Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Công nghiệp văn hóa đối với phát triển bền vững đất nước
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:26
3808 Lượt xem

Công nghiệp văn hóa đối với phát triển bền vững đất nước

(LLCT) - Trong những biến đổi xã hội do tác động từ biến đổi kinh tế, rõ nhất là biến đổi về các quan hệ xã hội (phân hóa, phân tầng xã hội), cơ cấu xã hội, các vấn đề xã hội. Xu hướng trung lưu hóa xã hội ngày càng rõ, nhu cầu, mức sống tăng lên, nhất là ở đô thị, trong giới doanh nhân, trí thức và thế hệ trẻ. Nông thôn cũng biến đổi theo xu hướng đô thị hóa đồng thời cũng có cả một bộ phận rơi vào đói nghèo, bần cùng, rủi ro và thua thiệt trong phát triển. Giải quyết yêu cầu công bằng xã hội, nhất là thực hiện công bằng, bình đẳng về cơ hội phát triển đòi hỏi phải gắn liền chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội. CNVH có vai trò, tác dụng không hề nhỏ trong việc đáp ứng yêu cầu đó.

1. Văn hóa và công nghiệp văn hóa

Không có con người và cộng đồng loài người trên tư cách chủ thể sáng tạo lịch sử thì không có bất cứ một cái gì gọi là văn hóa được. Con người sản xuất, sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa trở thành tác nhân sâu xa, bền bỉ nhất để phát triển con người và hoàn thiện nhân cách. Tương tác biện chứng này cho thấy vai trò của con người và văn hóa đối với phát triển.

C.Mác từng nói, giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người. Nếu con vật tồn tại trong tự nhiên, lệ thuộc tuyệt đối vào tự nhiên và bản năng sinh tồn thống trị nó thì con người không chỉ tồn tại mà còn có hoạt động sống, có ý thức vượt lên bản năng, nhờ đó có hành động sáng tạo. Con người không chỉ tồn tại trong tự nhiên mà còn in dấu ấn của mình vào tự nhiên, vừa thích ứng vừa biến đổi, tạo ra “một tự nhiên thứ hai”, đó là lịch sử, xã hội, là văn hóa.

Nhờ văn hóa mà con người làm cho tồn tại của sinh vật người trở nên một tồn tại có tính người, con người là sản phẩm của hoàn cảnh nhưng hoàn cảnh sáng tạo ra con người trong chừng mực mà con người sáng tạo (tác động, biến đổi) trở lại hoàn cảnh.

Xét trên phương diện cá nhân, thì sự phong phú của mỗi cá nhân (nhân cách) tùy thuộc vào sự phong phú của những mối liên hệ xã hội của nó với xung quanh, với những cá nhân khác, với cộng đồng.

Những luận đề triết học đó gợi mở cho những suy nghĩ, liên tưởng của chúng ta về môi trường văn hóa, về tính chủ động lịch sử của chủ thể người và nhân cách như một quan hệ liên nhân cách. Theo đó, cần phải nhìn nhận sự trưởng thành của con người - xét về mặt chất lượng xã hội là sự trưởng thành văn hóa. Văn hóa tham dự vào quá trình trưởng thành, hoàn thiện nhân cách con người như một nhân tố không thể thiếu.

Trong nhiều định nghĩa về văn hóa, không thể không nhấn mạnh tính khái quát sâu sắc của luận đề cho rằng: văn hóa chính là trình độ người trong phát triển.

Hệ giá trị phổ biến và phổ quát của văn hóa là Chân - Thiện - Mỹ. Hệ giá trị này cho thấy cấu trúc nội dung của văn hóa là sự gặp gỡ, chung đúc của khoa học (chân, chân lý) với đạo đức (thiện, lòng tốt, sự tử tế, lương thiện…) và nghệ thuật (mỹ, tính thẩm mỹ, thẩm mỹ hóa đời sống). Cấu trúc này nổi trội ở đời sống tinh thần, thế giới tinh thần và văn hóa tinh thần của con người.

Chân - Thiện - Mỹ cũng kết tinh trong văn hóa vật chất, vật thể, bởi những sản phẩm của loại hình văn hóa này cũng chỉ có thể do con người chủ thể sáng tạo ra, phải hữu ích, hữu dụng cho đời sống con người, nó cũng được định hướng Chân - Thiện - Mỹ chi phối các hoạt động tạo tác của con người.

Ngay cả những hiện tượng, sự vật, thực thể trong tự nhiên mang tính độc đáo, kỳ vĩ do tự nhiên ban tặng cho con người thì cũng chỉ nhờ có cảm xúc của con người, trí tưởng tượng của con người, bắt gặp sự cộng hưởng của những cảm quan trí tuệ và đạo đức cùng với những cảm xúc thẩm mỹ của con người, tạo ra một năng lực cảm thụ tinh tế mới làm cho đối tượng đó sống động, có tâm hồn, cũng tức là có giá trị.

Sản xuất văn hóa để tiêu dùng văn hóa. Tính đa dạng, phong phú của nhu cầu tiêu dùng và sự tinh tế, những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế trong thụ hưởng những sản phẩm lao động sẽ thúc đẩy sản xuất văn hóa cả về loại hình, chất lượng và giá trị.

Trong bản chất và đặc trưng của nó, văn hóa mang hệ giá trị Chân - Thiện -  Mỹ chỉ biểu đạt cái đúng, cái tốt và cái đẹp. Những gì đối lập với hệ giá trị ấy là đối lập, xa lạ với văn hóa, cần phải định danh cho nó là phản văn hóa. Những dục vọng thấp hèn, kích thích bản năng, những hành vi thú tính, phi nhân, những thủ đoạn ác độc làm tổn hại xã hội, có nguy cơ làm băng hoại, suy đồi đạo đức, làm tha hóa nhân cách… chỉ có thể gọi đúng tên của nó là những phản văn hóa.

Những nội dung trên trong tiếp cận văn hóa từ mối quan hệ chủ thể - hoạt động và giá trị, cũng như biện chứng giữa hoàn cảnh và con người là cơ sở xác lập mối quan hệ giữa môi trường văn hóa với nhân cách văn hóa. Có thể đi tới một số hệ luận căn bản sau:

- Không có chủ thể và hoạt động của chủ thể là con người và loài người, không thể có văn hóa với tư cách là sản phẩm và giá trị.

- Nếu hoạt động là con đường và phương thức để sản xuất ra văn hóa thì bản chất Chân - Thiện - Mỹ của văn hóa đòi hỏi tính định hướng của hoạt động. Nói cách khác, hoạt động để sản xuất ra văn hóa phải có tính lựa chọn. Văn hóa quy định tính chất và mục đích của hoạt động. Không phải mọi hoạt động bất kỳ đều là hoạt động văn hóa. Chỉ những hoạt động nào hướng tới cái tốt, cái đẹp, thỏa mãn các tiêu chí tiến bộ, góp phần tạo nên và thúc đẩy phát triển thì những hoạt động ấy mới được gọi là hoạt động văn hóa, mới sản xuất ra văn hóa. Trước hết và nổi bật là hoạt động lao động sản xuất vật chất và hoạt động sản xuất các giá trị tinh thần.

- Văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần không chỉ là kết quả hoạt động của con người và cộng đồng người được định hướng, được lựa chọn mà hoạt động còn phải thể hiện đặc tính sáng tạo. Sáng tạo xa lạ với sự mô phỏng, bắt chước, rập khuôn. Sáng tạo văn hóa là thước đo nội lực của chủ thể, làm cho chủ thể và những sản phẩm tạo ra thực sự là một bản ngã, có cá tính riêng, có cốt cách riêng, không phải là bản sao từ chủ thể khác, từ những thực thể khác.

Nhờ năng lực và cao hơn là bản lĩnh sáng tạo mà văn hóa là đa dạng và thống nhất của những khác biệt chứ không biến thành đồng nhất, đơn nhất. Trong hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp biến văn hóa để phát triển chứ không rơi vào tình trạng tự đánh mất chính mình. Theo đó, văn hóa như một tấm căn cước (giấy thông hành), tấm gương phản chiếu tâm hồn, trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ thuộc về thế giới tinh thần của một dân tộc để dân tộc đó hội nhập vào thế giới nhân loại.

Bản sắc văn hóa dân tộc là sự hội tụ và kết tinh những giá trị đặc sắc, ưu tú nhất của dân tộc. Những giá trị tinh hoa chắt lọc từ truyền thống làm nên bản sắc, nhờ đó, lịch sử dân tộc chính là lịch sử văn hóa của dân tộc ấy, đặc biệt là văn hóa tinh thần. Nội lực phát triển dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tùy thuộc một phần lớn vào bản sắc văn hoá. Suy đến cùng, văn hóa vừa hiện hữu vừa tiềm tàng sức mạnh của một dân tộc, vừa tỏ rõ cội nguồn lịch sử - truyền thống vừa biểu hiện trình độ phát triển trong thực tại cũng như tiềm năng tinh thần của dân tộc. Văn hóa thực sự là một chỉ báo tổng hợp cho thấy sức sống, xu hướng và triển vọng của dân tộc.

Phát triển bền vững của một đất nước, một dân tộc phải là sự phát triển cân đối, hài hòa các lĩnh vực: kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa và môi trường. Thực chất sâu xa của phát triển bền vững là phát triển bền vững con người, bảo đảm an sinh, an ninh và an toàn cho cuộc sống của con người, từ cá nhân đến toàn thể cộng đồng.

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh nhận ra rằng, văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Xã hội XHCN là một xã hội văn hóa cao. Muốn xây dựng CNXH trước hết phải có con người XHCN. Thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công. Đó là động lực, là bí quyết của phát triển. Đem văn hóa mà chữa thói phù hoa, xa xỉ, quan liêu, tham nhũng. Người còn nhấn mạnh, chính trị nghĩ rộng ra cũng là văn hóa và văn hóa nghĩ sâu xa cũng là chính trị.

Một trong những quan điểm cơ bản thể hiện đậm nét mối quan hệ giữa văn hóa và con người được Đảng ta xác định là: phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Có thể nói, con người là giá trị của mọi giá trị văn hóa. Sự phát triển, hoàn thiện nhân cách con người là mục đích, mục tiêu cao nhất mà xây dựng và phát triển văn hóa phải đạt tới. Toàn bộ nền văn hóa cũng như từng phương diện hợp thành văn hóa, từ nội dung đến loại hình văn hóa đều hướng vào mục đích, mục tiêu đó: xây dựng con người, phát triển con người, hoàn thiện nhân cách.

Công nghiệp văn hóa (CNVH) được nhận thức về lý luận và giải quyết trong thực tiễn cũng theo định hướng đó, đó là định hướng nhân văn, định hướng phát triển vì con người, cho con người.

Ở nước ta, CNVH là một vấn đề mới không chỉ trong lý luận văn hóa mà còn trong lý luận quản lý kinh tế, trong phát triển kinh tế và văn hóa.

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đề cập rõ ràng về CNVH, xác định phát triển CNVH là một trong 5 mục tiêu cụ thể của xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những thập kỷ tới “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết đã xác định “phát triển CNVH đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa” như một trong 6  nhiệm vụ được triển khai, trong đó nêu rõ mục đích phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; Đảng chủ trương khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Muốn vậy phải có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.

Để phát triển CNVH, Nghị quyết cũng chỉ rõ, cần phải đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và CNVH.

Đây là cơ sở để nhận thức về CNVH trong quan hệ với văn hóa, với phát triển bền vững, phục vụ trực tiếp mục đích phát triển đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Có thể nói, CNVH là một ngành sản xuất công nghiệp đặc thù, vì ở đó, sản phẩm được tạo ra là văn hóa và tạo ra những sản phẩm văn hóa bằng phương thức công nghiệp.

Do đó, CNVH vừa thuộc phạm trù kinh tế vừa thuộc phạm trù văn hóa. Đó là tác động của mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa và giữa văn hóa với kinh tế. Các sản phẩm của CNVH dưới dạng hàng hóa, vật thể vừa là văn hóa vật chất vừa là văn hóa tinh thần, phục vụ nhu cầu thưởng thức, cảm thụ, tiêu dùng văn hóa của con người, những nhu cầu và thị hiếu cảm thụ tiêu dùng hết sức đa dạng, lại nhiều mức độ và cung bậc khác nhau.

CNVH vừa thể hiện chức năng kinh tế, đem lại lợi ích, lợi nhuận trong sản xuất - kinh doanh, vừa phải bảo đảm chức năng văn hóa, giáo dục nhận thức, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ lại vừa nhằm giáo dục đạo đức, rèn luyện nhân cách, thực hành lối sống. Tiêu dùng sản phẩm văn hóa do chế tạo ra, vừa nhằm đáp ứng và kích thích nhu cầu văn hóa, xây dựng lối sống văn hóa, xã hội văn minh vừa góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước, nhất là trong hội nhập kinh tế và văn hóa.

2. Phát triển công nghiệp văn hóa theo định hướng phát triển bền vững đất nước - Vấn đề và giải pháp

Đặt vấn đề phát triển CNVH với tính cách vừa là một mục tiêu cụ thể vừa là một nhiệm vụ được tổ chức triển khai trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cần phải nhận rõ những nhân tố tác động với cả hai mặt thuận lợi và khó khăn, thể hiện trong các mối quan hệ sau đây:

- Phát triển CNVH trong mối quan hệ với đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đây là mặt thuận. Bản thân quá trình CNH, HĐH còn là một quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường, chuẩn bị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên kinh tế tri thức.

Để hội nhập kinh tế quốc tế có kết quả, nền kinh tế thị trường mà chúng ta xây dựng và phát triển phải là nền kinh tế thị trường hiện đại dựa trên sức mạnh của khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến mà ta phải tiếp thu, vận dụng, làm tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao tiềm lực quốc gia và năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng. Lại phải gắn liền mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển xã hội, phát triển xã hội hướng vào mục đích phục vụ cuộc sống của con người.

Trong những biến đổi xã hội do tác động từ biến đổi kinh tế, rõ nhất là biến đổi về các quan hệ xã hội (phân hóa, phân tầng xã hội), cơ cấu xã hội, các vấn đề xã hội. Xu hướng trung lưu hóa xã hội ngày càng rõ, nhu cầu, mức sống tăng lên, nhất là ở đô thị, trong giới doanh nhân, trí thức và thế hệ trẻ. Nông thôn cũng biến đổi theo xu hướng đô thị hóa đồng thời cũng có cả một bộ phận rơi vào đói nghèo, bần cùng, rủi ro và thua thiệt trong phát triển. Giải quyết yêu cầu công bằng xã hội, nhất là thực hiện công bằng, bình đẳng về cơ hội phát triển đòi hỏi phải gắn liền chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội. CNVH có vai trò, tác dụng không hề nhỏ trong việc đáp ứng yêu cầu đó.

Ngoài ra, CNH, HĐH còn là một quá trình kinh tế - văn hóa. Đây là chỗ gặp gỡ tất yếu tự nhiên giữa phát triển CNVH với đẩy mạnh công nghiệp hóa. Một nước công nghiệp được đo bằng một hệ tiêu chí bao gồm các chỉ số phát triển, trong đó có chỉ số phát triển CNVH.

Hơn nữa, xu thế chung của thế giới là ngày càng chú trọng vào chỉ số này, mức độ đầu tư cho phát triển CNVH ngày càng tăng. Đóng góp vào thu nhập quốc dân từ ngành CNVH ngày càng có tỷ trọng lớn.

Nước ta lại có không ít lợi thế để phát triển CNVH trên một số lĩnh vực, tuy lợi thế này còn ở dạng tiềm năng, cần có đầu tư lớn, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là ngành công nghiệp du lịch, phát triển các dịch vụ văn hóa du lịch.

Tuy nhiên, mặt khó khăn trở ngại trên con đường phát triển CNVH cũng không ít, với những hạn chế trong nhận thức, kể cả trong tư duy lãnh đạo, quản lý, trong tâm lý lối sống, những bất cập trong năng lực quản lý, tính thiếu đồng bộ giữa thể chế - chính sách - cơ chế quản lý - nguồn lực và phương thức phân bổ nguồn lực cho phát triển (ngành, nghề, vùng, miền…). Do CNVH còn là điều mới lạ, chẳng những ta không có kinh nghiệm, mà còn thiếu rất nhiều điều kiện cho CNVH phát triển từ môi trường văn hóa, thị trường văn hóa, thể chế và thiết chế văn hóa, nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa và CNVH. Hợp tác quốc tế để phát triển CNVH ở Việt Nam càng là một vấn đề mới, do chúng ta chậm đổi mới nhận thức, chậm tìm tòi phương thức và cơ chế hợp tác.

Có nhận rõ trên cả hai mặt thuận và nghịch đó mới có thể tìm tòi các giải pháp chủ động, tích cực, nhất quán, có tính thiết thực và hiệu quả để triển khai mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CNVH phù hợp với tổng thể chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ đối với lĩnh vực quan trọng này.

Do đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh giáo dục nhận thức về CNVH, không chỉ trong doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - dịch vụ văn hóa mà trước hết cần năng động hóa nhận thức về CNVH đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý. Trên diện rộng, cần đem lại cho xã hội, dư luận xã hội, nhận thức của cộng đồng dân cư những hiểu biết đúng, lành mạnh về CNVH.

Phải đặc biệt chú trọng giáo dục giá trị, giáo dục lối sống tích cực, lành mạnh, đề cao đạo đức xã hội khi sản xuất, tiêu dùng, quảng bá các sản phẩm CNVH, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, phát triển công nghệ thông tin và hình thành xã hội thông tin.

- Cùng với xây dựng môi trường văn hóa hay xây dựng và phát triển văn hóa nói chung, phải tạo ra môi trường kinh tế - xã hội có chuẩn mực văn hóa để phát triển CNVH, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm CNVH ra nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao tiềm lực, thực lực kinh tế của quốc gia.

- Tạo lập thị trường văn hóa, hướng vào những loại hình sản phẩm CNVH mà nước ta có thế mạnh hoặc có xu hướng phát triển, có tiềm năng phát triển. Đó là các ngành nghề, sản phẩm mũi nhọn, vừa có thể tăng hiệu quả kinh tế vừa phát triển được các giá trị văn hóa dân tộc như công nghiệp du lịch, công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, biểu diễn, các nghệ thuật truyền thống, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn học nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam cần được phát triển và quảng bá rộng rãi ra bên ngoài (khu vực và thế giới). Muốn vậy phải sớm có chiến lược phát triển, phát huy, bảo tồn với đầu tư lớn, có trọng điểm. Phát triển thị trường văn hóa là một mắt khâu then chốt để phát triển CNVH, đồng thời cũng là nhân tố góp phần hoàn thiện cơ cấu nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

- Đổi mới và hoàn thiện thể chế văn hóa, thể chế phát triển CNVH, đặc biệt là hệ thống luật và chính sách, vừa tạo khung khổ pháp lý cho phát triển CNVH vừa nâng cao tác dụng, hiệu lực của các công cụ quản lý nhà nước đối với văn hóa và CNVH.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa và nguồn nhân lực cho phát triển CNVH đi liền với cơ chế, chính sách khuyến khích tài năng sáng tạo, cả chuyên gia, nhà quản lý, cả đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong các ngành CNVH, nhất là ở các thành phố lớn, các trung tâm đô thị có lợi thế phát triển.

- Chú trọng học tập kinh nghiệm của các nước và tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển CNVH.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

GS,TS Hoàng Chí Bảo

Hội đồng Lý luận Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền