Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đổi mới và phát triển theo quan điểm Đại hội XII của Đảng
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:24
5523 Lượt xem

Đổi mới và phát triển theo quan điểm Đại hội XII của Đảng

(LLCT) - Những thay đổi trong 30 năm vừa qua và những đổi mới và phát triển tại Đại hội XII là nhờ đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về mọi mặt, từ tư duy về chính trị, tư duy về kinh tế, tư duy về đối ngoại và văn hóa, đến tư duy về quốc phòng, an ninh... Có thể khẳng định, trong những thời khắc thăng trầm của lịch sử, đổi mới và phát triển, trong đó có đổi mới tư duy đã làm cho Đảng ta ngày một mạnh lên, làm cho đất nước ta ngày một phát triển và giàu mạnh hơn, nhân dân ta ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Trên tinh thần Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức phấn đấu để đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những tư tưởng chỉ đạo thành hiện thực để đất nước ta luôn phát triển và hưng thịnh.

1. Nhìn lại 30 năm đổi mới,đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, nền kinh tế đã có bước phát triển vượt bậc, tiềm lực kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng đã lớn mạnh đáng kể, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. 30 năm thực hiện đường lối đổi mới vừa qua là một minh chứng sinh động cho sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được khởi xướng từ năm 1986.

Nhờ có đổi mới mà đất nước đã thoát ra khỏi khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, có những bước phát triển ngoạn mục. Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu đã phát triển thành nước có thu nhập trung bình thấp, GDP trên đầu người từ 98 USD/người năm 1999 đã tăng lên 400 USD/người năm 2000, năm 2010 đạt 1200 USD/người, năm 2015  đạt khoảng 2200 USD/người.  Qua 30 năm đổi mới với 6 kỳ Đại hội, đường lối đổi mới ngày càng được phát triển sâu sắc và toàn diện hơn. Từ những bước đi chập chững của đổi mới sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, mỗi kỳ Đại hội, nội hàm của đổi mới được mở rộng hơn, sâu rộng hơn và đi liền với đó là đất nước phát triển ngày một tốt hơn, cao hơn. Thành công của 30 năm đổi mới vừa qua là cơ sở khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã “Vững bước trên con đường đổi mới”(1). Đổi mới vì thế đã là một “mệnh lệnh”, mang tính sống còn để đưa đất nước phát triển.

2. Đại hội XII của Đảng có ý nghĩa rất trọng đại,định hướng và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(2). Tinh thần đổi mới và phát triển của Đại hội XII đã được thể hiện đậm nét ngay ở tiêu đề của Đại hội “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”(3) và với nội hàm đổi mới là một trong 4 trụ cột của Đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”(4), với một “bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”(5).

3. Khởi nguồn bảo đảm đổi mới thành công chính là đổi mới tư duy,trong đó đặc biệt quan trọng là tư duy lý luận. Qua 30 năm đổi mới, tư duy lý luận của Đảng đã được đổi mới mạnh mẽ, nhiều nội dung lý luận đã được bổ sung và phát triển, góp phần thiết thực thúc đẩy đất nước tiến lên.

Một trong những đổi mới về tư duy lý luận của Đảng ta chính là đổi mới lý luận về mô hình kinh tế. Tư duy về kinh tế của Đảng được đổi mới bắt đầu từ việc xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Đổi mới tư duy kinh tế từ không chấp nhận thị trường đến chấp nhận thị trường tưởng đơn giản nhưng thực sự đã tạo ra bước ngoặt to lớn. Từ không chấp nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đến chấp nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế khác nhau đã tạo ra xung lực mới cho phát triển nền kinh tế đất nước. Đến Đại hội X của Đảng, 5 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư hữu tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài(6) được xác lập trong nền kinh tế nước ta. Vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân đã được thừa nhận và xác định rõ ràng. Tư duy và nhận thức lý luận kinh tế được đổi mới ở Đại hội X của Đảng thể hiện trong việc xác định đặc trưng kinh tế của CNXH, đó là: “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”(7). Tiếp đó, Đại hội XI đã phát triển và hoàn thiện hơn một bước đặc trưng kinh tế của CNXH: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng: ...có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp;...”(8). Đây là bước tiến lớn trong đổi mới tư duy lý luận về kinh tế, với việc khẳng định nền kinh tế phát triển cao phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không bị gò bó, cứng nhắc vào một loại hình sở hữu về tư liệu sản xuất mà quan tâm đến bản chất bên trong của nó, chính là quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Cụ thể là: nền kinh tế “với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể ngày càng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển”(9).

Điểm mới trong tư duy và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là khẳng định sự “bình đẳng” và “phát triển lâu dài” của các thành phần kinh tế; “thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế và theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(10). Đảng ta khẳng định “Phát triển kinh tế là trung tâm”(11); xây dựng cơ cấu kinh tế: “có hiệu quả và bền vững”(12).

Sự phát triển nhận thức lý luận về nền kinh tế thị trường ở nước ta còn được thể hiện ở các chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Những thành tựu trong hợp tác kinh tế, chính trị, ngoại giao... với thế giới càng khẳng định việc lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta là đúng đắn, khách quan.

 Đại hội XII của Đảng khẳng định phát triển nền kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật của kinh tế thị trường... Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế..., kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế..., thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất”(13). Đại hội khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(14).

Đổi mới và phát triển kinh tế theo tinh thần Đại hội XII đã thực sự được mở rộng và sâu sắc hơn, thể hiện ngay ở tiêu đề mục II của Báo cáo Chính trị: “Phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(15). Chúng ta đã nhận thức đầy đủ hơn nền kinh tế thị trường và coi phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay là sự lựa chọn tất yếu để đi lên CNXH. Có thể nói, kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế năng động và hiệu quả đối với các quốc gia biết cách sử dụng và vận hành nó. Có nhiều mô hình phát triển nền kinh tế thị trường và mỗi quốc gia cần lựa chọn cho mình mô hình tối ưu nhất. Kinh tế thị trường cũng có ở nhiều tầng nấc khác nhau: nền kinh tế thị trường hiện đại, phát triển; nền kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, kém phát triển; nền kinh tế thị trường tự do; nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước; nền kinh tế hỗn hợp... Đích hướng tới của nền kinh tế thị trường nước ta chính là nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng XHCN, một nền kinh tế năng động, hiệu quả, giàu mạnh và phồn vinh, bảo đảm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đổi mới và phát triển về kinh tế được thể hiện trên tinh thần hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp(16) mà cụ thể là thể chế hóa quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân... Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt(17). Tinh thần đổi mới và phát triển được thể hiện rõ nét đối với các doanh nghiệp mà cụ thể là “mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo luật. Khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh”(18). Nhà nước “có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”(19).

4. Tinh thần của đổi mới và phát triển đã thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.Đảng ta tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ, trong đó “đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính”(20). Vấn đề văn hóa và quản lý tiến bộ xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã được phát triển lên tầm cao mới, với nhiều nội dung mới, như: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Xây dựng văn hóa chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”(21); “Giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động; Coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân... xây dựng gia đình hạnh phúc”(22).

Vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được Đại hội XII đặc biệt quan tâm và có nhiều đổi mới so với các kỳ đại hội trước. Vấn đề quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới cũng được Đại hội nêu bật những vấn đề then chốt trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ phương pháp và cách tiếp cận, thể hiện ở việc “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời Tổ quốc”(23). Đổi mới và phát triển cũng thể hiện rõ nét trong vấn đề đối ngoại và hội nhập quốc tế, đó là “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi...”(24). Vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc được Đảng ta phát triển trên tinh thần đổi mới, nhằm khơi dậy động lực của đoàn kết, tạo ra một môi trường bình đẳng để mọi tầng lớp nhân dân cùng chung sức xây dựng đất nước. Đó là, “Đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội...”(25).  

5. Đại hội XII một lần nữa làm đậm nét hơn việc khẳng định sự cần thiết phải đổi mới đồng bộ và toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị. Để phát triển hơn nữa nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa thể chế kinh tế. Thực tế cho thấy, đổi mới tư duy và thể chế kinh tế mạnh mẽ đòi hỏi phải đổi mới thể chế chính trị đồng bộ. Chỉ có đổi mới đồng bộ thể chế chính trị thì mới có thể đưa đất nước phát triển. Cải cách thể chế chính trị thể hiện ở việc đổi mới các cấu trúc bộ máy, các hệ thống quyền lực và các tổ chức chính trị - xã hội và bộ máy hành chính sao cho hiệu quả nhất và năng động nhất, bảo đảm một bộ máy công quyền gọn nhẹ, phục vụ và kiến tạo. Tinh thần đổi mới và phát triển được Đại hội XII chỉ rõ cần xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nhà nước kiến tạo và phát triển, một nhà nước phục vụ, “Mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân...”(26).

Đổi mới và phát triển còn thể hiện đậm nét trong nội dung xây dựng Đảng mà Đại hội XII đã chỉ rõ, đó là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”(27) và được cụ thể hóa trên các nội dung như: Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị; Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận (trong đó Đảng đã chỉ ra phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam); Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị... Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng(28).

Những thay đổi trong 30 năm vừa qua và những đổi mới và phát triển tại Đại hội XII là nhờ đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về mọi mặt, từ tư duy về chính trị, tư duy về kinh tế, tư duy về đối ngoại và văn hóa, đến tư duy về quốc phòng, an ninh... Có thể khẳng định, trong những thời khắc thăng trầm của lịch sử, đổi mới và phát triển, trong đó có đổi mới tư duy đã làm cho Đảng ta ngày một mạnh lên, làm cho đất nước ta ngày một phát triển và giàu mạnh hơn, nhân dân ta ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Trên tinh thần Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức phấn đấu để đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những tư tưởng chỉ đạo thành hiện thực để đất nước ta luôn phát triển và hưng thịnh.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1), (2), (3), (4), (5), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (27), (28) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.13, 9, 11, 10, 10, 25, 22, 21, 104, 105, 105, 108, 121, 127- 131, 136, 137, 148, 153, 159, 169, 181, 199-214.

(6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2006, tr.83, 68.

(8), (9), (10), (11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 201, tr.70, 72, 72, 72, 72.

 

PGS,TS Lê Quốc Lý

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền