Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quán triệt quan điểm kinh tế trong Văn kiện Đại hội XII vào giảng dạy ở các trường chính trị
Thứ năm, 15 Tháng 9 2016 16:33
3225 Lượt xem

Quán triệt quan điểm kinh tế trong Văn kiện Đại hội XII vào giảng dạy ở các trường chính trị

(LLCT) - Đại hội XII của Đảng đề cập đến rất nhiều vấn đề mới trên các lĩnh vực, mở ra một thời kỳ mới trong tiếntrình phát triển đất nước. Trong đó,một số quan điểm mới về phát triển kinh tế trongvăn kiện Đại hội XII cần quán triệt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị tỉnh, thành trực thuộc Trung ương nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở, góp phần chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

 

1. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Đổi mới mô hình và cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn, quan trọng xuyên suốt từ Đại hội XI của Đảng. Đại hội XI đã xác định: một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ là “Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả, phát triển bền vững”(1). Về mô hình tăng trưởng, Đại hội XI chủ trương “chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả tính bền vững(2). Về cơ cấu lại nền kinh tế, Đại hội xác định “Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu các ngành sản xuất, dịch vụ, phù hợp với từng ngành”(3).

Tiếp tục chủ trương đó, Đại hội XII nhấn mạnh có những phát triển về định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Về mục tiêutăng trưởng, Đại hội XII chỉ rõ: “...Kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh”. Về mô hìnhtăng trưởng, Đại hội xác định: “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển, đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư xuất khẩu, và thị trường trong nước”(4).

Như vậy, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng trong Văn kiện Đại hội XII được hiểu là lấy năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế làm mục tiêu hàng đầu để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa gắn với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Đối với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng”(5). Với tinh thần đó, Đại hội xác địnhnhiệm vụ trọng tâmtrong 5 năm tới là: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ hiệu quả đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực”(6). Cụ thể là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh lại cơ cấu công nghiêp tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh các ngành dịch vụ...Đây là một quá trình liên tục, thường xuyên, vừa cấp bách trước mắt, vừa lâu dài; theo phương hướng cơ cấu kinh tế vừa khai thác lợi thế cạnh tranh hiện có, vừa tạo điều kiện để hình thành và xây dựng các lợi thế cạnh tranh trong tương lai ở một số ngành công nghệ cao, công nghiệp hiện đại, ngành dịch vụ có tiềm năng để đưa nền kinh tế của nước ta đạt trình độ phát triển cao hơn.

2. Về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa

Trên cơ sở tổng kết toàn diện 30 năm đổi mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(7). Đây là quan điểm khái quát, đầy đủ và rõ ràng nhất của Đảng ta về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từ khi đổi mới đến nay.

Vì vậy, trong giai đoạn phát triển mới cần phải thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường XHCN. Đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Luận giải vấn đề này, theo chúng tôi nên tập trung:

Để thực hiệnmột nền kinh tế thị trường đầy đủ, cần phải tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp. Thị trường đầy đủ đó phải là, thứ nhất, tính minh bạch - bảo đảm cho các nhà đầu tư thấy được sự minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh. Thứ hai, tuân thủ pháp luật đề ra. Thứ ba, phải có đồng tiền ổn định. Thứ tư, đối xử công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Thứ năm, không có các khoản chi phi chính thức.

Sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường nhất thiết phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.

Để hội nhập quốc tế thành công, nền kinh tế nước ta phải hướng tới, đạt trình độ kinh tế thị trường hiện đại của các nước phát triển trên thế giới. Vì vậy, phải tôn trọng xu hướng vận động khách quan của các mối quan hệ kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường, chứ không hình thành từ ý chí chủ quan về chính trị. Ở nước ta hiện nay, việc xây dựng pháp quyền XHCN là điều kiện tiên quyết để định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, nhưng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì hội nhập quốc tế mới thành công.

Hiện nay, có những quan niệm khác nhau về kinh tế thị trường hiện đại, có thể khái quát một số đặc trưng cơ bản: Đó là nền kinh tế thị trường hỗn hợp, trong đó sở hữu cổ phần phải chiếm ưu thế; cơ cấu kinh tế thị trường hiện đại, công nghệ nông nghiệp, thị trường các ngành dịch vụ cao cấp, hệ thống kết cấu hạ tầng...phát triển ở trình độ cao. Phát triển dựa trên khoa học – công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức có nguồn nhân lực có chất lượng cao; thể chế thị trường đồng bộ phù hợp với luật lệ quốc tế. Có hệ thống an sinh xã hội hiện đại và một hệ thống phúc lợi vì mục tiêu phát triển toàn diện của con người.

3. Về quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại gắn với phát triển kinh tế tri thức

Công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước đã tạo ra những trình độ mới, cách thức mới cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục thực hiện đẩy mạnh thừa kế mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế định hướng XHCN và hội nhập quốc tế gắn với phát triển tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển”(8)

Đây là sự phát triển mới về nhận thức của Đại hội XII. Vì vậy, khi luận giải vấn đề này cần tập trung làm rõ nội hàmnước công nghiệp hiện đại,của Đại hội XII đó là những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế, các chỉ tiêu phát triển xã hội, những tiêu chí phản ánh về vấn đề chất lượng môi trường. Các tiêu chí định tính này đã được thể hiện bằng các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Để đạt được những tiêu chí đó, Đảng ta đã xác định về cơ bản phải hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại.

Thực hiện được nhiệm vụ trên, Đảng ta phải coi trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cho quá trình thực thi nhiệm vụ cho từng ngành, từng lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yêu tố cơ bản của giáo dục đào tạo;đào tạo phải đảm bảo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch xây dựngnguồn nhân lực chấtlượng cao, do đó phải có sự đầu tư thích đáng. Song song với việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ thực sự phải là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Vì vậy, đầu tư cho khoa học - công nghệ phải có trọng tâm trọng điểm để tạo bước đột phá có tác động tích cực đến nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Đối với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần phải đẩy mạnh và huy động sử dụng nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư,hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hóa đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm;hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối.

          Để sẵn sàng cho công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐHthì phải kết hợp giữa vốn trong nước và ngoài nước, do vậy, vấn đề hiện nay không chỉ là thu hút được bao nhiêu vốn vào nền kinh tế mà cần phải huy động được các nguồn vốn trong dân thành những nguồn đầu tư có hiệu quả. Chính những đầu tư ở trên có đem lại một cuộc cách mạng thực sự trong sản xuất và hiện đại hóa được nền kinh tế hay không? Thì CNH, HĐHphải dựa trên nền kinh tế thị trường hiện đại, sẽ có một hệ thống tín dụng, ngân hàng, tài chính hiện đại giúp cho các nguồn vốn trong nước được tập trung và phân bổ cho các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả.

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải tiến hành qua ba bước: Tạo tiền đề, điều kiện để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...trong năm tới cần chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh bền vững; phấn đấu cơ bản đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(9).

____________________________

(1)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị QG – sự thật – HN Tr. 188.

(2)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị QG – sự thật – HN Tr. 192.

(3)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị QG – sự thật – HN Tr. 192.

(4)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị QG – sự thật – HN Tr. 188.

(5)  ĐCS Việt Nam – Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, NXB 2016 sự thật – HN Tr. 818

(6)  ĐCS Việt Nam – Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, NXB 2016 sự thật – HN Tr. 281

(7)  ĐCS Việt Nam – Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, NXB 2016 sự thật – HN Tr. 102

(8)ĐCS Việt Nam – Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, VP TW Đảng 2016 Tr.18 – 19      

(9) ĐCS Việt Nam – Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, VP TW Đảng 2016 Tr.90

 

 

TS Lê Minh Tuynh

                                                                    Trường Chính trị Quảng Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền