Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chế độ sở hữu và vấn đề giá trị thặng dư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:42
6291 Lượt xem

Chế độ sở hữu và vấn đề giá trị thặng dư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

(LLCT)Học thuyết GTTD của C.Mác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội mới, cơ cấu của GTTD có nhiều thay đổi, lao động quản lý ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra GTTD. Vì vậy, cần thường xuyên cập nhật, đổi mới cách xem xét vấn đề này để khắc phục sai lầm trong cách hiểu trước đây.

1. Nhận thức lại và vận dụng quan điểm của các nhà kinh điển mác xít về chế độ sở hữu

Theo quy luật phủ định của phủ định, C. Mác cho rằng:“Phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đẻ ra, và do đó cả chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nữa đều là sự phủ định đầu tiên đối với chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động của bản thân. Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định cái phủ định. Sự phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu, mà khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa: trên cơ sở sự hiệp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra”(1).

Cần hiểu quan điểm trên đây ở ba điểm:

Một là,chế độ sở hữu XHCNchỉ phủ định sở hữu tư bản ở mặt tiêu cực, bóc lộtcủa nó. Điều này cũng được trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung”, “Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(2). Ý này rất quan trọng: mục đích của xóa bỏ tư hữu là xóa bỏ bóc lột, do vậy những hình thức tư hữu không bóc lột mà có lợi cho sản xuất thì không có lý do gì để xóa bỏ.

Hai là, CNXH không xóa bỏ mà còn tiếp tục duy trì và phát triển hình thức sở hữu cá nhân của người lao động, nhưng là “sở hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại TBCN”, tức sở hữu cá nhân gắn liền với nền sản xuất lớn và được sử dụng để tổ chức lao động với năng suất cao, không phải để bóc lột lao động của người khác.

Ba là,sở hữu cá nhân tồn tại trên nền tảng của chế độ công hữu về ruộng đất, tài nguyên thiên nhiên và tư liệu sản xuất do lao động xã hội tạo ra. Nghĩa là sở hữu cá nhân chỉ cung cấp vốn, công cụ lao động, v.v.. còn những tư liệu sản xuất cơ bản như đất đai, tài nguyên, và những tư liệu sản xuất khác do xã hội tạo ra thì không thuộc sở hữu cá nhân.

Sở hữu công cộng và sở hữu cá nhân đều có vai trò quan trọng trong các nước XHCN và các nước tiên tiến trên thế giới. Ruộng đất, tài nguyên thiên nhiên và các tư liệu sản xuất do xã hội tạo ra đều đã thuộc về sở hữu công cộng. Chẳng hạn, ở Canađa, Xinhgapo, chế độ sở hữu công cộng được thiết lập rất bền vững và được mọi người dân thừa nhận và tôn trọng với ý thức tự giác cao. Trong Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen cũng chỉ ra rằng việc thiết lập sở hữu công cộng về ruộng đất “không có nghĩa là khôi phục lại chế độ sở hữu chung nguyên thủy trước kia, mà là lập nên một hình thức cao hơn và phát triển hơn nhiều của hình thức chiếm hữu chung, một hình thức không chỉ không trở ngại cho sản xuất mà trái lại, lần đầu tiên giải phóng sản xuất khỏi những xiềng xích trói buộc nó, làm cho sản xuất có thể sử dụng được đầy đủ những phát kiến về hóa học và những sáng chế về cơ học hiện đại”(3).

Mối quan hệ giữa sở hữu xã hội và sở hữu cá nhân là mối quan hệ đan xen lẫn nhau. Sở hữu công cộng là cơ sở, nền tảng trên đó tồn tại và phát triển sở hữu cá nhân.Vấn đề này hiện nay được hiểu như sau: đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các công trình công cộng, v.v.. thuộc về sở hữu xã hội (chế độ công hữu). Tuy nhiên, cá nhân và tập thể được xã hội trao quyền sử dụng những thứ đó để làm nơi cư trú, nơi canh tác nông nghiệp, xây dựng những công trình sản xuất và phục vụ sản xuất, du lịch, giải trí, khai thác tài nguyên, năng lượng để phục vụ xã hội, v.v.. Những tư liệu lao động do cá nhân cung cấp và trực tiếp sử dụng, như máy móc, thiết bị thì thuộc về sở hữu cá nhân.

Sự vận dụng tư tưởng của C.Mác về quy luật phủ định của phủ định để dự báo về chế độ chiếm hữu trong tương lai vừa có tính công cộng, vừa có tính cá nhân cũng được V.I.Lênin chỉ ra trong tác phẩm Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao.V.I.Lênin nêu rõ: “Mác không thể chứng minh được tính tất yếu của cách mạng xã hội, tính tất yếu của việc kiến lập chế độ công hữu về ruộng đất và về tư liệu sản xuất do lao động tạo ra, nếu không dùng đến sự phủ định cái phủ định của Hêghen... Mác đã đi đến kết luận là trong xã hội tương lai sẽ tồn tại một chế độ sở hữu vừa cá nhân, vừa công cộng, với tư cách là sự thống nhất tối cao, kiểu Hêghen,... của cái mâu thuẫn đã bị xóa bỏ”(4).

Trong tác phẩm Làm gì, hình thức sở hữu vừa cá nhân vừa công cộng được V.I.Lênin hiểu là: “chế độ công hữu bao trùm cả ruộng đất lẫn các tư liệu sản xuất khác, còn chế độ sở hữu cá nhân thì bao trùm những sản phẩm khác, nghĩa là những vật phẩm tiêu dùng”(5). Các nhà tư tưởng XHCN ở Liên Xô trước đây cũng có cách giải thích như vậy, nhưng rất tiếc họ đã không nhận thấy sự phát triển của V.I.Lênin đối với vấn đề này trong Chính sách kinh tế mới.

Trước hết, với Chính sách thuế lương thực, V.I.Lênin thừa nhận vai trò của sở hữu cá nhân và kinh tế tư nhân trong nông nghiệp. Ruộng đất là sở hữu công cộng, nhưng người nông dân được trao quyền sử dụng và trao đổi toàn bộ sản phẩm nông nghiệp của mình sau khi đã nộp thuế lương thực cho nhà nước. Trong công nghiệp, V.I.Lênin kêu gọi doanh nhân trong nước bỏ vốn ra kinh doanh và đồng thời đề nghị thực hiện “chính sách tô nhượng” đối với tư bản nước ngoài. V.I.Lênin nói về thực chất của chính sách tô nhượng: “Chính quyền nhà nước xã hội chủ nghĩa giao cho nhà tư bản tư liệu sản xuất của mình: nhà máy, vật liệu, hầm mỏ; nhà tư bản tiến hành kinh doanh với tư cách là một bên ký kết, là người làm thuê tư liệu sản xuất xã hội chủ nghĩa, và thu được lợi nhuận do tư bản mà mình bỏ ra, rồi nộp cho nhà nước xã hội chủ nghĩa một phần sản phẩm”(6).

Với Chính sách kinh tế mới, V.I.Lênin đã bước đầu vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng của C.Mác về một hình thức sở hữu vừa “công cộng vừa cá nhân”: tư liệu sản xuất của nhà nước (sở hữu công cộng) cho tư nhân thuê để kinh doanh. Ở nước ta hiện nay, ruộng đất là sở hữu công cộng, nhưng giao cho nông dân canh tác; đất đai, rừng núi, sông, biển, thềm lục địa... là sở hữu nhà nước nhưng giao cho tư nhân kinh doanh khách sạn, xây dựng các công trình thủy điện, du lịch, khai thác khoáng sản,v.v.. Như vậy, sở hữu toàn dân là cơ sở trên đó tồn tại và phát triển hình thức sở hữu tư nhân, nhưng đây là sở hữu tư nhân của người lao động, không phải là sở hữu tư nhân của kẻ bóc lột.

2. Nhận thức lại vấn đề giá trị thặng dư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong tác phẩm Tư bản, C.Mác chứng minh một cách khoa học rằng giá trị của hàng hóa là do lao động tạo ra(gồm lao động hiện tại và lao động quá khứ).

Lượng giá trị của toàn bộ hàng hóa được sản xuất ra(biểu hiện thành giá xuất xưởngcủa sản phẩm, chưa qua lưu thông). Từ sự chứng minh lượng giá trị của hàng hóa do lượng của lao động sản xuất ra hàng hóa đó quyết định, C.Mác đi đến chứng minh rằng, nguồn gốc của giá trị thặng dư (GTTD) mà nhà tư bản thu được là do lao động thặng dư(lao động không được trả công) của người lao động tạo ra. C.Mác chỉ rõ sự khác nhau giữa quá trình sản xuất ra giá trị và quá trình sản xuất ra GTTD như sau: “Giả định rằng ngày lao động gồm 6 giờ lao động cần thiết và 6 giờ lao động thặng dư. Như vậy, trong một tuần lễ người lao động tự do cung cấp cho nhà tư bản 6 x 6, hay 36 giờ lao động thặng dư. Điều đó cũng giống như anh ta lao động 3 ngày trong một tuần cho bản thân mình và 3 ngày không công cho nhà tư bản”(7).

Trong thời kỳ trước đổi mới, các nhà lý luận XHCN đã có một cách hiểu sai lệch về thành phần của lao động trong nguồn gốc tạo ra GTTD. Nguyên nhân là do trong quá trình nghiên cứu, C.Mác chưa đề cập đến vai trò của doanh nhân trong việc tạo ra GTTD. Điều này đã gây ra một cách hiểu phiến diện từ trước đến nay là GTTD chỉ do một mình lao động của người công nhân làm thuê tạo ra. Doanh nhân chẳng những không tạo ra mà còn “tước đoạt” toàn bộ GTTD của giai cấp vô sản. Vì thế, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, có một thời kỳ Nhà nước Xôviết thực hiện “tước đoạt lại những kẻ đã tước đoạt” bằng cách tịch thu toàn bộ tài sản của tư bản và biến thành tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, sau mấy năm thực hiện “chính sách cộng sản thời chiến”, V.I.Lênin đã thực hiện đổi mới căn bản chính sách kinh tế. Trong Chính sách kinh tế mới, Nhà nước Xôviết thừa nhận vai trò quan trọng của lao động doanh nhân, kể cả tư bản nước ngoài, sẵn sàng cung cấp cho họ những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nguyên vật liệu (được gọi là “chính sách tô nhượng”) và cho họ được phép hưởng một cách chính đáng và hợp pháp GTTD do hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra với điều kiện là nộp lại một phần cho Nhà nước.

Sau khi Lênin qua đời, Chính sách kinh tế mới đã không được tiếp tục thực hiện. Những người kế tục Lênin đã xóa bỏ hoàn toàn kinh tế tư nhân và thực hiện kế hoạch hóa tập trung trong công nghiệp và thương nghiệp, tập thể hóa trong nông nghiệp. Đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trì trệ trong kinh tế ngày càng tăng sau khi đất nước bước vào thời kỳ hoà bình xây dựng và dẫn đến sự khủng hoảng nghiêm trọng không thể cứu vãn nổi của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.

Ở nước ta, trước đổi mới, cũng do cách hiểu không đúng nên coi kinh tế tư nhân chỉ có bóc lột nên không thể dung hợp với nguyên tắc công bằng xã hộilà nguyên tắc cơ bản của CNXH, dẫn đến việc hạn chế, xóa bỏ kinh tế tư nhân trong công nghiệp và thương nghiệp, gây ra tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

Những thành tựu sau gần 30 năm đổi mới đất nước đã chứng minh vai trò tích cực của kinh tế tư nhân. Một vấn đề được đặt ra: nếu kinh tế tư nhân là không công bằng thì làm sao nó đã và thật sự trở thành động lực lớn của sự phát triển đất nước? Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần nhận thức lại vấn đề GTTD để hiểu rõ được vai trò của kinh tế tư nhân và làm cơ sở cho việc thực hiện công bằng xã hội trong tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.

Tất nhiên, chúng ta không tán thành quan niệm cho rằng, GTTD là do tư bản (tiền) được đầu tư vào sản xuất nên sinh lợi, hoặc do máy móc tạo ra. GTTD là do lao động thặng dư của người lao động tạo ra. Người lao động không chỉ bao gồm người công nhân trực tiếp đứng máy, mà còn có những người lao động khác, như lao động của những người chủ doanh nghiệp, lao động của bộ phận quản lý quá trình sản xuất kinh doanh, lao động của những người thiết lập, điều khiển toàn bộ quy trình công nghệ. Nếu người chủ doanh nghiệp cũng đồng thời là người quản lý doanh nghiệp thì lao động quản lý của họ cũng là một loại lao động tạo ra GTTD. Lao động quản lý phải được coi là một loại lao động phức tạp, như người Việt Nam có câu: “Một người lo bằng một kho người làm”.

Như vậy, doanh nhân được hưởng một phần GTTD do hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để lượng hóa một cách chính xác số lượng lao động thặng dư của từng bộ phận, từng người lao động để thực hiện phân phối GTTD một cách công bằng trong các doanh nghiệp hiện nay.

Doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều có hai hình thức phân phối: phân phối theo tiền lương, tiền côngvà phân phối theo phúc lợi của doanh nghiệp. Sau khi đã khấu trừ tất cả các khoản chi phí, doanh nghiệp còn một khoản lợi nhuận (thực chất lợi nhuận là GTTD của người lao động, tức lao động chưa được trả công), cần phải được phân phối lại. Điều khó khăn và phức tạp nhất trong việc phân phối GTTD là làm thế nào để lượng hóa một cách chính xác số lượng và chất lượng của lao động, nhất là trong quan hệ giữa người lao động trực tiếp và người quản lý lao động. Việc tính toán số lượng lao động thì tương đối đơn giản hơn, nhưng còn về chất lượng lao động thì quả là một vấn đề nan giải. Mặc dù, lao động phức tạp là “bội số” của lao động đơn giản, nhưng bội số đó là bao nhiêu, rất khó để có một công thức tối ưu cho mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp. Giải pháp chung cho vấn đề phân phối ở cả hai hình thức được đề xuất là:

Một là,dựa trên sự thỏa thuận theo hợp đồng giữa người thuê lao động và người lao động được thuê. Mối quan hệ này phải được thường xuyên điều chỉnh theo quy luật thị trường quy định mặt bằng chung về giá cả sức lao động và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc thu hút lao động có chất lượng cao bằng tiền lương, tiền thưởng. Như vậy, cơ chế thị trường có tác dụng điều chỉnh quan hệ phân phối, thường xuyên phá vỡ sự bất công, luôn vận động và phát triển để tạo ra sự công bằng trong điều kiện mới.

Hai là,sự điều chỉnh của nhà nước bằng chính sách tiền lương và luật lao động. Nhà nước cần phải có quy định về lương tối thiểu và điều kiện làm việc, về bảo hiểm xã hội, v.v.., của người lao động trong các doanh nghiệp. Ví dụ ở Canađa, Chính phủ quy định người thuê lao động ở bất cứ hình thức nào cũng phải trả cho người làm thuê mỗi giờ tối thiểu 10.25 CAD, tức 100 CAD/ngày lao động 8 giờ. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta, nếu Nhà nước quy định cứng nhắc thì sẽ hạn chế đầu tư nước ngoài, vì một trong những mục đích của đầu tư nước ngoài vào nước ta là khai thác GTTD ở một nước mà giá cả sức lao động còn rẻ. Do vậy, khi thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, chúng ta cũng phải chấp nhận việc các nhà đầu tư khai thác một phần GTTD của công nhân là điều không thể tránh khỏi.

Học thuyết GTTD của C.Mác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội mới, cơ cấu của GTTD có nhiều thay đổi, lao động quản lý ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra GTTD. Vì vậy, cần thường xuyên cập nhật, đổi mới cách xem xét vấn đề này để khắc phục sai lầm trong cách hiểu trước đây.

Công bằng xã hội thực hiện trong các thành phần kinh tế bao giờ cũng chỉ có tính tương đối, dựa trên sự thỏa thuận là chính. Chúng ta cần có cách nhìn nhận mềm dẻo, linh hoạt, tránh thái độ cực đoan trong vấn đề này. Bằng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và việc nâng cao kỹ năng chuyên môn và năng suất lao động, cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường và vai trò quản lý của Nhà nước, vấn đề này sẽ được giải quyết ngày càng tốt hơn.

Nhà nước và các tổ chức xã hội cần phải thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, uốn nắn những biểu hiện tiêu cực, bất công trong các doanh nghiệp, thường xuyên giải quyết mâu thuẫn, không để mâu thuẫn tích lũy dẫn đến tình trạng bùng nổ thành xung đột; đồng thời khuyến khích, biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp làm tốt việc phân phối phúc lợi, chăm lo đời sống của người lao động, tạo ra được sự hài hòa giữa các lợi ích trong doanh nghiệp.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1), (7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.1059-1060, 349.

(2)Sđd, t.4, tr.615, 618.

(3) Sđd, t.20, tr.196-197.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.1, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.204-205.

(5) Sđd, t.1, 1974, tr.206.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Chính trị quốc gia, 2005, tr.189.

 

PGS, TS Nguyễn Tấn Hùng

Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội,

Đại học Duy Tân, Đà Nẵng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền