Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bản lĩnh chính trị của cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị trước yêu cầu mới
Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 15:34
3282 Lượt xem

Bản lĩnh chính trị của cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị trước yêu cầu mới

(LLCT) - Công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt có khả năng tổ chức lực lượng, tạo ra sức mạnh vật chất nhằm hiện thực hóa ý chí của Đảng, của dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đội ngũ cán bộ phải có năng lực trí tuệ, có ý chí, nghị lực vượt qua không chỉ sự chống phá của các thế lực thù địch, mà còn phải khắc phục những hạn chế, trở ngại xã hội, kể cả sức ỳ của những lạc hậu và cản trở của bản thân về nhận thức, tư duy, kể cả chủ trương, quan điểm và cơ chế lỗi thời. Đó là những cán bộ có bản lĩnh chính trị.

1. Bản lĩnh là một bản chất sống có tính tổng hợp của con người xã hội, thể hiện ở tính kiên định và khả năng quyết định một cách độc lập thái độ, hành vi (hành động) của chủ thể (người); không vì tác động, áp lực bên ngoài làm thay đổi quan điểm, chí hướng của mình; bằng ý chí và với năng lực của chính mình, quyết tâm thực hiện mục đích của tổ chức, của xã hội.

Rõ ràng, bản lĩnh không chỉ thể hiện ở một số yếu tố riêng biệt nào đó trong phẩm chất người mà là một chỉnh thể tổng hòa tất cả các yếu tố của một con người năng động - sáng tạo - hiệu quả, mà nổi trội nhất là sự cứng rắn, tính kiên định, độc lập khẳng định quan điểm, quyết định của chính mình. Các yếu tố hợp thành cơ bản nhất của bản lĩnh đó là: khí chất, phẩm chất, năng lực.

Khí chấtlà nền tảng bản chất sinh lý - tâm lý của con người - nó xây dựng nên mặt vật chất của cấu trúc bản lĩnh. Sinh lý - tâm lý của một con người là cái quy định khí chất. Khí chất mạnh mẽ, cứng rắn, kiên quyết -  cái tạo cơ sở cho ý chí quyết tâm, không nghiêng ngả trước những tác động của ngoại cảnh, những xáo trộn của thời cuộc, trước những thách thức của đời sống. Tất nhiên, khí chất mạnh mẽ không chỉ có ở những cá nhân sôi nổi, mà nó tồn tại ngay ở những cá nhân có khí chất trầm; tính kiên định và ý chí quyết tâm không chỉ thể hiện mạnh mẽ ra bên ngoài, mà cả ở người trầm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng chứa đầy “chất thép” ở bên trong...

Phẩm chấtđược hình thành cơ bản trên nền tảng của khí chất, nhưng do điều kiện chính trị- xã hội quyết định và phát triển. Khí chất cứng rắn, kiên quyết, kiên định được nuôi dưỡng trong môi trường chính trị - xã hội - văn hóa tốt sẽ làm nở rộ các phẩm chất tốt đẹp ở con người. Phẩm chất con người là những yếu tố có giá trị xã hội, do các yếu tố dân tộc - quốc gia - giai cấp quy định. Đây là những phẩm chất người mà chủ thể đáp ứng tốt các yêu cầu chính trị - xã hội đề ra. Phẩm chất con người trong xã hội là sống theo các quy định xã hội như phong tục, tập quán, pháp luật, các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của cộng đồng, giai cấp, dân tộc. Nhưng phẩm chất con người còn thể hiện cụ thể ở việc thực hiện tốt nghĩa vụ xã hội, yêu cầu công tác của tập thể, cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội. Phẩm chất biểu hiện cao và đầy đủ ở nhân cách - thực hiện mục tiêu của sự phát triển xã hội theo lý tưởng xã hội - chính trị, lý tưởng của một tổ chức, một đảng mà mình theo đuổi, phấn đấu vươn tới.

Phẩm chất là nền tảng cơ bản của bản lĩnh. Nhưng đặc trưng nổi bật của bản lĩnh là năng lực- khả năng mỗi chủ thể có thể nhìn nhận, đánh giá để độc lập kiên định quan điểm, chủ kiến của mình, hy sinh, phấn đấu nhằm đáp ứng tốt yêu cầu xã hội - chính trị và thực hiện tốt mục tiêu, lý tưởng của mình - tập thể -
tổ chức.

Trong một chủ thể người mà thiếu các yếu tố, thiếu sự kết hợp, sự thống nhất, sự hài hòa giữa khí chất, phẩm chất và năng lực thì không thể nói tới chủ thể người có bản lĩnh. Một người có đủ phẩm chất nhưng thiếu năng lực thì không thể có được những quyết định sáng suốt, đúng đắn; khi đó ý chí quyết tâm (hay bản lĩnh) sẽ dẫn tới hành vi sai lầm, có hại cho tổ chức. Có phẩm chất tốt, có năng lực cao, nhưng khí chất tầm thường thì không thể quyết đoán, không dám bảo vệ cái đúng, loại bỏ cái sai, không dám chịu trách nhiệm trước một quyết định nào đó.

Khái niệm bản lĩnh với các chiều cạnh và nội hàm cơ bản phong phú như trên, rõ ràng không chỉ chứa đựng những nội hàm của khí chất, phẩm chất, năng lực một cách chung chung, trừu tượng, mà bao giờ cũng là bản lĩnh của một con người, một cá nhân cụ thể trong một cộng đồng, một xã hội; một thành viên trong tổ chức của một đảng chính trị; người công dân, công chức, cán bộ của nhà nước. Bản lĩnh như vậy cũng được thể hiện ở một tập thể, một tổ chức, một đảng chính trị.

Khi đứng trong một tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, thực hiện một mục tiêu chung của tổ chức, thì một cá nhân với cương vị của mình trở thành một chủ thể chính trị tích cực. Sự lựa chọn mục tiêu sống, hoạt động theo lý tưởng của đảng, hệ tư tưởng của một giai cấp của chủ thể chính trị đó, là nhằm đem lại lợi ích cho đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Điều đó đã thể hiện bản lĩnh của một chủ thể chính trị - một cán bộ của tổ chức chính trị - đảng chính trị.

2. Mỗi tổ chức chính trị - mỗi đảng chính trị đều có tôn chỉ, mục đích, lý tưởng. Vấn đề là đảng đó đấu tranh cho mục đích nào? Cho riêng đảng mình hay cho lợi ích giai cấp, dân tộc? Đây là điều quy định tổ chức của đảng - nó được biểu hiện thành hệ thống chính trị. Nếu mục tiêu của đảng là đấu tranh, phấn đấu cho lợi ích giai cấp, dân tộc, nhân dân mình thì hệ thống chính trị của đảng đó sẽ phải có các yếu tố cấu thành, các thiết chế hoạt động và cơ chế vận hành phù hợp và đạt mục tiêu chung của đảng và của nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân - giai cấp tiên phong trong phong trào đấu tranh xóa bỏ bóc lột, giải phóng xã hội và giải phóng con người, xây dựng một xã hội mà ở đó, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” - xã hội giàu mạnh, văn minh, con người hạnh phúc - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện lợi ích của dân tộc, của nhân dân, phấn đấu hy sinh cho mục đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mục đích đó của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định hệ thống chính trị của Đảng: Đảng - Nhà nước - các tổ chức chính trị - xã hội. Hệ thống chính trị đó từ trong cơ cấu của nó đã nói lên bản chất XHCN - hệ thống chính trị của nhân dân và phục vụ nhân dân. Đảng là người lãnh đạo hệ thống chính trị nhưng cũng là một bộ phận tạo nên hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện mục tiêu chính trị của toàn thể nhân dân. Nhà nước là nơi tập trung quyền lực của nhân dân - Nhà nước quản lý, điều hành chính sự, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu chính trị quốc gia. Nhân dân lao động làm chủ mọi công việc, mọi quá trình thực thi chính trị.

Đặc trưng của hệ thống chính trị của Việt Nam quy định phẩm chất và năng lực, đòi hỏi khí chất chủ động, tích cực, sáng tạo, kiên định... thể hiện bản lĩnh của người cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội).

3. Từ bản chất của Đảng, mục đích của Đảng và Nhà nước mà đội ngũ cán bộ chủ chốt cần có những khí chất, phẩm chất và năng lực tương ứng, được tổ chức và sử dụng một cách thích hợp và hiệu quả, phát huy cao nhất bản lĩnh chính trị của họ, đáp ứng tốt nhất mục tiêu chính trị của Đảng, Nhà nước.

Cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước là những người nắm các vị trí chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; đó cũng là những người nắm các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các bộ, ban, ngành... Đội ngũ cán bộ này quyết định sự thành bại trong thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị. Cho nên, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt có tính quyết định vận mệnh của hệ thống chính trị, của nền chính trị, tương lai đất nước và dân tộc.

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt được quy định ở khí chất. Nếu nhìn từ phương diện mỗi cá nhân thì khí chất cá nhân là nền tảng quy định khuynh hướng và khả năng phát triển trong tương lai của cá nhân. Còn với tư cách một đội ngũ cán bộ của một hệ thống chính trị thì khí chất này thực chất là bản chất của con người Việt Nam yêu nước, anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo, mang bản chất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Đây là khí chất nền tảng, quy định lập trường chính trị cộng sản chủ nghĩa, lập trường của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, trung thành với nhân dân, với CNXH, do đó trung thành với Đảng, với Nhà nước XHCN.

Những yếu tố thuộc về khí chất này là nền tảng cho bản lĩnh  chính trị của người cán bộ chủ chốt. Đảng và Nhà nước ta có một đội ngũ cán bộ chủ chốt vững mạnh, bảo đảm khí chất cách mạng, làm nên những thành tựu to lớn của Đảng và dân tộc, nhưng cũng có không ít người, khi đứng vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước thì bị thoái hóa, biến chất, biểu hiện ở sự dao động, nghi ngờ mục tiêu CNXH; không vượt qua được những cám dỗ của lợi ích cá nhân. Sự dao động về tư tưởng, mục tiêu chính trị ở những cán bộ chủ chốt là cực kỳ nguy hiểm, làm phương hại lớn đến việc thực hiện mục tiêu chính trị của đảng chính trị.

Phẩm chất đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt là yếu tố thứ hai bảo đảm bản lĩnh của họ. Phẩm chất trước hết biểu hiện ở sự bảo đảm các yêu cầu về con người với tư cách là chủ thể chính trị chủ chốt mẫu mực trong hệ thống chính trị. Tinh thần yêu nước, quan điểm vì dân, ý chí tất cả vì CNXH của đội ngũ cán bộ chủ chốt không chỉ biểu hiện ở tinh thần, thái độ, mà biểu hiện cụ thể bằng hành động. Điều đó thể hiện ở sự nhận thức sâu sắc sự kiên định mục tiêu CNXH, tinh thần quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Chỉ thấu hiểu đầy đủ bản chất và quy luật tất yếu của xã hội loài người là CNXH, từ đó nắm vững quy luật vận động và phát triển biện chứng của quá trình tiến lên CNXH mới có được cơ sở khoa học cho sự lựa chọn con đường và niềm tin tất thắng của CNXH.

Trước những khó khăn, thách thức của công cuộc xây dựng CNXH, người cán bộ chủ chốt phải thể hiện được bản lĩnh chính trị ở chỗ vẫn thấy được quy luật, mạch sống bên trong của dòng chảy xã hội loài người là CNXH, từ đó luôn kiên định lý tưởng và con đường XHCN, bằng tất cả niềm tin, ý chí và năng lực của mình, phấn đấu cho thành công của CNXH.

Không ít người lầm tưởng rằng, có bản lĩnh là có tất cả. Sự thực, nếu bản lĩnh hình thành trên tư tưởng sai lệch sẽ dẫn tới bản lĩnh sai lệch. Có phẩm chất chính trị đúng mới có bản lĩnh chính trị đúng. Không đủ phẩm chất chính trị hoặc quan điểm chính trị sai lệch tất yếu sẽ hình thành một bản lĩnh chính trị sai, dẫn tới suy nghĩ và hành động sai lầm.

Năng lực của người cán bộ là yếu tố quyết định bản lĩnh chính trị đúng của người cán bộ chủ chốt. Tin vào CNXH và chủ nghĩa cộng sản thì người cán bộ phải quyết tâm đi theo Đảng Cộng sản, thực hiện lý tưởng của Đảng, đem lại lợi ích cho dân tộc: vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều đó quy định bản lĩnh lãnh đạo cơ quan, tổ chức thực hiện mục tiêu chính trị. Bản lĩnh đó cũng thể hiện ở kết quả thực tế của việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu chính trị của Đảng, của Nhà nước. Sự lựa chọn lý tưởng và mục tiêu chính trị, niềm tin và hành động mà chỉ thuần tuý bằng tình cảm, tinh thần thì sẽ là duy ý chí. Duy ý chí không chỉ là không thực hiện được mục tiêu chính trị, mà nguy hiểm hơn, nó còn dẫn đến sai lầm, khủng hoảng kinh tế - xã hội, thậm chí khủng hoảng chính trị.

Biểu hiện và thước đo bản lĩnh chính trị của cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay là: biến quyết tâm thành hành động trong lãnh đạo chính trị trên cương vị chủ chốt bằng năng lực, tài năng và ý chí của mình; điều đó có nghĩa là, người cán bộ lãnh đạo thực hiện mục tiêu chính trị không chỉ bằng ý chí mà phải bằng khoa học và nghệ thuật chính trị.

Năng lực của cán bộ chính trị chủ chốt phải căn cứ vào vị trí của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nếu là cán bộ chủ chốt của Đảng, người cán bộ phải có hiểu biết đúng đắn, toàn diện và sâu sắc về chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng trong công cuộc xây dựng CNXH; phải có sự  hiểu biết sâu sắc về quy luật vận động và phát triển xã hội, về những yếu tố và điều kiện phát triển xã hội trên cơ sở các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội, từ đó mới có thể tự tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Niềm tin khoa học vào sự phát triển của CNXH sẽ củng cố và quyết định suy nghĩ và hành động của người cán bộ chủ chốt.

Thực tế, không ít cán bộ chủ chốt hiểu biết chưa thật đầy đủ, sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về tính chất, đặc điểm và những nội dung cơ bản của cách mạng Việt Nam; chưa nắm vững lý luận, các luận cứ khoa học để bác bỏ những luận điểm xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin của các thế lực thù địch.

Năng lực của người cán bộ chủ chốt trong cơ quan nhà nước biểu hiện ở nhà quản lý có trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, có trình độ khoa học quản lý cao.

Năng lực ở người cán bộ chính trị chủ chốt còn yêu cầu ở khoa học và nghệ thuật chính trị. Bản thân chính trị đã là một khoa học - nghệ thuật (Lênin). Chính trị cần đến khoa học và nghệ thuật thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Khoa học chính trị thể hiện từ sự lựa chọn mục tiêu chính trị cho đến tổ chức hệ thống chính trị, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn, từng khâu, từng lĩnh vực; khoa học chính trị thể hiện việc hình thành cơ chế vận hành của hệ thống chính trị; và cuối cùng là khoa học và nghệ thuật sử dụng các yếu tố, đặc biệt là con người để làm cho bộ máy (hệ thống chính trị) hoạt động hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh xã hội thông tin, kinh tế tri thức, trong yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của cách mạng Việt Nam hiện nay, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt phải không ngừng tìm tòi, khám phá, sáng tạo để vượt qua mọi cản trở trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng triết lý phát triển xã hội để đưa đất nước đi lên. Bản lĩnh chính trị của cán bộ chủ chốt trong yêu cầu đổi mới còn phải dũng cảm loại bỏ những cách nhìn, quan niệm lỗi thời, những cơ chế cản trở, dám đổi mới cơ chế trong kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tìm cách mở đường cho các lĩnh vực đó vận hành đúng quy luật khách quan, phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước đi lên.

Trong thời đại kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công cuộc xây dựng CNXH càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt có bản lĩnh chính trị cao. Cán bộ chủ chốt quyết định thành bại sự nghiệp cách mạng. Cho nên, không thể chấp nhận việc lựa chọn cán bộ chủ chốt, cơ cấu cán bộ chủ chốt một cách thiếu khoa học, bất chấp lý luận và thực tiễn, bỏ qua các yếu tố của bản lĩnh chính trị; thậm chí, tùy tiện, chủ quan theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đảng và Nhà nước phải chọn cho được những người thực sự có phẩm chất, năng lực chính trị, có chuyên môn và bản lĩnh chính trị cao để đưa vào đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị. Đồng thời với việc tuyển chọn và cơ cấu vào các chức vụ chủ chốt của Đảng và Nhà nước, phải gắn bó chặt chẽ và nhịp nhàng với việc kiện toàn, đào thải những người không đủ bản lĩnh chính trị ra khỏi hệ thống chính trị.

Thực hiện nghiêm túc nội dung nêu trên cũng chính là sự thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý chủ chốt cho tương lai của đất nước.

____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trji số 10-2015

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền