Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệTổ quốc hiện nay
Thứ tư, 18 Tháng 5 2016 16:58
3728 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệTổ quốc hiện nay

(LLCT) - Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

 

Tư tưởng về nền quốc phòng toàn dân của Hồ Chí Minh được bắt nguồn và thấm nhuần tư tưởng “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” của cha ông ta và nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.Người luôn đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân, quần chúng là người làm nên lịch sử. Theo Người “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(1). Nhân dân là lực lượng to lớn, lực lượng vô địch của cách mạng để đánh bại kẻ thù xâm lược. Tư tưởng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Hồ Chí Minh rất sâu sắc, trước hết, thể hiện rõ nhất, tập trung nhất ở lĩnh vực quân sự, bởi quân sự là nội dung cốt lõi của quốc phòng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2).

Trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân và căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước ta và tình hình quốc tế, Đảng ta định ra đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phát huy sức mạnh của cả nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhờ đó đã thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên CNXH. Sau ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, Đảng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong điều kiện đất nước hòa bình, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta không chỉ nhằm đối phó, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ can thiệp từ bên ngoài và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược với mọi quy mô, mà còn chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, toàn dân và trên cơ sở thấu suốt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, nên sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã đạt được những kết quả quan trọng, tăng cường đáng kể cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng. Đó là nhân tố cơ bản để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mà cốt lõi là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu quan trọng đó không những góp phần thiết thực tăng cường thế và lực của đất nước, mà còn tạo điều kiện để chúng ta tham gia có trách nhiệm và hiệu quả đối với cộng đồng quốc tế, qua đó khẳng định vị thế, uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian tới, trên thế giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định bất trắc, khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố tiếp tục gia tăng. Cục diện thế giới đa cực hình thành ngày càng rõ hơn. Các nước lớn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, chi phối các quan hệ quốc tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Tuy ít có khả năng xảy ra chiến tranh, xung đột lớn, nhưng tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo diễn biến phức tạp khó lường. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá ta về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá, về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hoà bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta rất nặng nề, có cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng thực hiện sáng tạo trong thực tiễn, nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới

Đây là nội dung quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Bởi lẽ, có thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thì mới thống nhất được nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Và như vậy mới thống nhất được hành động, phát huy được trách nhiệm, tính tự giác, tích cực của toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng,…”(3). Người còn nhấn mạnh: “Giữ Nhà phải cảnh giác, phải có cửa, có khóa để ngăn ngừa bọn trộm cắp. Giữ Nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta”(4); “đối với kẻ địch, người cộng sản phải luôn luôn tỉnh táo, giữ vững lập trường, quyết không được vì hoàn cảnh hòa bình mà mất cảnh giác. Phải luôn luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu độc ác của kẻ địch, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ lao động hòa bình của nhân dân”(5). Lời dạy của Người mộc mạc, nhưng rất sâu sắc. Để thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Trong những năm qua, với sự nỗ lực cao, phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, lực lượng, cơ quan chức năng từ Trung ương xuống đến cơ sở, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được triển khai tích cực, nền nếp, hệ thống, có nhiều đổi mới, đạt kết quả khá toàn diện. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy những kết quả đó và trọng tâm là thực hiện tốt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân độc lập, tự chủ, vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đây là mục tiêu, phương hướng xây dựng nền quốc phòng Việt Nam theo quan điểm nhất quán của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là nền quốc phòng độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, vững mạnh toàn diện và ngày càng hiện đại. Đó là nền quốc phòng do toàn dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Tiềm lực và sức mạnh của nền quốc phòng được hình thành bởi các nguồn lực, đó là: Nguồn lực của quốc gia, nguồn của các ngành, địa phương và nguồn lực to lớn từ nhân dân. Như vậy, về mặt nội hàm, nó khác với nền quốc phòng của nhiều nước là chủ yếu dựa vào nguồn lực của quốc gia, còn nguồn lực từ trong nhân dân cũng như sự tham gia của nhân dân đối với nền quốc phòng là rất hạn chế. Tính chất nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình, tự vệ, không nhằm xâm lược hoặc đe dọa bất cứ quốc gia nào. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta cần quán triệt đường lối, quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cườngtrong xây dựng nền quốc phòng; phát huy nguồn lực trong nước là chính, kết hợp với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, thông qua hợp tác quốc tế để tăng cường tối đa sức mạnh quốc phòng. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, phải nắm vững phương hướng xây dựng nền quốc phòng vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại. Một nền quốc phòng vững mạnh toàn diện, tức là có đủ tiềm lực, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Sự vững mạnh của nền quốc phòng là vững mạnh trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, trên các địa bàn, ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đó cũng là quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Người, mỗi vùng, miền trên đất nước có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng về mặt quốc phòng thì không thể coi nhẹ vùng này, coi trọng vùng khác. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “…một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”(6). Người còn nhấn mạnh: “Miền núi đối với quốc phòngrất quan trọng. Vì vậy phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động. Cố nhiên đây là trách nhiệm chính của bộ đội, của công an biên phòng, của dân quân. Nhưng toàn Đảng, toàn dân đều có trách nhiệm giúp sức vào việc đó”(7). Mỗi người dân “Phải nắm vững tay cày tay súng, đẩy mạnh quốc phòng,trật tự trị an, củng cố tốt dân quân, tự vệ,luôn luônnâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”(8). Như vậy, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự vững mạnh toàn diện của nền quốc phòng toàn dân. Đảng ta khẳng định rõ: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Theo đó, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới” và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Trong quá trình thực hiện, phải coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, nhất là trên địa bàn chiến lược của đất nước. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng - an ninh, gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch thế trận quốc phòng - an ninh (điều chỉnh, bố trí dân cư) trên các địa bàn chiến lược, nhằm đạt cả mục tiêu kinh tế và quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực chất xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng các tiềm lực và đây cũng là nhân tố quyết định sự vững mạnh, sức mạnh của nền quốc phòng. Mỗi tiềm lực có vai trò, vị trí quan trọng riêng, vì thế không được xem nhẹ bất cứ tiềm lực nào. Trong đó tiềm lực chính trị - tinh thần là cơ sở; tiềm lực kinh tế là nền tảng, tiềm lực quân sự - an ninh là cốt lõi;… Để xây dựng và không ngừng tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, cần phải chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chăm lo kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, củng cố “thế trận lòng dân”vững chắc ngay từ cơ sở. Đối với tiềm lực kinh tế, cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với nâng cao khả năng dự trữ, huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật theo kế hoạch thống nhất, để sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết. Đối với tiềm lực quân sựvà an ninh, phải tập trung xây dựng vững mạnh cả lực lượng và thế trận, nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống về quốc phòng - an ninh trong thời bình và thời chiến. Cùng với đó, phải quan tâm đúng mức tới các tiềm lực khác để không ngừng tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cũng cần thấy rằng, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh là một nội dung quan trọng của quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng. Nói cách khác, hai lực lượng này vừa là chủ thể vừa là đối tượng của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay, Đảng ta xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dâncách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Đối với Quân đội nhân dân, phải tập trung xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Theo đó, phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, để không ngừng tăng cường bản chất cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị và định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Đồng thời, phải chăm lo xây dựng tổ chức lực lượng Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”; có cơ cấu thành phần hợp lý, cân đối; đảm bảo số lượng phù hợp, chất lượng cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu, đảm bảo cho Quân đội hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Để xây dựng Quân đội nhân dân từng bước hiện đại, một số lực lượng: Hải quân, Phòng không - không quân, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật, Tác chiến điện tử tiến thẳng lên hiện đại, cần coi trọng xây dựng con người và đảm bảo vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại; trong đó con người là nhân tố quyết định. Trong thời gian tới, chúng ta cần  tích cực đổi mới công tác huấn luyện, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự,… để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, khả năng khai thác và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại mới được trang bị cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới. Đồng thời, phải thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo điều kiện làm việc, môi trường hoạt động, công tác cho cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt cơ chế xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc

Cơ chế là vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng và hoạt động của nền quốc phòng toàn dân. Sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân của nhân dân ta hiện nay được thực hiện theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý, các ban, ngành, đoàn thể tham mưu theo chức năng và tổ chức thực hiện. Trong đó, Quân đội và Công an giữ vai trò trung tâm phối hợp, hiệp đồng và là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Cơ chế xây dựng nền quốc phòng toàn dân thể hiện và phân định rõ vị trí, vai trò, chức năng (mang tính nguyên tắc) của từng tổ chức, lực lượng. Sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Nhà nước; các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu theo chức năng và phối hợp tổ chức thực hiện. Cơ chế đó được thực hiện thống nhất từ Trung ương xuống đến địa phương, cơ sở.

Thực tiễn cho thấy, cơ chế xây dựng nền quốc phòng toàn dân là hoàn toàn phù hợp, ngày càng hoàn thiện, vận hành khá nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành cơ chế còn bộc lộ một số hạn chế, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xây dựng và hoạt động của nền quốc phòng toàn dân. Trong thời gian tới, phải nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhất là đối với cán bộ chủ chốt các cấp. Cùng với đó, tăng cường công tác diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ…, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu cho đội ngũ cán bộ và đảm bảo cơ chế xây dựng nền quốc phòng toàn dân được vận hành nhịp nhàng, hiệu quả ở tất cả các cấp.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; đồng thời, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người mãi tỏa sáng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.280.

(2) Sđd, t.6, tr.232.

(3) Sđd, t. 9, tr. 226.

(4) Sđd, t. 12,  tr. 388.

(5) Sđd, t. 13, tr. 68.

(6) Sđd, t. 10, tr. 311.

(7), (8) Sđd, t.14, tr. 167, 493.

 

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền