Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Dân chủ, đồng thuận trong hoạch định và thực thi chính sách, luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 12:57
2114 Lượt xem

Dân chủ, đồng thuận trong hoạch định và thực thi chính sách, luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong lịch sử chính trị Việt Nam, từ đầu thế kỷ XVII, các chúa Trịnh (đàng Ngoài), chúa Nguyễn (đàng Trong) và các đời vua nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã ra các sắc chỉ, chỉ dụ cấm đạo (tôn giáo) hoặc phân sáp, thích chữ, tả đạo đối với giáo dân (1), làm tổn hại đến hoà khí của dân, hoà khí của nướcvà những hệ lụy ở nửa cuối thế kỷ XIX. Đó là những bài học lịch sử trong việc hoạch định và thực thi chính sách, luật pháp đối với tôn giáo. Ở đây, xin bàn thêm về vấn đề dân chủ, đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo nhân dịp góp ý cho Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời năm 1945, Hồ Chí Minh sớm nêu rõ quan điểm về vị trí, tầm quan trọng của công tác tôn giáo: “chính sách tôn giáo quan trọng không kémgì các chính sách kinh tế, chính trị” và tuyên bố “Tín ngưỡng tự do, lương, Giáo đoàn kết là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”(2). Nhất quán quan điểm đó, trong hơn 70 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và chính sách đối với tôn giáo. Nhìn chung, những văn bản pháp quy này đều được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do tôn giáo, quyền dân chủ, minh bạch, công khai trong việc hoạch định chính sách, pháp luật đối với tôn giáo, tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau: chính sách, pháp luật về tôn giáo còn thiên về dùng biện pháp hành chính để quản lý các hoạt động tôn giáo. Công tác tuyên truyền, vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo còn gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính và các quyền thể nhân, pháp nhân liên quan đến sở hữu đất đai, tài sản, đăng ký tham gia các hoạt động xã hội như mở trường lớp đào tạo, mở bệnh viện, thành lập các hiệp hội kinh tế, văn hóa... Còn tồn tại những tranh chấp, khiếu kiện giữa các tổ chức tôn giáo và chính quyền; còn những hoạt động lợi dụng danh nghĩa tôn giáo chống đối đường lối, chính sách.

Những tồn tại trên đây xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân chính: (i) chính sách, luật pháp về tôn giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế; (ii) một số nơi, chính quyền và cán bộ chưa làm tốt công tác tôn giáo; (iii) một số tổ chức, cá nhân tôn giáo chưa thực sự hợp tác, thiện chí và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, chưa thực sự đồng hành cùng dân tộc. Giải pháp cho các vấn đề trên là dân chủ và đồng thuận trong xây dựng và thực thi chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Một là, một nếp nghĩ lâu nay là ban hành chính sách, luật pháp về tôn giáo nhằm mục đích chủ yếu là để quản lý các hoạt động tôn giáo theo định hướng và ý chí chủ quan, chưa quan tâm thích đáng đến quyền, nhu cầu, lợi ích của khách thể thụ hưởng là các cá nhân và tổ chức tôn giáo. Người dân (tín đồ) phải chấp thuận các thiết chế (chính sách, luật pháp) đó và tuân thủ thực thi các thiết chế đó (các cơ quan nhà nước), lâu dần người dân trở nên “thích nghi hóa” với định chế chính trị và tư duy “quản lý” đó, họchấp nhận phục tùng. Quá trình xây dựng và thực thi chính sách tôn giáo thiếu sự phản biện, giám sát, do đó các cơ quan ban hành chính sách hay luật phápkhông nhận ra được hạn chế, sai lầm, khiếm khuyết của mình.

Phản biện, giám sát là một trong những biểu hiện của dân chủ. Để bảo đảm tính dân chủ, đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách tôn giáo thì chính sách, luật pháp tôn giáo phải được xây dựng dựa trên Hiến pháp (khế ước) giữanhà nước và các thành phần xã hội trong đó cótôn giáo một cách bình đẳng, tôn trọng và được người dân(tín đồ)chấp thuận. Đó là luật hóa Hiến pháp, ký kết thành văn bản pháp quy thể hiện thông qua chính sách, pháp luật, lấy đó làm nền tảng để thực thi và giám sát. Luật pháp vẫn cần tiếp tục phản biện để cải tiến, sửa đổi, bổ sung mới cho phù hợp với nhu cầu, lợi ích của người dân.

Nói chung, chính sách, luật pháp không phải là cái bất biến, mà cần phải thay đổi cho thích ứng và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân.

Hai là,để bảo đảm tính dân chủ, đồng thuậntrong hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về tôn giáo cần hướng đến một chính sách công, luật pháp công với 5 tiêu chí: (1)Chủ thể hoạch định chính sách, luật pháplà các cơ quan công quyền; (2) Khách thể thụ hưởng chính sách, luật pháplà công chúng; (3) Quá trình hoạch định chính sách, luật phápphải có sự tham gia, trao đổi, thương thuyết giữa chủ thể hoạch định chính sách, luật pháp và khách thể thụ hưởng; (4) Mục đích cơbản của chính sách, luật pháplà hướng tới những mong muốn, lợi ích chung chứ không vì mục đíchhaylợi ích nhóm, lợi íchcá nhân; (5) Chính sách hay luật pháp phải được công khai hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chính sách, luật pháp tôn giáo ở Việt Nam được xây dựng chủ yếu trên quan điểm chỉ đạo của Đảng và sự đề xuất, tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo. Để bảo đảm tính dân chủ thì những chính sách, pháp luật đó phải được sự đồng thuận của cộng đồng các tôn giáo hoặc những người đại diện cho cộng đồng tôn giáo. Đồng thời, nội dung của chính sách, luật pháp tôn giáo cần được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các kênh thông tin khác, tạo điều kiện để tín đồ các tôn giáo và cả người dân không tôn giáo có thể góp ý, trao đổi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xây dựng và thực hiện chính sách đó. Việc thiếu dân chủ, đồng thuận trong việc hoạch định chính sách, luật pháp sẽ làm hạn chế sự tham gia của người dân và tổ chức tôn giáo vào hoạt động quản lý nhà nước với tính chất là người giám sát, phản biện. Và do thiếu công khai nên dẫn đến tình trạng áp dụng chính sách, luật pháp không thống nhất, và cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sự tùy tiện trong việc thực thi chính sách, luật pháp tôn giáo.

Đa phần các quốc gia trên thế giới đều xây dựng chính sách, luật pháp tôn giáo trên nguyên tắc nhà nước thế tục và pháp quyền. Tức là, chính thống hóa nền chính trị, chính - giáo phân ly, không có tôn giáo nhà nước chính thức. Nhà nước giữ vai trò trung lậpđối với các tôn giáo, mọi tôn giáo đều được tự do thờ cúng và tự do tạo dựng tôn giáo của mình, nhưng tôn giáo không được trao cho bất cứ cái gì có nguồn gốc công, không được tham gia vào các cơ quan công quyền, không được tham gia vào việc hoạch định và xây dựng chiến lược phát triển quốc gia. Không chấp nhận vai trò lãnh đạo chính trị của các chức sắc tôn giáo, không chấp nhận tôn giáo vũ tranghay tổ chức một lực lượng chính trị đối lập, thậm chí, tôn giáo không được tham dự nhiều vào các vấn đề của đời sống xã hội, ngoại trừ ở một số nước Hồi giáo. Hiến pháp của một số nước phương Tây như Mỹ đã có quy định về việc tách biệt nhà thờ và nhà nước, trong The First Amendment to the Constitution(Điều bổ sung thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ) nghiêm cấm việc thiết lập một tôn giáo nhà nướcchính thức, cấm chính phủ trợ cấp cho các nhóm tôn giáo, cũng như nghiêm cấm chính quyền tiểu bang hoặc liên bang can thiệp vào các tổ chức tôn giáo và việc hành đạo của họ. Ở Pháp, Luật Phân lynăm 1905, điều 2 có ghi: Chính thể cộng hòa không công nhận, không trả lương, không trợ cấp cho bất kỳ tôn giáo nào. Kể từ đó, nước Pháp đã rời bỏ nguyên tắc “nước Pháp tôn giáo toàn tòng”, “nước Pháp trưởng nữ của giáo hội” thay bằng nguyên tắc “thế tục trung lập thể chế” của nền cộng hòa và Hiến pháp hóa tính thế tục trung lập đó (năm 1946), nhà nước thế tục trở thành tên gọi của nước Cộng hòa Pháp(3).

Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách, luật pháp tôn giáo xây dựng trên mô hình nhà nước thế tục và pháp quyền đúng nghĩa nêu trên đều chưa thực sự đạt được ở nhiều quốc gia. Ở Pháp, tại thời điểm Luật Phân ly ra đời và Hiến pháp 1946 thừa nhận nhà nước thế tục, thì Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo vẫn là một trong ba đảng mạnh nhất lãnh đạo nước Pháp, trường học tư thục Công giáo vẫn chiếm ưu thế. Ở Đức, Ý, Thụy Sỹ, Mỹ, về nguyên tắc, họ đều tuyên bố chính - giáo phân ly, tôn giáo là việc tư nhân (riêng tư). Các cá nhân và tổ chức tôn giáo không được tham gia vào các cơ quan công quyền. Song, trên thực tế, mọi công dân (theo hay không theo tôn giáo) đều phải chấp thuận rất nhiều hoạt động xã hội đã bị tôn giáo hóa. Ở Mỹ, đại biểu phải cầu kinh trước kỳ họp Quốc hội, trong lễ nhậm chức, tân tổng thống phải đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để tuyên thệ. Đồng đô la Mỹ có in dòng chữ “In God, We Trust” - chúng tôi tin vào Chúa, đó là chân lý, đó là sự thật. Ở Ý, Mỹ, cây Thánh giá hiện diện trong trường học, bệnh viện. Trong phòng xử án, thẩm phán trước khi tuyên án cũng phải đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để tuyên thề. Việc quyên góp tiền cho các tổ chức tôn giáo sẽ được khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân. Các trường phổ thông ở Mỹ không được dạy về thuyết tiến hóa của Darwin trong môn sinh vật học. Các tổ chức tôn giáo ở Mỹ, Đức, Pháp lên tiếng phản đối mạnh mẽ các chủ trương của nhà nước như quyền phá thai, luật hôn nhân đồng tính, nhân bản vô tính hay nghiên cứu khoa học trên tế bào mầm, v.v..

Ở Việt Nam, nhiều học giả cho rằng, trong lịch sử chưa từng có mô hình nhà nước thế tục cũng như nhà nước giáo quyền. Thời kỳ phong kiến (từ 1945 trở về trước), khi thì nhà nước đứng trên tôn giáo, khi thì nhà nước và tôn giáo đồng nhất làm một. Thời Lý - Trần, nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc Phật pháp bất ly thế gian pháp, Phật giáo là quốc đạo, nhiều nhà vua là Phật hoàng, nhiều nhà sư là cố vấn tối cao hay giữ các chức quan trong triều đình, nhà chùa là trường học xã hội, đào tạo các bậc tăng tài và trí thức cho đất nước. Tuy nhiên, sự đồng nhất đó chưa đến độ Phật quyền hóa mọi hoạt động của nhà nước và của người dân, Phật giáo chưa trở thành tôn giáo nhà nước chính thống. Người dân vừa theo Phật giáo nhưng vẫn đến đình, đền, miếu, phủ để tế lễ thánh, thần, lại vừa tôn thờ Nho giáo trong các vấn đề luân lý, đạo đức, lại vừa có thể thực hành Đạo giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh đa phương nhiều chiều của họ.

Hiện nay, về nguyên tắc, chúng ta tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, tức là thế tục hóavà pháp quyền hóamọi hoạt động của Nhà nước. Song, nhiều học giả cho rằng, hiện tại, chúng ta vẫn chưa có được mô hình nhà nước thế tục và pháp quyền theo đúng nghĩa. Chính sách, luật pháp đối với tôn giáo hiện nay vẫn chưa xác định rõ việc các cá nhân, tổ chức tôn giáo có được xem là một thể nhân, một pháp nhân dân sự mà luật pháp cho phép thành lập các hiệp hội, đăng ký mở trường lớp đào tạo, mở bệnh viện mà không căn cứ trên cơ sở thể nhân, pháp nhân tôn giáo của họ. Thí dụ, một chức sắc tôn giáo hay một nhóm tín đồ đồng đạo có tư cách pháp nhân để được thành lập một hiệp hội kinh tế, đăng ký mở trường, bệnh viện như các cá nhân, tổ chức dân sự bình thường khác không? hay họ vẫn bị xem là một thể nhân, một pháp nhân tôn giáo đặc biệt. Nói chung, vẫn đang còn chưa có sự thống nhất pháp lý về quyền thể nhân và pháp nhân tôn giáo trong các hoạt động xã hội.

Xét cho cùng, mô hình nhà nước thế tục, pháp quyền hóađi liền chính sách côngvề tôn giáo là giải pháp tốt nhất để giải quyết hài hòa mối quan hệ nhà nước và tôn giáo. Theo đó, mối tương quan giữa giáo hội và nhà nước là có ranh giới phân định. Tôn trọng quyền tự do tôn giáo (mọi người có quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo nào), nhưng nhà nước có quyền cắt bỏ những gì bị coi là thừa ở tôn giáo, đặc biệt là những gì đe doạ nền an ninh, chính trị của quốc gia. Chính phủ không được ra mặt ủng hộ, hay có những biện pháp chế tài đối với bất kỳ một tôn giáo nào cũng như không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, đồng thời phải cótrách nhiệm bảo vệ mọi quyền và lợi ích hợp pháp của người dân (tín đồ). Những nguyên tắc, giá trị của tôn giáo được thừa nhận nhưng không coi là khung tham chiếu chung cho toàn xã hội. Không gian hiện diện và biểu thị tôn giáo là riêng tư và phi chính trị hay nói khác đi, ở các không gian công như trường học, bệnh viện, công viên, các cơ quan công quyền, các đại lễ quốc gia, các cuộc họp chính trị không nên mang các biểu trưng của tôn giáo hay đại diện bởi bất kỳ một tôn giáo nào. Ngược lại, trong không gian tôn giáo không nên có các biểu tượng chính trị hay thờ cúng lãnh tụ chính trị. Nhà nước không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, sáp nhập...nhưng cũng không đầu tư ngân quỹ quốc gia cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Việc đòi hỏi quyền thể nhân và pháp nhân trong việc mở rộng các hoạt động của cá nhân, tổ chức tôn giáo vào các lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, nghiệp đoàn vẫn phải trên nguyên tắc. Tôn giáo là một việc riêng tư đặc thù, tuy nhà nước không nghiêm cấm quyền tham gia vào các hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, từ thiện, an sinh của các cá nhân và tổ chức tôn giáo, nhưng các hoạt động đó không nhằm gây tranh giành ảnh hưởng chính trị - xã hội hoặc nhân danh cá nhân hay tổ chức tôn giáo nào. Nhà nước có quyền can thiệp, giới hạn, điều chỉnh các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, quyền tự do lập hội hay tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Lúc này, nhà nước giữ vai trò trung gian trong việc ngăn chặn tình trạng các tổ chức tôn giáo lạm quyền chính trị hay tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Ngược lại, nhà nước cũng không cấm cản các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động phận sự và hoạt động xã hội trong giới hạn mà luật pháp ấn định.

Ba là, dân chủ, đồng thuậntrong đời sống tôn giáo còn có nghĩa là tôn giáo không phải là cái mà chúng ta có thể tuỳ tiện thay thếhay đặt thêmmột cái gì khác vào trong chỗcủa nó. Nói khác đi, không nên có ý định uốn nắn, điều chỉnh tôn giáo theo mong muốn chủ quan mà phải làm ngược lại. Hồ Chí Minh nêu “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Gia tô tin ở Chúa trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những bậc chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng làm gì trái với ý dân. Dân muốn gì ta phải làm nấy”(4).

Trong một quốc gia có nhiều tộc người, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với những đặc điểm lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống đa dạng, do đó, không dễ dàng tạo ra sự nhất trí chung. Chúng ta không kỳ vọng có sự đồng thuận tuyệt đối mà chỉ cần đạt đến chỗ gắn kết được các cá nhân, tổ chức tôn giáo trên nguyên tắc bảo tồn cái riêng của họ, không bị hoà tan, không biến thành cái khác. Mỗi tôn giáo có một đặc tính riêng, một nhu cầu, lợi ích riêng thể hiện “nó là nó, không phải là cái khác”. Vì thế, sự áp đặt những giá trị chung của tôn giáo này cho các tôn giáo khác là phá hỏng quy luật của sự đoàn kết và đồng thuận xã hội.

Bốn là, dân chủ, đồng thuận trong đời sống tôn giáo cũng có nghĩa là quyền tự do tôn giáo của người dân là quyền mặc nhiên và tự thân. Chính sách, pháp luật về tôn giáo, xét đến cùng là để bảo hộ cho các tôn giáo có quyền hoạt động bình thường, quyền bình đẳng giữa các tôn giáo, quyền tự do thờ cúng và tự do tạo dựng tôn giáo của mình. Một nhà nước thế tục và pháp quyền phải thượng tôn luật pháp, luật pháp là phương tiện để ổn định đời sống xã hội. Một chính sách, luật pháp về tôn giáo được xây dựng trên cơ sở dân chủ, tôn trọng quyền và lợi ích của cộng đồng tôn giáo thì sẽ tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1) Bắt đầu từ 1625 dưới thời Trịnh Tráng (đàng Ngoài), chúa Nguyễn Phước Nguyên (đàng Trong) đã ban hành sắc chỉ cấm đạo đầu tiên, cho đến các vua triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đã ban hành tổng cộng 53 Sắc chỉ cấm đạo.

(2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.9, 148.

(3) J. Bauberot: “Tính thế tục trung lập thể chế của nước Pháp đối mặt với nguyên lý đa nguyên tôn giáo và những biến chuyển của nó”, trong cuốn Nghiên cứu tôn giáo Pháp và Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.63-86.

 

PGS, TS Đỗ Lan Hiền

Viện Nghiên cứu Tôn giáo và tín ngưỡng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền