Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Công tác vận động nhân dân những ngày đầu toàn quốc kháng chiến
Thứ tư, 16 Tháng 11 2016 08:29
2667 Lượt xem

Công tác vận động nhân dân những ngày đầu toàn quốc kháng chiến

(LLCT) - Tiến hành toàn quốc kháng chiến trong bối cảnh thực lực đất nước non yếu như "trứng nước", chưa được quốc tế công nhận, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính; nguồn lực không có gì khác chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định lúc này là vận động toàn dân tham gia kháng chiến, huy động sức dân để vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Song, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng như “trứng để đầu gậy”, bởi: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chỉ sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập (2-9-1945) hai mươi ngày, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn và lan rộng khắp miền Nam. Trước thực tế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tìm mọi cách để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, kéo dài thời gian hoà bình; Nhưng tất cả những nỗ lực đó đều không được người Pháp đáp lại.

Cuối tháng 11-1946, thực dân Pháp đánh chiếm thành phố Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn, đồng thời đổ bộ lên Đà Nẵng, liên tiếp các hoạt động xâm chiếm. Trong hai ngày 17 và 18-12-1946, Bộ Chỉ huy Pháp đòi Việt Nam dỡ bỏchướng ngại trên đường phố, trao cho quân Pháp quyền giữ trật tự trong thành phốHà Nội. Sáng 19-12, đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội chuyển cho Chính phủ Việt Nam “tối hậu thư” yêu cầu trong vòng 24 giờ, Việt Nam phải triệt thoái quân đội, giải giáp tự vệ và công an ở Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng trong ngày 18 đến 19-12-1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định,thực dân Pháp đã cắt đứt mọi con đường đàm phán, cố tình gây ra cuộc chiến tranh xâm lược, quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Chúng ta không còn con đường nào khác là kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập non trẻ. Trên cơ sở đánh giá tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch.Hội nghị khẳng định,cuộc kháng chiến của nhân dân ta là cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu nhân dân cả nước đứng dậy chiến đấu. Đường lối kháng chiến đã sớm hình thành với những vấn đề cơ bản nhất: mục đích là xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới; nhiệm vụ là vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; phương châmlàtoàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và sựa vào sức mình là chính, Đảng tập trung công tác tuyên truyền, chăm lo bảo đảm đời sống nhân dân, “dốc lực lượng của 25 triệu đồng bào vào cuộc chiến đấu”(1). Đồng thời, ra sức phát huy vai trò của nhân dân vào củng cố Nhà nước và bộ máy kháng chiến.

Với nguồn lực hạn chế, phương châm chiến lược được xác định là đánh lâu dài, vừa đánh vừa giữ gìn lực lượng. Do đó, các cấp tăng cường giác ngộ, tổ chức nhân dân, động viên lực lượng toàn dân vào cuộc kháng chiến.

Về kinh tế, lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng kinh tế kháng chiến theo hướng vừa kháng chiến vừa kiến quốc và tự cung tự cấp về mọi mặt, đồng thời ra sức phá hoại kinh tế của địch.

Về văn hóa, xóa bỏ những tàn tích của chính sách văn hóa thực dân, nô dịch của thực dân Pháp.Đồng thời,xây dựng nền văn hóa mới dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Nhiệm vụ của mặt trận văn hóa là bằng mọi hình thức,động viên toàn dân tham gia chiến đấu làm cho dânhiểu “vì sao phải đánh, đánh để làm gì, làm thế nào để thắng, đánh nhất định khổ, nhưng nhất định thắng lợi”.

Thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, công tác dân vận có nhiềuthay đổi cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới. Tại Hà Nội, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", kháng chiến toàn dân toàn diện được truyền tải, lan tỏa tới toàn thể dân chúng, đông đảo các tầng lớp, các giới nhân dân đã nhất tề đứng dậy, anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu kìm chân địch trong 60 ngày đêm.Công nhân điện phá máy, tắt đèn, cầm súng đánh địch. Tự vệ chặt cây, nổ mìn, ngả cột điện, đánh đổ xe lửa, xe điện. Nhân dân khuân giường tủ, bàn, ghế ra đường dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của địch. Phụ nữ xung phong tải thương cứu thương. Nông dân các huyện ngoại thành cùng bộ đội và tự vệ xây dựng chiến hào. Với tinh thần chiến đấu gan dạ, quả cảm, quân dân thủ đô đã giam chân một lực lượng quan trọng của địch, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào nội thành rút ra khỏi thành phố an toàn.

Đáp lời kêu gọi phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân thủ đô, quân và dân các thành phố, thị xã và các địa phương khắp cả nước đã vùng lên mạnh mẽ chặn các mũi tiến của quân Pháp như:cuộc chiến đấu 90 ngày đêm của nhân dân Nam Định; cuộc chiến đấu anh dũng, bền bỉ, làm quân địch bị thiệt hại nghiêm trọng của nhân dân các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng. Tạithành phố Huế, 50 ngày đêm vây đánh, quân dân ta đã tiêu diệt 200 quân địch. Quân dân Đà Nẵng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây, chặn đánh và bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của địch. Chiến tranh du kích ở những vùng tạm chiếm phối hợp chặt chẽ với những cuộc đình công bãi khoá, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Quân dân thường xuyên quấy rối, chia cắt đường giao thông, làm rối loạn hậu phương địch ở các thành phố.

Nhân dân trong các vùng có chiến sự triệt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, “vườn không nhà trống”, phá hoại cầu đường, xây dựng làng chiến đấu và tản cư. Hàng chục vạn đồng bào nghe theo lời kêu gọi “tản cư là kháng chiến” đã tự tiêu hủy tài sản nhà cửa, không hợp tác với địch, ra vùng tự do.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng sớm lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa kháng chiến lâu dài đã thể hiện rõ tầm nhìn lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và khoa học. Do sớm xác định căn cứ địa, các cấp đã khẩn trương di chuyển cơ quan, kho tàng, máy móc, nguyên vật liệu và các vật dụng thiết yếu đến những nơi an toàn và lên chiến khu. Cuộc tổng di chuyển diễn ra trong các tháng 10, 11 và 12-1946 với sự giúp đỡ của đông đảo nhân dân các địa phương. Đến tháng 5-1947, cuộc tổng di chuyển hoàn thành, đại bộ phận các cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Việt Minh, Quân đội đã ổn định tại thủ đô kháng chiến Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Hàng chục vạn đồng bào, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sĩ đã lên căn cứ kháng chiến cùng Chính phủ tham gia kháng chiến.

Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, căn cứ địa kháng chiến không ngừng được xây dựng, củng cố về mọi mặt, trụ vững trong cuộc kháng chiến lâu dài của quân và dân ta.

Việc vận động các tầng lớp nhân dân các dân tộc trên địa bàn Việt Bắc, phát huy sức mạng khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là thành công lớn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những ngày đầu khói lửa, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường thêm bền chặt, quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn Việt Bắc được quy tụ trong Mặt trận Việt Minh với các đoàn thể Nông hội, Hội phụ nữ, Hội thanh niên…và Hội Liên Việt. Các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở Việt Bắc đã vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn đóng góp to lớn sức người, sức của xây dựng và bảo vệ căn cứ địa kháng chiến.

Trong vùng địch chiếm, công tác vận động các giới được tăng cường bằng việc tổ chức công đoàn bí mật, phát huy vai trò của công đoàn trong việc tổ chức sản xuất, chiến đấu và vận chuyển, đào tạo công nhân chuyên nghiệp.

Ở vùng tự do, động viên nông dân hăng hái tham gia dân quân, xây dựng làng kháng chiến, phục vụ chiến đấu, sản xuất, phát triển các hình thức đổi công. Động viên giới trí thức, văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến, tham gia các ngành quân giới, quân y, giáo dục tuyên truyền kháng chiến. Động viên thanh niên gia nhập quân đội, dân quân để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tuyên truyền sản xuất, tham gia bình dân học vụ. Động viên phụ nữ tham gia cứu thương, tiếp tế, tăng gia sản xuất, giúp đỡ gia đình chiến sĩ.

Đối với đồng bào Công giáo, Đảng đã chỉ rõ,công tác vận động giáo dân hết sức quan trọng, khắc phục những thành kiến, nhận thức lệch lạc với giáo dân và giáo sĩ. Vạch trần những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của địch hòng chia rẽ đồng bào với Chính phủ và Mặt trận Việt Minh. Nội dung, hình thức chủ yếu là khích lệ lòng yêu nước, sử dụng phương pháp nêu gương những cá nhân yêu nước, trừng trị các phần tử phản động để răn đe.

Tổ chức Đảng, Mặt trận không ngừng vận động đồng bào dân tộc thiểu số chống lại âm mưu lập các vùng tự trị của địch; chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào, tôn trọng phong tục tập quán, thuyết phục và cảm hoá các Lang, Phìa, Thổ ty; lập uỷ ban dân tộc thiểu số ở từng vùng. Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ dân vận.

Đối với Hoa kiều, tôn trọng và bảo vệ tài sản, giúp họ di cư, tản cư; phát huy vai trò của cán bộ người Hoa để vận động đồng bào người Hoa, kịp thời chấn chỉnh lại Ủy ban Hoa vận.

Công tác địch vận được xác định không chỉ là công việc của bộ đội mà là công việc quan trọng của Đảng, của các đoàn thể. Do vậy đã sử dụng nhiều hình thức, tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động làm tan rã tinh thần binh lính địch. Cổ vũ lính Pháp phản chiến, đối xử nhân đạo với tù binh.

Thực hiện các nhiệm vụ trên, các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động quần chúng. Liên khu Việt Bắc, Khu 10 tiến hành tổ chức Hội văn hóa kháng chiến tới cấp khu, có cán bộ phụ trách. Đối với tư sản, địa chủ, Liên khu đã đặt những hình thức tổ chức ở các địa phương cho thích hợp; Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Liên khu tiến hành đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; Đối với đồng bào Công giáo, Liên khu Việt Bắc chủ trương gây một phong trào Công giáo chống thực dân Pháp, cử đồng bào Công giáo tới chứng kiến những nơi bị giặc tàn phá. Thành lập các hội “bảo vệ tài sản và tính mạng cho dân”. Khu 12 đã đẩy mạnh công tác vận động đồng bào vùng địch chiếm đóng, tiễu trừ thổ phỉ.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền “đoàn kết kháng chiến”, “mùa Đông kháng chiến” với nhiều hình thức như:nói chuyện, bích báo, diễn thuyết… Đông đảo quần chúng đã tham gia ủng hộ bộ đội, tiếp tế lương thực phục vụ kháng chiến.

Trên mặt trận đấu tranh quân sự, Trung ương Đảng động viên đồng bào cả nước ra sức kháng chiến, ra lệnh cho toàn thể bộ đội, dân quân tự vệ kiên quyết chiến đấu, xung phong tiêu diệt địch. Mỗi quốc dân phải là một chiến sĩ, mỗi làng phải là một chiến hào. Ở Việt Bắc, bộ đội ta vừa phân tán làm công tác vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, vừa rải lực lượng thành phân đội ngăn chặn địch trên các tuyến đường vào căn cứ. Nhân dân ở các địa phương đã đóng góp sức người, sức của để xây dựng căn cứ địa, nhiều gia đình đã nhường nhà để cán bộ ở, đóng cơ quan,… Hàng trăm đội du kích thoát ly ra đời ngày đêm canh gác, bảo vệ căn cứ kháng chiến.

Toàn quốc kháng chiến, công tác dân vận đã đạt thành công to lớn, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng ngay từ đầu. Nhân dân từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt già trẻ, trai gái, thành phần giai cấp, tôn giáo, dân tộc đã tích cực tham gia xây dựng chính quyền, tăng gia sản xuất, cứu đói, xoá nạn mù chữ, chuẩn bị thực lực mọi mặt, chủ động sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt để bảo vệ nền độc lập, tự do.

_________________

(1) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương:Lịch sử Dảng Cộng sản Việt Nam (sơ thảo), tập 1 (1920-1954),Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.533.

 

ThS Vũ Thái Dũng

Viện Lịch sử Đảng

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền