Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Mác - Ăngghen - Lênin bàn về công tác vận động quần chúng của chính quyền
Thứ năm, 31 Tháng 3 2016 09:14
5267 Lượt xem

Mác - Ăngghen - Lênin bàn về công tác vận động quần chúng của chính quyền

(LLCT) - Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Vì vậy, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về công tác quần chúng của chính quyền trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc cho việc thực hành công tác dân vận.

 

1. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen

C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập đến vấn đề chính quyền cách mạng của giai cấp vô sản làm công tác vận động quần chúng nhưng chưa nhiều và chưa cụ thể, vì các ông chỉ chứng kiến sự ra đời và tồn tại của Công xã Paris trong một thời gian ngắn là 72 ngày. Tuy nhiên, những tư tưởng chung, tổng quát của Mác và Ăngghen về vai trò của quần chúng nhân dân và về công tác vận động quần chúng, trong đó có những tư tưởng liên quan đến vấn đề chính quyền với công tác dân vận, vẫn là những tư tưởng rất khoa học, phù hợp với lịch sử và ngày nay và được các Đảng Cộng sản học tập và nghiên cứu.

Theo Mác-Ăngghen, chính quyền của giai cấp vô sản rất cần thiết phải tiến hành công tác vận động quần chúng vì:

Thứ nhất, cách mạng vô sản muốn bảo đảm thắng lợi lâu dài cần phải tranh thủ lực lượng và khả năng to lớn của quần chúng nhân dân. Mác- Ăngghen đánh giá cao vai trò, lực lượng và khả năng của giai cấp bị áp bức trong xã hội có đối kháng giai cấp. Trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học, Mác chỉ ra rằng: “Một giai cấp bị áp bức là điều kiện sống còn của một xã hội dựa trên sự đối kháng giai cấp”(1). Giai cấp đó là lực lượng sản xuất lớn nhất trong tất cả các lực lượng sản xuất của xã hội; có bản chất cách mạng “là một khối đông đảo quần chúng cách mạng đang làm cách mạng; là “những yếu tố vật chất” không thể thiếu của một cuộc cách mạng toàn diện. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” các ông khẳng định: “Nếu không có những yếu tố vật chất ấy của một cuộc cách mạng toàn diện - những yếu tố bao gồm một mặt là những lực lượng sản xuất hiện có và mặt khác là sự hình thành một khối đông đảo quần chúng cách mạng đang làm cách mạng không những chống lại những điều kiện riêng biệt của xã hội cũ, mà chống lại bản thân “sự sản xuất ra đời sống” trước đây, chống lại “toàn bộ hoạt động” làm cơ sở cho xã hội cũ đó, thì như lịch sử của chủ nghĩa cộng sản đã chứng tỏ, ý niệm về cuộc cách mạng đó có được phát biểu hàng trăm lần đi nữa, cũng hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì đối với sự phát triển thực tế cả”(2).

Thứ hai,quần chúng cần phải được tuyên truyền, giáo dục để hiểu rõ mục đích lý tưởng, trách nhiệm của mình. Các ông giải thích rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng chính bản thân quần chúng cũng có những hạn chế về nhận thức: “Ở nơi nào mà vấn đề đặt ra là phải cải tạo hoàn toàn tổ chức của xã hội, thì bản thân quần chúng phải tự mình tham gia vào công cuộc cải tạo ấy, phải tự mình hiểu rõ đó là vấn đề gì, vì sao mình phải tham gia vào công cuộc cải tạo ấy, với cả thể xác lẫn sinh mệnh của mình. Đó là điều mà lịch sử trong 50 năm gần đây đã dạy cho chúng ta. Nhưng muốn cho quần chúng hiểu rõ là phải làm gì thì cần phải tiến hành một công tác lâu dài và kiên nhẫn”(3). Ăngghen còn nhận xét rằng, ngay cả ở Pari, sau thắng lợi, chính những quần chúng vô sản cũng còn tuyệt đối chưa có một ý niệm gì rõ ràng về con đường phải theo. Do đó, công tác giáo dục, vận động quần chúng vẫn phải được tiếp tục.

Thứ ba,cần phải thường xuyên tiến hành công tác vận động quần chúng vì lợi ích thực sự của chính quần chúng. Quần chúng đông đảo là những người hăng hái nhiệt tình, cách mạng, nhưng cách mạng là một quá trình lâu dài, gian khổ, khó khăn và có những lúc tạm thời thất bại, khiến cho quần chúng nhiều khi mệt mỏi, thậm chí thất vọng. Trong Lời mở đầu cho tác phẩm của Mác Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1884-1850, Ăngghen khẳng định: “Thật thế, tinh thần cách mạng ấy của quần chúng hầu như luôn luôn và thường rất nhanh chóng nhường chỗ cho sự mệt mỏi hay thậm chí cho sự chuyển sang một hướng trái ngược lại khi mà ảo tưởng đã bị tiêu tan và niềm thất vọng đã nảy sinh. Nhưng vấn đề ở đây không phải là những bề ngoài giả dối mà trái lại là sự thực hiện những lợi ích đặc biệt nhất của chính đại đa số quần chúng, những lợi ích tuy lúc bấy giờ chưa được đại đa số quần chúng đó nhận rõ, nhưng do mặt thuyết phục của tính hiển nhiên của chúng ta nên chẳng bao lâu sẽ được quần chúng thấy khá rõ, trong quá trình thực hiện thực tế”(4). Mác-Ăngghen xác định đối tượng và mục đích công tác tuyên truyền vận động quần chúng: “không phải là lôi kéo đây đó những cá nhân hay nhóm hội viên riêng biệt khỏi phe đối lập mà là phải hoạt động trong quần chúng đông đảo chưa tham gia phong trào”(5).

2. Quan điểm của Lênin

Lênin là người tổ chức và lãnh đạo cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười 1917 ở Nga thành công, và là người đứng đầu chính quyền Xô viết trong 6 năm cho đến khi Người từ trần vào đầu năm 1924. Lý luận của Lênin về vấn đề chính quyền (không tách rời vấn đề đảng cầm quyền) làm công tác vận động quần chúng, so với lý luận của Mác-Ăngghen, đã có sự mở rộng, phát triển và cụ thể hơn.

Lênin chỉ rõ, liên minh công nông có vai trò hết sức quan trọng để tập hợp đa số dân cư, “bảo đảm cho chính quyền một sự ủng hộ vững chắc”(6). Và điều kiện để xây dựng được chế độ xã hội chủ nghĩa là “khi quần chúng đông đảo gấp 10, gấp 100 lần trước tự bắt tay vào việc xây dựng nhà nước và một đời sống kinh tế mới”(7).

Lênin cho rằng, Đảng lãnh đạo và chính quyền cần giáo dục, tuyên truyền để thu hút quần chúng một cách toàn diện những tầng lớp rộng rãi nhất dù trình độ của họ như thế nào để họ tham gia vào tất cả các công việc hoạt động xã hội, tự giác và cách mạng: “Nhất thiết phải công tác ở bất cứ nơi nào có quần chúng. Phải biết tự nguyện chịu mọi sự hy sinh, vượt những trở ngại lớn nhất để tiến hành một công tác tuyên truyền và cổ động có hệ thống, bền bỉ, dẻo dai và nhẫn nại, chính ngay trong các cơ quan, các hội, các tổ chức - thậm chí phản động nhất - nghĩa là bất cứ ở nơi nào có quần chúng vô sản hay nửa vô sản”(8).

Lênin còn đề cập đến vấn đề giáo dục, tuyên truyền đối với quần chúng lao động quốc tế để cùng nhau đấu tranh thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa: “Phải làm chi học thuyết cộng sản chân chính dành cho những người cộng sản ở các nước tiên tiến hơn, dịch ra tiếng nói của mỗi dân tộc; phải hoàn thành những nhiệm vụ thực tế cần hoàn thành tức khắc và phải liên hiệp với vô sản ở tất cả các nước để cùng nhau đấu tranh… Nên mở đường đi vào quần chúng lao động và bị bóc lột của các nước, và nói làm sao cho họ hiểu được rằng mối hy vọng duy nhất của họ muốn được giải phóng, là  thắng lợi của cách mạng thế giới, rằng giai cấp vô sản quốc tế là người bạn đồng minh duy nhất của hàng trăm triệu người lao động và bị bóc lột thuộc các dân tộc phương Đông”(9).

Lênin cho rằng, cách thức tuyên truyền, vận động quần chúng là phải biết chỉ dẫn và giải thích cụ thể cho quần chúng biết rõ những khó khăn, phải dồn hết tinh thần nghị lực vượt qua để thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Đó cũng chính là nguyên nhân thắng lợi của Đảng và chính quyền Xô viết: “Nguyên nhân những thắng lợi của chúng ta là ở chỗ Đảng ta và chính quyền Xô viết đã trực tiếp chỉ ra cho quần chúng lao động thấy hết mọi khó khăn trước mắt và nhiệm vụ trước mắt; đã biết giải thích cho quần chúng hiểu vì sao lúc này phải dồn hết sức cố gắng vào mặt này, lúc khác lại phải dồn hết sức cố gắng vào mặt kia của công tác Xô viết; đã biết phát huy nghị lực, tinh thần anh dũng và nhiệt tình của quần chúng, tập trung sức cố gắng cách mạng cao độ vào nhiệm vụ trước mắt, quan trọng nhất”(10).

Lênin đã nhiều lần chỉ ra nguy cơ xa rời quần chúng đối với một đảng cầm quyền và chính quyền cách mạng. Người cho rằng nếu Đảng và chính quyền Xô viết quên mất và tự cắt đứt những mối liên hệ khăng khít với quần chúng thì đó chính là một trong những nguy hiểm lớn nhất, đáng sợ nhất và sẽ là một tai họa thực sự. Vì vậy, theo Lênin, để bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn, Đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng không được xa rời quần chúng mà thường xuyên phải:

Liên hệ với quần chúng

Sống trong lòng quần chúng

Biết tâm trạng quần chúng

Biết tất cả

Hiểu quần chúng

Biết đến với quần chúng

Giành được lòng tin tuyệt đối từ quần chúng”(11).

Từ thực tế đời sống và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, của công tác vận động quần chúng, Lênin đã chỉ ra phương châm làm công tác vận động quần chúng một cách có hiệu quả là: “Phải sống sâu vào đời sống công nhân, phải biết tường tận đời sống công nhân, biết xác định một cách chắc chắn bất cứ trong vấn đề nào, trong lúc nào, tâm trạng của quần chúng, những nhu cầu, những ý nghĩ thật sự của họ, biết nhận định được rõ mà không mảy may lý tưởng hóa trình độ giác ngộ của họ và sức mạnh ảnh hưởng của những thiên kiến hay của những tàn dư nào của quá khứ, biết chiếm được lòng tin cậy vô bờ bến của quần chúng bằng một thái độ hữu ái đối với họ, bằng cách quan tâm thỏa mãn nhu cầu của họ”(12).

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(13). Vì vậy, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về công tác quần chúng của chính quyền trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc cho việc thực hành công tác dân vận.

____________________

(1), (2). C.Mác-PhĂngghen: Tuyển tập, t.1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.410, 307

(3), (4). Sđd, t.6, tr.617, 603

(5). Sđd, t.4, tr.575

(6). V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.315

(7). Sđd, t.37, tr.523

(8). Sđd,t.41, tr.47

(9), (10). Sđd, t.39, tr.373-374, 346

(11). Sđd, t.46, tr.608

(12). Sđd, t.44, tr.426

(13). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.127

 

ThS Nguyễn Thị Phương Chi

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền