Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quá trình thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới
Thứ hai, 01 Tháng 2 2016 11:04
7477 Lượt xem

Quá trình thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới

(LLCT) - ViệtNam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số.Hầu hết các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời, thống nhất trong đa dạng.

Nhận thức rõ đặc điểm đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) có vị trí chiến lược quan trọng. Trên nền tảng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Đảng đề ra nhiều chủ trương, CSDT phù hợp với thực tiễn đất nước.

Nhờ những chủ trương, đường lối, giải pháp đúng đắn về CSDT, Đảng đã huy động được nguồn lực to lớn, sự đoàn kết, đấu tranh của đồng bào các dân tộc góp phần đặc biệt quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đó là thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của “số đông dân chúng”, đồng bào các dân tộc từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập - tự do. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), một trang chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập - thống nhất - cả nước đi lên CNXH.

Sự nghiệp đổi mới đất nước là cuộc vận động mang tính cách mạng. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về CNXH, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. CSDT của Đảng trong 30 năm đổi mới là sự kế thừa, phát triển biện chứng quan điểm, chủ trương, CSDT cùng những thành tựu đã đạt được qua các thời kỳ cách mạng. Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX (2003) về công tác dân tộc làm sâu sắc thêm những quan điểm, chủ trương lớn đã được khẳng định về vấn đề này qua nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới. Nghị quyết xác định: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Phương châm chỉ đạo thực hiện CSDT là: “Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xoá đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước”(1).

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Nghị quyết nhấn mạnh phải nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chiến lược của công tác dân tộc và tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược này trong tình hình hiện nay; không ngừng quan tâm nâng cao đời sống văn hóa, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; tích cực đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn vùng đồng bào dân tộc.

Cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những nguyên tắc, quan điểm của Đảng về quyền bình đẳng giữa các dân tộc, sự đoàn kết keo sơn như anh em một nhà, tương trợ nhau cùng phát triển đã được thể chế bằng Hiến pháp, luật pháp và bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi rõ: “... các dân tộc thiểu số được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ” - đó là sự bảo đảm pháp lý đầy đủ để đồng bào tin tưởng và đi theo chế độ xã hội mới. Điều 5 Hiến phápnăm 2013 ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân,… đều thể hiện rõ quyền bình đẳng của các dân tộc ở Việt Nam. Đồng thời với việc thể chế bằng Hiến pháp và pháp luật, CSDT của Đảng và Nhà nước được cụ thể hoá trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong các chính sách, chương trình, dự án ở tất cả các lĩnh vực văn hoá, xã hội... Ngày 14-1-2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, quy định rất cụ thể các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc, CSDT trong thời kỳ mới.

Đó là hệ quan điểm, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Đảng và Nhà nước ta, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng dân tộc thiểu số. Hiện cả nước có 177 văn bản liên quan CSDT, thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực và địa bàn dân tộc và miền núi(2).

 Chính phủ còn ưu tiên nguồn lực kết hợp với các nguồn vốn tài trợ để tập trung hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2012, số tiền đầu tư lên tới 150 nghìn tỷ đồng. Đẩy mạnh Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.Chương trình xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa được triển khai sâu rộng, tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất, hỗ trợ đời sống vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc đã tạo động lực cho các vùng khó khăn và hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển(3).

Nhờ đẩy mạnh toàn diện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế vùng dân tộc và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trung bình 8%/năm. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần bước đầu hình thành và phát triển. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần đắc lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Hằng năm, tỷ lệ đói nghèo ở vùng dân tộc và miền núi giảm từ 3 - 4%.

Chính phủ ban hành nhiều chính sách thể hiện sự ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, coi trọng đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ và đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số(4).

Mặt bằng dân trí được nâng cao qua thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển, tạo nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm trợ giúp pháp lý(5). Những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số được kế thừa và phát huy, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc(6). Cùng với việc quan tâm khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Đồng bào các dân tộc đã được tạo cơ hội bình đẳng về quyền làm chủ đất nước; bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, được thực hiện quyền tham chính thông qua thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, qua bầu cử và ứng cử. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số trong các nhiệm kỳ của Quốc hội. Đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia hệ thống chính trị ngày càng tăng, nhiều người đã và đang giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ(7). Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi được tăng cường và củng cố, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc được chú trọng. Tình hình chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc và miền núi cơ bản ổn định, được giữ vững.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng tạo nên sự đổi thay sâu sắc diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì việc thực hiện CSDT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bất cập đặt ra cần được tập trung tháo gỡ. Đó là: cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống còn thiếu thốn; tỷ lệ đói nghèo ở vùng dân tộc và miền núi cao hơn với mức bình quân chung của cả nước, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc ngày càng gia tăng, giảm nghèo chưa vững chắc bởi tỷ lệ hộ tái nghèo, cận nghèo còn khá cao, “lõi nghèo” tập trung vào một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải nỗ lực giải quyết(8). Tình trạng du canh du cư, chặt phá rừng cũng như hoạt động tôn giáo trái pháp luật có nơi diễn biến phức tạp, bị kẻ xấu lợi dụng, kích động; đồng bào ít có điều kiện tiếp cận thông tin về sản xuất và thị trường; địa bàn cư trú chủ yếu là vùng núi cao nên một số thôn, bản có nguy cơ bị thiên tai đe dọa; trình độ dân trí không đồng đều, truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết của một số ít dân tộc đang dần bị mai một,...

Đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH, chủ động hội nhập quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa sâu sắc. Tiến trình đó tác động nhiều chiều tới việc thực hiện CSDT.

Để đồng bào các dân tộc, vùng đồng bào các dân tộc và miền núi có điều kiện, cơ hội phát triển bình đẳng, hòa nhập vào tiến trình phát triển chung của đất nước, rất cần sự tổng kết sâu sắc những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện CSDT thời kỳ đã qua.

CSDT là một chiến lược cơ bản và rất lâu dài của đất nước. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị. Kết quả thực hiện CSDT quyết định sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Thực hiện tốt CSDT chính là tạo thêm cơ sở, tiền đề, động lực để nhằm ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối CSDT của Đảng đó là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển.Do vậy, cần tiếp tục thấu suốt những quan điểm chỉ đạo thực hiện CSDT ở nước ta hiện nay là: Sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi là sự nghiệp chung của cả nước. Phát triển vùng dân tộc và miền núi toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng. Tập trung phát triển thế mạnh kinh tế, quan tâm giải quyết đúng mức các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. Thực hiện chính sách ở vùng dân tộc và miền núi phải chú ý những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc; tôn trọng lợi ích, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phù hợp với đối tượng. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và nội lực vươn lên của các địa phương vùng dân tộc và miền núi, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Với truyền thống văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực tự cường, đồng bào các dân tộc chính là chủ thể quyết định tổ chức thực hiện thắng lợi CSDT của Đảng và Nhà nước trong tiến trình đổi mới, CNH, HĐH, hội nhập và phát triển của vùng đồng bào các dân tộc ở nước ta hiện nay.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 35.

(2) Theo số liệu của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-7-2014.

(3) Tiêu biểu là: Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 13-1-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao; Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31-3-1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc; Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu vùng xa; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Chương trình 135 giai đoạn 2, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ngày 26-6-2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1049/2014/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (Quyết định số 1049/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và các quyết định liên quan khác của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn).

(4) Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2011-2015. Bộ Nội vụ - Ủy ban dân tộc đã có Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BNV-UBDT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

(5) Bộ Tư pháp và Ủy ban dân tộc ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT của ngày 17-01-2012 xác định rõ những nội dung hướng dẫn trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số. Đồng thời, để bảo đảm chính sách dân tộc được thực thi đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ngày 17-01-2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra công tác dân tộc.

(6) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 12/2014/TT-BVHTTDL nhằm ưu tiên hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng dân tộc thiểu số; phát triển mô hình du lịch miền núi có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số; thi hành chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; chính sách phát triển thể dục, thể thao theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc.

(7) Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII có 86 đại biểu dân tộc thiểu số, đại diện cho 30 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 17,27% tổng số đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có 78 đại biểu, đại diện cho 29 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 15,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia đại biểu HĐND các cấp đều tăng qua các nhiệm kỳ bầu cử. Nhiệm kỳ 2004 - 2009, tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số trong HĐND cấp tỉnh là 18,2%, cấp huyện 18,9%, cấp xã 23,3%.

(8) Đến hết năm 2013 vẫn còn 188 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 126 xã với 580 nghìn hộ đồng bào dân tộc chưa có điện lưới quốc gia, nhiều nơi chưa có đủ lớp học kiên cố, nhà trẻ, nhà văn hóa. Số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2013 và triển khai nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2014 (tháng 1-2014).

 

TS Đỗ Xuân Tuất

Vụ Tổ chức - Cán bộ,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền