Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phật giáo và tín ngưỡng dân gian thời Trần
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 10:50
10815 Lượt xem

Phật giáo và tín ngưỡng dân gian thời Trần

(LLCT) - Phật giáo du nhập vào nước ta từ đầu Công nguyên. Khi nội nhập, Phật giáo đã bám rễ vững chắc vào mảnh đất làng xã, kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa, đặc biệt là những nghi lễ nông nghiệp, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, giữa chùa và làng, giữa nhà sư và dân làng; nhà sư trở thành người coi sóc về tâm linh cho dân làng.

Cùng với sự ra đời của nhà nước quân chủ phong kiến (Lý, Trần và sau này là triều Lê), các hoạt động tín ngưỡng được chia thành hai lĩnh vực, đó là tín ngưỡng trong triều đình vàtín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng dân gian là các hình thức tôn giáo dân tộc được lưu truyền lại từ xa xưa, gần gũi với các cộng đồng như lễ hội, hành hương, rước xách... và thành phần tham gia đa phần là tầng lớp bình dân, nông thôn hưởng ứng bao gồm thờ cúng tổ tiên (gia đình, làng xã, quốc gia), tín ngưỡng vòng đời (cưới xin, tang ma...), tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ các thần (thành hoàng, các anh hùng dân tộc)...

Thời nhà Trần, hoạt động tín ngưỡng dân gian diễn ra ở các làng xã gồm có thờ thần (thờ Thổ thần sau này phát triển thành thờ Thành hoàng làng, thờ các Anh hùng dân tộc, thờ mẫu), các lễ hội nông nghiệp hòa nhập với các lễ hội Phật giáo và được thực hiện thông qua ngôi chùa làng. Vì lẽ đó, ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, là “hồn cốt” của làng xã. Thời Trần là thời kỳ huy hoàng của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo không chỉ chi phối đời sống tâm lý, tín ngưỡng mà còn tham gia một các tích cực vào sinh hoạt văn hóa, tư tưởng của đất nước. Phật giáo đã ảnh hưởng đến thế giới quan của người Việt một cách rõ rệt.

1. Tín ngưỡng dân gian

Tín ngưỡng thờ thần ở các làng xã

Về tín ngưỡng của người dân tại các làng xã, thờ Thành hoàng là tín ngưỡng phổ biến giai đoạn sau nhà Trần. Dưới thời Trần, tín ngưỡng này được phần lớn các nhà khoa học cho rằng chưa xuất hiện ở phạm vi làng xã mà chỉ ở phạm vi quốc gia.

Thành hoàng là tên gốc Hán. Thành là cái thành, còn hoàng là cái hào sâu bao quanh thành; Thành hoàng là vị thần coi giữ, bảo trợ cho thành trì, thành thị. Sách Lễ nghĩa thông khảocủa Trung Quốc có ghi, Thành hoàng là vị thần bảo vệ thành.

Thờ Thành hoàng theo nghĩa là vị thần bảo hộ cho thành trì ở đô thị Việt Nam được nhắc đến sớm nhất trong Việt điện u linh, đó là Thần sông Tô Lịch được phong là Đô phủ Thành hoàng thần quâncủa thành Đại La, lúc đó là trị sở của Phủ đô hộ nhà Đường (thế kỷ VIII). Việc phong Thành hoàng nói trên theo mô thức của Trung Quốc và dưới sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Sau này các triều vua phong kiến Việt Nam đã cố gắng quy tụ các thần linh bốn phương vào đất Thăng Long (Hà Nội), nơi triều đình đóng đô, tiếp tục gia phong và thờ phụng.

Dưới triều Lý, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, phong cho thần sông Tô Lịch là Quốc Đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương. Đến đời Trần, thần Tô Lịch được phong là Bảo Quốc Trần linh định bang, Quốc đô Thành hoàng Đại Vương(Ngô Đức Thịnh, Chủ biên, 2001, tr. 93 - 96).

Tuy nhiên, việc phong Thành hoàng nêu trên là tín ngưỡng của vua quan triều đình nhà Trần. Thờ Thành hoàng tại các làng xã mới được coi là tín ngưỡng dân gian của người dân. Từ vị thần bảo hộ thành Đại La ở kinh đô Thăng Long nêu trên, Thành hoàng được đưa về các làng xã, trở thành vị thần bảo vệ, che trở cho dân làng.

Trước thế kỷ XV, vị thần thờ tại các làng xã Việt Nam là Thổ thần. Quá trình chuyển hóa từ các vị Thổ thần trở thành Thành hoàng làng trải qua một thời gian dài, một mặt do sự phát triển nội tại của các làng xã, mặt khác do ảnh hưởng và tác động của nhà nước phong kiến.

Tấm bia ghi hai chữ Thành hoànglà tư liệu sớm nhất được xác định tại xã Thường Sơn, huyện Thủy Nguyên, ghi ông Từ trưởng họ Lại, húy Bốn, vợ họ Đào, sinh con trai là tướng tài trong kháng chiến chống Nguyên - Mông. Ông có công diệt Ô Mã Nhi, sau khi chết được vua Trần phong là Đương cảnh Thành hoàng Trần triều Phò mã, Thượng phẩm đại liêu ban, Thượng đẳng phúc thần Đại Vương.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, thời điểm xuất hiện đình làng và thờ Thành hoàng làng là khoảng thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Như vậy, thời Trần, các ngôi chùa vẫn duy trì vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân làng xã và thờ Thổ thần là tín ngưỡng phổ biến ở các làng xã, vai trò của ngôi đình còn mờ nhạt.

Tín ngưỡng thờ các Anh hùng dân tộc

Thời Trần, mỗi tín ngưỡng, tôn giáo phát triển có ảnh hưởng và cuốn hút lẫn nhau. Tín ngưỡng cơ bản là biết ơn những người có công, đặc biệt những người con ưu tú, các Anh hùng dân tộc. Truyền thuyết nhanh chóng biến họ thành các vị thần Đạo giáo, nhưng trong nghi lễ thờ phụng cũng in dấu ấn ảnh hưởng của Phật giáo. Việc thờ Trần Hưng Đạo, Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Loan Nương Thánh Mẫu, Bạch Ngọc Thánh Mẫu (được thờ tại Chùa Am),... là cơ sở để khẳng định rằng, đạo Thánh thời Trần có vai trò to lớn đối với việc hình thành và hoàn thiện tín ngưỡng Mẫu sau này (thế kỷ XVII), và màu sắc của Phật giáo trong các thần tích, các lễ hội về các vị Thần thời Trần cũng được thể hiện khá rõ, nhất là thần tích và lễ hội Đức Thánh Trần.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay còn gọi là Đức Thánh Trần (1126 - 1300), là vị anh hùng đã có công đánh tan ba lần xâm lược của quân Nguyên Mông, bảo toàn nền độc lập của nước nhà. Ông được nhân dân biết ơn, thờ phụng và trở thành một vị thánh.

Tư liệu dân gian về Trần Hưng Đạo rất phong phú và đa dạng, gồm kho thần tích, thần sắc lớn và rộng rãi ở nhiều nơi trên vùng Bắc Bộ.

Như vậy, việc thờ Đức Thánh Trần về cơ bản cho thấy sự ảnh hưởng của Đạo giáo trong tâm thức người dân thời Trần rõ rệt, nhưng cũng mang ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng Phật giáo, đó là quan niệm về luân hồi, sinh tử, “sự đầu thai” của Ngài.

Sự hình thành tín ngưỡng Đức Thánh Trần không chỉ được biểu hiện trong các đền thờ, mà thậm chí trong nhiều chùa thời Trần cũng có ban thờ Đức Thánh Trần. Đặc biệt, tập tục bán khoán cho trẻ em trong vòng 12 năm ở xã hội dân gian cũng hình thành. Những đứa trẻ khó nuôi, người ta có lệ đem bán cho Đức Thánh Trần, dùng oai của Ngài để trấn mọi ma tà quỷ dữ, cho đứa trẻ lớn ngoan ngoãn và khỏe mạnh. Thậm chí có người còn đổi họ cho con thành họ Trần. Tập tục bán khoán cho Đức Thánh Trần trong dân gian cũng giống như việc bán khoán trong các chùa.

Người dân cũng thờ các vị tôn thất nhà Trần khác như Trần Khánh Dư, Trần Quốc Điền,...

Tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu

Trong huyền thoại và truyền thuyết của Việt Nam, các nữ thần gắn với việc tạo lập bản thể của vũ trụ như nữ thần Mặt Trời, Mặt Trăng, Bà Nữ Oa, ông Tứ Tượng đội đá vá Trời, đắp núi, khơi sông. Các hiện tượng mây, mưa, sấm, chớp cũng được thần thánh hóa và mang nữ tính... Các biểu tượng đất nước, quê hương, dân tộc cũng gắn với các Mẹ (Mẫu) như Mẹ Âu Cơ của Lạc Việt, Mẹ Quê Hương - xứ sở Poh Nagar của người Chăm. Các mẹ sản sinh ra các giá trị văn hóa như Mẹ Lúa, Mẹ Lửa, Mẹ Mía... Phụ nữ ra trận hay đứng ra chấp chính quốc gia, sau khi chết trở thành các Nữ tướng - Nữ thần như Hai Bà Trưng,
Ỷ Lan...

Trong hàng các nữ thần, một số vị được tôn vinh là Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu, Quốc Mẫu. Mẹ, Mẫu bao hàm nghĩa rộng, mang tính tôn xưng, tôn vinh như mẹ Âu Cơ, Mẫu Nghi Thiên Hạ, Quốc Mẫu...

Cách tôn xưng Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu thường liên quan đến các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa... Bên cạnh đó, các Thái hậu (mẹ vua), Hoàng hậu (vợ vua), Công chúa (con vua), có tài năng, công đức, khi mất được tôn xưng là Mẫu như Quốc Mẫu, Vương Mẫu... Như vậy, Thánh Mẫu là hình thức “nâng cao”, “lên khuôn” từ cái nền thờ Nữ thần của dân tộc.

2. Lễ hội dân gian làng xã

Mối quan hệ và ảnh hưởng qua lại của Phật giáo đối với tín ngưỡng làng xã đã có từ lâu đời và được thực hành thông qua ngôi chùa. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, về mặt tâm linh, sinh hoạt văn hóa, ngôi chùa làng đã trở thành trung tâm của cộng đồng làng xã. Chùa là của làng và có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống người dân làng. 

Trong các hội làng, hội chùa, tục thả chim cũng là một nghi lễ “phóng sinh” thể hiện tinh thần từ bi hỉ xả của nhà Phật. Hằng năm, vào ngày 8 tháng Tư, tức ngày Phật đản, các chùa đều tổ chức lễ tắm Phật. Sau lễ tắm Phật là lễ Phóng sinh.

Các lễ hội dân gian đã trở thành lễ hội của Phật giáo. Sự hội nhập giữa Phật giáo và dân gian dường như không có sự tách bạch rạch ròi mà luôn xen lồng vào nhau.

Lễ hội Đức Thánh Trần có sự pha tạp của nghi lễ dân gian, nghi lễ của Đạo giáo và Phật giáo trong đó. Lễ hội được diễn ra vào ngày 20- 8, theo truyền thuyết là ngày mất của Hưng Đạo Vương. Dân gian có câu: “Tháng Tám giỗ cha”, sau này đến thế kỷ XVII, xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì Trần Hưng Đạo được phối tự cùng các vị thần khác trong sự đối sánh với Mẹ Liễu Hạnh: “Tháng tám giỗ cha, Tháng ba giỗ mẹ”. Khi thì ông được đặt trong mối quan hệ với Tứ pháp, lúc đó ông được thờ như một vị quan quân sự như Quan Vân Trường, khi thì đơn giản như thờ cúng ghi công một Anh hùng lịch sử. Lễ hội giỗ Cha diễn ra ở rộng khắp dưới các hình thức tế lễ cúng bái:

“Dù ai buôn bán xa xôi

Hai mươi tháng Tám giỗ Cha thì về”

Tóm lại, mối quan hệ khăng khít giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo tại các làng xã thể hiện trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn dung nạp cả tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Tục cúng hậu (ruộng vườn, tiền bạc...) vào chùa của những người không có con trai thờ cúng hoặc những người sống đơn độc... Nhà chùa trở thành nơi “ký gửi” những linh hồn cần sự giúp đỡ của làng xã. Ở hầu hết các chùa vì thế, đều có những bia hậu ghi lại sự ký gửi đó. Các chùa thời Trần còn có tượng các nhà sư hay các thí chủ, có công đóng góp xây dựng chùa. Vào các ngày sóc, vọng, người ta đến chùa không chỉ để lễ Phật mà cả cúng những người đã khuất.

Chùa còn là nơi thu nạp cả tín ngưỡng Đạo giáo thờ Thần, Thánh, thể hiện qua sự hiện diện của các điện thờ Mẫu trong khuôn viên chùa. Hệ thống thờ Mẫu cũng “nương nhờ” cửa Phật để tồn tại. Người dân vào lễ Phật cũng có điều kiện khấn Mẫu kêu cầu sự giúp đỡ của các Thần, Thánh. Đến với chùa, mọi người đều bình đẳng, không phân biệt giàu - nghèo, hèn - sang, cao - thấp, nam - nữ; già - trẻ...

Từ thời Trần, nơi thờ tự của các thần linh có khi được thờ trong đền miếu, cũng có khi được thờ cả trong chùa theo kiểu “Tiền Phật hậu thần” hay “Tiền thần hậu Phật”. Các vị Phật hay Thánh, Thần đều là thần linh, có chức năng phù hộ độ trì, cứu vớt chúng sinh, không hàm nghĩa giáo lý của nhà tu hành và học lý trí thức.

Cuối thời Trần, khi Nho giáo và Nho học phát triển, Phật giáo đã bộc lộ những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội như tệ mê tín, Hồ Quý Ly ra lệnh sa thải bớt tăng đồ, ai chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn rất sâu đậm trong xã hội, nhất là trong văn hóa tín ngưỡng các làng xã. Vì lẽ đó, ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, là “hồn cốt” của làng xã.

Ngày nay, mối quan hệ tốt đẹp này vẫn cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Phật giáo Việt Nam: Thiền học đời Trần, Nxb Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992.

2. Nguyễn Huệ Chi: “Hiện tượng hội nhập văn hóa thời Lý - Trần nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu: Quỳnh Lâm”, Tạp chíNghiên cứu Tôn giáo, số 2 và 3, 2000.

3. Nguyễn Văn Chính: “Thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa và chủ nghĩa dân tộc trong nhân học văn hóa Việt Nam”, báo cáo tại Viện Dân tộc học, 2014.

4. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí,t.III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

5. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2001.

6. Lê Tâm Đắc: “Lễ thành hôn ở ngôi chùa Việt Nam - Lịch sử và hiện tại”, Tín Ngưỡng tôn giáo và xã hội dân gian, Nxb Từ điển Bách khoa, 2009.

7. Bùi Xuân Đính: Các tộc người ở Việt Nam, Nxb Thời đại, 2012.

8. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2007.

9. Hoàng Giáp: “Cử Thiên Vũ Đế Trần Hưng Đạo”, Kỷ yếu Hội thảoThời Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà,Sở Văn hóa Thông tin Nam Hà, 1996.

10. Thích Nữ Như Hạnh: “Vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt thời Lý - Trần và những triều đại về sau”,Hội thảo:Phật giáo với nghìn năm Thăng Long,Hà Nội, 2010.

11. Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Kỷ yếu Hội thảo: Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, 2008.

12. Nguyễn Bích Ngọc: Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2012.

13. Nguyễn Đức Sự: “Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam”, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam,Nxb Hà Nội, 1986.

14. Hà Văn Tấn: Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, 2005.

15. Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, t.3, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.

16. Ngô Đức Thịnh: Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

17. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên): Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

18. Viện Sử học: Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb Khoa học xã hội, 1981.

19. Viện Sử học: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.

20. Viện Triết học: Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam,Nxb Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1986.

21. Ngọc phả nhà Trần, tư liệu Hán Nôm, Dương Văn Vượng dịch (chép tay).

 

 

NGUYỄN THÚY THƠM

(THÍCH MINH THỊNH)

Ủy viên Ủy ban Trung ương

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền