Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phát triển công nghiệp hỗ trợ ở nước ta hiện nay
Thứ sáu, 16 Tháng 9 2016 16:30
4821 Lượt xem

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, bước đầu tạo nên tính chuyên môn hóa và hiện đại hóa, góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp, giảm tỷ lệ linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ nước ngoài.

1. Quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chủ trương về phát triển CNHT được chính thức đề cập trong Văn kiện Đại hội X (2006): Khuyến khích phát triển công nghiệp bổ trợ có lợi thế cạnh tranh; Tập trung nguồn lực phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động, như: … công nghiệp bổ trợ. Năm 2006, trong Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 (theo Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 4-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ) đã đề cập đến một số nội dung và chỉ rõ các ngành cần tập trung phát triển CNHT. Năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) ban hành Quyết định số 34 (ngày 31-7-2007) về Phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, trong đó nêu rõ: “CNHT là hệ thống các cơ sở sản xuất và công nghệ sản xuất các sản phẩm đầu vào là nguyên vật liệu, linh phụ kiện, phụ tùng … phục vụ cho khâu lắp ráp các sản phẩm công nghiệp cuối cùng”.

Đại hội XI khẳng định: “Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng”(1).

Ngày 24-2-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó CNHT được xác định là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Sản phẩm CNHT là sản phẩm của các ngành cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da - giầy và CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, gồm: vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Quan điểm này dựa trên cơ sở các ngành công nghiệp hạ nguồn của chuỗi sản xuất và mỗi một ngành công nghiệp hạ nguồn thì lại có từ một đến vài ngành sản xuất khác nhau cùng liên kết để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh riêng biệt.

TạiĐại hội XII (2016), Đảng ta chỉ rõ cần tập trung “Phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa hoc - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu"(2); “Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh"(3); theo đó, cần“Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước, hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành"(4). Để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp CNHT, Đảng ta chủ trương: “Khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các ngành công nghiệp hỗ trợ”(5).

Như vậy, từ Đại hội X đến Đại hội XII, quan điểm của Đảng ta về CNHT ngày càng được khẳng định rõ, từ khái niệm: công nghiệp bổ trợ hoặc là công nghiệp phụ trợ (Đại hội X năm 2006) và từ Đại hội XI (2011) đến nay đã thống nhất và khẳng định là công nghiệp hỗ trợ. Phạm vi hoạt động đã có hướng mở rộng từ phát triển sản phẩm CNHT đến ngành CNHT và khu hoặc cụm CNHT; phạm vi hoạt động của CNHT có sự liên kết theo chiều dọc hoặc chiều ngang hay liên kết liên ngành. Thực tiễn và xu hướng phát triển công nghiệp và CNHT đã và đang chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. CNHT dần được khẳng định trong chủ trương, chính sách của Đảng và nhiều văn bản của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cũng như được bàn luận ở nhiều hội thảo và trên phương tiện truyền thông. Thực tiễn CNHT ở nước ta đã có bước khởi đầu phát triển ở một số ngành: sản xuất ô tô, điện tử, công nghiệp phần mềm, dệt may.

2. Thực trạng công nghiệp hỗ trợ một số ngành ở nước ta

- Ngành sản xuất ô tô

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), tổng số lượng xe tiêu thụ năm 2014 tại Việt Nam  đạt 157.810 chiếc; số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe có động cơ(6) là gần 400 doanh nghiệp, có hơn 88.000 lao động. Tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2013, đạt 5,5%/năm, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp. Năm 2013, sản lượng xe sản xuất đạt 98,8 nghìn xe, thấp hơn nhiều so với công suất sản xuất lắp ráp ô tô là 458 nghìn xe/năm. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô chủ yếu là doanh nghiệp FDI; nhập khẩu phụ tùng linh kiện ô tô, xem hình 1:

Hình 1: Tỷ lệ thu mua linh kiện của doanh nghiệp SX ô tô năm 2013

Hầu hết doanh nghiệp CNHT ngành ô tô ở nước ta sản xuất sản phẩm cồng kềnh, như: lốp, ắc quy, dây điện, bàn đạp phanh. Một số sản phẩm CNHT có khả năng xuất khẩu lại nằm trong chiến lược sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Còn doanh nghiệp CNHT nội địa có số lượng nhỏ, từng là các công ty cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa, với công nghệ hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành ô tô, chủ yếu cung cấp sản phẩm linh kiện đơn giản, sản phẩm bán linh kiện, nguyên liệu cho doanh nghiệp nước ngoài.

- Ngành điện tử

Công nghiệp điện tử phát triển nhanh từ năm 2010 đến nay. Giai đoạn 2010 – 2013, tăng trưởng đạt trên 32%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp (9,4%/năm). Sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp điện tử là máy tính, điện thoại, ti vi, … do doanh nghiệp FDI sản xuất. Ngành điện tử có giá trị sản xuất cao, tập trung ở doanh nghiệp FDI, nhưng nguồn linh kiện, phụ tùng hầu hết nhập khẩu (xem hình 2):

Hình 2: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm và linh kiện điện tử (2011 – 2014)

Theo thống kê của Trung tâm phát triển doanh nghiệp CNHT (SIDEC), ngành điện tử nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm. CNHT ngành điện tử nội địa chỉ mới sản xuất được một số linh kiện cơ khí, nhựa, cao su, do vậy tỷ lệ sản xuất của CNHT ngành điện tử rất thấp. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều phải nhập khẩu sản phẩm CNHT ngành điện tử từ nước ngoài. Tuy nhiên, đã có một số ít doanh nghiệp CNHT trong nước cung cấp linh kiện, vật tư cho các nhà cung ứng cấp một này.

- Ngành công nghiệp phần mềm

Theo sách trắng về Công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông xuất bản, tính đến tháng 12-2012, tổng doanh thu công nghiệp phần mềm (CNPM) là 1.208 triệu USD, tăng 3,1% so với năm 2010, số lượng lao động là 80.765 người, doanh thu bình quân tính trên đầu người là 14.957 USD/người/năm, mức lương bình quân khoảng 5.009 USD/người/năm; tỷ trọng gia công phần mềm chiếm khoảng 35% doanh thu của ngành phần mềm; chỉ số phát triển CNPM giai đoạn 2009 - 2012 (xem bảng 1):

Bảng 1: Chỉ số phát triển công nghiệp phần mềm(9)

TT

Chỉ số

2009

2010

2011

2012

1

Doanh thu CNPM (triệu USD)

850

1.064

1.172

1.280

2

Tổng số lao động (người)

64.000

71.814

78.894

80.765

3

Doanh thu bình quân (USD/người/năm)

13.750

14.816

14.855

14.957

4

Mức lương bình quân (USD/người/năm)

4.093

5.123

5.034

5.009

 

Số liệu ở bảng 1 cho thấy giai đoạn 2009 - 2012, doanh thu CNPM giảm khoảng 3,1%. Nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng như việc thắt chặt chi tiêu, hạn chế đầu tư của Chính phủ. Nhưng theo xu hướng phục hồi kinh tế, thì tăng trưởng của CNPM sẽ có xu hướng tăng lên. Có 7 khu công nghiệp thông tin tập trung trên 200 doanh nghiệp, số nhân lực trên 36.000 người; năm 2012, xuất khẩu phần mềm tập trung vào một số đơn vị như Công viên phần mềm Đà Nẵng (20 triệu USD); Công viên phần mềm Quang Trung (trên 100 triệu USD); doanh nghiệp FPT (81 triệu USD). Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, CNPM mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường trong nước. Thống kê của Hội tin học thành phố Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp chi cho việc tiếp thị, phát triển thị trường chiếm từ 10 đến trên 20% so với tổng doanh thu. Đầu tư cho nghiên cứu thị trường, nhân lực và phát triển sản phẩm còn ở mức khiêm tốn, có rất ít doanh nghiệp phát triển sản phẩm ở quy mô lớn và cũng chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Về CNHT cho ngành CNPM, các khu CNPM tập trung vẫn còn hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D); doanh nghiệp chậm đầu tư mới công nghệ (bao gồm: công nghệ nguồn, công nghệ lõi; công nghệ sản xuất sản phẩm, dịch vụ và quản lý); chưa thu hút nhiều nguồn vốn cho phát triển cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường quốc tế.

- Ngành dệt may

Thực trạng ngành dệt may hiện nay,việc thiết kế kiểu dáng vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp ở Mỹ, Anh, Italia, Pháp, …vải và các phụ liệu đầu vào khác được sản xuất ở Trung Quốc, Ấn Độ và gia công sản phẩm cuối cùng được thực hiện ở quốc gia có chi phí về nhân công thấp như Việt Nam. Bởi vì, tỷ suất lợi nhuận khâu gia công chỉ khoảng 5 - 10%. CNHT cho ngành dệt may của Việt Nam vẫn rất yếu phải nhập khẩu 90% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; 70% sản phẩm ngành may là thực hiện theo hình thức gia công; các hãng nước ngoài đặt gia công cung cấp mẫu mã sản phẩm và nguyên phụ liệu chủ yếu, doanh nghiệp sử dụng lao động và cơ sở vật chất của mình, tổ chức sản xuất theo yêu cầu của bên đặt hàng và nhận số tiền công theo đơn giá và sản lượng nghiệm thu. Việc sử dụng nguồn nguyên phụ liệu theo chỉ định, yêu cầu của các hãng đặt hàng nước ngoài đã làm cho doanh nghiệp may ít có cơ hội tự lựa chọn nhà cung cấp đầu vào nội địa. Quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may chủ yếu vẫn sản xuất theo tiêu chuẩn khách hàng (OEM - Original Equipment Manufacture). Muốn thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp dệt may cần phải sản xuất dưới dạng "sản xuất thiết kế gốc" (ODM - Original Design Manufacture) hay là "sản xuất nhãn hiệu gốc" (OBM - Own Brand Manufacture). Phụ liệu cho ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu và chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng giá trị nhập khẩu của ngành (xem bảng 2):

Bảng 2: Nhập khẩu phụ liệu ngành dệt may giai đoạn 2010 – 2013

Nhập khẩu

2010

2011

2012

2013

Tổng giá trị NK (triệu USD)

8.495

12.270

12.501

11.108

Nhập khẩu phụ liệu (triệu USD)

2.621

2.949

3.159

3.725

Tỷ lệ (%)

30,85

24,03

25,27

33,53

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2013.

Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, có hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát sử dụng 70% chỉ may sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp sử dụng 100% chỉ may trong nước để sản xuất; có 70 - 80% doanh nghiệp sử dụng chưa đến 35% khuy/cúc, mex và khóa kéo sản xuất trong nước. Lĩnh vực sản xuất máy móc, phụ tùng cơ khí cho ngành dệt may phát triển rất chậm, chỉ sản xuất một số chi tiết thay thế đơn giản. Doanh nghiệp CNHT ngành dệt may có năng lực hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu gia công cho nước ngoài, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hạn chế tính chủ động của doanh nghiệp.

Như vậy, quan điểm và chính sách về một số ngành công nghiệp mũi nhọn, cũng như về CNHT đã được xác định rõ ở tầm chiến lược, quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, một số chính sách còn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa gắn với trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội… dẫn đến việc thực hiện chủ trương, chính sách về CNHT chưa hiệu quả. Do nguồn nguyên liệu, công nghệ, thiết kế, thị trường,… phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài nên phần lớn doanh nghiệp CNHT của Việt Nam tham gia công theo đơn đặt hàng; số doanh nghiệp gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng cấp thấp (cấp 2, 3, 4) cho doanh nghiệp lắp ráp...Theo ước tính của Bộ Công thương, hiện ngành CNHT lệ thuộc gần 80% nguyên liệu nhập khẩu.

3. Một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển doanh nghiệp CNHT, như khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi, miễn giảm thuế, xúc tiến thương mại, vay vốn công nghệ, đào tạo nhân lực…; ban hành những quy định về thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm bảo vệ và hỗ trợ phát triển CNHT; có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư thông qua chế độ cho vay với lãi suất hợp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để chuyển giao công nghệ...

Ban hành các văn bản về hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm CNHT (phụ tùng, linh kiện, sản phẩm trung gian, nguyên vật liệu) phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn đề ra cần phù hợp với quy định quốc tế (như tiêu chuẩn Euro 4, 5, 6 đối với ô tô, …. ), hoặc quy định của một số nước có công nghệ tiến tiến (Nhật Bản, Hàn Quốc) đã và đang đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp ở nước ta, tiêu chuẩn 5S hay JIT của Nhật Bản, tiêu chuẩn về sản phẩm thông minh (smart products), tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Cần thành lập một Ban chỉ đạo Phát triển CNHT, tương tự như Ban Phát triển kinh tế (EDB) của Singapore. Ban chỉ đạo này cần có quyền hạn đủ lớn để có thể chuyển tải các hỗ trợ của Chính phủ đến các doanh nghiệp một cách thông suốt nhất.

Xây dựng các KCN, cụm công nghiệp chuyên ngành CNHT, phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng, các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất. Mô hình phát triển này được thực hiện bằng sự liên kết dọc giữa các doanh nghiệp theo chuyên ngành CNHT: điện - điện tử, viễn thông, ô tô, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí, nhựa, cao su, hóa chất...

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cần quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ, chuyên gia tư vấn, mặt bằng, miễn thuế, xúc tiến thương mại, thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT, …Cùng với sự hỗ trợ của các Viện nghiên cứu và triển khai gắn với đề tài, dự án, nhu cầu phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu, chi tiết, phụ tùng linh kiện, đây là những sản phẩm mà DNNVV lại có nhiều lợi thế trong quản lý, rút ngắn thời gian sản xuất, chủng loại sản phẩm đa dạng và giá thành rẻ hơn, đưa lại hiệu quả sản xuất. Mặt khác, doanh nghiệp CNHT cần chủ động đầu tư công nghệ, thiết kế chế tạo, tạo khuôn mẫu cho sản phẩm, tìm kiếm thị trường, … để tạo nhiều sản phẩm mang thương hiệu “Made in Việt Nam”, “Skill Việt Nam”.

Bên cạnh đó, cần bố trí các khu CNHT gần hoặc bao quanh doanh nghiệp lắp ráp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm cuối cùng (anchor firm) và doanh nghiệp CNHT sản xuất phụ tùng, linh kiện cấp 1, cấp 2, cấp 3. Đây là cách mở rộng và phát triển cụm CNHT theo từng chuyên ngành, tạo những yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp lắp ráp, cung cấp phụ tùng linh kiện tại chỗ cho doanh nghiệp lắp ráp, giảm chi phí và thời gian R&D, giao hàng. Do vậy, phát triển cụm CNHT theo ngành sẽ ưu việt hơn cụm CNHT đa ngành.

Khuyến khích khởi nghiệp từ doanh nghiệp CNHT; sàng lọc dự án đầu tư FDI và lựa chọn doanh nghiệp FDI về lĩnh vực CNHT, triệt để thực hiện quy định về chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI hoặc nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào nước ta; phát triển thị trường CNHT; hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ; tập trung phát triển doanh nghiệp CNHT như: cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, điện tử - tin học, công nghiệp công nghệ cao, dệt may, da giày...(8)).

_______________________

 (1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 193.

(2), (3), (4), (5) Văn kiện Đại hộiđại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 91, 91, 285- 286, 293.

(6) Lĩnh vực sản xuất xe có động cơ bao gồm: sản xuất xe có động cơ; sản xuất thân xe có động cơ, rơ moóc và bán rơ moóc; SX phụ tùng và bộ phận hỗ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe.

(7)  Bộ Thông tin và Truyền thông: Sách trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013

(8) Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24-2-2011, Thủ tướng Chính phủ Về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

 

ThS Trương Nam Trung

Viện Kinh tế chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền