Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:46
2983 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương

(LLCT) - Quan điểm Hồ Chí Minh vềhợp tác quốc tếđược hình thành là kết quả của sự khảo nghiệm thực tiễn, kế thừa truyền thống lịch sử dân tộc dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận thức quy luật vận động và xu thế phát triển của thời đại. Người nhận thấy rõ việc hợp tác quốc tế là đòi hỏi khách quan của sự phát triển xã hội, là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Vì vậy, ngay từ sớm, Hồ Chí Minh đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận cách mạng của thế giới và có các mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Người luôn nhấn mạnh cách mạng Việt Nam không thể thắng lợi hoàn toàn nếu thiếu sự ủng hộ giúp đỡ và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, theo Người, quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong cộng đồng quốc tế phải xuất phát từ lập trường giai cấp công nhân và thống nhất với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chỉ có trên cơ sở đó mới xác định rõ đối tượng hợp tác và đấu tranh, giữa bạn và thù để có những chủ trương, biện pháp phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của cách mạng Việt Nam.

Sau ngày tuyên bố độc lập, khi trả lời các nhà báo về quan điểm của Chính phủ Việt Nam với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhân dân Việt Nam không chống nước Pháp, dân chúng Pháp, mà ngược lại, “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh như bầu bạn”(1[1]). Điều kiện tiên quyết Hồ Chí Minh đưa ra là, Chính phủ Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Trong thư gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giêm Biếcnơ ngày 1-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân danh Hội văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”([1]2). Nội dung bức thư thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải có liên kết kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật trong xây dựng đất nước.

Vào thời điểm kháng chiến chống thực dân Pháp sắp nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Liên Hợp quốc bày tỏ chính sách hợp tác quốc tế của mình. Bức thư có đoạn: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc”(3[1]). Tuy nhiên, quan điểm hợp tác quốc tế “tiến bộ, khá toàn diện” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được Liên hợp quốc chấp nhận.

Ngay trong bối cảnh đất nước ta muôn vàn khó khăn, toàn dân ta đang tập trung lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng luôn coi trọng, đề cao vấn đề hợp tác, hội nhập với các nước. Tháng 7-1946, giữa thủ đô Pari của nước Pháp, Người tuyên bố Việt Nam đòi quyền độc lập trong Liên hiệp Pháp chứ không phải là tuyệt giao với Pháp; Việt Nam sẵn sàng cộng tác với Pháp trên tinh thần cả hai quốc gia cùng có lợi về mặt kinh tế và văn hóa. Việt Nam cũng sẵn lòng “bảo đảm sự an toàn cho những vốn của người Pháp đặt trên đất Việt Nam”; “Việt Nam sẽ gọi những nhà chuyên môn Pháp trước những nhà chuyên môn khác”. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ mời cả những nhà chuyên môn của “...Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(4[1]). Qua đó góp phần cải tạo và phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Sau ngày hòa bình lập lại, miền Bắc tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế. Trong đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải giữ vững “nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi”(5[1]); các nước phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội bộ của nhau. Người thường xuyên căn dặn trong quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế thế giới “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”; đồng thời không được có tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ. Giữ vững độc lập, tự chủ trong quan hệ hợp tác quốc tế phải xuất phát từ lợi ích giai cấp và dân tộc để hoạch định và thực thi đường lối đối nội, đối ngoại; không giáo điều, dập khuôn, máy móc; không lệ thuộc vào nước ngoài. Khi nhấn mạnh phải giữ vững độc lập, tự chủ trong quan hệ hợp tác quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo hai khuynh hướng cần phải tránh, đó là mắc bệnh giáo điều khi học tập kinh nghiệm của các nước mà không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình; hoặc rơi vào chủ nghĩa xét lại nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị, kinh nghiệm của các nước.

Tư tưởng độc lập, tự chủ trong mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Hồ Chí Minh thống nhất và gắn liền với tư tưởng chủ động, tích cực, “tự lực cánh sinh” “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, không ỷ lại ngồi chờ dân tộc khác đến giúp đỡ mình. Theo Người, muốn hợp tác quốc tế hiệu quả, bền vững thì ta phải có thực lực về mọi mặt. Thực lực là sức mạnh nội lực, là nhân tố quyết định thành công của hợp tác quốc tế. Người chỉ rõ: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập. Quan điểm đó của Người làm cơ sở để Đảng ta đề ra đường lối đối ngoại phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội bền vững và củng cố quốc phòng, an ninh đất nước vững chắc.

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ. Một sự kiện đi vào lịch sử nước nhà, ngày 4-2-2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm Úc, Brunây, Canađa, Chilê, Nhật Bản, Malaixia, Mêxicô, Niudilân, Pêru, Xinhgapo, Hoa Kỳ và Việt Nam. Việc nước ta tham gia TPP sẽ nhiều cơ hội để thúc đẩy cải cách kinh tế một cách toàn diện, nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực. Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có điều kiện hợp tác quốc tế tốt hơn trong các vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, đảm bảo phát triển kinh tế ngày càng bền vững.

Bên cạnh những những cơ hội, tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam cũng gặp một số thách thức, bất lợi như: Môi trường kinh doanh trong nước thiếu minh bạch và chưa thuận lợi cho kinh doanh. Hệ thống pháp lý và các quy định của Việt Nam chưa đồng bộ, thiếu tính nhất quán. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp sức ép cạnh tranh rất lớn từ doanh nghiệp các nước có nền kinh tế phát triển nên nguy cơ phá sản là hiện hữu nếu không có sự đổi mới phù hợp. Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn thương mại theo cam kết không phân biệt các quốc gia có trình độ phát triển và thể chế khác nhau...

Như vậy, tham gia TPP, nhìn chung tuy Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải có những đối sách phù hợp để hạn chế thấp nhất những khó khăn, thách thức; đồng thời tận dụng được mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Để góp phần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế trong điều kiện Việt Nam gia nhập TPP, đồng thời thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng ta về đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là,quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với tăng cường hợp tác quốc tế

Trong bối cảnh nước ta gia nhập TPP, cùng với việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ gắn liền với hợp tác quốc tế, chúng ta cần quán triệt thực hiện tốt quan điểm của Đảng nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) đó là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước...”([1]6).

Các cấp, các ngành, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với mở rộng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phải chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với các quan điểm sai trái trong nhận thức về quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, như: chỉ nhấn mạnh độc lập, tự chủ mà xem nhẹ hội nhập quốc tế hoặc cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa không nên đặt ra vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Hai là, tăng cường khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tạo vị thế cho nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng

Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, để đẩy mạnh hợp tác quốc tế chúng ta phải có thực lực về mọi mặt; có thực lực sẽ tăng cường được khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước. Người chỉ rõ: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”(7[1]). Cần có sự đổi mới tư duy, nhận thức về nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện nước ta đã gia nhập TPP.

Nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp; không phải là sự quyết định tùy tiện, cứng nhắc mà không tính đến các thể chế kinh tế - tài chính quốc tế và lợi ích của các đối tác. Muốn mở rộng hợp tác quốc tế, giữ vững độc lập, tự chủ của nền kinh tế, đòi hỏi phải tăng cường thực lực của nền kinh tế thông qua tập trung phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực và sản phẩm kinh tế chủ yếu có hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đó là cơ sở để thực hiện được tốt quan điểm của Đại hội XII là: “Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế’’(8[1]).

Ba là,nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của đất nước

Để thực hiện có hiệu quả Hiệp định TPP, Việt Nam phải luôn duy trì nền kinh tế ở mức tăng trưởng cao và bền vững. Bởi vì, khi tham gia TPP, tính phụ thuộc lẫn nhau đối với nền kinh tế nước ta với các nước ngày càng tăng, song nền kinh tế nước ta lại còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm chủ thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tăng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; tăng kim ngạch xuất khẩu và giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu,... Đồng thời, cần phải phát huy tối đa lợi thế so sánh để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triệt để tận dụng lợi thế về vị trí địa kinh tế, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống đã và đang có ưu thế trên thị trường quốc tế; thu hút đầu tư và tăng cường xuất khẩu lao động, tham gia ngày càng sâu rộng vào phân công lao động quốc tế, mở rộng ảnh hưởng của nền kinh tế nước ta trong khu vực và thế giới.

Bốn là,giữ vững nguyên tắc chiến lược, có sách lược mềm dẻo, linh hoạt trong hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP sẽ có tác động nhất định đến vấn đề an ninh quốc gia. Quá trình hợp tác song phương và đa phương phải chú trọng xử lý các mối quan hệ, không để dẫn đến tình trạng đối đầu, mắc mưu ý đồ của một số nước phát triển trong quan hệ với Việt Nam. Vì vậy, phải lấy việc giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và định hướng XHCN là vấn đề có tính nguyên tắc trong tăng cường hợp tác với các quốc gia tham gia Hiệp định TPP, bất kể đó là nước lớn hay nước nhỏ.

 Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc chiến lược phải có sách lược mềm dẻo, linh hoạt xử lý các vấn đề có liên quan đến kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia một cách khôn khéo, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước tham gia TPP. Trong hợp tác quốc tế với các nước có chế độ chính trị, xã hội khác nhau, cần tỉnh táo phân tích mục đích, ý đồ của các đối tượng để tìm ra đối sách hợp lý, tạo lợi thế cho dân tộc, nhất là đối với các vấn đề có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo... Cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng, quan điểm và phong cách, kinh nghiệm xử thế trong hoạt động hợp tác quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm và luôn đặt lên mục tiêu hàng đầu phải bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.56.

(2), (3), (4), (7) Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.91, 523, 86, 3.

(5) Hồ Chí Minh, Sđd, t.10, tr.317.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.83-84.

(8) Báo cáo của Ban Chấp hànhTrung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bàytại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 21-1-2016.

 

TS Đinh Nguyễn An

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền