Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật về an ninh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Thứ tư, 22 Tháng 6 2016 16:11
2433 Lượt xem

Tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật về an ninh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

(LLCT) - An ninh quốc gia (ANQG) là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. An ninh quốc gia bao gồm an ninh trên các lĩnh vực : chính trị, kinh tế, tư tưởng - văn hoá, xã hội, quốc phòng, đối ngoại... trong đó an ninh chính trị là cốt lõi, xuyên suốt.

(Dân quân tự vệ tập luyện, nguồn: internet)

Bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên nhằmphòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, những hành vi xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đại hội XII của Đảng xác định một trong những mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định, là “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc,..”,  “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái”(1). Một trong những phương hướng, giải pháp trong 5 năm tới (2016-2020) là “Đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”(2). Như vậy, Đại hội XII đã xác định tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ và trách nhiệm là một trong những nội dung quan trọng của công tác an ninh, quốc phòng.  

Thực tiễn sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, đang đặt ra những yêu cầu mới, trước những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức:

Về kinh tế, thách thức lớn nhất là vấn đề cạnh tranh quốc tế. Nếu sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước thấp, chúng ta sẽ bị thua thiệt trong “cuộc chơi”, thậm chí ngay tại sân nhà, nước ta dễ bị biến thành “bãi rác” công nghệ lạc hậu; điều đó tác động tiêu cực phát triển bền vững.

Về văn hoá-xã hội, cùng với hội nhập quốc tế là sự du nhập các lối sống, những giá trị văn hoá, cả lành mạnh và không lành mạnh, thực tế và thực dụng; mặt trái của toàn cầu hoá kinh tế cũng làm xuất hiện và làm sâu sắc những vấn đề xã hội, như nạn thất nghiệp, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn, tiêu cực, tội phạm xuyên biên giới, an ninh phi truyền thống, môi trường suy thoái,...

Về quốc phòng-an ninh, đó là mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế với yêu cầu tăng cường tiềm lực QP-AN, là việc lợi dụng mở cửa, hợp tác, đầu tư... để xâm hại quốc phòng - an ninh; móc nối, cài cắm, gây dựng lực lượng chống đối; tiến hành truyền đạo trái pháp luật; tuyên truyền, xuyên tạc chống phá chế độ, Nhà nước ta. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch lợi dụng cái gọi là bảo vệ “dân chủ', "nhân quyền", “tôn giáo” để mua chuộc, xúi giục, kích động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, tạo cớ tiến hành bạo loạn lật đổ kết hợp với can thiệp vũ trang khi có điều kiện...

Những nguy cơ, thách thức đến an ninh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, quốc phòng... nêu trên, nếu không được dự báo, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không những tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây tác hại khó lường đến an ninh quốc gia, đến sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta.

Quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia là, đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, không phải là công việc riêng của bất kỳ một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, mà đó là sự nghiệp của toàn dân. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc giáo dục, phổ biến pháp luật về an ninh quốc gia cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là một nội dung quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời gian qua, công tác giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục, phổ biến pháp luật về ANQG đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục, phổ biến pháp luật về ANQG đang bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm dẫn đến hiệu quả giáo dục chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu lực pháp luật trong đời sống xã hội. Điều đó thể hiện ở trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân về ANQG, bảo vệ ANQG còn hạn chế. Nhiều người dân, trong đó có cả cán bộ, công chức thường chưa nhận thức những mối nguy hiểm đến ANQG, hay nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bảo vệ ANQG. Họ rất dễ bị cuốn theo những hành vi xâm hại đến ANQG mà thực sự họ không biết, hoặc không lường hết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là, hiện nay, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và về ANQG nói riêng có lúc vẫn còn mang tính thời sự, nặng về phong trào. Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả chưa được triển khai nhiều trên thực tế, như tổ chức các phiên toà xét xử lưu động kết hợp với phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đại vẫn chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Lực lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là ở cơ sở chưa đồng đều, còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tác nghiệp còn hạn chế.

Trước những yêu cầu phổ biến, tuyên truyền pháp luật về an ninh quốc gia trong quá trình nhập quốc tế, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phổ biến pháp luật về ANQG cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền đối với giáo dục, phổ biến pháp luật về ANQG

Quan tâm các hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật về ANQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Trước hết, các cấp ủy Đảng cần quán triệt quan điểm của Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Từ đó có được nhận thức đúng và những bước đi, triển khai phù hợp.

Các cấp ủy phải thường xuyên tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật trên địa bàn cấp mình và phải luôn xác định vai trò gương mẫu của các đảng viên và vai trò tiên phong của họ trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục pháp luật, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình giáo dục pháp luật.  Bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thì sự tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng.

Trong đó, phải hết sức chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội; bởi họ là những người tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách và trực tiếp tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong phạm vi trách nhiệm được giao

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác giáo dục, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về ANQG nói riêng

Đây là đội ngũ có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục pháp luật. Do vậy, cần tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp và định hướng nội dung giáo dục pháp luật thường xuyên cho đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật (chú ý cung cấp kiến thức, cần bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng giáo dục pháp luật, giúp họ không chỉ có kiến thức vững mà còn có khả năng thu hút người nghe và truyền đạt hiệu quả nội dung pháp luật).

3. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật

Công tác giáo dục phải tiến hành thường xuyên, toàn diện, kết hợp nhiều nội dung, hình thức, phương pháp, nhưng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ, chức trách được giao. Cần đổi mới nội dung giáo dục, phổ biến pháp luật về ANQG theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở nội dung giáo dục pháp luật đã được cung cấp, các báo cáo viên biên soạn lại cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng đối tượng. Định kỳ có tiến hành sơ kết, đánh giá để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định nội dung giáo dục, phổ biến phấp luật về ANQG tiếp theo

Cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật, không chỉ thông qua buổi lên lớp mà bằng những cách thức như tọa đàm, buổi nói chuyện, hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát, tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông qua các phiên toà xét xử công khai, lưu động... Cần xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các hoạt cảnh trên phát thanh hoặc truyền hình, xây dựng trang web riêng về công tác giáo dục pháp luật để người dân có thể cập nhật thông tin, trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống pháp luật…

Ngoài ra, cần lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Xây dựng và phát huy phương châm mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong cộng đồng. Chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức thi tìm hiểu pháp luật. Đối với hình thức giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp luật cần mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ tư vấn tại trụ sở mà còn đến các làng, xã, bản, tư vấn lưu động hoặc thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý

4. Nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học, cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và hình thức ngoại khóa pháp luật.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, phổ biến pháp luật, cần phải làm tốt hoạt động dạy học pháp luật trong các trường học. Tuy vậy, hiện nay, chất lượng dạy và học pháp luật trong các nhà trường nói chung vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế. Đặc biệt giáo dục pháp luật về ANQG vẫn còn bị coi là to lớn, vượt tầm, và chưa cần thiết.  Luật Phổ biến giáo dục năm 2012 có khẳng định Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.Luật An ninh quốc gia cũng đã quy định: Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục bảo vệ an ninh quốc gia vào chương trình dạy học trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với ngành học, cấp học. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và hình thức ngoại khóa phù hợp; kịp thời cập nhật những vụ việc nóng trong xã hội,… để chất lượng dạy và học pháp luật được nâng cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

5. Nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân các cấp

Trước hết, cần phải nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án; từng bước giảm và hạn chế tối đa các bản án oan sai. Đặc biệt là những bản án có sự thu hút đối với dư luận xã hội và những bản án liên quan đến ANQG . Đồng thời, đối với những vụ án kể trên, hoàn toàn có thể xét xử lưu động, xét xử công khai, tường thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền hình… nhằm tăng tính tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Qua đó tạo được niềm tin của nhân dân đối với hoạt động xét xử, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật nói chung và về ANQG nói riêng.

6.Tăng cường công tác giáo dục pháp luật không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân.

Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn dân, nhất là của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương đối với nhiệm vụ bảo đảm ANQG trong tình hình mới. Bảo vệ ANQG là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng, Nhà nước lãnh đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện. Vì vậy, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động quần chúng tích cực tham gia sự nghiệp bảo vệ ANQG là một nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Công tác giáo dục phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và trong hành động của mọi tầng lớp nhân dân về mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thuận lợi, khó khăn đối với sự nghiệp bảo vệ ANQG; nhận thức rõ về những thách thức, nguy cơ đe dọa đến ANQG, về đối tượng, đối tác để chủ động hợp tác và đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các mưu toan thông qua hội nhập kinh tế để thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phát huy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết thống nhất dưới ngọn cờ của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc ANQG, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo  định hướng XHCN.

________________                                           

(1), (2)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trưng ương Đảng, Hà Nội, 2016. tr. 3, 312.

ThS Trương Thanh Hà

                                   Phó Trưởng Công an quận Hải An, Thành phố Hải Phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền