Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Đại thắng của ý chí, khát vọng Không có gì quý hơn độc lập tự do
Thứ ba, 19 Tháng 4 2016 16:58
2221 Lượt xem

Đại thắng của ý chí, khát vọng Không có gì quý hơn độc lập tự do

(LLCT) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”. “Chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã giành được toàn thắng bằng ba trận đánh then chốt: trận mở đầu đánh Buôn Ma Thuột giải phóng toàn bộ Tây Nguyên; trận thứ hai giải phóng Huế - Đà Nẵng và quét sạch địch ở ven biển miền Trung; và trận kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh còn lại của Nam Bộ. Hơn một triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan. Chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng qua năm đời tổng thống hoàn toàn sụp đổ”(1), đất nước hoàn toàn thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Thắng lợi to lớn đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, nhưng tựu trung lại là kết tinh, hội tụ của khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”- điều tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam.

1. Lời hịch vang dội núi sông, khơi dậy, quy tụ, phát huy sức mạnh toàn dân tộc

 Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, thực hiện quá độ đi lên CNXH. Song, với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, làm bàn đạp để tiến công miền Bắc Việt Nam, ngăn chặn CNXH phát triển ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã ráo riết phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, hòng thôn tính miền Nam Việt Nam.

Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời chia cắt, với bản lĩnh và trí tuệ của một đảng tiền phong, cách mạng và khoa học, Đảng ta đã xác định một cách đúng đắn, sáng tạo con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững mạnh của cách mạng cả nước và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Thực hiện đường lối cách mạng đó, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành thắng lợi vĩ đại.

Ở miền Bắc, khí thế ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, làm dấy lên các phong trào sôi nổi trên đồng ruộng, trong nhà máy, xí nghiệp, cơ quan. Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá bằng không quân và hải quân, quân và dân ta đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, bắn rơi hàng nghìn máy bay, kể cả những “pháo đài bay” hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ. Những tấm gương tiêu biểu như: các bô lão dân quân ở Thanh Hóa bằng súng trường cũng bắn rơi máy bay; các phi công anh dũng lao thẳng vào máy bay địch... Đỉnh cao cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ là 12 ngày đêm làm nên trận Điện Biên Phủ trên không trong cuối tháng 12-1972... Tất cả đã chứng tỏ: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”(2).

Ở miền Nam, dấy lên các phong trào: “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ”, giành các danh hiệu vẻ vang “Đơn vị Anh dũng diệt Mỹ”, “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Dũng sỹ Quyết thắng”, “Dũng sỹ hạ máy bay địch”, “Dũng sỹ diệt cơ giới”, “Dũng sỹ đánh giao thông”... Trên khắp miền Nam, cả ở những vùng sát nách địch, đâu đâu cũng có phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả như phong trào “ba bám”, “bắn tỉa”, “hòn chông bẫy đá, bẫy tên”, “vành đai diệt Mỹ”, các phong trào thi đua phá ấp chiến lược, phá đường giao thông, bắn cháy và bắt sống xe bọc thép, bắn trực thăng của địch... Cùng với các phong trào là  những khẩu hiệu đầy khí phách anh hùng, ý chí quyết chiến, quyết thắng: “Một mình một súng cũng tiến công”, “Đã ra quân là đánh thắng”, “Đã xuất kích là mang chiến công trở về”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Tìm Mỹ mà diệt, lùng ngụy mà đánh”, “Toàn quân là dũng sỹ”, “Toàn dân là dũng sỹ”, “Mỹ đánh miền Bắc một, miền Nam đánh trả mười”... Từ đó mà tìm ra nhiều cách đánh hay, đánh trúng, làm nên những Vạn Tường, Ấp Bắc, Khe Sanh, Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào...

Trên cả nước, tất cả các lực lượng, các địa phương từ tiền tuyến đến hậu phương, từ nông thôn đến thành thị, từ nhà máy đến ruộng đồng... đều có khẩu hiệu tập hợp, với những chủ trương, biện pháp tổ chức đúng đắn, kịp thời nên đã tạo được những phong trào hành động cách mạng tích cực, hiệu quả. Nhờ vậy, đã huy động được sức lực, trí tuệ của đông đảo quần chúng tham gia, tạo nên một khí thế tưng bừng trong xây dựng CNXH, sôi sục diệt Mỹ bằng một cao trào cách mạng rộng lớn chưa từng có, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

2. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, Bắc - Nam sum họp một nhà

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ý chí, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã được kết tinh, biến thành sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của cả dân tộc, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến.

Với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, bằng sự nỗ lực vượt bậc trong việc tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, dự kiến đúng xu thế phát triển của tình thế, nắm và chớp thời cơ kịp thời, chọn hướng đúng, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, Đảng ta đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với nhịp độ thần tốc, chỉ trong 55 ngày đêm, ta đã hoàn thành mục tiêu đã xác định.

Thắng lợi này đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nhất là nghệ thuật tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ chiến lược, nghệ thuật tiến hành công tác chính trị tư tưởng của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều nhận thức đúng đắn: bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng là con đường bạo lực cách mạng, do đó phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao nhằm tiến lên thực hành phản công để giành toàn thắng. Đánh giá, so sánh đúng lực lượng giữa ta và địch trong tình hình mới, thấy rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử, Đảng ta đã hạ quyết tâm chiến lược, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Điều mới lạ nhất của chiến dịch lịch sử này chính là cái đã nảy ra trong tâm hồn cán bộ và chiến sĩ ta. Cái gì đã làm nên khí thế bộ đội ta ra quân hùng dũng nhất, kiên quyết nhất trong chiến dịch năm nay? Cái gì đã làm cho bộ đội ta ai cũng hiểu rõ quyết tâm lớn của Đảng, của dân tộc, hiểu rõ thời cơ vô cùng quý giá này và hiểu rõ cách đánh chưa từng thấy này? Cái gì đã làm cho bộ đội ta dũng cảm, khẩn trương một cách lạ thường, thông minh về chính trị một cách xuất sắc vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh này?”(3).

Cần khẳng định trước hết rằng ý chí, quyết tâm, bản lĩnh ấy của bộ đội ta không phải ngày một ngày hai mà có được. Mà đó là kết quả của cả một quá trình liên tục tiến hành công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng trong lực lượng vũ trang. Nó bắt nguồn từ khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, từ lý tưởng XHCN của toàn dân tộc được hun đúc trong mấy chục năm dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Trong những đoàn quân trùng trùng điệp điệp tiến lên phía trước, mỗi chiến sĩ ta đều mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin, hy vọng và ý chí quyết thắng của dân tộc, để sao cho đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, đồng bào Nam, Bắc được sum họp một nhà. Đó chính là sức bật của Tổ quốc đã tích lũy nhiều năm.

Đồng thời, chúng ta đã thường xuyên giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, có chiều sâu, độ bền, bảo đảm cho bộ đội trong bất kỳ tình huống nào cũng chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quyết thắng.

Ý chí quyết tâm chiến đấu là một trong những yếu tố cơ bản cấu thành sức mạnh chiến đấu của quân đội, một động lực chủ yếu thúc đẩy bộ đội đem hết sức lực, trí tuệ, khả năng, sẵn sàng chịu đựng gian khổ ác liệt, vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao, dám đánh, biết đánh và đánh thắng mọi kẻ thù. Đó là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa các nhân tố chính trị - tinh thần và yếu tố vũ khí, được tạo thành bởi sự giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng căm thù giặc, lòng yêu quê hương đất nước, trách nhiệm của quân nhân trước Tổ quốc và nhân dân, danh dự và khát vọng chiến thắng, sự vững vàng tâm lý - ý chí; được hình thành, phát triển trong quá trình huấn luyện và giáo dục của quân đội và tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi quân nhân. Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí quyết tâm chiến đấu là một đặc trưng quan trọng thuộc về bản chất, truyền thống, giúp cho cán bộ, chiến sỹ luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH.

Chúng ta đã thường xuyên coi trọng, kiên trì việc xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội bằng nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp. Nhờ vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, có năng lực hành động giỏi, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo.

Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một chân lý lớn của thời đại: “Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới đang ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác - Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ”(4).

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

(1) Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tạiĐại hội toàn quốc lần thứ IV,Nxb Sự thật, Hà Nội, 1997, tr.20.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.467.

(3) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.252.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.489.

 

PGS, TS Nguyễn Văn Cần

Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền