Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tác động của kinh tế thị trường tới chính trị Việt Nam
Thứ hai, 01 Tháng 2 2016 11:02
6222 Lượt xem

Tác động của kinh tế thị trường tới chính trị Việt Nam

(LLCT) - Công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 có một nội dung rất quan trọng là cải cách kinh tế, đặc biệt là cải cách thể chế, chuyển dần từ hệ thống ra quyết định theo nguyên tắc kế hoạch hóa tập trung sang hệ thống ra quyết định mang tính thị trường.

 

1. Thực trạng tác động của kinh tế thị trường

Khía cạnh nổi bật trong tác động của kinh tế thị trường (KTTT) đến chính trị là tác động đến các phương diện chính yếu của việc tổ chức và thực thi quyền lực chính trị, trọng tâm là tính chính đáng chính trị - nền tảng làm nên các thay đổi chính trị về dài hạn.

Vấn đề trung tâm của tính chính đáng chính trị là quá trình và phương thức thuyết phục của chính quyền với người dân. Khi được mở rộng ra toàn xã hội, nó có nghĩa là niềm tin của người dân vào nhà nước, và từ đó họ tự thấy nghĩa vụ, bổn phận phải tuân thủ các mệnh lệnh nhà nước đưa ra. Nghĩa vụ tuân thủ như vậy có cơ sở chủ yếu không phải từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt hay thuần túy từ lợi ích cá nhân, mà từ sự công nhận về chuẩn mực đạo đức, sự hợp lẽ và hợp lý mà nhà nước đó là hiện thân.

Có 3 nhóm yếu tố chính tạo nên tính chính đáng chính trị: Các yếu tố hệ giá trị, các yếu tố về quy trình, thủ tục, và các yếu tố về uy tín chính trị.

a) Tác động của KTTT tới hệ giá trị và nhận thức chính trị

Yếu tố ảnh hưởng chính là sức ép của chính trị thực tiễn. Các quyết định của các nhà lãnh đạo cao cấp thực ra chỉ là sự chính thức hóa các quyết định của đa số đã chín muồi từ trong thực tiễn. Khi nhìn nhận như vậy, cải cách kinh tế không phụ thuộc nhiều vào các lãnh đạo chính thức, mà do lôgích khách quan của cuộc sống “đẩy tới”, do sức ép từ dưới lên, mang nhiều yếu tố tự phát nhưng lại đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của cuộc sống. Sự tác động đến giá trị và nhận thức có thể được nhận thấy trong các thay đổi chủ yếu sau:

Tính cá nhân được đề cao: Từ năm 1986, Đảng ta đã tiến hành đổi mới, chấp nhận các giá trị mới, mang tính cá nhân hơn với cả tác động tích cực (như đề cao tính tự chịu trách nhiệm) và cả khía cạnh tiêu cực (như chấp nhận phân hóa giàu nghèo).

Nhận thức về vai trò nhà nước biến đổi mạnh mẽ:Với sự phát triển KTTT, xã hội có thêm một kênh thông tin về nhu cầu của người dân. Sự khai thông kênh tín hiệu mới này “cạnh tranh” với kênh thông tin “kế hoạch hóa một cách khoa học” của bộ máy nhà nước. Tư cách dẫn dắt về tri thức và thông tin cũng như tính đúng đắn của Nhà nước không còn được coi là mặc định.

Niềm tin vào hệ giá trị CNXH: Có hai quá trình thực tế tạo ra các nan giải lớn đối với Đảng cầm quyền: (1) Sự không hiệu quả của mô hình kinh tế tập trung dẫn đến giảm sút niềm tin về các giá trị lý tưởng của CNXH, (2) Sự sụp đổ của hệ thống XHCN tại châu Âu, không chỉ mất chỗ dựa về các nguồn lực vật chất đối với Việt Nam mà còn là sự xói mòn giá trị vốn đã mặc định trong một thời gian rất dài.

Nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng có các thay đổi lớn: Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chấp nhận cơ chế cạnh tranh và tự hạch toán dẫn tới sự tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh. Hệ quả chính trị của chúng là tác động đến nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong các doanh nghiệp. Vấn đề về sự lãnh đạo của một đảng không nằm ở bảo vệ các lợi ích khác nhau mà là vấn đề về năng lực nhận thức(1). KTTT tác động đến nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng không phải vì chúng phát triển các chủ thể với lợi ích khác nhau mà chủ yếu vì chúng đòi hỏi những năng lực mới (trong đó có năng lực về kinh doanh), tốc độ ra quyết định mới, sự nhạy bén mới.

Có thể thấy, các nhận thức và các thay đổi giá trị sẽ dẫn đến các thách thức chính trị rộng khắp hệ thống, trong đó, thách thức lớn nhất đối với Đảng cầm quyền là sự dung hoà giữa các giá trị và chuẩn mực mới từ thực tiễn với các giá trị và chuẩn mực cũ mang đậm tính hệ tư tưởng.

b) Tác động về thể chế (thủ tục, quy trình)

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, có thể thấy có 3 khu vực với các nguyên tắc hoạt động khác nhau là Đảng (nguyên tắc tập trung dân chủ và lãnh đạo tập thể), chính quyền (tính thứ bậc hành chính), và các tổ chức chính trị xã hội (nguyên tắc hiệp thương dân chủ), và vì vậy, các thủ tục và quy trình ở các khu vực này, ít nhất về mặt lý thuyết có các khác biệt.

Với sự phát triển của nền KTTT, các đòi hỏi đa dạng, mang tính ứng phó tức thời của các chủ thể có quyền tự chủ đã khiến các thể chế và quy trình này ngày càng không đáp ứng tốt nhu cầu thực tế và tạo sức ép cho sự biến đổi và ra đời các thể chế, các thủ tục và quy trình mới. Về căn bản, có thể thấy 3 tác động lớn: Quá trình ra quyết định ngày càng phân tán (đáp ứng về tốc độ), ngày càng được hợp lý hóa (đáp ứng về chất lượng), và ngày càng công khai, minh bạch hơn (đáp ứng về sự ổn định).

Thể chế ra quyết định Đảng: Nguyên tắc song trùng trực thuộc đã chi phối quan hệ Đảng - Chính quyền trong thời gian dài. Theo mối quan hệ như vậy, chính quyền là cơ quan duy nhất có thẩm quyền pháp lý điều hành, tuy nhiên lại chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng, và cả sự điều hành của các chính quyền cấp trên (ngành dọc). Do quyền lực bị phân tán, việc ra quyết định cần sự đồng thuận của nhiều cơ quan. Nan giải này đến nay vẫn chưa được giải quyết và nổi lên trong rất nhiều vấn đề.

Thách thức về phương thức lãnh đạo của Đảng tập trung ở 2 chức năng: Đưa ra tầm nhìn, cơ sở lý luận của sự phát triển và quy tụ lực lượng, tạo sự đồng thuận và tạo khuôn khổ thể chế ổn định, minh bạch cho việc thực hiện tầm nhìn, định hướng phát triển đó. Theo đó, bộ máy của Đảng ngày càng phải tinh gọn, tập trung hơn vào các quyết định có tính hệ thống và dài hạn, cơ chế ra quyết định ngày càng phân tán hơn(2).

Thể chế trong bộ máy nhà nước: Có 3 tác động chính của KTTT: (1) Phát triển Nhà nước pháp quyền (luật hóa), (2) Phân cấp và phân quyền cho các địa phương và các tổ chức (chuyên môn hóa), (3) Từ Đại hội XI, Đảng ta chính thức thêm một nội dung quan trọng là “kiểm soát quyền lực nhà nước”.

Nhà nước phải đối diện với 2 sức ép chính: tính hiệu quả và tính phục vụ. Trong hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nổi lên hai thách thức:

- Đòi hỏi về một khuôn khổ pháp lý ổn định, công bằng và đáng tin cậy (sự tự giới hạn và sự tự nhất quán).

- Không chỉ đòi hỏi Nhà nước quản lý, cai trị mà là Nhà nước định hướng, thúc đẩy phát triển và phục vụ công cộng. Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng còn phải dùng quyền lực để thúc đẩy hệ giá trị XHCN. Sự thúc đẩy đó không chỉ bằng tuyên truyền và lý luận, mà chủ yếu phải bằng hoạt động thực tiễn, bằng các thể chế và chính sách cụ thể.

Như vậy, tác động của KTTT đối với các thể chế nhà nước được quy về các phương diện sau:

(1) Hệ thống pháp luật ngày càng phải chi tiết, minh bạch, và hợp lý hơn.

(2) Sự phân quyền và phân cấp ngày càng rõ ràng hơn.

(3) Sự độc lập của hệ thống tư pháp ngày càng được nâng cao.

Thể chế ra quyết định trong các tổ chức xã hội:Trong thời kỳ đổi mới các tổ chức chính trị - xã hội phát triển và có ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa. Số lượng các tổ chức tăng nhanh và phạm vi hoạt động rộng rãi, tác động đến việc ra các quyết định chính sách thông qua tham gia xây dựng, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tư vấn và giám sát chính sách, chống tham nhũng; bảo trợ xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân;…

c) Tác động về cán bộ

Trong xã hội dân chủ hiện đại, cách thức nắm quyền lực nhà nước phổ biến là do bầu cử, hoặc do các cách thức uỷ nhiệm tự nguyện, minh bạch khác. Thách thức với Đảng cầm quyền trong hai khía cạnh:

i) Quá trình tuyển chọn cán bộ: Đây là vấn đề có rất ít thay đổi, trong khi các yêu cầu đã thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, việc quá nhấn mạnh khía cạnh động cơ chính trị và việc tập trung quyền lực của cơ quan tổ chức dễ dẫn đến sự nhấn mạnh vào “cử”, mang tính chủ quan hơn là “thi”, mang tính khách quan, xã hội, rất cần thiết cho việc chọn đúng người có tố chất lãnh đạo.

ii) Quá trình kiểm nghiệm sự lựa chọn vẫn mang tính nội bộ, chưa có những thử nghiệm để phát triển tính xã hội. Với cách thức kiểm nghiệm như vậy, ngay cả những người được lựa chọn đúng đắn cũng sẽ mất đi một sự ủng hộ và tuân thủ tự nguyện mà lẽ ra người đó đã nhận được nếu quá trình kiểm nghiệm mang tính xã hội hơn.

2. Nhận thức của Đảng về vai trò và tác động của thị trường tới tình hình chính trị

a) Nhận thức về chức năng, tính chất quyền lực

Về cơ bản, cách thức tổ chức theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và nhận thức về tính tất yếu của một đảng lãnh đạo, không đa đảng là nhất quán. Tuy nhiên, cách thức lãnh đạo của Đảng, cách thức tổ chức Nhà nước, và cách thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã có nhiều phát triển mới. Thay đổi nhận thức lớn nhất là chuyển từ hệ thống chuyên chính sang hệ thống chính trị, nhấn mạnh cả chức năng công quyền bên cạnh chức năng chính trị, thể hiện ở một số phát triển quan trọng:

- Quyền lực là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước một cách hợp lý.

- Nhận thức rõ: dân chủ chỉ có thể phát triển được với điều kiện bản thân Đảng phải trong sạch vững mạnh. Do vậy, dù nhiệm vụ kinh tế là trung tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn là then chốt. Đây là một chủ trương quan trọng. Dân chủ trong xã hội phải gắn liền với dân chủ trong đảng. Một nội dung quan trọng chính là nhận thức cần có cơ quan giám sát trong Đảng.

- Cần thiết phải thể chế hóa các quyền cũng như các hình thức tham gia của nhân dân thể hiện trong các chủ trương về phát triển nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhận thức này được thể hiện qua nhiều chương trình nghị sự và hoạt động của Đảng và Quốc hội và công việc cụ thể không chỉ là ban hành đủ, đồng bộ và kịp thời các bộ luật, văn bản dưới luật mà cả việc chuẩn bị tinh thần pháp luật, năng lực và kiến thức pháp luật v.v. cho cả đảng viên và toàn xã hội, tức biến khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật” thành một nét của văn hóa công dân.

Cùng lúc, có thể nhận thấy vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện cho lợi ích công cộng trong nền KTTT (tạo hành lang pháp lý, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp các dịch vụ và hàng hóa công) trong khi cũng đại diện cho lợi ích giai cấp công nhân và nhân dân lao động (chính sách khuyến khích và bảo hộ, tái phân phối, các luật bảo vệ quyền lợi của người lao động).

Ngoài ra, Đảng chỉ đạo cải cách bộ máy hành chính và hệ thống cung cấp dịch vụ công theo hướng tinh giản và hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân; giảm bớt tệ quan liêu, nhũng nhiễu. Nhận thức chung ở đây chính là sự cần thiết phải áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm (thử nghiệm khoán ngân sách ở các cơ quan hành chính, khoán nghĩa vụ tài chính ở các cơ quan sự nghiệp có thu).  

b) Về cấu trúc, cách thức tổ chức và vận hành

Nhận thức mới về sự cần thiết của phân công, phối hợp cũng dẫn đến việc nhìn nhận sự quan trọng hàng đầu của 3 sự phân công và phân quyền cơ bản sau:

- Phân biệt chức năng lãnh đạo (của Đảng) với quản lý (của Nhà nước)

- Phân biệt các chức năng lập pháp, hành pháp, và tư pháp trong tổ chức nhà nước, đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng kinh doanh

- Phân biệt chức năng của chính quyền Trung ương với chính quyền địa phương.

Đây là 3 nội dung chính của đổi mới hệ thống chính trị. Các đổi mới này được thể hiện trong việc tổ chức lại các cơ quan Đảng, Nhà nước, cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương(3). Đây là bước cụ thể hóa quan trọng, đáp ứng được các yêu cầu mở rộng dân chủ có định hướng, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Ngoài ra, nhận thức về sự cần thiết của chế độ trách nhiệm, cơ chế giám sát và phản biện, cả bên trong (Đảng và Nhà nước) và bên ngoài (của nhân dân và các tổ chức xã hội) cũng là một nội dung quan trọng của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Ngoài việc kêu gọi sự tham gia của nhân dân, Đảng ta nhận thức về sự cần thiết có một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí có đủ cơ sở vững chắc về địa vị pháp lý, cũng như năng lực và các phẩm chất khác. Kết quả chống tham nhũng cũng là một chỉ số quan trọng của mức độ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

c) Về quá trình

Đảng nhận thức về sự cần thiết phải huy động sự tham gia của người dân, và đặc biệt của các tổ chức doanh nhân, các tổ chức xã hội tham gia xây dựng hệ thống chính trị.

Đảng ta cũng đi đến nhận thức về việc phát huy các hình thức dân chủ gián tiếp (đại diện) cần đi đôi với dân chủ trực tiếp, trong đó, vì tính “quá trình”, việc nâng cao tính chuyên trách của đại biểu Quốc hội và mở rộng dân chủ ở cơ sở được coi là hai bước đi quan trọng. Cho đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở đã chứng tỏ đây chính là khâu đột phá của quá trình mở rộng dân chủ thể hiện trên 3 bình diện quan trọng: i) Nâng cao nhận thức của nhân dân và cán bộ về dân chủ; ii) Góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội; iii) Góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở. Đảng ta đã tổng kết quá trình thực hiện quy chế này và đã chỉ ra các tồn tại, nan giải nằm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo chủ chốt.

Bên cạnh đó, tăng cường và cải tiến các hình thức hoạt động mang tính dân chủ cao như chất vấn tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân qua truyền hình và internet, thiết lập các đường dây liên lạc 24/24 giờ cho người dân, v.v.. đã được Đảng ta nhất quán triển khai và hoàn thiện từng bước, có tác động sâu sắc trên nhiều mặt, tạo thói quen, tâm lý và nhận thức về dân chủ cho nhân dân khi họ ngày càng có điều kiện cả về thông tin và kiến thức để tham gia, góp ý kiến vào các quyết định chính trị cả của Đảng và Nhà nước.

Các tổ chức xã hội phát triển, nâng cao tính tự quản, tính tích cực chính trị và trách nhiệm xã hội. Việc cho phép và khuyến khích các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp thành lập chính là khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ lợi ích của mình và của cả xã hội một cách có tổ chức và có trách nhiệm.

Như vậy, một mặt, KTTT đã nâng cao trách nhiệm chính trị cá nhân, khả năng tự làm chủ, nâng cao tính minh bạch và công khai, tính tích cực chủ động của người dân trong tham gia hoạt động chính trị. Mặt khác, nó đặt ra các thách thức trong việc nhìn nhận lại vai trò và tổ chức bộ máy nhà nước, hệ giá trị XHCN, sự phân hóa và xuất hiện các nhóm có lợi ích riêng chi phối. Trong thời gian tới, vấn đề cốt lõi là điều chỉnh thể chế, trong đó thể chế Đảng lãnh đạo vẫn là trọng tâm nhất. Đặc biệt, cần thiết lập thể chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu hơn, cả trong Đảng và Nhà nước, tinh giản bộ máy và biên chế hành chính, tách biệt chức năng chính trị và kỹ trị rõ ràng hơn, xác định rõ các lĩnh vực, các vấn đề mà Đảng cần lãnh đạo. Đối với các lĩnh vực này cần tập trung quyền lực mạnh hơn, kiên quyết không phân quyền, để khắc phục các thất bại thị trường.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1) Bản thân các đảng ở các nước trên thế giới cũng thường tự nhận là “đối lập trung thành” với nghĩa “đối lập” trong nhận thức (đặc biệt về cách thức giải quyết các vấn đề chính trị), nhưng “trung thành” với nghĩa là thống nhất về mục đích là giải quyết hài hòa các lợi ích của các nhóm và giai tầng.

2) Nhiều nghiên cứu coi đây cũng là dấu hiệu của mở rộng dân chủ. Tuy nhiên, sự phân tán quyền lực không phải khi nào cũng nâng cao tính dân chủ vì có thể bị các lợi ích nhóm chi phối và làm tổn hại tới lợi ích chung.

(3) Giảm các ban Đảng, hợp nhất một số bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội, tính độc lập trong công tác tư pháp, phân quyền cho các địa phương cả về quản lý nhà nước và ngân sách, thử nghiệm cơ chế đặc biệt cho các thành phố trọng điểm v.v…

 

TS Ngô Huy Đức

TS Bùi Việt Hương

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền