Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Khoa học chính sách xã hội: Mô hình tiếp cận lý thuyết và thực tiễn Việt Nam
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 12:56
4948 Lượt xem

Khoa học chính sách xã hội: Mô hình tiếp cận lý thuyết và thực tiễn Việt Nam

(LLCT) - Ở Việt Nam, chính sách xã hội được xem là một bộ phận của chính sách công về các vấn đề xã hội và được nghiên cứu từ góc độ tổng kết kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên trên thế giới, chính sách xã hội còn được coi là một ngành khoa học trong các khoa học chính sách, có đối tượng, lý thuyết, khái niệm và phương pháp nghiên cứu. Do vậy, cần tìm hiểu các mô hình tiếp cận lý thuyết khoa học chính sách xã hội để có thể vận dụng và phát triển chính sách xã hội với tính cách là một môn khoa học, một ngành đào tạo và một loại hoạt động chuyên môn nghề nghiệp ở Việt Nam.

 

1. Cách tiếp cận lý thuyết về chính sách xã hội

Lý thuyết đại diện(representational theory, lý thuyết tái hiện, tượng trưng, điển hình) là cách tiếp cận mô tả, quy giản hiện tượng chính sách xã hội rất phức tạp thành những phạm trù, khái niệm đơn giản để giúp hiểu rõ hơn về chính sách xã hội. Các phiên bản điển hình của cách tiếp cận lý thuyết đại diện là các mô hình phân loại chính sách xã hội ở các nước TBCN.

Theo cách tiếp cận này Wilensky và Lebeaux (1965) đã đưa ra mô hình chính sách xã hội dư lợi - thiết chế, theo đó các chính sách xã hội được phân chia thành hai loại chính sách xã hội dư lợi (được áp dụng khi các thiết chế kinh tế thị trường và thiết chế gia đình không đủ sức đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của những nhóm dân số nhất định) và chính sách xã hội (thiết chế đóng vai trò hàng đầu trong xã hội bảo đảm cung cấp các dịch vụ xã hội rộng rãi và phổ biến trong xã hội).

Năm 1974, Titmuss bổ sung mô hình chính sách trung gian (mô hình kết quả - hoạt động công nghiệp), theo đó phúc lợi xã hội được cung cấp trên cơ sở phẩm chất năng lực, kết quả và năng suất lao động của cá nhân.

Năm 1990, Esping-Andersen đưa ra mô hình ba thế giới về chính sách xã hội, “ba thế giới của chủ nghĩa tư bản phúc lợi” gồm  “thế giới phúc lợi tự do”, “thế giới phúc lợi bảo thủ” và “thế giới phúc lợi dân chủ” - xã hội. Mỗi “thế giới chính sách xã hội” này đặc trưng bởi một kiểu tương quan nhà nước - xã hội, công - tư, và sự phân chia trách nhiệm cung ứng, sự phân tầng xã hội và các cấu trúc xã hội khác(1[1]).

Cách tiếp cận lý thuyết đại diện phát triển mạnh ở các nước công nghiệp phương Tây. Do vậy, cần nghiên cứu có phê phán và vận dụng sáng tạo lý thuyết này vào xem xét và phát triển chính sách xã hội ở các nước khác, nhất là ở những nước đang tái cấu trúc nền kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường.

Lý thuyết giải thíchhay phân tích (explanatory or analytical theory). Cách tiếp cận nghiên cứu này nhằm tìm ra bản chất, chức năng và các nguyên nhân của chính sách xã hội. Các phiên bản của cách tiếp cận lý thuyết này là những lý thuyết giải thích sự xuất hiện của chính sách xã hội.

Lý thuyết của Anne Schneider và Hellen Ingram (1993) cho rằng sự kết hợp của yếu tố kiến tạo xã hội với yếu tố quyền lực có khả năng giải thích tại sao chính sách xã hội được ban hành và tại sao chính sách đó lại nhằm vào nhóm dân số mục tiêu nhất định(2[1]).

James Midgley (1997) cho rằng, quá trình công nghiệp hóa có chức năng thúc đẩy các chính phủ tăng cường thực hiện chính sách phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, theo một số tác giả khác, các chính phủ phải thực hiện chính sách xã hội vì đó là công cụ, phương tiện hiệu quả để vừa tăng trưởng kinh tế, vừa duy trì an ninh, trật tự xã hội. Việc có nhiều lý thuyết giải thích chứng tỏ chính sách xã hội có nhiều nguyên nhân phức tạp và do vậy một mặt khó có thể chấp nhận duy nhất một lý thuyết và mặt khác cần phải dựa vào hệ giá trị, chuẩn mực nhất định để lựa chọn và thực thi chính sách xã hội cho phù hợp với thực tiễn của mỗi nước.

Lý thuyết chuẩn tắc(normative theory, lý thuyết chuẩn mực, quy chuẩn, quy phạm). Đây là cách tiếp cận lý thuyết mang nặng tính chất hệ tư tưởng chính trị bởi vì nó cung cấp các khung giá trị, chuẩn mực, quy phạm để xem xét, đánh giá, lựa chọn chính sách xã hội. Theo cách tiếp cận này, nhiều lý thuyết chuẩn tắc đã xuất hiện và được phân loại thành một số nhóm lý thuyết khác nhau để thuận lợi cho nghiên cứu và vận dụng trong khoa học chính sách xã hội.

Taylor - Gooby và Dale (1981) phân biệt ba nhóm lý thuyết chuẩn tắc về chính sách xã hội là (1) lý thuyết cá nhân luận (individualist theory) với các tác giả tiêu biểu là Milton Friedman và Frederick Hayek, (2) lý thuyết cải cách với đại diện tiêu biểu là William Beveridge, John Maynard Keynes, Richard Titmuss và Kenneth Galbraith, (3) cấu trúc luận với những tác giả tiêu biểu là Fred Hirsch, Jurgen Habermas và Michel Foucault.

James Midgley (1993, 1995) phân biệt ba nhóm lý thuyết chuẩn tắc là: cá nhân luận, tập thể luận và chủ nghĩa dân túy. Ba nhóm lý thuyết này khác nhau về cách đánh giá tầm quan trọng của thị trường, nhà nước và cộng đồng xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội của người dân. Sau nhiều nghiên cứu, James Midgley cùng cộng sự đã phân loại được ba cách tiếp cận này trong khoa học chính sách xã hội đương đại(3):

(1) Cách tiếp cận theo chủ nghĩa nhà nước(cách tiếp cận nhà nước luận): Nhà nước đóng vai trò quyết định trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và cải thiện mức sống của tất cả mọi người. Mô hình lý thuyết tiêu biểu là chủ nghĩa phúc lợi và các mô hình nhà nước phúc lợi ở Anh, ở Đức và nhiều nơi khác(4).

(2) Cách tiếp cận doanh nghiệp(cách tiếp cận cá nhân luận): Khẩu hiệu tiêu biểu là “nhà nước tối thiểu, thị trường tối đa” và được cho là cần được triển khai trong chính sách xã hội, nhất là chính sách phúc lợi xã hội, bảo trợ xã hội và phát triển xã hội, Cách tiếp cận này được các tác giả theo thuyết tự do mới phát triển, theo đó chính sách xã hội phải tuân theo cơ chế thị trường và phục vụ kinh tế thị trường. Xu hướng phát triển của cách tiếp cận này thể hiện ở việc xuất hiện các chương trình phúc lợi tại nơi làm việc và phúc lợi lao động, trong đó các doanh nghiệp chủ động, tích cực cung cấp các dịch vụ xã hội và phúc lợi cho người lao động, đồng thời khuyến khích, động viên và nâng cao trách nhiệm cá nhân của người lao động. Cách tiếp cận này gợi ra vấn đề nghiên cứu về phát huy vị trí, vai trò của khu vực tư nhân trong chính sách xã hội, trong điều kiện tái cấu trúc nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. 

(3) Cách tiếp cận dân túy(cách tiếp cận đại chúng): Chính sách xã hội phải dựa vào tất cả các hệ giá trị, niềm tin và văn hóa cộng đồng, bản địa. Tiêu biểu là các chính sách xã hội dựa vào cộng đồng, chương trình xã hội phát triển cộng đồng, trong đó các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức quần chúng, tổ chức truyền thống tích cực hoạt động và phát huy vai trò bảo đảm phúc lợi xã hội. Cách tiếp cận này gợi ra vấn đề nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy nội lực của các thành phần xã hội, cấu trúc xã hội của cộng đồng xã hội trong xây dựng và thực thi chính sách xã hội.   

Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam chủ trương thực hiện các chính sách xã hội theo tinh thần xã hội hóa, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vấn đề nghiên cứu đặt ra từ các cách tiếp cận lý thuyết chuẩn tắc là làm sao xây dựng và phát triển được cách tiếp cận hệ thống về chính sách xã hội, trong đó huy động được sức mạnh của tất cả các chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế... nhằm đáp ứng nhu cầu phúc lợi xã hội, phát triển con người, phát triển xã hội của các cá nhân, gia đình, cộng đồng.

2. Mô hình công về chính sách xã hội

Theo Richard Titmuss (nhà nghiên cứu quản trị xã hội người Anh), mô hình công về chính sách xã hội (public model of social policy)(5) có nguồn gốc từ hệ thống phúc lợi vì người nghèo ở Anh đầu thế kỷ XX. Trong mô hình này, chính sách xã hội là chính sách công hoạt động theo cơ chế phân phối lại và không phân biệt đối xử nhằm mục tiêu chung là bảo đảm sự hội nhập xã hội, đoàn kết xã hội. Đó là một hệ thống các dịch vụ công về giáo dục, y tế, bảo hiểm, nhà ở và các dịch vụ trực tiếp khác. Xét về phạm vi nhóm dân số, mục tiêu của chính sách xã hội, mô hình công này bao gồm 3 thành phần phúc lợi: (1) Phúc lợi toàn dân gồm các dịch vụ phúc lợi xã hội phổ biến, phổ quát dựa vào công dân. Mọi người đều được tiếp cận không phân biệt tình trạng tài sản thừa kế hay thành tích lao động hoặc kết quả đóng góp; (2) Phúc lợi tài chính, dành cho một số ít dân số gồm những người đóng thuế trực tiếp; (3) Phúc lợi nghề nghiệp, dành cho nhóm dân số đang làm việc (hiện nay phần đông số này là lao động nghề nghiệp cổ trắng và nghề nghiệp của giai tầng trung lưu), do vậy chỉ dựa vào thành tích lao động.

Tuy nhiên, Titmuss cũng phát hiện thấy rằng: mô hình công về chính sách xã hội ở Anh (với ba thành phần là các dịch vụ phúc lợi xã hội, phúc lợi tài chính và phúc lợi nghề nghiệp) không chú trọng tới chính sách an sinh xã hội và chính sách về nhà ở. Từ đây xuất hiện nghịch lý trong cách tiếp cận phân phối lại của chính sách xã hội, thể hiện ở chỗ: mô hình chính sách xã hội xuất phát từ người nghèo, vì người nghèo nhưng do nhiều biến đổi trong xã hội và chính sách mà mô hình chính sách xã hội ở Anh và nhiều nước khác không quan tâm đúng mức đến người nghèo. Do đó, Titmuss đã sớm kêu gọi cần mở rộng phúc lợi cho người nghèo(6). Gần đây, nghịch lý của sự phân phối lại được nhiều tác giả phát hiện thêm: càng dành nhiều ích lợi cho người nghèo bao nhiêu và càng quan tâm đến việc tạo ra sự bình đẳng bằng cách cung cấp dịch vụ công cho tất cả mọi người thì càng ít khả năng trong việc giảm nghèo và giảm bất bình đẳng bấy nhiêu(7). Nghịch lý này xảy ra do quá quan tâm đến việc phân phối lại cho công bằng và bình đẳng theo quan niệm “không sợ nghèo, chỉ sợ chia không đều” mà xem nhẹ sản xuất. Nghịch lý này đòi hỏi khi áp dụng cơ chế phân phối lại cho người nghèo cần khuyến khích làm giàu, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động xã hội.

Từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam chủ trương thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng chính sách phát triển, khuyến khích làm giàu kết hợp với xóa đói giảm nghèo. Từ đây nảy sinh một nguyên tắc mới của chính sách xã hội là nâng cao năng lực của các nhóm xã hội (kể cả nhóm người nghèo), tức là phúc lợi xã hội hướng vào phát triển con người. 

3. Mô hình chức năng về chính sách xã hội

Năm 1964 khi nghiên cứu vai trò của phân phối lại trong chính sách xã hội Titmuss đã phát hiện ra một trục lý thuyết về chính sách xã hội với cực trái ngược, đối lập nhau(8). Ở cực thứ nhất là quan điểm cho rằng chính sách xã hội bao gồm các can thiệp tối thiểu của nhà nước nhằm cung cấp phúc lợi cho một nhóm tối thiểu người nghèo. Từ đây xuất hiện mô hình dư lợi hay mô hình tối thiểu về chính sách xã hội. Ở cực thứ hai đối lập là quan điểm cho rằng chính sách xã hội bao gồm các nguyên tắc quản trị các quan hệ xã hội và các hoạt động của các cá nhân và các nhóm xã hội. Từ đây xuất hiện mô hình thiết chế về phúc lợi xã hội. Giữa hai mô hình đối lập nhau này là các quan điểm và các mô hình trung gian về chính sách xã hội, ví dụ quan điểm rằng chính sách xã hội là các dịch vụ xã hội và các phúc lợi xã hội hay các can thiệp của chính phủ nhằm duy trì thu nhập, đảm bảo giáo dục và y tế, v.v. Xem xét kỹ chức năng của các thiết chế nhà nước, gia đình và thiết chế lao động trong xã hội hiện đại, Titmuss (1974) đưa ra ba mô hình chức năng về chính sách xã hội(9):

(i) Mô hình phúc lợi dư lợi về chính sách xã hội. Theo mô hình này, chính sách xã hội chỉ thực hiện chức năng phúc lợi xã hội khi thiết chế thị trường và gia đình bị đổ vỡ đến mức không đáp ứng được nhu cầu của các cá nhân; khi đó phúc lợi xã hội được nhà nước cung cấp một cách tối thiểu và tạm thời cho một số tối thiểu dân số quá khó khăn. Mục tiêu của mô hình dư lợi này, theo cách nói của giáo sư Peacock là dạy mọi người cách sống mà không cần đến phúc lợi nhà nước(10). Mô hình này có tên gọi ngắn gọn là mô hình chính sách xã hội tối thiểu (minimum model, mô hình tối thiểu). 

(ii) Mô hình phúc lợi kết quả - hoạt động công nghiệp. Theo đó mô hình này, chính sách xã hội chỉ có chức năng trợ giúp, hỗ trợ, bổ sung cho kinh tế. Việc đáp ứng các nhu cầu xã hội của cá nhân cần phải căn cứ vào phẩm chất, năng lực và kết quả, năng suất lao động của cá nhân. Titmuss cho rằng mô hình này có cơ sở lý luận là các lý thuyết kinh tế học và tâm lý học về nhu cầu, khuyến khích, động cơ, nỗ lực, khen thưởng, lòng trung thành, sự cam kết với nhóm và với giai tầng xã hội. Titmuss gọi đích danh mô hình này là “mô hình trợ giúp” về chính sách sách xã hội (Handmaiden model).

(iii) Mô hình thiết chế phân phối lại. Ở mô hình này, chính sách xã hội có chức năng của một thiết chế phối hợp để thực hiện bình đẳng xã hội. Các dịch vụ xã hội được cung cấp một cách phổ biến, phổ cập, phổ quát cho tất cả mọi người theo nguyên tắc nhu cầu và nguyên tắc bình đẳng xã hội mà không theo nguyên tắc thị trường. Mô hình này còn gọi là mô hình thiết chế về chính sách xã hội (institutional model of social policy). 

Năm 2015, từ góc độ tiếp cận lý thuyết về phát triển, Midgley đưa ra ý kiến phê phán cả ba mô hình của Titmuss và của một số tác giả khác về chính sách xã hội ở phương Tây. Theo Midgley, các mô hình này đã cố tách biệt chính sách xã hội ra khỏi chính sách kinh tế mà không thấy rõ đây là hai bộ phận bổ sung cho nhau để cùng tạo nên sự phát triển chung của cả xã hội(11). Một hạn chế nữa là các mô hình này chỉ phù hợp với xã hội phương Tây. Do vậy, khi vận dụng các mô hình tiếp cận lý thuyết này vào thực tiễn cần phải tính đến các đặc thù văn hóa và điều kiện lịch sử - chính trị - kinh tế của các xã hội cụ thể.  

4. Mô hình chính sách xã hội phát triển

Mô hình này khác biệt với tất cả các mô hình chính sách xã hội ở các nước công nghiệp tiên tiến ở việc kết hợp chính sách xã hội với chính sách kinh tế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình này một mặt coi chính sách xã hội với các chi tiêu xã hội có chức năng đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác đòi hỏi chính sách xã hội phải có hiệu quả kinh tế, do vậy cần được thể chế hóa và có trách nhiệm xã hội. 

Thuật ngữ “phát triển xã hội” (social development) được Chính phủ Anh sử dụng vào năm 1954 để chỉ sự kết hợp giữa phúc lợi xã hội truyền thống với phát triển cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Tiếp đó, Liên Hợp quốc sử dụng thuật ngữ này như là một cách tiếp cận trong xây dựng và thực thi chính sách xã hội ở các nước phát triển, đòi hỏi chính sách kinh tế cần phải gắn chặt với chính sách phúc lợi xã hội, tăng trưởng kinh tế cần phải đem lại phúc lợi cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cách tiếp cận này bị phê phán là áp đặt từ trên xuống dưới, do vậy đã được thay đổi với tên gọi mới là phát triển dựa vào sự tham gia cộng đồng (community participation) vào những năm 1970 và chính sách xã hội được gắn chặt với chính sách kinh tế. Năm 1976, tại Hội nghị Việc làm Thế giới, Tổ chức lao động thế giới (ILO) đã đưa ra cách tiếp cận nhu cầu cơ bản (basic needs) để áp dụng vào phát triển kinh tế - xã hội theo đó chính sách phát triển kinh tế phải đặt trọng tâm hàng đầu vào các mục tiêu phúc lợi xã hội.

Mô hình này đạt được một bước tiến mới tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội (social development) được tổ chức ở Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 3-1995. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Copenhagen, theo đó các chính phủ cam kết thực hiện tám mục tiêu chủ yếu: (i) xây dựng môi trường kinh tế, chính trị và pháp lý để thúc đẩy phát triển xã hội; (ii) giảm nghèo; (iii) thúc đẩy việc làm đầy đủ và sinh kế bền vững; (iv) tăng cường hội nhập xã hội; (v) bình đẳng giới và sự tham gia của đầy đủ của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, dân sự và văn hóa; (vi) tiếp cận phổ cập và công bằng đến giáo dục và y tế; (vii) tăng tốc phát triển kinh tế và xã hội ở châu Mỹ Latinh và (viii) giảm tác hại của các chương trình điều chỉnh cấu trúc thông qua các biện pháp xã hội. Mặc dù các chính phủ đạt được các mục tiêu này với các mức độ khác nhau nhưng các mục tiêu của Tuyên bố Copenhagen năm 1995 đã tạo ra chương trình nghị sự mới cho chính sách xã hội trên phạm vi toàn cầu. Lần đầu tiên sự phát triển xã hội chính thức trở thành mục tiêu toàn cầu của sự phát triển kinh tế, chính trị, pháp lý. Phát triển xã hội bao gồm cả hai mặt: về kinh tế là giảm nghèo, việc làm và sinh kế bền vững và về xã hội là hội nhập xã hội, bình đẳng giới, phổ cập giáo dục, y tế. Đồng thời, phát triển xã hội cũng là phương thức, biện pháp giảm thiểu tác hại của các chính sách kinh tế và biến đổi kinh tế.

Cách tiếp cận phát triển và mô hình chính sách xã hội phát triển của Liên Hợp quốc đã lan rộng ra khắp các nước đang phát triển; xuất hiện trào lưu “học hỏi từ thế giới thứ ba” trong khoa học chính sách nói chung và khoa học chính sách xã hội nói riêng ở các nước công nghiệp phát triển. 

Một số đặc trưng: Khác với các cách tiếp cận chính sách xã hội từ góc độ phân phối lại, chức năng từ thiện, công tác xã hội, quản trị xã hội và các mô hình khác, cách tiếp cận phát triển đặc trưng bởi việc kết hợp hài hòa chính sách xã hội(12) với chính sách kinh tế trong bối cảnh rộng lớn của sự phát triển xã hội[1] với tính cách là hệ thống xã hội. Mối quan hệ hài hòa này được thiết lập thông qua ba cơ chế: (i) thiết lập các tổ chức chính thức thông qua đó chính sách kinh tế kết hợp với chính sách xã hội. (ii) xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế đảm bảo tăng trưởng kinh tế có tác động tích cực và trực tiếp đến nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người. (iii) xây dựng và thực thi các chính sách phúc lợi xã hội sao cho có thể góp phần tăng trưởng kinh tế.

5. Thực tiễn Việt Nam

Ngay khi bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước (1986), Đảng ta đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của chính sách xã hội gồm năm nội dung cơ bản, đó là(13): (i) kế hoạch hóa dân số, giải quyết việc làm cho người lao động; (ii) thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa; bảo đảm an toàn xã hội, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; (iii) chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hóa, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân; (iv) xây dựng chính sách bảo trợ xã hội; (v) thực hiện đúng chính sách giai cấp và chính sách dân tộc.

 Năm 1996, Việt Nam xác định rõ việc xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải dựa trên 5 nhóm quan điểm: (i) tăng tưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển; (ii) thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, (iii) khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói, giảm nghèo; (iv) phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”; (v) các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa.

Năm 2012, Đảng ta ban hành nghị quyết chuyên đề về “Một số vấn đềchính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, trong đó rút ra một trong 5 bài học kinh nghiệm cơ bản, quan trọng nhất, đó là: chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển. Năm 2015, Việt Nam đề ra định hướng lớn của chính sách xã hội là quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.

Như vậy là, mô hình chính sách xã hội của Việt Nam đã được đổi mới từ mô hình đặc trưng cho cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình tương ứng với cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, cách tiếp cận phát triển ngày càng thể hiện rõ trong các nguyên tắc xây dựng và vận hành hệ thống chính sách xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử xã hội cụ thể, chính sách xã hội ở nước ta tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm thích đáng đến việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, nhu cầu an sinh xã hội tối thiểu của các nhóm, các giai tầng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004(14): trung bình một người Việt Nam thu nhập 260 nghìn đồng từ “an sinh xã hội”, chiếm 4% tổng thu nhập 6,1 triệu đồng/người/năm. Trong các khoản thu nhập từ an sinh xã hội này, khoản thu nhập từ “Bảo hiểm xã hội cho những người đang làm việc” chỉ chiếm 1,6%, khoản thu nhập từ “trợ cấp giáo dục” chiếm 4,8%, trong khi đó thu nhập từ “trợ cấp y tế” chiếm gần 23% và thu nhập từ “bảo hiểm xã hội - hưu trí” chiếm 62%, còn lại hơn 9% là thu nhập từ “phúc lợi xã hội”. Mức thu nhập an sinh xã hội bình quân đầu người Việt Nam thấp và không bình đẳng giữa các vùng miền. Ví dụ, ở Việt Nam năm 2004, bình quân thu nhập từ an sinh xã hội là 260 nghìn đồng/người/năm, nhưng ở đồng bằng sông Hồng thu nhập từ an sinh xã hội là 460 nghìn đồng/người/năm, nhiều gấp 5 lần so với ở đồng bằng sông Cửu Long là 90 nghìn đồng/người /năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở hai vùng này tương đối bình đẳng: ở đồng bằng sông Hồng là 6,2 triệu đồng/người/năm và ở đồng bằng sông Cửu Long là 6 triệu đồng/người/năm.

Thực trạng an sinh xã hội như vậy chứng tỏ mô hình tiếp cận hệ thống chính sách xã hội ở Việt Nam cần được đổi mới mạnh hơn nữa để đảm bảo công bằng xã hội và tiến bộ xã hội, phát triển con người và phát triển xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập thế giới. Thực tiễn này cũng đòi hỏi chính sách xã hội phải trở thành lĩnh vực nghiên cứu khoa học chuyên ngành để vừa tiếp thu có phê phán các cách tiếp cận, các mô hình lý thuyết khoa học chính sách trên thế giới và tổng kết thực tiễn để phát triển khoa học chính sách xã hội ngang tầm với công cuộc đổi mới đất nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1) Trích theo Anna Shola Orloff: Social Provision and Regulation: Theories of States, Social Policies and Modernity,Institute for Policy Research Northwestern University: Working Paper Series,WP-04-07, p.7-9, p.19.

(2) Anne Schneider and Helen Ingram. Social construction of target populations: Implications for politics and policy. American Political Science Review. Vol.87. No.2. June 1993; Lê Ngọc Hùng: “Chính sách xã hội và kiến tạo xã hội: một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn”. Tạp chí Thông tin khoa học Lý luận chính trị, Số 1 (14), 2016, tr.1-10.

(3) Nguồn. Anthony Hall and James Midgley. Social Policy for Development. London:SAGE Publications. 2004.

(4) CIEM - GTZ: Nền kinh tế thị trường xã hội và sinh thái - Một mô hình cho sự phát triển châu Á, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2008.   

(5), (6), (8) https://www.ssa.gov: Richard Titmuss (1964), The Role of Redistribution in Social Policy.

(7) Julia S. O’Connor. “Gender, citizenship and welfare state regimes” in Patricia Kennett. A Handbook of Comparative Social Policy. USA: Edward Elgar Publishing Ltd, 2004, p. 171.

(9), (10) Richard M. Titmuss (1974): What is Social Policy?in Stephan Leibfried and Steffen Mau (Editors), Welfare States: Construction, Deconstruction, Reconstruction. Vol. 1. 2008, pp. 145-147, 31.

(11), (12) James Midgley:“Toward a Developmental Model of Social Policy: Relevance of the Third Expence”. The Journal of Sociology & Social Welfare. Vol. 23. May 2015. Richard Titmuss (1964),. Sđd.

 (13) ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VIII, XII của Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 15-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; Lê Ngọc Hùng. “Đổi mới chính sách xã hội ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay”. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. 6 (79). 2014.

(14) Martin Evans và các đồng sự. An sinh xã hội ở Việt Nam lũy tiến đến mức nào? UNDP Hà Nội. 2007; Nguyễn Thị Lan Hương và các đồng sự. Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020, Hà Nội, tháng 11-2013.

 

GS, TS Lê Ngọc Hùng

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền