Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tiếp thu các tư tưởng tiến bộ của nhân loại, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thứ tư, 02 Tháng 3 2016 09:47
9711 Lượt xem

Tiếp thu các tư tưởng tiến bộ của nhân loại, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

(LLCT) - Từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến mà nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ đi lên CNXH, rõ ràng, chúng ta thiếu thốn đủ thứ: thiếu vốn, thiếu kiến thức quản lý, thiếu dân chủ, thiếu pháp luật, v.v.. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Việt Nam thuộc phe XHCN, chúng ta không tiếp thu những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN, chúng ta chỉ học tập kinh nghiệm các nước XHCN, chỉ dựa vào quan hệ với các nước anh em, bạn bè. Trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận, chúng ta không những không tiếp thu mà còn ra sức phê phán những gì gọi là tư tưởng tư sản.

1. Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, trong đó có tư tưởng dân chủ

Từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến mà nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ đi lên CNXH, rõ ràng, chúng ta thiếu thốn đủ thứ: thiếu vốn, thiếu kiến thức quản lý, thiếu dân chủ, thiếu pháp luật, v.v.. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Việt Nam thuộc phe XHCN, chúng ta không tiếp thu những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN, chúng ta chỉ học tập kinh nghiệm các nước XHCN, chỉ dựa vào quan hệ với các nước anh em, bạn bè. Trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận, chúng ta không những không tiếp thu mà còn ra sức phê phán những gì gọi là tư tưởng tư sản.

Nhờ có Đổi mới mà nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH của chúng ta ngày càng sáng rõ và đang tập trung thực hiện:

Một là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Hai là, phát triển nền công nghiệp hiện đại với trình độ khoa học, công nghệ cao để phát triển mạnh lực lượng sản xuất.

Ba là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN để quản lý xã hội bằng pháp luật, giữ vững kỷ cương, phép nước.

Bốn là, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giao lưu văn hóa rộng rãi để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Năm là, xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, đào tạo ra những công dân tốt, nguồn nhân lực có chất lượng cao và đặc biệt là bồi dưỡng được nhiều nhân tài để cống hiến cho đất nước.

Chúng ta còn cần nhiều thứ khác nữa, đặc biệt là dân chủ để phát triển đất nước. Do vậy, Việt Nam cần tiếp thu những giá trị tiến bộ của nhân loại, trong đó có tư tưởng dân chủ. Khi tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, chúng ta cần chú ý một số điểm sau đây:

Dù đó là tư tưởng phương Đông hay phương Tây, dù tư tưởng đó của quá khứ hay hiện đại, chúng ta đều nghiên cứu, tham khảo, không nên thành kiến với tư tưởng phương Đông phong kiến hay tư tưởng phương Tây tư sản, mà cần nghiên cứu, tham khảo tất cả để tìm ra hạt nhân hợp lý để tiếp thu, vận dụng.

Thế kỷ XXI đang diễn ra biết bao thay đổi, vì vậy, một số vấn đề của chủ nghĩa Mác - Lênin mà nay thực tiễn đã vượt qua. Nếu “dị ứng” với những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, nhất là những tư tưởng mới lạ thì sẽ bỏ qua, rất lãng phí những điều mà trí tuệ nhân loại đã đạt được, trong đó có tư tưởng dân chủ.

Khi tiếp thu những tư tưởng của nhân loại cần phải tránh chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa biệt phái, vì những điều đó cản trở sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo của chúng ta... Do đó, không nên tuyệt đối hóa một lý thuyết nào và cũng không nên phủ nhận sạch trơn một lý thuyết nào.

Trong khi tiếp thu, vận dụng một lý thuyết, một tư tưởng nào đó cần phân tích hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam để tiếp thu đúng đắn và vận dụng sáng tạo.

Tiếp thu những tư tưởng của phương Đông

Trong kho tàng tư tưởng phương Đông, Nho giáo có những yếu tố duy tâm, lạc hậu, như tư tưởng đẳng cấp, coi thường lao động chân tay, trọng nam, khinh nữ... Nhưng Nho giáo cũng có nhiều yếu tố tích cực, đó là triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo, giúp đỡ; ước vọng về một xã hội an ninh, hòa mục, một “thế giới đại đồng”, lấy tu thân làm gốc, đề cao văn hóa, lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học...

Phật giáo: Phật giáo còn ảnh hưởng lớn trong nhân dân, để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa Việt Nam, từ tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng đến phong tục, tập quán, lối sống. Phật giáo cũng có nhiều mặt tiêu cực, nhưng những mặt tích cực cũng không ít. Đó là: (1) Tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, thương người như thể thương thân; (2) Nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm điều thiện; (3) Tinh thần bình đẳng, tinh thần dân chủ chống lại mọi phân biệt đẳng cấp; (4) Đề cao lao động, chống lười biếng.

Ngoài ra, có nhiều tư tưởng phương Đông khác rất có giá trị.

Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng tiến bộ của phương Tây

Nói đến tư tưởng phương Tây, trước hết phải nói đến những nhà tư tưởng xuất sắc của Hy Lạp thời cổ đại, như Aristote, Palton, Heraclite, Democrite, Socrate, v.v.. Những nhà tư tưởng này khởi xướng nhiều tư tưởng tiến bộ.

Giữa thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, một trào lưu tư tưởng tiến bộ đã chuẩn bị cho cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Có thể kể ra một số đại biểu của trào lưu này, như Mably, Morelly, Rousseau, Voktaire, Điđơrô… Các nhà tư tưởng này luôn đề cao lý tính, gạt bỏ niềm tin mù quáng, đòi thay đổi chế độ chuyên chế, thay đổi xã hội phong kiến.

Cách mạng tư sản Pháp thành công đã thành lập chính quyền mới của giai cấp tư sản thay thế cho chính quyền quân chủ chuyên chế, khởi đầu của thời kỳ dân chủ. Liền sau đó là sự ra đời của bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”tháng 8-1789 thể hiện tư tưởng tiến bộ của trào lưu Ánh sáng được kết tinh lại trong khẩu hiệu bất hủ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Khẩu hiệu đó có sức hấp dẫn đặc biệt, nó dấy lên niềm tin và hy vọng, hướng về tương lai của nhân loại văn minh và tiến bộ.

Kế thừa những tư tưởng tiến bộ của thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại, những tư tưởng tiến bộ của các nhà tư tưởng Anh, Pháp thế kỷ XVII, XVIII và đặc biệt là kế thừa các nhà tư tưởng triết học cổ điển Đức (như Hêghen và Phoiơbắc), các nhà kinh tế học Anh (như A đammít và Ricácđô, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng (như Xanhximông, Phuriê và Ôoen), C.Mác và Ph.Ăngghen đã xây dựng ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác với một hệ thống nguyên lý hoàn chỉnh cả về triết học, kinh tế học và chủ nghĩa xã hội khoa học, đó là đỉnh cao của những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.

Mặc dù các nước XHCN trước đây coi những người xã hội dân chủ là những phần tử XHCN giả hiệu, chống chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng nếu xem xét với tinh thần khách quan, khoa học tư tưởng của các nhà xã hội dân chủ, đặc biệt khi họ nhấn mạnh đến dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế và dân chủ xã hội thì chúng ta cần tham khảo và tiếp thu. Cần nghiêm túc nghiên cứu những tư tưởng của những lãnh tụ của chủ nghĩa dân chủ, từ Latxan Phéc đi năng, Bécstanh đến các lãnh tụ mới của các đảng dân chủ - xã hội, như U.Bran (Đức), B.Kraixky (Áo), O.Palme (Thụy Điển), F.Mitơrăng (Pháp), các trào lưu tư tưởng của các nhà tư tưởng phương Tây xuất hiện gần đây, như A.Tofler, Samuel P.Huntington, T.L.Fridman... để tìm ra những hạt nhân hợp lý trong tư tưởng của họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, trong đó có tư tưởng dân chủ

Nhà thơ Xuân Thủy khái quát: Hồ Chí Minh là “Con người gồm kim cổ, Tây Đông/ Giàu quốc tế, đậm Việt Nam từng nét/ Yêu dân tộc, yêu loài người tha thiết”.

Trong khi những người mácxít ra sức chống thuyết hội tụ và đi theo chủ nghĩa biệt phái, nghĩa là chỉ tôn thờ một học thuyết một cách giáo điều, thì Hồ Chí Minh nói rằng “học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của nước ta. Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy”. Chỉ dẫn đó của Hồ Chí Minh gợi ý cho chúng ta phương pháp luận của việc tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, trong đó có tư tưởng dân chủ.

Khi nói “học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”, Hồ Chí Minh đã khai thác Nho giáo, lựa chọn những yếu tố tích cực, phù hợp để phục vụ cho sự giáo dục con người.

Hồ Chí Minh đã nhiều năm hoạt động ở châu Âu và nhận thức rất sâu rộng nền dân chủ phương Tây và rất chú ý đến ý chí đấu tranh cho tự do, độc lập, dân chủ và quyền sống của con người được ghi trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ.

Tư tưởng dân chủ của các nhà Khai sáng đã có ảnh hưởng tới tư tưởng Hồ Chí Minh, như qua các tác phẩm Tinh thần pháp luậtcủa Môngtéxkiơ, Khế ước xã hộicủa Rútxô, v.v..

Những tư tưởng trongTuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyềnnăm 1789 của nước Pháp đã được Hồ Chí Minh tiếp thu, nói đến trong Tuyên ngôn độc lậpcủa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) và sau này còn nhiều lần nói đến dân chủ một cách ngắn gọn, dễ hiểu để nhân dân ta có thể hiểu được dân chủ là gì.

Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng dân chủ không chỉ trong sách vở mà còn hấp thụ được tư tưởng dân chủ và hình thành được phong cách dân chủ của mình từ trong cuộc sống thực tế, học được cách làm việc dân chủ ngay trong cách sinh hoạt khoa học ở Câu lạc bộ Phôbua, trong sinh hoạt chính trị của Đảng xã hội Pháp và nhất là trong không khí tranh luận ở Đại hội Tua.

Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin biểu hiện trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề dân tộc và dân chủ, giai cấp và đấu tranh giai cấp, xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước, v.v.. Nội dung dân chủ đều xoay quanh vấn đề quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã nêu tư tưởng mà sau này tại Đại hội VI (1986), Đảng ta đúc kết thành một bài học quý giá, đó là tư tưởng lấy dân làm gốcvà kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng những kinh nghiệm thực hành dân chủ ở các nước trên thế giới

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước, Đảng ta đã và đang vận dụng những kinh nghiệm thực hành dân chủ ở các nước trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam cần vận dụng:

Thứ nhất, dân là người chủ thực sự của quyền lực nhà nước.

Thứ hai, người cầm quyền phải có trí tuệ cao.

Thứ ba, dân ủy quyền (có giới hạn) cho các quan chức chứ không mất quyền. Dân có quyền chọn lọc và bãi miễn các quan chức, quan chức là công cụ phục vụ cho dân chứ không phải kẻ đứng trên cai trị, chăn dắt dân. Cơ quan quyền lực nhà nước phải phục vụ dân, vì dân và do dân.

Thứ tư, chế độ dân chủ là hướng vào bảo vệ các quyền con người, như quyền được sống, quyền được lao động, được học hành, được tự chọn lựa, được sống trong công bằng, được luật pháp bảo vệ…

Thứ năm, quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ theo hai loại thể chế: quyền lực nhà nước kiểm soát quyền lực nhà nước và nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thứ sáu, lợi ích và quyền lực của dân là cái chi phối đời sống xã hội, dần dần phải được luật hóa tất cả. Cơ quan và quan chức nhà nước chỉ được làm những gì theo luật định, còn dân có thể làm tất cả những gì mà luật không cấm.

2. Đấu tranh chống lại những âm mưu phá hoại, chia rẽ của các thế lực thù địch

Ngay từ năm 1988, trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh đến chính sách “thêm bạn bớt thù”. Đại hội VII của Đảng (1991) tuyên bố: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới. Đại hội IX cũng khẳng định: Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới. Nhờ có chính sách đối ngoại đúng đắn, chúng ta ngày càng có nhiều bạn bè trên khắp thế giới, nhưng cũng cần phải cảnh giác với những âm mưu phá hoại, chia rẽ của những phần tử chống đối:

Một là, các thế lực thù địch chống chủ nghĩa Mác - Lênin, coi chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là một hệ tư tưởng, chứ không phải là một khoa học. Từ đó họ cho rằng việc du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là sai lầm, là nguyên nhân đưa đất nước vào vòng trì trệ. Thái độ đó của những phần tử chống đối chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi chúng ta không chỉ phê phán lại họ, mà còn phải nghiêm túc nghiên cứu xem những nguyên lý nào vẫn đúng, những nguyên lý nào trước đúng nhưng ngày nay không còn phù hợp.

Hai là, các thế lực thù địch ra sức bác bỏ sự lãnh đạo của Đảng và cho rằng Đảng đã mắc nhiều sai lầm trong xây dựng CNXH. Họ đòi phải thực hiện đa nguyên đa đảng để có dân chủ trong xã hội. Đặc biệt, họ sử dụng các phương tiện thông tin, báo chí, xuất bản như một công cụ lợi hại để tuyên truyền kích động, phá hoại Đảng ta về mặt tư tưởng. Họ lợi dụng những yếu kém, sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước để chống phá Đảng và làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đứng trước tình hình đó, chúng ta phải kiên quyết chống lại những âm mưu và hành động của các phần tử chống đối, đồng thời phải tự đổi mới để ngày càng tốt hơn, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm; phải làm tốt hơn nữa công tác lý luận và công tác tư tưởng, phải thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội.

Ba là, các thế lực thù địch ra sức phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây xung đột sắc tộc, tôn giáo, gây ly khai, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị - xã hội, thậm chí tìm mọi cách tác động vào các cơ quan Đảng, Nhà nước làm cho nội bộ nghi ngờ lẫn nhau, làm giảm đoàn kết trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và trong nhân dân.

Bốn là, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, tự do, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Do đó, cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, chủ động nắm bắt, phát hiện những âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, tự do, nhân quyền để kịp thời có những biện pháp đồng bộ và hữu hiệu, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của chúng. Đồng thời, phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Chủ động, kịp thời phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.

3. Nghiên cứu luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước để học tập, vận dụng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta

Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đang trở thành bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Xu hướng chung của thế giới hiện nay là xây dựng và phát triển nhà nước pháp quyền và tôn trọng pháp luật, quản lý theo pháp luật. Việt Nam cũng không đứng ngoài quỹ đạo đó. Hội nhập quốc tế càng rộng, càng sâu thì càng phải nghiên cứu kỹ luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước để học tập và vận dụng. Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế, như ASEAN, AFTA, ASEM, APEC, WTO và đang chuẩn bị gia nhập một số tổ chức quốc tế khác. Mỗi tổ chức nói trên đã có quy định pháp luật buộc các nước thành viên phải tuân theo.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam tuy đã khá đồng bộ, nhưng còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất với nhau. Do đó, cần học tập kinh nghiệm xây dựng luật của các nước. Ở Việt Nam hiện vẫn còn thiếu công cụ phân tích khoa học để bảo đảm pháp luật đáp ứng nhu cầu của người dân. Với tác động của hội nhập quốc tế, việc bảo đảm hài hòa quy trình xây dựng pháp luật là một yêu cầu để đảm bảo tính tương đồng cho giao thương phát triển kinh tế. Áp dụng chế định đánh giá tác động pháp luật (Regulatory Impact Assessment - RIA) sẽ là công cụ xây dựng pháp luật tốt, xác định rõ được mục tiêu nào cần tập trung giải quyết để giảm thiểu điều không mong muốn, bảo đảm được tính cân xứng khi áp dụng các công cụ và chính sách pháp luật phù hợp với đối tượng. Từ đó, pháp luật ban hành phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Với việc xuất hiện RIA trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN chính thức áp dụng RIA trong công tác xây dựng pháp luật.

Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trước hết cần chủ động và tích cực nghiên cứu luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước để học tập, vận dụng vào công tác đối ngoại và đối nội. Trong quá trình hội nhập quốc tế, các nước vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Khi vận dụng luật pháp quốc tế vào công tác đối ngoại, chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế thương mại, an ninh - quốc phòng, văn hóa - xã hội.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2015

GS, TS Dương Phú Hiệp

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền