Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta
Thứ sáu, 25 Tháng 11 2016 17:16
7679 Lượt xem

Vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta

(LLCT) - Đời sống chính trị - xã hội thế giới diễn biến phức tạp, tác động lớn đến công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, thực tiễn đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải. Chỉ có một thái độ kiên quyết, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, dũng cảm vượt qua những lạc hậu về nhận thức lý luận, những hạn chế, bất cập trong phương pháp tiếp cận lý luận, đổi mới tư duy lý luận, vận dụng sáng tạo học thuyết về CNXH và tiếp thu khôn ngoan những thành tựu khoa học chính trị của nhân loại, Đảng ta mới hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo của mình trong thời gian tới.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, trải qua 30 năm đã giành được những thành tựu to lớn,có ý nghĩa lịch sử và đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là phù hợp với khát vọng của toàn dân, là nguồn sức mạnh tạo nên sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân. Độc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện để xây dựng đất nước XHCN và CNXH là cơ sở, nền tảng bảo đảm vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Mục tiêu đó còn phản ánh “Quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”.

Hiện nay, bối cảnh của đời sống chính trị - xã hội thế giới với nhiều diễn biến phức tạp đang tác động to lớn đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Trong điều kiện ấy, chúng ta càng phải nỗ lực, sáng tạo trong việc quán triệt sâu sắc hơn và vận dụng sáng tạo hơn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam hiện nay.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ với những bước tiến nhảy vọt vừa tạo ra những tiền đề thuận lợi vừa đặt đất nước ta trước nhiều thách thức và nguy cơ tụt hậu; xu hướng toàn cầu hóa lôi cuốn hàng loạt quốc gia, khu vực tham gia mà đất nước ta cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo đó với đòi hỏi gay gắt: vừa tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Các mâu thuẫn thời đại hết sức phức tạp kèm theo các xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền biển đảo, cạnh tranh về kinh tế - thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên đang diễn ra gay gắt. Khủng bố và làn sóng di cư bất hợp pháp, các cuộc cách mạng sắc màu đang trở thành vấn đề nan giải, đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới cùng với những vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, thiên tai, các căn bệnh thế kỷ... đang đặt loài người trước những nguy cơ khó lường.

Các nước theo con đường XHCN, phong trào cộng sản và cánh tả còn gặp nhiều khó khăn, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, tìm cách xóa bỏ CNXH. Sự cùng tồn tại nhiều thể chế chính trị trên thế giới đã và đang tác động nhiều chiều đến công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam...

Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam dù đã được sự nghiệp Đổi mới làm rõ hơn trên nhiều lĩnh vực cơ bản, tuy vậy vẫn còn không ít vấn đề phải được tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để phát triển, làm sáng tỏ thêm về lý luận.

Sự phát triển của đất nước trong điều kiện hiện nay hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có một mô hình CNXH của riêng Việt Nam, vừa phản ánh những giá trị phổ quát của CNXH, vừa phản ánh những đặc điểm đặc thù của Việt Nam được thể hiện bằng những đặc trưng bản chất của xã hội XHCN của Việt Nam, các phương hướng cơ bản để hiện thực hóa đặc trưng, các giải pháp, cách thức tiến hành mang ý nghĩa đột phá... Phát triển đất nước theo định hướng XHCN phải được phản ánh trong các mục tiêu chiến lược: Mục tiêu chung của công cuộc xây dựng CNXH và mục tiêu đặc thù khi kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH gắn với mục tiêu của từng chặng đường, của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Việc xác định rõ các tiêu chí bằng định tính, định lượng cho CNXH ở Việt Nam cũng đòi hỏi phải phân tích đầy đủ, sâu sắc các mối quan hệ, bối cảnh quốc tế và trong nước, dự báo khoa học các xu thế, triển vọng, những thời cơ, thách thức đang đặt ra...

Thực tiễn công cuộc đổi mới trong 30 năm đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là bài học về việc nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng thực tế khách quan và những sáng kiến của nhân dân, vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH. Với tinh thần vận dụng sáng tạo đó, nhiều vấn đề lý luận mới, chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn làm cơ sở cho Đảng, Nhà nước hoạch định và đưa vào áp dụng trong thực tế những chính sách mới, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế, nhà nước pháp quyền XHCN, v.v.. Tám đặc trưng, tám phương hướng và tám mối quan hệ lớn để xây dựng CNXH ở Việt Nam là kết quả của sự sáng tạo lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, bắt đầu từ thực tiễn đổi mới tư duy. Quá trình đúc kết các vấn đề đó đều từ kết quả vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về CNXH, việc tổng kết những bài học kinh nghiệm của công cuộc xây dựng CNXH trên thế giới và thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích tối thượng của dân tộc phải được hiện thực hóa bằng thành quả xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH phải đưa đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. CNXH luôn lấy phương châm phát triển toàn diện cá nhân làm điều kiện để phát triển cộng đồng. Điều đó đòi hỏi hơn lúc nào hết phải nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân; coi đây là những tiền đề và mục tiêu cụ thể để thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Niềm tin của dân đối với Đảng, sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân cũng bắt đầu từ đó.

Việc nắm bắt các xu thế thời đại, lường trước những tác động nhiều chiều từ các xu thế mới vào công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta luôn luôn đòi hỏi một tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH đang đòi hỏi rất cao năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo. Thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải tường minh bằng lý luận.

Phát triển đất nước theo định hướng XHCN đòi hỏi phải kết hợp thường xuyên giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đồng thời, đổi mới chính trị phải nhằm mục tiêu giữ vững định hướng XHCN, bảo đảm sự phát triển bền vững của chế độ. Đổi mới chính trị phải bảo đảm độ mở cần thiết cho sự phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời gắn liền với việc kiểm soát quyền lực một cách hợp lý. Cụ thể hóa để giải quyết mối quan hệ này đang là vấn đề có ý nghĩa bức xúc hiện nay ở nước ta. Lộ trình, bước đi, giải pháp để giải quyết phải được cụ thể hóa trong đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đổi mới tư duy, lý luận luôn luôn là tiền đề để đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị. Sự chậm trễ trong đổi mới chính trị không chỉ hạn chế hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, mà còn làm cho chúng ta bỏ lỡ thời cơ phát triển, làm suy yếu chế độ và hạn chế tiềm lực bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta quan niệm: Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đất nước. Do vậy, coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân, đồng thời hiện thực hóa nền dân chủ XHCN đòi hỏi rất lớn sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm. Dân chủ XHCN chỉ có thể thực hiện ở Việt Nam, khi mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ phải được nhận thức lại trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm, bài học thực tế, hiện thực hóa bằng thể chế, bằng chính sách và hệ thống pháp luật gắn liền với việc xây dựng một đội ngũ cán bộ công tâm, đủ năng lực và sự đồng thuận của nhân dân.

Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước quản lý nhằm bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân phải được thực thi, được bảo hộ bằng hệ thống pháp luật XHCN. Dân chủ XHCN đòi hỏi phải giải quyết tường minh các mối quan hệ: quyền công dân với xã hội công dân, quyền công dân với quyền con người... Dân chủ XHCN chỉ có thể thực thi trọn vẹn khi nó được hỗ trợ bởi nền tảng và động lực của văn hóa dân chủ, văn hóa pháp luật ngày càng được hoàn thiện.

Đổi mới chính trị bao hàm trong đó những nội dung đổi mới quan điểm đường lối, chính sách và hệ thống pháp luật đồng thời với đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị đến đội ngũ cán bộ, công chức và bộ máy công quyền... Để mọi tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị thực thi nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân phải thường xuyên hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN ở Việt Nam. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, coi trọng pháp luật, kỷ cương đang là nhu cầu bức xúc để thực hiện dân chủ hóa ở Việt Nam hiện nay.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về CNXH đòi hỏi trước hết phải quán triệt những quan điểm có giá trị phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và về con đường đi lên CNXH, trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

V.I.Lênin đã nêu một luận điểm có giá trị bền vững đòi hỏi phải thường xuyên nghiền ngẫm, lĩnh hội để vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên CNXH, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến lên chủ CNXH không phải một cách hoàn toàn giống nhau. Mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo XHCN đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”(1). Lênin cũng đã giải thích: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài: Chính quyền xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. tec. + + = ∑= chủ nghĩa xã hội”(2). Nhận định của V.I.Lênin từ gần 100 năm trước vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận đối với chúng ta hiện nay trong thời đại toàn cầu hóa.

Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm có giá trị phương pháp luận nêu trên của V.I.Lênin, mở cửa tiếp nhận có chọn lọc tất cả các thành tựu lý luận chính trị của nhân loại, nghiên cứu tìm ra đặc trưng, đặc điểm của tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam đặt trong tương quan với quan hệ quốc tế, khu vực, xác định rõ mô hình, phương hướng, lộ trình và giải pháp nhằm hiện thực hóa những đặc trưng của xã hội XHCN ở Việt Nam là đòi hỏi bức thiết từ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam. Theo đó, hơn lúc nào hết, mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tổng kết thực tiễn để phát triển sáng tạo lý luận, làm sáng tỏ, thiết thực hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của chúng ta là chưa có tiền lệ, đồng thời đang đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Từ thực tiễn của công cuộc đổi mới 30 năm qua có thể thấy, chỉ có một thái độ kiên quyết, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, dũng cảm vượt qua những lạc hậu về nhận thức lý luận, những hạn chế, bất cập trong phương pháp tiếp cận lý luận, nhìn thẳng vào sự thật, vào thực tế, không ngừng đổi mới tư duy lý luận, vận dụng sáng tạo học thuyết về CNXH và tiếp thu khôn ngoan những thành tựu khoa học chính trị của nhân loại, Đảng ta mới hoàn thành được trách nhiệm lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công những mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1), (2) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.30, tr.160, 684.

 

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền