy, một lần nữa Lênin khẳng định vai trò của tri thức trong công cuộc cải cách bộ máy nhà nước, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi đảng viên cộng sản là phải không ngừng học tập, nâng cao tri thức, lý luận. Và điều quan trọng hơn là phải đưa tri thức đó vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cuộc sống chứ không phải là lý luận suông, xa rời thực tế.

Thứ sáu, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động của bộ máy nhà nước

Như trên đã nêu, nếu Lênin chọn khâu đột phá là cải cách Bộ Dân ủy Thanh tra công nông trong việc cải cách bộ máy nhà nước, thì trong toàn bộ chu trình quản lý nhà nước, Lênin lại đặc biệt coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, Người cho rằng “phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”(11). Như vậy, theo Lênin, chúng ta không được chủ quan thỏa mãn với những quyết định, chủ trương của mình mà từng phút, từng giây phải luôn nghĩ đến việc kiểm tra tính đúng đắn của các chủ trương, nghị quyết đó. Đồng thời, theo Lênin, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra còn phát hiện, sáng tạo ra cái mới, cái tốt hơn, Người nhấn mạnh: “không quên kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, mà sáng tạo ra một cái gì thực sự không chê trách được, một cái gì có thể làm cho tất cả và từng người phải tôn trọng”(12). Như vậy, trong công tác quản lý nhà nước thì công tác thanh tra, kiểm tra phải luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, đề cao và coi đây là một trong những nội dung cơ bản nhất của công tác quản lý nhà nước.

Thứ bảy, trong quá trình đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước cần kết hợp giữa tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước với cơ quan Đảng cùng cấp

Về vấn đề này, Lênin đặt vấn đề: “làm thế nào có thể kết hợp được một cơ quan Đảng với một cơ quan chính quyền Xô viết”(13) và Người đã tự trả lời: “Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế? Phải chăng chưa bao giờ có ai nhận xét chẳng hạn rằng trong bộ dân ủy như Bộ Dân ủy ngoại giao, việc kết hợp như thế thật là vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới thành lập?... Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là một nguồn gốc sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta...”(14). Từ bài học về sự kết hợp giữa Bộ dân ủy ngoại giao với cơ quan ngoại giao của Đảng trên thực tế, Lênin đã liên hệ tới các cơ quan kiểm tra của Đảng và của chính quyền Xô viết. Người đặt vấn đề: “tại sao đối với cơ quan ấy lại không thừa nhận là có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền?”, “về phần tôi, tôi thấy là làm như vậy không có trở ngại gì cả. Hơn nữa, tôi tin rằng sự hợp nhất ấy là điều bảo đảm duy nhất cho một hoạt động có kết quả”(15).

Những chỉ dẫn của Lênin nêu trong tác phẩm: “Thà ít mà tốt” thật vô cùng có ý nghĩa đối với yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Vì vậy, chúng ta cần quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn của Người để làm sao vận dụng có sáng tạo nhất vào tình hình cụ thể nước ta, nhằm làm cho biên chế cũng như bộ máy hệ thống chính trị của chúng ta trong sạch, tinh gọn, thống nhất, hoạt động đồng bộ nhịp nhàng đạt hiệu quả cao nhất.

Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Đảng ta đã “ban hành tổ chức thực hiện nhiều Nghị quyết về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương và thu được những kết quả quan trọng … Tuy nhiên, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nối trung gian; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trên một số lĩnh vực còn chồng chéo; thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu chưa rõ”(16).

Vận dụng tư tưởng trên của Lênin, trong quá trình cải cách bộ máy nhà nước, Đảng ta đã đề ra Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước”(17); tiếp theo là Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; đến Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW Bộ Chính trị ngày 2-6-2005.

Vận dụng quan điểm học lý luận gắn liền với thực tiễn, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức đang có nhiều vấn đề đặt ra, nhất là tính hiệu quả và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra... Thực trạng đó đặt ra yêu cầu Đảng, Nhà nước cần quan tâm, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

(1) Báo nhân dân: Thông báo Hội nghị Trung ương lần thứ mười, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15): VI. Lênin:  Toàn tập, t. 45, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1978, tr.442, 442-443, 445, 445, 442, 449, 449, 449, 449, 443, 447, 447, 452, 453.

(16) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.109-110.

(17) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Trung ương 8 khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.20.

 

TS Nguyễn Thế Thuấn

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền