Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nâng cao năng lực dự báo chiến lược theo tinh thần Đại hội XII của Đảng
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:28
2427 Lượt xem

Nâng cao năng lực dự báo chiến lược theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

(LLCT) - Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định: “Công tác dự báo, hoạch định và lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý phát triển xã hội còn nhiều bất cập”(1), “Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp”(2). Do đó cần “nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình”(3). Bài viết đề cập những điểm mới trong công tác nghiên cứu dự báo liên quan đến hoạch định chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở nước ta trong thời kỳ mới. 1. Cần nhận rõ kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã trở thành nhu cầu nội sinh

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại là những ngành, lĩnh vực hoạt động khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ hữu cơ ngày càng gắn bó với nhau nhằm mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Trước đổi mới, chúng ta thường nhấn mạnh đến tính chất chuyên môn hóa của mỗi ngành, lĩnh vực thì ngày nay thực tiễn đòi hỏi phải nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ với nhau giữa các lĩnh vực.

Mỗi ngành sẽ không thể hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình nếu không phối hợp với hai ngành kia. Về bản chất thì mối quan hệ này là không thay đổi, nhưng về hình thức, nội dung đang có nhu cầu đổi mới, phát triển cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của mỗi lĩnh vực trong thời kỳ mới. Vấn đề quan trọng hiện nay là nhận biết và xử lý mối quan hệ đó như thế nào cho phù hợp và có hiệu quả tổng hợp cao, tạo sự đồng thuận, hướng tới mục tiêu chung là dự báo chiến lược chính xác để tìm ra kế sách tối ưu nhất cho xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới như Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta không chỉ nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa ba lĩnh vực trên mà còn giải quyết sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên cấp độ chiến lược một cách khôn khéo, hài hòa: “Nghĩ về kế lâu dài của nước ta, tha kẻ hàng mười vạn binh sỹ, sửa hòa hiếu cho hai nước tắt muôn đời chiến tranh, chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh”(4). Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, với đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chúng ta cũng thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, gắn kết được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để chiến thắng kẻ thù. Chúng ta đã thực hiện thành công phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, kết hợp tiến công địch trên chiến trường với tiến công địch trên bàn đàm phán... đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chứa đựng những nhân tố khó lường. Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực; vừa có sự hợp tác, vừa có sự cạnh tranh, thậm chí đấu tranh ngày càng quyết liệt giữa các nước đang phát triển và chậm phát triển chống lại các nước phát triển mà đại diện là các tập đoàn siêu quốc gia đang nắm và chi phối quá trình toàn cầu hóa phục vụ lợi nhuận độc quyền của họ. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ quốc phòng, an ninh, đối ngoại lại càng gắn bó mật thiết hơn bao giờ hết. Giải quyết hài hòa mối quan hệ này đòi hỏi phải có quan điểm và giải pháp đột phá mới phù hợp hơn, nhất là trên lĩnh vực dự báo chiến lược như Đại hội XII của Đảng nêu ra là: Phải “Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh”(5).

Như vậy, “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh”, “tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh” là những nội dung rất quan trọng trong phương hướng, nhiệm vụ tổng quát mà Đại hội XII đã nêu ra. Do đó, giải quyết mối quan hệ phối hợp dự báo chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại đòi hỏi phải nắm vững nội dung, yêu cầu toàn diện của các mục tiêu và phương hướng nêu trên. Trong đó, yêu cầu xuyên suốt là phải “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”, để giữ vững ổn định chính trị - xã hội, “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(6).

2. Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến toàn cầu hóa

Nhân loại hẳn còn nhớ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất (1784) sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc cách mạng công nghiệp lần hai (1870) sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (1969) sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hình thành, đó là cuộc cách mạng số, có thể xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học; tác động đến tốc độ, phạm vi của cả hệ thống nền công nghiệp toàn cầu, trong đó có công nghiệp quốc phòng, an ninh. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, nó đang làm biến đổi tất cả các nền công nghiệp của các quốc gia trên thế giới. Hàng triệu người được kết nối với nhau qua điện thoại di động tốc độ cao, với tốc độ xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có. Những khả năng đó còn được nhân lên gấp bội nhờ vào những đột phá về công nghệ mới xuất hiện trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, rô bốt, mạng Internet siêu tốc, phương tiện độc lập, công nghệ in 3D, nano, sinh học; khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử...

Trong những năm qua, đã có những bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, nhờ sự gia tăng ở cấp số nhân của sức mạnh điện tử và sự tiếp cận nguồn dữ liệu rộng lớn, từ phần mềm được sử dụng để tìm ra các loại thuốc mới tới những thuật toán được sử dụng để tiên đoán về những sở thích văn hóa của con người. Trong khi đó, công nghệ chế tạo số hóa đang từng ngày tương tác với thế giới sinh học. Giới khoa học, các kỹ sư, nhà thiết kế, kiến trúc sư... đang kết hợp việc thiết kế qua máy tính với gia công, chế tạo vật liệu và sinh học tổng hợp để khám phá ra sự cộng sinh giữa các vi sinh, cơ thể con người, các sản phẩm chúng ta tiêu thụ và thậm chí là những tòa nhà chúng ta đang ở. Đặc biệt là bộ não nhân tạo đã thông minh đến mức “tự nó học hỏi và nâng cao trình độ” năng lực, tri thức...

Các công nghệ mới như vũ khí tự động và vũ khí sinh học trở nên dễ dàng sử dụng hơn, từng cá nhân và các nhóm nhỏ có thể sở hữu khả năng gây ra những tổn thương hàng loạt không thua kém giữa các quốc gia. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực ngày càng trở nên ít rõ ràng hơn. Nguy cơ đó sẽ dẫn tới những quan ngại mới. Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ cũng đồng thời tạo ra khả năng giúp làm giảm quy mô và tác động của bạo lực bằng cách phát triển các phương thức bảo vệ mới. Vì thế, con người cần nắm lấy cơ hội và sức mạnh sẵn có để hình thành nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng nó tới những mục tiêu và giá trị chung tốt đẹp của nhân loại.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới”(7). “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững”(8). “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”(9).

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn sẽ giúp gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, những người được hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Công nghệ đã giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tăng hiệu quả và thỏa mãn cuộc sống cá nhân của mỗi con người.

Vì thế, nước ta cần chủ động để nắm bắt thời cơ vượt qua thách thức, sớm tiếp cận những nhân tố mới có hiệu quả phù hợp với điều kiện của nước ta để đi tắt, đón đầu, ứng dụng những tiến bộ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển đất nước.

3. Đổi mới phương thức dự báo chiến lược

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, đường lối về quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng trong Văn kiện Đại hội XII, sớm thống nhất nhận thức trong các lực lượng quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trước hết là lực lượng nòng cốt, đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu dự báo chiến lược về thời cơ và thách thức đối với dân tộc ta khi nhân loại đang chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba sang cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bắt nhịp với nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hình thành trên thế giới, là cơ hội lớn để thực hiện chủ trương của Đảng ta là tăng cường công tác dự báo chiến lược để chủ động, không bị bất ngờ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, đổi mới tư duy dự báo chiến lược, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu vì mỗi thời đại phát triển đều đòi hỏi phải có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng: chiến tranh đã trải qua các thời đại mà công cụ chiến đấu đặc trưng của nó là vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự có vai trò tiên phong tạo bước đột phá làm thay đổi hệ thống tri thức - lý luận quân sự, quốc phòng ở các cấp độ vĩ mô và vi mô. Do đó, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu dự báo chiến lược đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là cơ sở trực tiếp để đổi mới công tác dự báo chiến lược, đáp ứng nhu cầu của thời kỳ mới.

Ba là, có chính sách thỏa đáng để tạo nguồn lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới, nhất là nguồn lực trí tuệ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và nguồn nhân lực trẻ ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.Theo đó, cần “Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và công nghệ”([1]10).

Bốn là, cần đẩy nhanh những ngành mũi nhọn của quốc gia như: công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm, số hóa, năng lượng mới, vật liệu mới, sinh học, nano, tự động và thông minh hóa... Trước hết cần quan tâm đến việc đẩy nhanh quá trình xây dựng và đưa vào hoạt động các khu công nghệ cao đang hình thành ở nước ta; chủ động tham gia vào quá trình hoạt động của các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm là giải pháp chiến lược có hiệu quả thiết thực để sớm tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hình thành trên thế giới, qua đó phát hiện và đào tạo nhân tài cho công tác dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1), (2), (3), (5), (6), (7), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.3, 4, 38, 37, 14, 26, 13, 14, 27.

(4) Nguyễn Trãi: Toàn tâp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.87.

 

NGUYỄN NHÂM

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền