Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về thời kỳ quá độ trong đường lối đổi mới của Đảng ta
Thứ ba, 26 Tháng 1 2016 10:07
7892 Lượt xem

Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về thời kỳ quá độ trong đường lối đổi mới của Đảng ta

(LLCT) - Nguồn gốc lý luận của Đổi mới ở Việt Nam là những quan điểm của Lênin về các vấn đề đặt ra của thời kỳ quá độ với cấu trúc nhiều thành phần kinh tế - xã hội phức tạp đòi hỏi phải có sách lược định hướng, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng bước đi lên CNXH. Cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng quan điểm của Lênin về thời kỳ quá độ lâu dài, phức tạp và cách tiếp cận nhìn thẳng vào sự vật để kịp thời đề ra chính sách và giải pháp phù hợp với từng bước nhỏ của đổi mới ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới.

Khi nghiên cứu về nguồn gốc của Đổi mới ở Việt Nam, một số học giả cho rằng, Đổi mới bắt đầu từ dưới lên trên, xuất phát từ các sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp ở một số địa phương rồi đi đến việc ban hành một số nghị quyết của Đảng và Nhà nước về quản lý sản xuất nông nghiệp. Một số học giả khác cho rằng, Đổi mới bắt đầu từ trên xuống dưới, tức là xuất phát từ chủ trương đổi mới tư duy, chính sách, phong cách, tổ chức và cán bộ của Đảng và Nhà nước đến đổi mới cách nghĩ, cách làm của người sản xuất và người dân. Nhưng dù thế nào thì công cuộc Đổi mới là một thực tiễn cách mạng đạt được nhiều thành tựu như hiện nay là do được soi sáng bởi học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung mà cụ thể ở đây là quan điểm của Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ  nghĩa xã hội.

Khi nghiên cứu nội dung 6 bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại các Đại hội đại biểu toàn quốc từ năm 1986 đến năm 2011 có thể thấy ngay trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VI (1986) có trích dẫn nguyên văn câu chữ do Lênin viết về những bước quá độ từ CNTB sang CNXH. Cụ thể là trong phần 1 ở mục bàn về những nhiệm vụ mới, to lớn và nặng nề, trong đó nổi bật nhiệm vụ xác định con đường đi lên CNXH ở nước ta, Báo cáo chính trị Đại hội VI ghi rõ: “Chặng đường đầu tiên là một bước quá độ nhỏ trong bước quá độ lớn. V.I.Lênin nói: “Suốt cả thời kỳ đó (thời kỳ quá độ), trong chính sách của chúng ta, lại chia ra thành nhiều bước quá độ nhỏ hơn nữa. Và tất cả cái khó khăn của nhiệm vụ chúng ta phải làm, tất cả cái khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến những nhiệm vụ đặc thù của từng bước quá độ đó”(1).

Lênin đưa ra quan điểm về thời kỳ quá độ với nhiều bước quá độ nhỏ như vậy vào tháng 2-1920 khi nước Nga Xô viết vừa giải quyết xong nhiệm vụ quân sự và chuyển sang nhiệm vụ kinh tế để xây dựng xã hội mới(2). Bước quá độ nhỏ mà Lênin muốn chỉ rõ vào thời điểm đó là bước quá độ từ thời kỳ chiến tranh với đặc trưng là “tất cả phục vụ chiến tranh” sang thời kỳ hòa bình với nhiệm vụ cơ bản là xây dựng kinh tế, nhưng vẫn phải sử dụng các biện pháp quân sự để thực hiện nhiệm vụ kinh tế thí dụ như thu mua lương thực theo giá quy định chứ không phải theo giá thị trường tự do, vận chuyển các nguyên liệu và lương thực đến các khu công nghiệp và thành lập các đội quân lao động được tổ chức theo kiểu quân sự để chống lại tình trạng đói, rét, tàn phá và các hậu quả của chiến tranh, nội chiến. Nhưng ngay trong bước quá độ nhỏ này Lênin đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng khi yêu cầu các chuyên gia khoa học và kỹ thuật vạch ra kế hoạch dài hạn về điện khí hóa nước Nga. Trên thực tế, bước quá độ nhỏ này chỉ kéo dài một thời gian ngắn và ngay sau khi kết thúc nội chiến, đến tháng 3-1921, Lênin đã đề xuất một chính sách mới phù hợp với bước quá độ mới, đó là thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng chế độ thuế khóa và tự do trao đổi(3). Do vậy, chính sách kinh tế mới năm 1921 thực chất là sự trở lại quan điểm của Lênin năm 1918 về thời kỳ quá độ lâu dài, phức tạp của cấu trúc kinh tế - xã hội nhiều thành phần với các biện pháp quá độ(4). Chính sách mới năm 1921 đòi hỏi phải thay “chế độ cộng sản thời chiến” với biện pháp trưng thu lương thực thừa bằng chế độ thu thuế lương thực đối với nông dân và trong khi chưa có một nền kinh tế công nghiệp lớn, kinh tế xã hội chủ nghĩa chưa đủ mạnh, chưa cải tạo được tính tự phát tiểu tư sản của những người sản xuất hàng hóa nhỏ nhưng chiếm đa số trong xã hội thì Nhà nước phải bảo đảm sự tự do trao đổi, tự do kinh doanh, tức là phải áp dụng những chính sách, biện pháp quá độ để huy động, thúc đẩy, phát triển lực lượng sản xuất.

Lênin đã nêu rõ quan điểm về cấu trúc nhiều thành phần kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ lên CNTB trong một số tác phẩm của ông trước và sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Ngay sau khi công bố bản báo cáo nổi tiếng của mình về “Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền xô viết” vào cuối tháng 4-1918, Lênin đã viết và cho công bố trên báo Sự Thậtcác số ra trong tháng 5-1918 một loạt bài phê phán “những người cộng sản cánh tả” ở chỗ họ đã không hiểu như thế nào là bước quá độ từ CNTB sang CNXH, Lênin chỉ ra rằng, danh từ “quá độ” có nghĩa là nền kinh tế có nhiều thành phần đan xen của cả CNTB và CNXH, cụ thể là năm thành phần kinh tế xếp theo trình độ phát triển từ thấp đến cao là(5): (i) kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nông dân tự cung tự cấp, nghĩa là phần lớn mang tính chất tự nhiên, (ii) kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ mà đa số là nông dân có sản phẩm bán trên thị trường, (iii) chủ nghĩa tư bản tư nhân gồm các nhà tư bản nhỏ, (iv) chủ nghĩa tư bản nhà nước và (v) chủ nghĩa xã hội.

Một loạt câu hỏi đặt ra, thí dụ, các thành phần này có cấu trúc như thế nào, quan hệ với nhau ra sao? Ai đấu tranh với ai? Lênin chỉ rõ: “Những người cộng sản cánh tả” ở Nga năm 1918 đã sai lầm khi cho rằng thành phần “chủ nghĩa tư bản nhà nước” đấu tranh với thành phần “chủ nghĩa xã hội”. Lênin chỉ ra rằng CNTB nhà nước không có gì đáng sợ bởi vì về mặt kinh tế thành phần này là một bước tiến to lớn đến gần CNXH hơn bất kỳ một thành phần nào khác. Về mặt chính trị, thành phần này chịu sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo, do vậy không việc gì phải lo sợ chệch hướng. Lênin chỉ ra rằng trong bước quá độ từ CNTB sang CNTB ở Nga, thành phần kinh tế thứ năm (CNXH) và thành phần thứ tư (CNTB nhà nước) cùng nhau đấu tranh với tính tự phát tiểu tư sản thể hiện rất rõ ở thói đầu cơ trục lợi và sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún của những người tư sản nhỏ, những người sản xuất hàng hóa nhỏ ở những thành phần còn lại mà đa số họ là nông dân.

Đánh giá vị trí và vai trò của CNTB nhà nước trong thời kỳ quá độ ở Nga năm 1918, Lênin đã phải tự trích dẫn lại quan điểm của ông trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917 như sau: “Chủ nghĩa tư bản độc quyền - nhà nước là sự chuẩn bị vật chấtđầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội, là nấc thang lịch sử, mà giữa nó (nấc thang đó) với nấc thang được gọi là chủ nghĩa xã hội thì không có một nấc nào ở giữa cả”(6).

Năm 1918, Lênin nhấn mạnh sự cần thiết phải đấu tranh và cải tạo thành phần kinh tế tiểu nông, tiểu tư sản và tư bản tư nhân. Nhưng năm 1921 xuất phát từ hoàn cảnh mới, “thời bình”, với chính sách kinh tế mới, Lênin cho rằng cần phải có những bước quá độ, biện pháp quá độ nhằm khuyến khích nền sản xuất tiểu nông, nền sản xuất hàng hóa nhỏ và giai cấp tiểu tư sản vì điều đó làm cho nền đại công nghiệp phát triển. Năm 1921, khi bàn về thuế lương thực(7), một phần tất yếu của chính sách kinh tế mới, Lênin đã phải nhắc lại đặc trưng cấu trúc nhiều thành phần kinh tế - xã hội này của thời kỳ quá độ. Lênin yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự vật, gọi đích danh nó ra và sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân. Lênin chỉ ra rằng(8): không phải lo sợ việc giai cấp tiểu tư sản và tư bản nhỏ phát triển, cũng không phải sợ CNTB bởi vì đã có sự quản lý và kiểm soát của chính quyền nhà nước XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mà điều đáng phải lo sợ hơn lúc bấy giờ là tình trạng đói kém, thiếu thốn của công nhân, nông dân và sự chậm phát triển của các thành phần kinh tế XHCN, kinh tế tư bản nhà nước và do vậy cần phải đấu tranh mạnh nhất là tệ quan liêu, tham nhũng và những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý đất nước(9).

Việt Nam chưa phải là nước công nghiệp mà là một nước nông nghiệp còn nghèo nàn và lạc hậu, lựa chọn con đường chưa từng có trong lịch sử nhân loại là đi lên CNXH bỏ qua CNTB nên tất yếu gặp nhiều khó khăn, trở ngại và cả sai lầm như Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng đã xác định thời kỳ quá độ của Việt Nam là lâu dài với nhiều bước quá độ như Lênin đã nêu rõ năm 1918 - 1921. Báo cáo tại Đại hội VI đã trích dẫn câu viết của Lênin về điều này. Báo cáo cũng ghi rõ là vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế nhiều thành phần là đặc trưng của thời kỳ quá độ và xác định cấu trúc kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam. Cụ thể là, Báo cáo tại Đại hội VI phần 2 về phương hướng cơ bản của chính sách kinh tế, xã hội ở mục 2 về các giải pháp xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất XHCN, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế,có đoạnghi rõ như sau: “Giải pháp đó xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Ở nước ta, các thành phần đó là:

- Kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với thành phần đó.

- Các thành phần kinh tế khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng núi cao khác.

Về quan hệ giữa các thành phần của cấu trúc kinh tế - xã hội, năm 1986 Đảng đã nhận ra bài học là không thể nóng vội làm trái quy luật trong việc cải tạo XHCN đối với “các thành phần khác” như đã làm trong 10 năm trước. Chính sách này đã được sửa lại cho đúng theo nhận thức mới là: “đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, luôn luôn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất”. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm với hai kỳ Đại hội tiếp theo, điều được sửa lại cho đúng này vẫn còn bị thực tiễn chứng tỏ là nóng vội và trái quy luật. Nên từ Đại hội VIII năm 1996 đến nay, việc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với các thành phần kinh tế khác không còn được đặt ra nữa và thay vào đó là quan điểm coi các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, đều quan trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Cũng từ năm 1996 đến nay, cấu trúc - hai thành phần gồm “thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa” và “thành phần khác” hoặc thành phần kinh tế “quốc doanh” và “ngoài quốc doanh” cũng không được áp dụng nữa mà phát triển cấu trúc nhiều thành phần kinh tế.

Một cách tương ứng, cấu trúc - hai thành phần của thị trường gồm “thương nghiệp xã hội chủ nghĩa” và “thị trường tự do” trong đó Nhà nước vẫn tiếp tục sử dụng những biện pháp để cải tạo và xoá bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân đã tỏ ra không hiệu quả và gây nhiều khó khăn, trở ngại cho nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường trong suốt những năm đầu của đổi mới. Cuối cùng, cấu trúc thị trường - hai thành phần này cũng đã tự tiêu vong, nhường chỗ cho cấu trúc thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN từ năm 1996 đến 2001 và “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” từ năm 2001 đến nay.

Cơ chế quản lý kinh tế cũng được đổi mới theo một cách tương tự là: từ bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN trong năm 1986-1991 và chuyển sang “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong năm 1991-2001 và chuyển thành “cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” từ năm 2001 đến nay. Như vậy là, xuất phát từ quan điểm của Lênin về cấu trúc kinh tế - xã hội nhiều thành phần đặc trưng của thời kỳ quá độ, tư duy lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội đất nước ta đã được đổi mới theo hướng làm rõ mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN với những bước đi đầy khó khăn, phức tạp và phần nào thể hiện trong sự biến đổi cấu trúc tổng sản phẩm trong nước (GDP) và cấu trúc lao động - xã hội. Trong thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, tỷ trọng đóng góp trong GDP của khu vực kinh tế nhà nước, tập thể và cá thể đều giảm trong khi khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài đều tăng. Về cấu trúc lao động - xã hội, năm 1991 trong tổng số gần 31 triệu lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế, thành phần quốc doanh thu hút được 10,48% lao động, thành phần tập thể 58,34%, thành phần kinh tế cá thể hơn 31% (Niên giám thống kê). Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy: trong tổng số trên 47,7 triệu lao động có việc làm năm 2009, thành phần kinh tế hộ gia đình, cá thể, cá nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất là 80,1%, kinh tế nhà nước 9,6%, kinh tế tư nhân 6,5%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 3,4%, kinh tế tập thể giảm rất nhiều, chỉ còn 0,3% và kinh tế khác 0,1%.

Trong Báo cáo tại Đại hội VI (1986) phần 2 ở mục phương hướng, nhiệm vụ của chính sách xã hội có đoạn ghi rõ: “Trong việc phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động, cần có kế hoạch chủ động xây dựng cơ cấu giai cấp của xã hội mới”; khi bàn về chính sách giai cấp và dân tộc, Báo cáo xác định rõ: “Trong thời kỳ quá độ, cơ cấu giai cấp xã hội cũ dần dần được thay thế bằng cơ cấu giai cấp của xã hội mới”. Như vậy là ngay khi bắt đầu Đổi mới, Đảng ta đã đặt ra vấn đề lãnh đạo, quản lý xây dựng một cách có kế hoạch, chủ động “cơ cấu giai cấp của xã hội mới”. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp.

Khi nói về cơ cấu giai cấp trong xã hội TBCN cuối thế kỷ XIX, Các Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh yếu tố thứ nhất có tính chất nguyên nhân của “sở hữu tư liệu sản xuất” và yếu tố thứ hai có tính chất phát sinh là “lao động làm thuê” trong định nghĩa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Cụ thể là vào năm 1888, khi tái bản tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Ph.Ăngghen đã chú thích rõ định nghĩa về hai giai cấp này như sau. “Giai cấp tư sản là giai cấp những nhà tư bản hiện đại, những người sở hữu tư liệu sản xuất xã hội và sử dụng lao động làm thuê. Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống”(10). Có thể hiểu đây là cấu trúc giai cấp của xã hội cũ ở các nước TBCN thế kỷ XIX bao gồm cả xã hội Nga trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Nhưng sau khi giai cấp vô sản đứng lên đánh đổ giai cấp tư sản giành được chính quyền và bắt đầu xây dựng xã hội mới thì tất yếu xuất hiện cấu trúc giai cấp của xã hội mới như đã xảy ra trên thực tế ở nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Trong tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại” viết và xuất bản vào tháng 7-1919, Lênin đã đưa ra định nghĩa nổi tiếng về giai cấp như sau: “Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định”(11).

Trong định nghĩa của mình, Lênin xác định rõ giai cấp là những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về năm tiêu chuẩn lần lượt là: (i) địa vị của họ trong hệ thống sản xuất nhất định, (ii) quan hệ của họ đối với tư liệu sản xuất, (iii) vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, (iv) cách thức hưởng thụ của cải mà họ được hưởng, (v) phần của cải mà họ được hưởng. Như vậy là, cùng với tiêu chuẩn định lượng là “tập đoàn to lớn” và tiêu chuẩn định tính đã từng biết từ định nghĩa giai cấp của Mác và Ăngghen là “sở hữu tư liệu sản xuất”, Lênin đã bổ sung thêm một số tiêu chuẩn mới, cơ bản, quan trọng khác. Việc có nhiều tiêu chuẩn xác định “Giai cấp” như Lênin đã chỉ ra vào năm 1919 chứng tỏ rằng trong xã hội mới của thời kỳ quá độ, cấu trúc giai cấp không còn đơn giản gồm hai giai cấp thống trị và giai cấp bị trị cùng các tầng lớp trung gian như trong xã hội cũ, kiểu phong kiến hay TBCN. Mà cấu trúc giai cấp của xã hội mới trong thời kỳ quá độ lên CNXH là cấu trúc giai cấp nhiều thành phần phong phú, đa dạng, phức tạp. Chứ không phải đơn giản là xã hội chỉ có hai giai cấp đối kháng nhau như “giai cấp nông dân” và “giai cấp địa chủ” đặc trưng cho xã hội phong kiến, “giai cấp vô sản” và giai cấp tư sản” đặc trưng cho xã hội TBCN.

Định nghĩa về giai cấp của Lênin đưa ra phù hợp với bối cảnh lịch sử xã hội của nước Nga Xô viết nơi giai cấp tư sản đã bị lật đổ và do vậy không còn tình cảnh giai cấp vô sản không có tư liệu sản xuất và bắt buộc phải bán sức lao động đi làm thuê cho giai cấp tư sản. Tiêu chuẩn “sở hữu tư liệu sản xuất xã hội” trước kia được coi là tiêu chuẩn hàng đầu thì từ đây trở thành một trong số các tiêu chuẩn xác định giai cấp.

Tiêu chuẩn “Địa vị của họ trong hệ thống sản xuất nhất định” là tiêu chuẩn được Lênin xếp vào vị trí hàng đầu trong việc xác định giai cấp và tiêu chuẩn này cơ bản, quan trọng đến mức chỉ cần khác nhau về địa vị trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định là đủ để làm cho giai cấp này chiếm đoạt, bóc lột lao động của giai cấp khác. Trong một xã hội mới hoàn toàn có thể có  nhiều tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về năm tiêu chuẩn vừa nêu và do vậy xã hội đó có cơ cấu giai cấp gồm nhiều giai cấp, trong đó giai cấp này vẫn có thể bóc lột, chiếm đoạt lao động của các giai cấp khác do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong hệ thống kinh tế - xã hội nhất định. Đây thực sự là một tầm nhìn xa trông rộng của Lênin khi sớm chỉ ra được căn nguyên của tình trạng bất công, bóc lột giai cấp trong một xã hội mới ngay khi xã hội mới đó mới chỉ vừa được bắt đầu xây dựng.

Cần nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin về giai cấp, cấu trúc giai cấp để chủ động giải thích và xây dựng cấu trúc giai cấp của xã hội mới như Báo cáo tại Đại hội VI đã chỉ ra vào năm 1986. Cần vận dụng quan điểm của Lênin về giai cấp để có thể giải thích và đấu tranh có hiệu quả với thực trạng là trong xã hội hiện đại vẫn có những “tập đoàn to lớn” mặc dù không sở hữu tư liệu sản xuất mà chỉ nắm giữ địa vị lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn bóc lột được sức lao động của các “tập đoàn to lớn” khác. Do vậy, để phòng, chống bóc lột giai cấp trong thời kỳ quá độ, cần nghiên cứu và vận dụng quan điểm của Lênin về tăng cường thực hiện quản lý, kiểm soát bằng pháp luật, bằng kỷ luật lao động, bằng kiểm kê, kiểm soát từ trên xuống, từ dưới lên và nhất là kiểm soát của nhân dân; nói ngắn gọn là phải học quản lý, nhất là học tập cách lãnh đạo, quản lý xã hội dựa trên tri thức khoa học, công nghệ tiên tiến của nhân loại để nâng cao năng suất lao động xã hội. Bởi vì, như Mác, Ăngghen và Lênin đều nhấn mạnh, xét đến cùng năng suất lao động mới là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của một xã hội mới; CNCS mà giai đoạn đầu của nó là CNXH có nghĩa là năng suất lao động cao hơn (so với năng suất lao động dưới chế độ TBCN) của những người lao động tự nguyện, tự giác, liên hợp với nhau, sử dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại(12). Đồng thời, cần vận dụng quan điểm của Lênin vào nghiên cứu, lý giải tại sao trong xã hội công nghiệp phát triển hay còn gọi là xã hội hậu công nghiệp xuất hiện những giai cấp mới có tên gọi thí dụ như “giai cấp dịch vụ” (the service class) và “giai cấp sáng tạo” (the creative class) mà tỷ trọng những giai cấp này ngày càng tăng trong khi giai cấp công nhân (the working class) càng giảm và giai cấp nông dân chiếm tỷ trọng rất nhỏ bé, thí dụ(13) trong vòng 100 năm của thế kỷ XX, giai cấp sáng tạo (tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau nắm giữ các địa vị nghề nghiệp chuyên môn trong các lĩnh vực như thiết kế, kiến trúc, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, pháp luật, quản lý, truyền thông, thư viện) đã tăng từ 10% lên 30%; giai cấp công nhân giảm từ gần 36% xuống còn 26%; giai cấp dịch vụ tăng từ gần 17% lên trên 43% và giai cấp nông dân giảm rất mạnh từ trên 37% xuống còn chưa đến 1% vào năm 1999. Ở Việt Nam năm 2013, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ chiếm gần 6% nhưng đang tăng dần, lao động dịch vụ cũng tăng và chiếm 16%, lao động giản đơn giảm dần nhưng vẫn chiếm mức cao 40%. 

Tóm lại, một nguồn gốc lý luận của Đổi mới ở Việt Nam là những quan điểm của Lênin về các vấn đề đặt ra của thời kỳ quá độ với cấu trúc nhiều thành phần kinh tế - xã hội phức tạp đòi hỏi phải có sách lược định hướng, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng bước đi lên CNXH. Cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng quan điểm của Lênin về thời kỳ quá độ lâu dài, phức tạp và cách tiếp cận nhìn thẳng vào sự vật để kịp thời đề ra chính sách và giải pháp phù hợp với từng bước nhỏ của đổi mới ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin về giai cấp vào việc lãnh đạo, quản lý việc xây dựng cấu trúc giai cấp của xã hội mới và tổ chức lao động xã hội một cách khoa học nhằm tăng nhanh và bền vững năng suất lao động xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

(1) Toàn văn Báo cáo Đại hội VI có hai trích dẫn ghi rõ nguồn ở cuối bản Báo cáo này nguyên văn là: “1. V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.40, tr.119-120”. Ngoài ra, Báo cáo này có trích dẫn và ghi rõ nguồn lời căn dặn của Hồ Chí Minh về đoàn kết.

(2) V.I.Lênin: “Báo cáo về công tác của Ban Chấp hành Trung ương các xô viết toàn Nga và của Hội đồng Bộ trưởng Dân ủy tại kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương các Xô viết toàn Nga khóa VII ngày 2 tháng Hai 1920” trong V.I.Lênin: Toàn tập, t.40. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977.

(3) “Báo cáo về việc thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thuế lương thực ngày 15 tháng 3” trong V.I.Lênin: Toàn tập, t.43. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.77, 85.

(4) Trong bài viết vào tháng 5-1921 về thuế lương thực: ý nghĩa của chính sách mới và điều kiện của chính sách ấy, Lênin đã đưa vào phần đầu nguyên văn 17 trang về thời kỳ quá độ từ tác phẩm “Về bệnh ấu trĩ tả khuynh...” do ông viết năm 1918. Xem: “Bàn về thuế lương thực (Ý nghĩa của chính sách mới và những điều kiện của chính sách ấy)”. V.I.Lênin: Toàn tập, t.43. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 244-296.

(5), (6) “Về bệnh ấu trĩ “tả khuynh” và tính tiểu tư sản”. V.I.Lênin: Toàn tập, t.36. Nxb Tiến bộ,  Mátxcơva, 1978, tr.363, 371.

(7) “Bàn về thuế lương thực (Ý nghĩa của chính sách mới và những điều kiện của chính sách ấy)”. V.I.Lênin: Toàn tập, t.43. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.187-191.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 99-101. Vào năm 1921, khi nói về tình trạng kiệt quệ, bần cùng và những tai họa xảy ra đối với công nhân và nông dân, Lênin đã chỉ ra nguyên nhân chiến tranh, nội chiến, mất mùa mà “nhiều khi việc giải ngũ đã làm gay go thêm”. Những điều này bạn đọc cần chú ý khi xem xét bối cảnh ra đời chính sách mới ở nước Nga Xô viết năm 1921. V.I.Lênin: Toàn tập, t.3. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.103. 

(9) Khi bàn về ý nghĩa của chính sách kinh tế mới, Lênin đã chỉ ra ba kẻ thù chính là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa” thể hiện ở ảo tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ, “nạn mù chữ” và “nạn hối lộ” mà bây giờ gọi là “nạn tham nhũng”. “Chính sách kinh tế mới và những nhiệm vụ của các ban giáo dục chính trị” trong V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.194-219.

(10)Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4.Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

(11) V.I.Lênin: “Sáng kiến vĩ đại (nói về chủ nghĩa anh hùng của công nhân ở hậu phhương, nhân câu chuyện “Những ngày thứ bảy Cộng sản”)  trong V.I.Lênin: Toàn tập, t.39. Nxb Tiến bộ, Mátxccơva, 1977, tr.17-18.

(12) V.I.Lênin: Sđd, tr.25.

(13) Richard Florida: The rise of the creative class and how it’s transforming work, leisure, community & everyday life.New York: Basic Books. 2004. tr. 332; Lê Ngọc Hùng:Lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2013, tr.322-323.

 

GS, TS Lê Ngọc Hùng

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền