Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay
Thứ ba, 05 Tháng 4 2016 10:02
3077 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, ngành ngân hàng đã có sự phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực ngân hàng diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay là rất cần thiết.

1. Một số nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tính chất, tác hại của tham nhũng, lãng phí

Sinh thời, Hồ Chí Minh thường dùng từ tham ô (nhũng lạm) để chỉ tham nhũng. Theo Người, tham ô là lợi dụng quyền hành hoặc chức trách để ăn cắp của công, lấy của công làm của tư, gian lận, tham lam: tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Người còn cho rằng, tham ô là “ăn cắp thì giờ của Chính phủ, của nhân dân, vì nhân dân đã trả lương cho mình mà không làm việc tốt”(1); Người chỉ rõ  “Tham ô là trộm cướp”(2).

Lãng phí, theo Người bao gồm cả lãng phí sức lao động, thì giờ, tiền của của Nhà nước, cơ quan và bản thân mình: sắm sửa xa xỉ, liên hoan lu bù vượt quá điều kiện thực tế; không sử dụng hiệu quả sức lao động, cơ sở vật chất hiện có… hay “Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất; cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn”(3).  Do đó, “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”(4).

Hồ Chí Minh khẳng định: tham ô, lãng phí là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là "kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ”(5). Bởi vì, tham ô, lãng phí có tác hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước, nhân dân. Tham ô, lãng phí làm tha hoá, suy thoái đạo đức cách mạng của cán bộ, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ và nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước tiến lên CNXH, cả nước đã huy động mọi nguồn lực: của cải vật chất, công sức, tinh thần… Những kẻ tham ô, lãng phí đã chiếm đoạt, phí phạm, huỷ hoại những nguồn lực ấy. Điều này dẫn đến hậu quả nguy hại lớn, cản trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng, làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta.

Nguyên nhân và điều kiện phát sinh tham nhũng, lãng phí

Hồ Chí Minh cho rằng tham ô, lãng phí do cán bộ, công chức thiếu đạo đức cách mạng, từ chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra tệ tham ô, lãng phí. Hồ Chí Minh khẳng định: "Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”(6). Tệ quan liêu chính là nguyên nhân trực tiếp, là điều kiện của tham ô, lãng phí. Người cho rằng nơi nào có tệ quan liêu thì ở đó có tham ô, lãng phí, mà quan liêu càng nặng thì tham ô, lãng phí càng nhiều.

Tham ô, lãng phí còn do trình độ tổ chức, quản lý nhà nước yếu kém. Cho nên, muốn chống tham ô, lãng phí, cần phải nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ cho cán bộ, công chức cũng như năng lực tổ chức, quản lý của Nhà nước.

Các biện pháp, “phương thuốc” phòng, chống tham nhũng, lãng phí 

Hồ Chí Minh đã đưa ra các biện pháp chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí một cách toàn diện, đồng bộ từ chính trị, kinh tế, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đến các biện pháp kỷ luật,...

Theo Hồ Chí Minh, muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu, trước hết và quan trọng nhất là phải chống chủ nghĩa cá nhân, vì nó là kẻ thù nguy hiểm gây ra mọi tội lỗi. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên, trong bộ máy của Đảng, Nhà nước thì Đảng mới thực sự trong sạch và vững mạnh. Đảng phải thực hành kỷ luật nghiêm minh; Nhà nước phải có các thể chế, luật pháp cụ thể, rõ ràng.

Theo Người, vấn đề quan trọng nhất trong phòng, chống tham ô, lãng phí phải thực hành dân chủ, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, phải biết dựa vào dân. Người chỉ rõ: Thực hiện dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công tác quản lý, dân bàn công việc chung mới có thể chống tham ô, lãng phí, quan liêu một cách tích cực, có hiệu quả. Theo Người: “Quan tham vì dân dại”(7), vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

2. Theo Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng có vai trò hết sức to lớn trong công việc huy động nguồn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm tiền tệ, thanh toán trong nền kinh tế.  Hoạt động ngân hàng là một nghề quản lý và kinh doanh tiền tệ. Đó là một nghề đặc biệt và đòi hỏi có những yêu cầu cụ thể về đạo đức. Chính vì vậy, ngày6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một bộ trực thuộc Chính phủ, tham gia vào việc lập kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, thực hiện những hoạt động liên quan đến ngân hàng, tiền tệ. Người đã chủ trương lựa chọn những cán bộ có đức, có tài để bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng làm nòng cốt trong lĩnh vực ngân hàng. Theo Người, cán bộ ngân hàng phải có chuyên môn tốt, phải nắm vững việc quản lý thu chi. Nếu quản lý không chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc.

Năm 1952, trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính”, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời, phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”(8).

30 năm thực hiện đường lối đổi mới đến nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, có ý nghĩa lịch sử. Ngành ngân hàng đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Hiện nay Việt Nam có 139 tổ chức tín dụng gồm các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, liên doanh, nước ngoài, ngân hàng chính sách, đầu tư phát triển…, 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 1 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, 1.085 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Mỗi ngân hàng đều thành lập các mạng lưới chi nhánh và các phòng giao dịch với số lượng từ vài chục đến hàng trăm, hàng nghìn đơn vị. Kết quả hoạt động của các ngân hàng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, lãng phí tại một số ngân hàng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí với hậu quả nghiêm trọng, như vụ: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Cố ý làm trái”… (huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) gây thiệt hại của Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Chợ Lớn 3 nghìn lượng vàng và 18 tỷ đồng; vụ một số cán bộ ngân hàng câu kết với nhóm đối tượng ngoài ngành lừa đảo chiếm đoạt 215 tỷ đồng của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Thái Bình và Chi nhánh Đông Đô (Hà Nội)…

Một số vụ án mà cơ quan chức năng phát hiện và xử lý cho thấy những thủ đoạn phạm tội trong hoạt động ngân hàng rất tinh vi như: cán bộ ngân hàng và ngoài ngành ngân hàng đã tạo dựng các hồ sơ, giấy tờ giả (như sổ tiết kiệm khống, vàng giả) đưa vào thế chấp để tham ô, chiếm đoạt tiền của ngân hàng; giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo; không hạch toán vào tài khoản của khách hàng mà hạch toán vào tài khoản của cá nhân, thông qua tài khoản chuyển tiền đi ngân hàng khác để rút tiền; sử dụng bút toán giả; thu tiền nợ vay không nhập quỹ; lập hồ sơ vay khống hoặc hồ sơ ghi tăng số tiền vay để rút tiền; không thẩm định hoặc cố tình thẩm định sai tài sản thế chấp… Một số cán bộ ngân hàng đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” để thực hiện các hành vi như lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức ngân hàng và Nhà nước.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng hiện nay là:

- Nhiều tổ chức tín dụng nới lỏng các điều kiện cho vay, điều kiện giao dịch trong khi trình độ quản lý chưa theo kịp yêu cầu quản trị rủi ro, năng lực thanh tra, giám sát ngân hàng còn nhiều hạn chế. Do đó, sai phạm không được phát hiện kịp thời hoặc phát hiện được nhưng xử lý chưa nghiêm nên tình trạng vi phạm càng phức tạp.

- Một bộ phận cán bộ ngân hàng trong đó có cán bộ cấp cao suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và liên kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành của một số tổ chức tín dụng còn buông lỏng quản lý và chưa quan tâm, chưa có biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên ngân hàng có nơi, có lúc còn làm chưa tốt.

- Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin hiện đại.

- Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế. Việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí không được kịp thời. Việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với các đơn vị thanh tra, giám sát ngân hàng chưa hiệu quả.

Như vậy, đạo đức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và cơ chế quản lý, điều hành yếu kém là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí  trong hoạt động ngân hàng thời gian qua.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng hiện nay cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cần tiếp tục đưa hoạt động tín dụng, ngân hàng thành một trong những lĩnh vực trọng tâm tập trung chỉ đạo trong những năm tiếp theo nhất là công tác phòng, chống tham nhũng trong tái cấu trúc ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhà nước cần rà soát lại cơ chế, chính sách tài chính ngân hàng. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách có liên quan đến hoạt động của ngành như: bảo lãnh, thế chấp, cầm cố, phát mãi tài sản thế chấp.

Hai là, ngân hàng cần nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát đối với hồ sơ vay vốn ngay từ khâu tiếp nhận đến giải ngân. Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập các ngân hàng thương mại nhỏ; kiểm soát, thanh tra toàn diện hoạt động của các ngân hàng là “sân sau” của các tổ chức, tập đoàn kinh tế chiếm phần vốn chi phối. Cần phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với các đơn vị thanh tra, giám sát ngân hàng, nhất là trong việc phối hợp thu hồi tài sản thất thoát, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Ba là, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, sử dụng, nhất là bổ nhiệm các cán bộ, công chức ngành ngân hàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(9, “Muôn việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hoặc kém”(10). Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh lọc, giáo dục cán bộ trong hệ thống ngân hàng từ Trung ương đến cơ sở. Cơ chế tuyển chọn, sử dụng cán bộ cần chặt chẽ, công khai và minh bạch, nhất là trong các ngân hàng quốc doanh. Lực lượng thanh tra, quản lý ngân hàng cần được tuyển chọn kỹ càng vì đây là lực lượng có ảnh hưởng quan trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngân hàng để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”(11). Chính vì vậy, quy định nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu là một biện pháp quan trọng khắc phục bệnh quan liêu trong công tác quản lý ngân hàng hiện nay. Nhờ đó, vừa hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra vừa tăng hiệu lực của luật pháp.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành ngân hàng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và sâu rộng. Các biện pháp về tư tưởng như: giáo dục, thuyết phục, các biện pháp phòng ngừa là nền tảng trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục và kỷ luật, trong đó lấy tuyên truyền, giáo dục là nền tảng. Người nói: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”(12)

Sáu là, phát huy vai trò giám sát của quần chúng, đội ngũ cán bộ công chức, nhân viên, bởi, “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(13), “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”(14).

Bảy là, phải không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt là cần xây dựng được bộ máy quản lý nhà nước gọn nhẹ, có hiệu lực, thể hiện và thực hiện trên thực tế mọi quyền lực của nhân dân (bằng đầy đủ các cơ chế, chính sách, luật pháp), chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ hoá, công khai hoá và minh bạch.

________________

(1), (2), (3),(4), (5), (6), (8), (11), (12), (13), (14)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.436, 489, 489, 489, 490, 394, 416, 394, 493, 495

(7), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.641, 269, 240

 

                                                                                                                                                                                                       ThS Nguyễn Hải Yến                                                                                        Học viện Ngân hàng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền