Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 15:34
21145 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế

(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế được hình thành và phát triển trên nền tảng truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc; trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối của Quốc tế Cộng sản; từ thực tiễn hoạt động cách mạng sôi nổi của Người gắn liền với những thời kỳ trưởng thành của Đảng và cách mạng Việt Nam, với tiến trình cách mạng thế giới. 

1.  Đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức

Hồ Chí Minh có nhiều cống hiến cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc. Một trong những cống hiến đó của Người là tạo dựng được tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. 

Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước xuất phát từ mong muốn giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Trong hành trình qua các châu lục, Người đã tận mắt chứng kiến và xúc động trước bao nỗi khổ cực của người dân mất nước và người lao động. Người rất cảm thông với nỗi thống khổ và sự cùng cực của họ. Người nhận thức sâu sắc rằng, các nước này tuy có nhiều điểm khác Việt Nam về vị trí địa lý, văn hóa, trình độ kinh tế... song cùng có điểm chung là bị thực dân, đế quốc bóc lột nặng nề và nguyện vọng của người dân được thoát khỏi ách áp bức. Vì vậy, theo Người, các dân tộc này phải đoàn kết thành một mặt trận, tạo nên sức mạnh cả về vật chất và tinh thần, chống kẻ thù chung là thực dân, đế quốc, giành lại quyền độc lập, tự do cho mỗi dân tộc. 

Tiếp cận với bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địacủa Lênin, Hồ Chí Minh càng thấy được sự cần thiết phải liên hiệp giữa các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Với trách nhiệm của người cộng sản chân chính, Người đã nêu rõ nguyên nhân đầu tiên gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông là “Sự biệt lập” - hậu quả của chính sách “chia để trị” của bọn thực dân đế quốc. Người nhận thấy họ “không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau,  sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”. Người chỉ ra: “Sẽ rất có ích cho người An Nam biết bao, nếu họ được biết những người anh em Ấn Độ của họ tự tổ chức như thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Anh, hoặc biết công nhân Nhật Bản đoàn kết nhau lại như thế nào để chống lại ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản, hoặc biết người Ai Cập đã phải hy sinh cao cả như thế nào để đòi lại quyền tự do của mình? Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1).

Từ đó, Người kiến nghị với Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản những biện pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc ở phương Đông. Vì theo Người: “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”(2).

Năm 1921, Người chủ trì và sáng lập tổ chức Hội liên hiệp thuộc địavà xuất bản tờ báo Người cùng khổ(Le Paria). Trong lời kêu gọi thành lập Hội, Người viết: Đồng bào thân mến, nếu câu phương ngôn “Đoàn kết làm ra sức mạnh” không phải là một câu nói suông, nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau, nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa, hãy gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa”(3) .

Hội này và báo Le Paria- tờ báo đầu tiên trên thế giới lấy đối tượng phục vụ là các dân tộc thuộc địa - đã góp phần tích cực thức tỉnh các dân tộc thuộc địa Pháp đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện đoàn kết quốc tế.

Trong thời kỳ hoạt động tại Trung Quốc, Người đã cùng các đồng chí Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Inđônêxia, Miến Điện... thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925) nhằm đoàn kết các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức trong một tổ chức cách mạng vì mục tiêu giải phóng đất nước khỏi ách thực dân.

Tuyên ngôn của Hội khẳng định: “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!... nếu các bạn muốn thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ đang hành hạ các bạn thì các bạn hãy kết đoàn với chúng tôi! Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng ta cùng có chung lợi ích, nên khi đấu tranh cho chúng tôi là các bạn cũng chiến đấu cho các bạn. Khi giúp đỡ chúng tôi các bạn cũng tự cứu mình”(4).

Trong những năm 1938 - 1940, Hồ Chí Minh hoạt động và chiến đấu bên cạnh nhân dân Trung Quốc do Đảng Trung Quốc lãnh đạo. Hoạt động này của Người đã gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ đoàn kết Việt - Trung.

Từ 1954 trở đi, Người dành nhiều sự quan tâm và đóng góp tích cực trong việc xây dựng khối đoàn kết giữa các thuộc địa ở châu Á là Việt Nam, Ấn Độ, Inđônêxia, Miến Điện... đặc biệt là khối đoàn kết giữa ba nước Đông Dương là Việt - Miến - Lào.

2. Đoàn kết giữa phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa với phong trào cách mạng vô sản ở chính quốc

Hồ Chí Minh nhận thức được rằng cần thiết phải có sự liên minh chặt chẽ giữa các dân tộc thuộc địa, giữa nhân dân thuộc địa với giai cấp vô sản ở chính quốc: “Thời đại của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn cũng là thời đại một nhóm nước lớn do bọn tư bản tài chính cầm đầu thống trị các nước phụ thuộc và nửa phụ thuộc, bởi vậy công cuộc giải phóng các nước và các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản. Do đó mà trước hết nảy ra khả năng và sự cần thiết phải có liên minh chiến đấu chặt chẽ giữa các dân tộc thuộc địa với giai cấp vô sản của các nước đế quốc để thắng kẻ thù chung”(5).

Ngay từ những năm đầu hoạt động ở Pháp, đặc biệt là khi tham gia Đảng Xã hội rồi Đảng Cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh dành nhiều công sức giúp các đồng chí mình ở chính quốc nhìn rõ hơn bản chất chính sách thuộc địa của đế quốc Pháp, hiểu biết và ủng hộ công cuộc giải phóng của nhân dân thuộc địa nói chung, trong đó có Việt Nam; đồng thời, Người cũng giúp cho nhân dân thuộc địa của Pháp hiểu rõ và đoàn kết với nhân dân Pháp. Người còn đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện của chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, xóa bỏ sự nghi kỵ lẫn nhau giữa nhân dân thuộc địa với những người lao động ở Pháp. Những hoạt động này ngày càng mở rộng trên phạm vi quốc tế cùng với cuộc hành trình của Người.

Năm 1924, tại phiên họp lần thứ 8 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã nêu rõ ý nghĩa của cách mạng giải phóng dân tộc đối với phong trào cách mạng vô sản thế giới: “Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa”(6). Đây là nơi cung cấp lương thực, binh lính cho các nước lớn đế quốc chủ nghĩa, nếu chúng ta muốn đánh bại các nước đế quốc này, chúng ta phải bắt đầu tước đi thuộc địa của chúng. 

Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc là “một bộ phận khăng khít”, “một trong hai cái cánh” của cách mạng vô sản thế giới. Người nêu ra một thí dụ rất hình ảnh: Chủ nghĩa tư bản là con đỉa hai vòi - một vòi hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, một vòi hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở thuộc địa. Muốn giết con quái vật ấy, phải cắt đồng thời cả hai vòi của nó. Nếu cắt một vòi thôi, thì con quái vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt lại mọc ra. Như vậy, Hồ Chí Minh đã nêu ra hình tượng cụ thể cho thấy cần thiết phải có sự liên minh, phối hợp giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa.

Theo Hồ Chí Minh không xem cách mạng thuộc địa phụ thuộc hoàn toàn vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà đặt hai cuộc cách mạng này ngang nhau, tác động và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Thậm chí, theo Người, cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc, đồng thời tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc giành thắng lợi. Người nêu lên chiến lược đấu tranh là: “Cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân các nước tư bản trực tiếp giúp cho các dân tộc bị áp bức tự giải phóng mình... Trong khi đó, cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa lại trực tiếp giúp đỡ giai cấp vô sản các nước tư bản trong cuộc đấu tranh chống các giai cấp thống trị để tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa tư bản. Sự nhất trí của cuộc đấu tranh chống đế quốc bảo đảm thắng lợi cho các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa và cho giai cấp vô sản ở các nước tư bản”(7).

3. Đoàn kết giữa các đảng cộng sản và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa

Với trách nhiệm của người chiến sĩ quốc tế chân chính, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mối đoàn kết giữa các nước trong hệ thống XHCN. Trong Diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1957), Người khẳng định: “Chúng tôi đều nhất trí cần tăng cường đoàn kết trên tinh thần quốc tế chủ nghĩa, trên nguyên tắc tương trợ hợp tác, tôn trọng chủ quyền của nhau giữa các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa”(8). Trong đoàn kết với các nước phe XHCN, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến mối quan hệ đoàn kết giữa các đảng cộng sản cầm quyền. Người quan niệm mối quan hệ này là gắn bó, tương trợ lẫn nhau trên tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Người cho rằng: “Các đảng dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng, đồng thời đoàn kết nhất trí giúp đỡ lẫn nhau”.

Với tư tưởng vô sản quốc tế triệt để và trong sáng cùng sự khôn khéo tài tình vốn có, Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp to lớn trong hàn gắn rạn nứt, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân, các nước XHCN anh em, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng chung.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với các Đảng Cộng sản và các nước trong hệ thống XHCN có ý nghĩa rất lớn đối với thành công của cách mạng thế giới nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng. Vận dụng tư tưởng của Người, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân ta đã nhận được sự viện trợ, giúp đỡ to lớn của các nước trong phe XHCN, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc, ngay cả khi hai nước này nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn.

Ngày nay, khi quan hệ giữa các Đảng cộng sản và công nhân đang gặp nhiều khó khăn, tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị. Đây mãi mãi là một bài học lớn về xây dựng khối đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, tiến bộ xã hội và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội như C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

4. Đoàn kết với các nước láng giềng, các nước trong khu vực

Trên tinh thần bốn biển đều là anh em, Hồ Chí Minh rất coi trọng quan hệ đoàn kết với các nước láng giềng. Người đã luận chứng sâu sắc và dày công vun đắp cho quan hệ này vì vấn đề độc lập, tự do của mỗi nước, vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Khái niệm “các nước láng giềng” được Hồ Chí Minh sử dụng từ rất sớm, khá phổ biến và ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau. Những năm sau đó, cụm từ này Người dùng khi thì với những nước ở châu Á, trong đó chú trọng đến nước láng giềng Ấn Độ, lúc khác lại là các nước Đông Nam Á. Song, mối quan tâm nhiều nhất của Người vẫn là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như: Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Hiểu rõ vai trò của các nước láng giềng đối với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thật phi lý nếu nghĩ rằng Việt Nam lại có thể tồn tại biệt lập với các nước láng giềng.

Ngay từ những năm cuối thập niên 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã nhận thấy vai trò của đoàn kết giữa các nước trong khu vực. Theo Người, châu Á là châu lục đất rộng, người đông với nhiều nước có nền văn minh lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ..., Việt Nam là một thành viên không tách rời, có số phận liên quan chặt chẽ trong đó. Người nói: “Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Tranh đấu cho tự do độc lập của Việt Nam tức là tranh đấu cho tự do, độc lập của đại gia đình châu Á”(9). Người luôn chăm lo vun đắp cho sự đoàn kết giữa các nước trong khu vực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền độc lập tự chủ của nhau. Vì vậy, Người tham gia sáng lập và trở thành linh hồn của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức- tổ chức bao gồm những người cách mạng nhiều nước trong khu vực cùng tiến hành cuộc cách mạng đánh đuổi đế quốc, giành độc lập tự do cho mỗi dân tộc.

Trong quan hệ ở phạm vi hẹp hơn, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phải chú trọng đoàn kết với các nước Đông Nam Á. Dưới sự chỉ đạo soạn thảo của Người, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khoá I họp ngày 2-3-1946 đã nêu rõ vai trò của mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Miến Điện. Theo đó, mong muốn của Người là các nước Đông Nam Á đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giữ gìn nền hòa bình chung trong khu vực và trên thế giới. Với Việt Nam, Người cho rằng: “Là một nước ở Đông - Nam Á, chúng ta hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc trong khu vực này chống lại sự xâm lược và nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới”(10).

Đối với các nước có chung đường biên giới với ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hồ Chí Minh lại càng coi trọng việc gây dựng khối đoàn kết. Đây là ba nước “láng giềng gần”, có quan hệ về mọi mặt với nước ta từ lâu đời, coi nhau như “anh em ruột thịt”, “gắn bó với nhau như môi với răng”... Tuy vậy, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết ở đây phải trên cơ sở “thật thà”, phải được thể hiện bằng những hành động cách mạng cụ thể “giúp bạn là tự giúp mình”. Người giáo dục nhân dân ta là: càng đoàn kết chặt chẽ và giúp đỡ nhau hết lòng thì càng phải tôn trọng độc lập chủ quyền cũng như phong tục tập quán của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Hồ Chí Minh đặc biệt dành nhiều sự quan tâm đến mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với Lào và Campuchia. Ba nước này đều có điểm chung là cùng nằm trên bán đảo Đông Dương.

Trong suốt thời kỳ trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hồ Chí Minh không ngừng vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị giữa ba nước Đông Dương. Ngày 11-3-1951, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước được triệu tập, quyết định thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia. Phát biểu tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Người không giấu nổi xúc động: “Tôi sung sướng hơn nữa vì từ nay chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cùng đi đến đại đoàn kết... Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đại đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự”(11).

Nhờ biết đoàn kết, nương tựa vào nhau, lần lượt ba nước Đông Dương đã đánh bại thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và giành thắng lợi trọn vẹn trong năm 1975.

Như vậy, đoàn kết bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh trong quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam. Quan điểm này vẫn đang tiếp tục soi sáng, là kim chỉ nam cho việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

5. Đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới

Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, phản đối chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa. Người bày tỏ cho nhân dân thế giới hiểu rằng: “Dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình”(12)

Người khẳng định rõ: nhân dân Việt Nam chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập của riêng mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình thế giới, nhằm đạt đến “một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ”(13). Tính chất chính nghĩa và lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam đã chinh phục trái tim của nhân loại tiến bộ. Vì vậy, trong quá trình kháng chiến chống quân xâm lược của Việt Nam, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình cả về tinh thần và vật chất. Không thể phủ nhận ảnh hưởng sức tuyên truyền của các lực lượng này có sự lan tỏa và đem lại hiệu quả lớn như thế nào đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trong lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới, Người nhấn mạnh: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(14). Hồ Chí Minh từ rất sớm đã coi trọng đoàn kết đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp, Mỹ - hai quốc gia đi xâm lược Việt Nam. Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh nghèo khổ, cùng cực của nhân dân lao động ở ngay chính những nước này, Người đã phân biệt rõ bạn - thù, vạch ra chiến lược đoàn kết có định hướng, mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng.

Ngay từ năm 1946, Người đã khẳng định: “Đối với Pháp, chỉ đánh bọn thực dân, còn đối với những kiều dân không làm hại gì cho nền độc lập của ta, ta sẽ phải bảo vệ tính mệnh và tài sản của họ”(15). Lòng yêu chuộng hòa bình chân chính của Hồ Chí Minh đã chinh phục cảm tình của đông đảo nhân dân lao động Pháp, làm dấy lên một làn sóng mạnh mẽ đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Khi đế quốc Mỹ gây chiến ở Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn rất thân thiện với nhân dân Mỹ. Người trực tiếp gửi thư tới các chính giới Mỹ, kêu gọi nhân dân tiến bộ Mỹ hãy cùng với nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Người từng bày tỏ: “Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn...”(16). Tiếng nói chính nghĩa của Hồ Chí Minh đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ đồng tình và chính họ đã tạo nên những làn sóng đấu tranh liên tục chống chính quyền Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Cho đến những ngày cuối cuộc đời, dù đang bệnh nặng nhưng trong Thư gửi Tổng thống Mỹ Níchxơn ngày 25-8-1969, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự”(17). Như vậy, đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ vì độc lập, tự do của dân tộc mình, mà còn thể hiện sự tôn trọng truyền thống của các nước thực dân, đế quốc đi xâm lược. Đó cũng chính là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn cao cả Hồ Chí Minh - không gây hận thù dân tộc - một bài học cho nhiều nước trên con đường tranh đấu cho độc lập tự do.

Những quan điểm trên là những cống hiến quan trọng của Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, đã trở thành tài sản tinh thần quý báu của Đảng ta, nhân dân ta và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

(1), (3), (6) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2009, tr.263, 447, 273.

(2), (4) Sđd, t.2, tr.124, 438.

(5), (7), (8) Sđd, t.8, tr.567, 567, 488.

(9) Sđd, t.5, tr.153.

(10), (16) Sđd, t.11,  tr.231, 117.

(11) Sđd, t. 6, tr.181.

(12), (13), (14), (15) Sđd, t.4, tr.473, 66, 8, 142.

(17) Sđd, t.12, tr.488.

 

 

PGS, TS Nguyễn Thị Quế

 Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tThS Nguyễn Thị Thúy

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền