Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Văn hóa truyền thống - động lực tinh thần của đổi mới và hội nhập quốc tế
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:09
3468 Lượt xem

Văn hóa truyền thống - động lực tinh thần của đổi mới và hội nhập quốc tế

(LLCT) - Văn hóa nằm ngay trong sự phát triển và gắn liền với phát triển. Hơn nữa, văn hóa không chỉ trở thành mục tiêu, mà còn trở thành động lực, thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất, thành hệ điều tiết hữu hiệu cho một sự phát triển bền vững. Văn hóa chiếm vị trí hàng đầu, đóng vai trò mở đường và khả năng tạo đà cho sự phát triển, duy trì một sự phát triển bền vững và điều tiết có hiệu quả sự phát triển đó. Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với phát triển kinh tế tri thức, thì văn hóa chính là nền tảng tinh thần vững chắc để chúng ta định hướng mục tiêu, lựa chọn bước đi thích hợp và xác định mô hình phát triển bền vững.

Trong xu thế toàn cầu hóa, để phát triển nhanh và bền vững, mỗi quốc gia, dân tộc phải biết phát huy năng lực nội sinh của nền văn hóa dân tộc, lấy việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa làm động lực tinh thần, mới có thể sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, biến các nguồn lực đó trở thành sức mạnh cho sự phát triển bền vững đất nước.

Đảng, Nhà nước ta xác định chiến lược phát triển của đất nước là phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng là quá trình hướng tới sự phát triển xã hội bền vững, phát triển một cách hài hòa kinh tế với văn hóa, xã hội, lấy con người làm trung tâm, phát triển con người một cách toàn diện. Để phương thức phát triển này trở thành hiện thực, mỗi người Việt Nam phải biết tự lực, tự cường vươn lên với năng lực nội sinh của chính mình, với bản lĩnh và cốt cách văn hóa của dân tộc mình.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, những tinh hoa, giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được hình thành và trở thành truyền thống. Đó là “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”(1). Những giá trị văn hóa truyền thống này đã cố kết, liên kết những người dân nước Việt thành một cộng đồng dân tộc thống nhất, định hướng và điều tiết họ trong mọi hoạt động sống và lao động, trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống này vẫn còn nguyên sức sống, vẫn đang được các thế hệ người Việt Nam ra sức giữ gìn và phát huy cao độ trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Đảng ta luôn nhấn mạnh văn hóa nói chung, các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng là nền tảng tinh thần của xã hội. “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững”. Xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì con người phát triển toàn diện. “Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”, do đó, “các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương...” và phải “biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”(2).

Tại Đại hội XI, khi thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng ta khẳng định, “phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược” và nhấn mạnh, để thực hiện chiến lược phát triển này, Việt Nam cần phải “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”(3).

Hiện nay, khi toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế tất yếu, kinh tế tri thức đóng vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất, để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tránh “nguy cơ tha hóa”, trở thành “cái bóng mờ” của nước khác trong phát triển,.. chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và gắn liền với phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với phát triển kinh tế tri thức và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện nước ta đang thực hiện phát triển “rút ngắn”, thì trước tiên, chúng ta phải chăm lo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Song sẽ không thể có được sự phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững nếu phát triển và tăng trưởng kinh tế không gắn liền với phát triển văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, kinh tế không thể tự mình phát triển và tăng trưởng nếu thiếu nền tảng tinh thần là văn hóa. Ngược lại, văn hóa không phải là sản phẩm tự nhiên của kinh tế và cũng không phải là “sự thăng hoa” của kinh tế. Văn hóa là cội nguồn của sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, là động lực tinh thần, là nguồn lực nội sinh cho phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững.           

Thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước cho thấy, đi vào phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế không chỉ do các nguyên nhân kinh tế thuần túy tạo ra, mà còn do nhiều nhân tố khác nữa, trong đó, phát triển văn hóa là một trong những động lực quan trọng nhất. Đảng ta nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhận thức đúng về vị trí nền tảng, vai trò động lực của văn hóa trong phát triển, phải vượt lên trên cách tiếp cận kinh tế học thuần túy và tìm ra các phương thức hữu hiệu để cho “tính công nghiệp và tính sáng tạo có thể gắn bó, móc nối với nhau”, để cho “kinh tế có thể bắt rễ trong văn hóa”.

Nền văn hóa Việt Nam không chỉ là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường trong dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc, mà còn là kết quả của sự giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa, văn minh nhân loại. Nền văn hóa ấy đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh của mỗi người Việt Nam, tạo dựng nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội Việt Nam trong thời đại ngày nay. Các giá trị văn hóa truyền thống ấy không chỉ trở thành cái định hướng, mà còn trở thành nền tảng tinh thần không thể thiếu cho việc lựa chọn và xác định một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, Đảng ta đã lấy việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những đặc trưng cơ bản là dân tộc, hiện đại và nhân văn làm cơ sở, nền tảng để lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

Văn hóa là cái thể hiện trình độ “được vun trồng” bởi con người và của cả cộng đồng dân tộc, mang lại cho con người sự phát triển hài hòa, toàn diện, hướng con người tới cái đúng, cái tốt đẹp. Với tư cách này, văn hóa ngày càng thể hiện rõ là yếu tố nội sinh làm cho chất lượng con người ngày một hoàn thiện, phương thức ứng xử giữa người với người ngày một cao đẹp. Từ đó, không chỉ làm biến đổi sự định hướng những giá trị vật chất của văn hóa dân tộc và nhân loại, mà còn giúp cho con người có được sự nhận thức đúng đắn về giá trị và ý nghĩa lớn lao trong hoạt động sống. Trên cơ sở đó, văn hóa giúp con người có được phương thức khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhân đạo, nhân văn.

Đảng ta xác định, mọi hoạt động văn hóa không chỉ hướng đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn phải hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(4). Trong Chiến lược phát triển, Đảng ta chủ trương tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đắc lực vào việc xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế(5); lấy việc “phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế”(6) làm cái bảo đảm vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Quá trình kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, văn hóa trở thành cái có khả năng tiếp thu và cải biến các yếu tố ngoại sinh thành các yếu tố nội sinh cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bởi lẽ, mọi yếu tố ngoại sinh (như vốn, kỹ thuật, công nghệ,...) chỉ có thể biến thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khi chúng được tiếp thu và sử dụng một cách phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế, Đảng ta cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh với sự tham gia ngày càng nhiều của các yếu tố bên ngoài mà tách rời cội nguồn văn hóa dân tộc, không dựa trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thì “nhất định sẽ lâm vào nguy cơ tha hóa” và khiến cho không chỉ tiềm năng sáng tạo của dân tộc mình bị suy yếu, mà ngay cả vận hội cho sự phát triển tiếp theo cũng không còn. Phát triển kinh tế thị trường, hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm mất bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình.

Thực tiễn cũng cho thấy, mọi sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ hay thể chế xã hội mà dẫn đến sự hủy hoại những giá trị văn hóa truyền thống, ô nhiễm môi trường sống… đều “chỉ là những thắng lợi rỗng tuếch”, chỉ mang lại những hiểm họa khôn lường cho con người, cho cộng đồng dân tộc. Phát triển kinh tế dựa quá nhiều vào ngoại lực mà không biết tận dụng nội lực văn hóa, không lấy việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm động lực tinh thần thì nhất định sẽ không có sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, càng không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong thời đại ngày nay - thời đại của sự phát triển kinh tế tri thức, nếu tiềm năng sáng tạo của con người, của cộng đồng dân tộc không được khơi dậy và phát huy thì một quốc gia, dân tộc, dẫu có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm lực về vốn nhiều, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, có kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chưa hẳn đã có sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tiềm năng sáng tạo này không phải ở đâu mà chính là trong văn hóa, tiềm ẩn trong mỗi nền văn hóa dân tộc. Nó là cái chứa đựng trong sự hiểu biết, trong tâm hồn, đạo lý, lối sống, trình độ thẩm mỹ của mỗi con người, của cả cộng đồng dân tộc. Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, mỗi chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn phải làm cho các yếu tố cấu thành nền văn hóa dân tộc thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực hoạt động sáng tạo của con người. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng và phát triển văn hóa trong tư duy của người hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.        

Đảng ta xác định việc xây dựng và ban hành “chính sách kinh tế trong văn hóa” phải nhằm “gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”; “bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa”. Và, “việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với các mục tiêu, giải pháp văn hóa, chăm lo con người, nêu cao đạo đức trong sản xuất kinh doanh”; “xây dựng văn minh thương nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kinh doanh”(7).

Văn hóa là sản phẩm của toàn bộ lịch sử dân tộc, là phương thức tồn tại của một dân tộc. Với tư cách đó, văn hóa luôn mang trong mình các yếu tố địa văn hóa, lịch sử, dân tộc, truyền thống, tâm lý gắn với các biểu tượng, phong tục, tập quán của một cộng đồng dân tộc. Vì vậy, khi bản sắc dân tộc bị đánh mất, các giá trị văn hóa truyền thống không được giữ gìn và phát huy, thì dân tộc đó cũng không có nội lực cho phát triển.

Khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, vai trò của thương nghiệp, của hoạt động kinh doanh, của kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã được coi trọng, nhưng bước chuyển đổi này chưa được chuẩn bị đầy đủ, nên trong đời sống xã hội đã xuất hiện những xu hướng cực đoan mới. Cùng với việc sùng bái những kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại của nước ngoài, coi thương nghiệp là phương thức làm giàu nhanh nhất, các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc đã bị coi nhẹ, thậm chí còn bị bỏ qua trong nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế. Đôi khi, hiệu quả của kinh tế thị trường chỉ được đo bằng lỗ lãi thuần túy, thiếu quan tâm đến hiệu quả xã hội của nó. Có lúc, có nơi đã xuất hiện xu hướng kinh doanh bất chấp đạo lý, luật pháp, vì đồng tiền sẵn sàng xúc phạm đến nhân phẩm con người. Không chỉ thế, tình trạng phát triển kinh tế khiến cho di tích và cảnh quan văn hóa bị xâm hại, bị phá hủy, môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm, môi trường xã hội bị vẩn đục cũng đã xuất hiện một cách khá phổ biến. Văn hóa là mục tiêu, là nội lực cho phát triển kinh tế, khi đứng trước những xu hướng đó đã trở nên bất lực. Lỗi này không phải do nền kinh tế thị trường, mà do chính con người gây ra.

Như vậy, với tư cách là thước đo “trình độ người” của các mối quan hệ xã hội, văn hóa cấu thành một hệ thống giá trị truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên nền tảng đó, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia tự khẳng định bản sắc của riêng mình. Do đó, văn hóa không thể đứng ngoài sự phát triển. Văn hóa nằm ngay trong sự phát triển và gắn liền với phát triển. Hơn nữa, văn hóa không chỉ trở thành mục tiêu, mà còn trở thành động lực, thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất, thành hệ điều tiết hữu hiệu cho một sự phát triển bền vững. Văn hóa chiếm vị trí hàng đầu, đóng vai trò mở đường và khả năng tạo đà cho sự phát triển tiếp theo, duy trì một sự phát triển bền vững và điều tiết có hiệu quả sự phát triển đó. Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với phát triển kinh tế tri thức, thì văn hóa chính là nền tảng tinh thần vững chắc để chúng ta định hướng mục tiêu, lựa chọn bước đi thích hợp và xác định mô hình phát triển bền vững.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1), (2), (7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 56, 55, 73- 74.

 (3), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.98,126, 124.

(4)Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.114

(5)Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.106.

 

TS Nguyễn Đức Diện

Trường Đại học Y Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền