Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh và giá trị định hướng trong giai đoạn hiện nay
Thứ ba, 14 Tháng 6 2016 15:09
2578 Lượt xem

Dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh và giá trị định hướng trong giai đoạn hiện nay

(LLCT) - Một trong những phẩm chất cơ bản của một lãnh tụ, một nhà tư tưởng kiệt xuất là phải có nhãn quan chính trị sâu rộng, hiểu được quy luật vận động của lịch sử, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, dự kiến được các bước phát triển của dân tộc, nhờ đó có thể đưa đất nước vượt qua những thách thức của lịch sử. Hồ Chí Minh với tư duy độc lập và sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đã đưa ra những dự báo chiến lược thiên tài về cách mạng Việt Nam trong những thời điểm lịch sử quan trọng.

Khả năng dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh không phải là một năng lực siêu phàm, huyền bí, mà là kết quả của quá trình tích lũy thông tin, phân tích sự kiện trong nước và thế giới, tổng kết lịch sử và thực tiễn, khái quát quy luật vận động của hiện thực, rồi vận dụng để phán đoán diễn biến, xu hướng phát triển. Cơ sở khoa học của những dự báo này là nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, văn hóa dân tộc và vốn kiến thức uyên thâm về lịch sử cũng nhưthực tiễn hoạt động cách mạng của Ngườivà lòng yêu nước cháy bỏng. Tổng Bí thư Trường Chinh lý giải: “Thế giới quan chủ nghĩa Mác - Lênin và những kinh nghiệm đấu tranh lâu năm làm cho Người có thể dự đoán trước thời cuộc, mau lẹ nhận ra những bước ngoặt của lịch sử và đề ra những khẩu hiệu thích hợp nhằm xoay chuyển tình hình”(1).

Trong hai cuộc kháng chiến, việc dự đoán chính xác tình hình giúp Đảng ta, đề ra chiến lược, chiến thuật đúng đắn, giành thế chủ động, tạo nên chiến thắng vang dội.

1. Những dự báo thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), Hồ Chí Minh đã dự báo rằng đế quốc Mỹ sẽ xâm lược Việt Nam.

Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ. Thời điểm này, mấy ai có thể ngờ rằng đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, lại có thể thay chân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hạ tuần tháng 5, trở về căn cứ địa, bắt tay chúc mừng “tướng quân tại ngoại” trở về, Bác nói: Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ”(2).

Lịch sử đã diễn ra đúng như sự dự báo của Người(3). Đế quốc Mỹ đem quân xâm lược Việt Nam và ngày càng leo thang trong cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ngày 17-7-1966, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(4). “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, siết chặt đội ngũ để bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cũng là lời dự báo về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Hồ Chí Minh dự báo về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi và thắng lợi vào khoảng năm 1975.

Năm 1960, trong Diễn văn bế mạc lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có đoạn viết: “Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”(5). Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã kể lại rằng: “Trong bản thảo diễn văn nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 15 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 - 9 - 1960, Người viết: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Người gạch dưới trong bản thảo các chữ chậm lắm là 15 năm nữa. 15 năm sau, mùa Xuân 1975, với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, giang sơn thu về một mối đúng như dự báo thiên tài của Người.

Trong tài liệu Tuyệt đối bí mật (15-5-1965), Hồ Chí Minh viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹcó thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(6).

Đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo rằng đế quốc Mỹ sẽ đem B 52 đánh phá Hà Nội và sẽ chịu thua trên bầu trời Hà Nội.

Đầu năm 1968, Bác Hồ cho gọi đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng; đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân  lên hỏi tình hình. Bác căn dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B 52 ra đánh Hà Nội, rồi thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị... Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(7).

Lời dự báo và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những vấn đề quan trọng: đế quốc Mỹ sẽ sử dụng máy bay chiến lược B 52 để đánh phá huỷ diệt, răn đe; khu vực đánh phá trọng tâm là Thủ đô Hà Nội; thời điểm đưa B.52 đánh phá huỷ diệt vào giai đoạn cuối chiến tranh hòng cứu vãn tình thế. “Đó là hành động tuyệt vọng của chúng, khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng”(8).

Năm năm sau, năm 1972, ta “thắng trận Điện Biên Phủ trên không” và sau đó Mỹ mới chịu ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

2. Ý nghĩa và giá trị của những dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Có thể nói, việc nghiên cứu, tìm hiểu những dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đặc biệt là đối với nghiên cứu Hồ Chí Minh học nói chung và công tác dự báo chiến lược nói riêng. Qua đó, góp phần đấu tranh phê phán một số quan điểm cho rằng những dự báo đó là không có căn cứ, chỉ là lời động viên “thuần túy” của các nhà lãnh tụ, là “khẩu hiệu tuyên truyền” trong nhân dân trước cuộc chiến “không cân sức”, “không biết ngày nào ra”... nếu có thắng lợi cũng chỉ là “ăn may”.

Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan, song trực tiếp và quyết định nhất là nguyên nhân chủ quan: “Cuối nhiệm kỳ khóa X, kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng, song một số khó khăn, hạn chế và những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã bộc lộ, nhưng do chưa đánh giá và dự báo đầy đủ, nên Đại hội XI đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa giải đáp được kịp thời một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới. ... Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp”(9). Do đó, để làm tốt công tác dự báo, thiết nghĩ cần nghiên cứu kỹ những dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng Việt Nam để rút ra giá trị lý luận và thực tiễn, định hướng công tác dự báo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Thứ nhất, nghiên cứu những dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh gợi mở những cách tiếp cận có tính chất phương pháp luận đối với công tác dự báo của Đảng ta hiện nay. Đó là phải tiến hành nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dự báo khoa học. Trong quá trình dự báo chiến lược, phải xem xét, đánh giá sự biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước một cách cụ thể, khách quan và toàn diện; bên cạnh đó phải làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; có tầm nhìn tổng thể(10) và dựa vào công tác nghiên cứu khoa học, phân tích chiến lược của từng bộ, ngành, lĩnh vực để có kế hoạch tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, nhanh nhạy với cái mới, ý thức tổ chức kỷ luật, bản lĩnh và trí tuệ, trình độ và năng lực đạt chuẩn quốc tế.

Thứ hai, ý nghĩa đối với việc rèn luyện phương pháp tư duy chiến lược của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đổi mới nhận thức và tư duy, biết vượt qua chính mình để nhận thức được sự tụt hậu của đất nước trong so sánh với khu vực và quốc tế, để đưa đất nước phát triển, bắt kịp với các nước tiên tiến như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới, thì việc gì chúng ta cũng làm được”(11). Do đó, yêu cầu đối với cán bộ làm công tác dự báo khoa học là phải kiên trì học tập, không ngừng nâng cao vốn văn hóa, vốn lý luận, vốn tri thức khoa học chuyên sâu thuộc lĩnh vực chuyên ngành tham mưu, dự báo chiến lược; luôn luôn chú trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung, điều chỉnh nhận thức; cần có tinh thần cầu thị, tư duy tích cực, tôn trọng các ý kiến khác biệt, rèn luyện phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển khi nhìn nhận sự vật, hiện tượng.

Thứ ba, cung cấp luận cứ để xây dựng kế hoạch dự báo cho những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, công tác dự báo chiến lược có một vai trò rất quan trọng để tham mưu cho Đảng hoạch định đường lối, chủ trương, tổ chức lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới. Trong điều kiện biến động phức tạp và mau lẹ của tình hình thế giới đương đại và những thay đổi trong nước trước xu thế khoa học công nghệ phát triển như vũ bão cần tăng cường công tác dự báo chiến lược để chủ động, không bị bất ngờ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

______________

(1) Trường Chinh:  Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội 1991, tr. 6.

(2) Trần Trọng Trung: Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 819.

(3) Điều này gợi cho chúng ta nhớ lại cũng về một con số, đó là cuối tác phẩm Lịch sử nước ta mà Hồ Chí Minh biên soạn năm 1942, Người dự báo: 1945 - Việt Nam độc lập. Khi đưa đi in, một số đồng chí băn khoăn hỏi lại thì được Người khẳng định: "Được rồi, cứ thế in". Tháng 5-1945, phát-xít Đức đầu hàng, Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật đầu hàng vô điều kiện. Chớp thời cơ đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi; Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể dân tộc Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

(4) (6) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011,  tr. 131, 612, 131

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 667.

(7) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.506 - 507.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 62-63.

(10) Nên chăng Việt Nam có một Viện nghiên cứu chiến lược cấp quốc gia, như các mô hình Think Tank của Mỹ.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 70.

 

TS Lê Thị Thu Hồng

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền