Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nhà nước Việt Nam vì quyền con người và quyền dân tộc tự quyết
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 08:50
3669 Lượt xem

Nhà nước Việt Nam vì quyền con người và quyền dân tộc tự quyết

(LLCT) - Là sản phẩm trực tiếp của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu mà Đảng đã xác định từ ngày thành lập. Đó là khẳng định rõ quyền dân tộc tự quyết và bảo đảm ngày càng cao quyền con người cho mọi người dân Việt Nam. Thực tế lịch sử đã chứng minh sự kiên định mục tiêu và sự nỗ lực không ngừng của Nhà nước ta đã mang lại những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong suốt 70 năm qua.

1. Bảo vệ vững chắc quyền tự quyết dân tộc

Thứ nhất, khẳng định quyền tự quyết dân tộc

Quyền tự quyết dân tộc là một giá trị lớn của nhân loại, gắn bó hữu cơ với quyền con người. Không bảo vệ được vững chắc quyền dân tộc tự quyết không thể bảo đảm được các quyền con người. Pháp luật quốc tế quy định: “...nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc được long trọng ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp quốc, tất cả các dân tộc có quyền tự do quyết định chế độ chính trị và theo đuổi sự phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài: Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền này, phù hợp với các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp quốc”, “Mỗi quốc gia có quyền không thể tách rời trong việc lựa chọn chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp của các quốc gia khác”(1).

Quyền tự quyết dân tộc được khẳng định tại Điều 1 của hai công ước nhân quyền năm 1966: “quyền tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”(2)...

Trong Tuyên ngôn Độc lập(1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền đương nhiên của mỗi con người, cũng như của mỗi dân tộc được tồn tại, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc. Người đứng đầu Chính phủ lâm thời đã tuyên thệ trước nhân dân cả nước và thế giới về trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các giá trị nhân quyền thiêng liêng.

Với ý chí ấy, ngay sau khi giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam đã tổ chức toàn dân chấp nhận mọi thách thức, hy sinh, kiên trì khẳng định phẩm giá dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhà nước Việt Nam đã bảo vệ được vững chắc quyền dân tộc tự quyết của mình. Đất nước thống nhất, được sự uỷ nhiệm của nhân dân, Nhà nước Việt Nam tiếp tục tổ chức toàn dân đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quyền con người cho mọi người dân.

Như vậy, không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia - những nội dung chủ yếu nhất của quyền dân tộc tự quyết - không thể có nhân quyền trọn vẹn.  

Sự nghiệp giành độc lập của nhân dân Việt Nam đã khích lệ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và góp phần quan trọng vào việc khẳng định quyền tự quyết của mọi dân tộc trên toàn thế giới(3). Cũng kể từ đó, quyền dân tộc tự quyết đã trở thành một nội dung cơ bản trong các văn kiện nhân quyền.

Có thể nói, đây là một đóng góp quan trọng của dân tộc Việt Namvào giá trị nhân quyền cao quý của nhân loại.

Trong bối cảnh mới, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, Nhà nước Việt Nam vẫn kiên trì đường lối độc lập, tự chủ trong mọi hoạt động đối nội và đối ngoại; kiên trì giữ vững tinh thần hòa hiếu với các quốc gia, dân tộc, nhằm tạo ra môi trường hòa bình để hưng thịnh đất nước. 

Thứ hai, khẳng định tính chính danh của một nhà nước kiểu mới

Bất cứ một nhà nước nào theo đuổi các mục tiêu nhân quyền cũng cần có chính danh (hay tính “chính đáng”). Nghĩa là nhà nước ấy phải tồn tại trên những cơ sở pháp lý vững chắc, được thừa nhận rộng rãi trong các quan hệ đối nội và đối ngoại.

Theo quy định của luật nhân quyền quốc tế, cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của một nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền là nhà nước ấy phải được thành lập thông qua bầu cử và mọi hoạt động của nhà nước phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ý thức rõ việc khẳng định tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam mới. Bản Tuyên ngôn Độc lậpđược long trọng tuyên bố, như bản án đanh thép kết tội chủ nghĩa thực dân về tội ác vi phạm nhân quyền; đồng thời khẳng định quyền tồn tại hợp pháp của một chính thể kiểu mới ở Việt Nam - chính thể cộng hòa, do nhân dân làm chủ.

Cùng với việc khẩn trương thực hiện cứu đói, xóa mù chữ, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất... nhằm giải quyết những yêu cầu trước mắt về nhân quyền cho đại bộ phận nhân dân, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sớm tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội trên phạm vi toàn quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều được tham gia bầu cử, ứng cử - một quyền rất quan trọng trong hệ thống các quyền con người.

Với những nội dung nhân quyền cụ thể và thực sự vì con người, Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam được xếp vào hàng tiến bộ nhất thế giới thời điểm ấy.

Bên cạnh giá trị hiến định nói trên, mục tiêu nhân quyền còn được thể hiện qua phát biểu bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Quan điểm này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, ở chỗ, nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của Nhà nước trong việc thực thi nhân quyền; đồng thời chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia với nhân quyền. Tư tưởng này đã trở thành định hướng chính trị quan trọng cho mọi hoạt động của Nhà nước Việt Nam.

Một nét đặc sắc nữa là, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm thấy rõ vai trò của Nhà nước, mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước và quan tâm sâu sắc đến việc không ngừng nâng cao uy tín của mọi tổ chức, mọi thành viên của Nhà nước, của Đảng chính trị trong quan hệ với người dân. Cùng với việc coi nhân dân là “người chủ” đất nước, nhân viên chính phủ từ Trung ương tới địa phương là “đày tớ”, là “công bộc” của nhân dân, ngay trong bối cảnh ác liệt của chiến tranh và từ căn cứ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh, đặc biệt là viết cuốn sách Sửa đổi lối làm việcdành cho các cấp chính quyền. Tuy chỉ là cuốn sách nhỏ, nhưng trong đó đã thể hiện tầm nhìn xa rộng về một chính quyền, mà ở đó trách nhiệm của các chủ thể nghĩa vụ về quyền được xác định rõ ràng như những gì luật nhân quyền luôn nhấn mạnh.

Như vậy, chính quyền dân sự được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám, từng thử thách qua thực tiễn khốc liệt của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và đang tiếp tục quản lý đất nước hiện nay, đã tạo được tính chính danhbởi các cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế; đồng thời sớm thể hiện được những yêu cầu cơ bản về cơ sở của quyền lực nhà nước và trách nhiệm của chủ thể nghĩa vụ quyền theo quy định của luật nhân quyền quốc tế. Chính những nhận thức và hoạt động đúng đắn ngay từ giai đoạn đầu tiên này đã giúp cho Nhà nước Việt Nam luôn giành được sự tín nhiệm của nhân dân.

Thứ ba, lựa chọn con đường phát triển đất nước

Hành trình đến văn minh của nhân loại diễn ra hết sức phong phú. Trong đó, mọi quốc gia, dân tộc xét đến cùng đều tìm kiếm con đường, cách thức để đạt tới sự phồn vinh của đất nước, sự hạnh phúc, tự do thực sự của mọi người dân. Xã hội XHCN là một xã hội đáp ứng được mong ước ấy của nhân loại. Đó là một xã hội thỏa mãn tối đa các quyền của đa số người dân một cách thực chất và chất lượng cao. Xã hội ấy, về lý thuyết là sự tiếp nối của xã hội TBCN. Vì thế, nó kế thừa và phát triển toàn bộ những giá trị tiến bộ của loài người, đặc biệt của xã hội TBCN đã tạo ra, từ việc phát triển kinh tế, xây dựng, tổ chức bộ máy theo nguyên tắc pháp quyền, xã hội công dân...

Dù phải trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ, Nhà nước Việt Nam vẫn kiên định con đường đã vạch ra từ năm 1930: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(4). Mặc dù có những thời kỳ mắc sai lầm chủ quan, duy ý chí, đất nước rơi vào khủng hoảng, việc bảo đảm các quyền con người còn chưa tốt, nhưng phát triển đất nước theo con đường XHCN vẫn là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại(5).

2. Bảo đảm ngày càng đầy đủ quyền con người cho mọi người

Thứ nhất, ghi nhận và bảo đảm quyền con người trên thực tế  

Hiến pháp đầu tiên đã ghi nhận những quyền con người cơ bản của mọi người Việt Nam. Nhà nước cũng đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ quyền của những nhóm “dễ bị tổn thương”, như phụ nữ, trẻ em, người già, người lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Nội hàm quyền con người ngày càng được ghi nhận đầy đủ hơn trong các bản Hiến pháp tiếp theo và tiệm cận các chuẩn mực và nguyên tắc nhân quyền quốc tế.

Trong thời kỳ đổi mới, vấn đề quyền con người được nhận thức ngày càng sâu sắc hơn: Được xác định là mục tiêu của Nhà nước Việt Nam, là bản chất của chế độ xã hội. Nhiều vấn đề lý luận từng bước được nhận thức rõ, như, việc bảo đảm quyền con người phải được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực(6); là nhận thức mới về bản chất mọi hoạt động của Nhà nước theo định hướng XHCN(7); bổ sung cách “tiếp cận chính sách” bằng cách “tiếp cận quyền”; là việc thừa nhận sự tồn tại của cơ chế thị trường, tính thiết yếu của Nhà nước pháp quyền và vai trò to lớn của các tổ chức xã hội như những “điều kiện cần” cho việc bảo đảm nhân quyền...

Các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước; phát biểu của các nhà lãnh đạo tại các diễn đàn quốc gia và quốc tế đều khẳng định rõ: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”(8),...

Thực tiễn hội nhập quốc tế và đổi mới tư duy lý luận đã giúp Đảng và Nhà nước nhận thức sâu sắc hơn nhiều giá trị quý báu, trong đó có giá trị nhân quyền, mà quốc gia, dân tộc nào cũng có quyền hưởng thụ và có trách nhiệm bảo vệ, phát triển. Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 điều ước nhân quyền cơ bản. Đến nay, pháp luật Việt Nam nhìn chung đã tương thích với những nguyên tắc và quy định của luật nhân quyền quốc tế.  

Những năm qua, Nhà nước đã tiến hành nhiều chương trình quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền(9) và triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn, nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng các quyền con người trên thực tế.

Các hoạt động nói trên đã đạt được những kết quả rất quan trọng, thể hiện ở sự tăng trưởng kinh tế và sự khởi sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành công của Việt Nam trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, bình đẳng giới, xoá đói nghèo(11); sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thông tin, truyền thông, báo chí cả nước, cũng như việc không ngừng mở rộng dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi, là bằng chứng mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Những tiến bộ đạt được trên lĩnh vực nhân quyền trong thời kỳ đổi mới chính là sự kế thừa, phát triển những nhận thức chính trị, chính sách, pháp luật mà Nhà nước Việt Nam đã thực hiện suốt 70 năm qua.

Những tri thức mới về quyền con người đã củng cố vững chắc hơn những nhận thức và hành động của Nhà nước Việt Nam; đồng thời bổ sung thêm kinh nghiệm quý báu vào việc bảo đảm nhân quyền trong thời kỳ mới. 

Thứ hai, tạo môi trường, điều kiện để hiện thực hóa quyền con người

Xây dựng nhà nước pháp quyền

Nhà nước Việt Nam đã sớm xây dựng được bản Hiến pháp dân chủ thể hiện những quyền con người cơ bản:“Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(11). Hiến pháp có những quy định tiến bộ mà nhiều quốc gia phương Tây, dù sớm được định hình về nguyên tắc chung nhưng cũng rất khó khăn mới đạt được về mặt pháp lý(12). Những quy định tiến bộ của Hiến pháp 1946 đã tạo nền tảng cho Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người. Các Hiến pháp tiếp theo không ngừng bổ sung, mở rộng các quy định về quyền con người cũng như cách thức bảo vệ nhân quyền.

Thời kỳ đổi mới, Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ hơn nhân dân là chủ thể của quyền con người. Vì vậy, con người luôn được đặt ở trung tâm của mọi chính sách phát triển. Cùng với nhận thức mới về quyền con người, lần đầu tiên khái niệm quyền con người được nêu trong Hiến pháp 1992(13). Trên cơ sở này, Nhà nước đưa ra nhiềucam kết chính trị,pháp lý và nỗ lực tổ chức thực thiquyền con người trên thực tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, vì nếu không nhận thức rõ trách nhiệm quốc gia và có quyết tâm chính trị sẽ không có nỗ lực của Chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người cụ thể.

Trong tiến trình đổi mới, Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người ở Việt Nam(14). Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa các quan điểm nói trên và thể hiện bước tiến mới trong tư duy lập hiến nói chung, về quyền con người nói riêng(15), phù hợp với tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền thế giới:“Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực của chính phủ” (Điều 21.3).

Trong 30 năm đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được hoàn thiện(16), hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đã có luật điều chỉnh; hệ thống tư pháp ngày càng được củng cố theo hướng “bảo vệ công lý và quyền con người”; nền hành chính công được thiết kế và vận hành theo nguyên tắc “nhà nước phục vụ” tiếp tục được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu mới của người dân và sự phát triển đất nước; cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người được trao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan nhà nước và được ghi rõ trong Hiến pháp...

Xây dựng chế độ dân chủ, thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa

Dân chủ là một quyền con người, đồng thời là môi trường, điều kiện để thực thi nhân quyền. Bảo vệ nhân quyền và thăng tiến dân chủ có mối quan hệ tương hỗ và tỷ lệ thuận với nhau trong phát triển.

Chế độ dân chủ mà Nhà nước Việt Nam đang xây dựng là nền dân chủ xã XHCN, cốt lõi là chế độ sở hữu và phân phối của cải
xã hội.   

Dân chủ còn thể hiện ở việc Nhà nước coi trọng, đề cao vai trò của nhân dân, huy động sự tham gia của người dân(17) và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ của đất nước, trong đó có việc thực hiện và bảo vệ nhân quyền.

Việc tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo ra sức mạnh to lớn, giúp đất nước vượt qua bao hiểm nghèo, thách thức để có thành quả phát triển đất nước như hôm nay. Trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, sự tham gia của người dân và cả hệ thống chính trị, góp phần cùng Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người nói chung, quyền của các nhóm xã hội “dễ bị tổn thương” nói riêng.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, từ nhận thức sâu sắc vai trò động lực của dân chủ, quyền dân chủ trong phát triển xã hội, Nhà nước Việt Nam tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các nước trong việc thực thi dân chủ; đồng thời kiên định những nguyên tắc cơ bản: Dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Theo đó, quá trình dân chủ hóa diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện rõ nét trong việc thực thi quyền tự do bầu cử, ứng cử, quyền tự do ngôn luận, quyền thông tin, quyền tham gia của người dân trong quản lý nhà nước và xã hội...

Đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa 

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm giải phóng mọi nguồn lực của đất nước, thực hiện quyền con người trên lĩnh vực kinh tế, làm tăng nhanh tiềm lực của đất nước, góp phầnnâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; đồng thời có thêm các điều kiện vật chất cho việc bảo đảm nhân quyền.

Tuy nhiên, nền kinh tế không phải vận hành, phát triển tự do, mà đề cao vai trò của Nhà nước trong việc hướng đến giải quyết những vấn đề xã hội nhằm bảo đảm trên thực tế công bằng xã hội...

Cùng với phát triển kinh tế, Nhà nước Việt Nam chủ trương thực hiện công bằng xã hộingay trong từng bước vàtừng chính sách phát triển, nhằm bảo đảm cuộc sống và sự phát triển cho mọi người dân. Theo đó, Nhà nước tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng chính sách phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị... Đây chính là việc bảo đảm “quyền được hưởng thành quả của sự phát triển đất nước” - một nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ gìn sự ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Nhà nước cũng sớm chú trọng tạo lập đời sống văn hóaphong phú, hiện đại. Nền văn hóa đó, một mặt kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, mặt khác, tiếp nhận những tinh hoa tiến bộ của thế giới, nhằm làm giàu thêm giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Chính điều này vừa bảo đảm tốt quyền được thụ hưởng văn hóa, vừa bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế...

Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm xây dựng các cơ chế bảo vệ quyền con người phù hợp với đặc thù Việt Nam(18). Nhờ đó, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường, điều kiện thiết yếu cho việc thực hiện vững chắc nhân quyền.

Cũng như mọi quốc gia tiến bộ khác, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục. Bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được, hiện còn những mặt hạn chế chưa được khắc phục. Đó là mức sống của nhân dân vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực; nhiều vấn đề xã hội chậm được giải quyết.

Những hạn chế trên luôn được Đảng, Nhà nước nhận diện và từng bước khắc phục. Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết là giáo dục về nhân quyền cho các cán bộ, công chức nhà nước các cấp; thực hiện nhiều chủ trương, dự án thiết thực nhằm sớm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền; kết hợp tốt việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với dân chủ hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao vai trò thực chất của các cơ chế giám sát nhân quyền, nhất là hoạt động của các tổ chức xã hội... Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ các nguồn lực cho việc nâng cao mức độ thụ hưởng các quyền của tất cả mọi người...

Việc bảo vệ vững chắc quyền dân tộc tự quyết và bảo đảm đầy đủ quyền con người ở Việt Nam chính là góp phần vào việc bảo vệ phẩm giá của quốc gia, dân tộc và nâng cao giá trị nhân quyền chung của nhân loại.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2016

(1)Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, năm 1970.

(2) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị vàCông ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, năm 1966.

(3)Năm 1960, Liên Hợp quốc thông qua Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa; theo đó, mọi hình thức của chủ nghĩa thực dân bị xóa bỏ trên quy mô toàn cầu.

(4)Văn kiện Đảng: Toàn tập,t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

(5) Tuy cách thức thực hiện khác nhau, nhưng ngày nay xã hội XHCN vẫn là lý tưởng phấn đấu của 143 đảng và tổ chức chính trị ở 140 nước thuộc khắp các lục địa; những người theo khuynh hướng XHCN đang nắm quyền ở 12/28 nước thuộc Liên minh châu Âu và thực thi nhiều chính sách hướng xã hội nhân đạo, trong đó chú trọng bảo vệ những người nghèo, người lao động...

(6) Từ xây dựng chính sách, pháp luật, củng cố thể chế, tăng cường dân chủ, nâng cao trách nhiệm công vụ, cho tới bảo đảm thực chất các quyền và tự do cơ bản.

(7) Như chuyển từ nhận thức nhà nước “cho dân”sang nhà nước “của dân”và “do dân”...

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991.

(9) Như thông qua các chương trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính các giai đoạn 2001-2010, 2011-2020.

(10) Thể hiện trong Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng cải thiện. Năm 2014, Việt Nam được xếp thứ 121/187 quốc gia và vùng lãnh thổ (hạng trung bình của thế giới, trên Ấn Độ và Trung Quốc). Điều đáng lưu ý là GDP bình quân của Việt Nam còn ở mức thấp.

(11) Hiến pháp năm 1946, Điều1.

(12) Trong khi Hiến pháp năm 1946 ở Việt Nam thừa nhận “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9), thì phải rất lâu sau những Tuyên ngôn bất hủ về nhân quyền (Mỹ 144 năm, Pháp 155 năm), phụ nữ các nước này mới được hưởng quyền bầu cử. Năm 1971, phụ nữ Thụy Sỹ; năm 2005, phụ nữ Kuwait... mới được thừa nhận quyền này. Mặc dù khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc không phân biệt đối xử, nhưng đến nay ở Mỹ tình trạng này vẫn rất nặng nề.

(13) Hiến pháp 1992, Điều 50: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.

(14) Đại hội XI chỉ rõ, đó là Nhà nước được tổ chức và vận hành theo nguyên tắc: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; Đại hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách lập pháp, hành pháp và tư pháp, đổi mới tư duy và quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật (...) Tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả”; “Hoàn thiện cơ chế để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.141,142).

(15) Hiến pháp 2013 dành toàn bộ Chương IIquy định cụ thể về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 14 ghi: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người (...) được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. 

(16) Chẳng hạn, ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội và bồi thường nhà nước khi có oan sai; việc tước tự do (dù vì mục đích nhân đạo như chữa bệnh bắt buộc) đều phải thông qua tòa án...

(17) Đại hội XI nêu rõ: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện. Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước”.

(18) Như đề cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; trao cho Mặt trận các chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, trong đó có các quy định về quyền con người và kiểm soát các nhánh quyền lực nhà nước...

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

PGS, TS Đặng Dũng Chí

Viện Nghiên cứu quyền con người,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền