Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Độc lập, tự do - Sự thống nhất giữa quyền dân tộc và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:40
3202 Lượt xem

Độc lập, tự do - Sự thống nhất giữa quyền dân tộc và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền độc lập của dân tộc trong Điều 1: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Với bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Hiến pháp đã quy định rõ trong toàn bộ Chương II từ Điều 14 đến Điều 49 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia, châu lục để xem người ta làm thế nào để trở về giúp đồng bào mình. Tại nước Pháp, đầu năm 1919, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp khởi đầu của sự nghiệp hoạt động và đấu tranh chính trị. Ngày 18-6-1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới họp ở Versailles (Vécxây). Có thể coi sự kiện này đã trực tiếp đòi các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Cuối tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours (Tua) và ngày 30-12 đã bỏ phiếu tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Trả lời câu hỏi vì sao bỏ phiếu cho Quốc tế III và Đảng Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cho rằng vì Quốc tế III đã quan tâm đến vấn đề giải phóng thuộc địa, quyền của các dân tộc thuộc địa. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(1). Quyền dân tộc và quyền con người trong nhận thức của Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện ở hai từ: độc lập, tự do.

Vấn đề quyền độc lập của các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam được Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng. Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc quan điểm của Lênin về vai trò của cách mạng thuộc địa và quyền được độc lập của các dân tộc thuộc địa. Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, ngày 1-7-1924, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Theo Lênin, cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc như Lênin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản”(2).

Từ diễn đàn Đại hội V Quốc tế Cộng sản (7-1924), Nguyễn Ái Quốc đã đề cập một sự thật: trong khi giai cấp tư sản ở các nước thực dân đã làm tất cả “để kìm giữ trong vòng bị áp bức biết bao quần chúng của các dân tộc bị chúng nô dịch” thì các đảng cộng sản ở các nước tư bản, thực dân chưa làm gì cả hoặc “làm rất và rất ít cho các nước thuộc địa”(3). Nguyễn Ái Quốc từ những năm 20 thế kỷ XX nổi lên như một lãnh tụ, một chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh đòi quyền độc lập, quyền sống chân chính cho con người ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh trách nhiệm của Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa mà Luận cương của Lênin (7-1920) đã được Quốc tế Cộng sản tán thành. Nguyễn Ái Quốc cũng nêu rõ thực trạng phong trào đấu tranh ở các thuộc địa: “Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”(4).

Nguyễn Ái Quốc đã đảm đương trách nhiệm lịch sử lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành quyền độc lập và quyền sống của dân tộc Việt Nam. Sứ mệnh lịch sử đó của Nguyễn Ái Quốc được nhiều người Việt Nam yêu nước ủng hộ và tin cậy phó thác, kể cả những nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu. Sự khởi đầu bằng công tác tuyên truyền, tổ chức và đào tạo cán bộ. Tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam); ngày 21-6-1925 ra báo Thanh niên để tuyên truyền, cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh; từ 1925-1927 mở các lớp huấn luyện và đào tạo được nhiều cán bộ lãnh đạo phong trào đấu tranh. Con đường cách mạng đã sáng tỏ, gắn liền giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập với giải phóng xã hội, mưu cầu tự do, hạnh phúc cho con người, đi tới chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để. Người chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mạng, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(5).

Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã đề ra mục tiêu đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Thực hiện các quyền cơ bản đối với người lao động: bỏ sưu thuế và chia ruộng đất cho dân cày nghèo; ngày làm 8 giờ; “dân chúng được tự do tổ chức”; “Nam nữ bình quyền”; giáo dục phổ thông... Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) do Người chủ trì tại Khuổi Nặm, Hà Quảng, Cao Bằng đã phát triển đường lối, giương cao ngọn cờ dân tộc, đặt quyền và lợi ích dân tộc lên hàng đầu, quyết giành độc lập hoàn toàn. Chương trình Việt Minh với 10 chính sách lớn đã xác định rõ những quyền cơ bản của dân tộc và con người Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền, lợi ích cụ thể của các tầng lớp nhân dân. Công nhân: “ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, công việc như nhau thì tiền lương ngang nhau”. “Nông dân ai cũng có ruộng đất để cày cấy, giảm địa tô, cứu tế nông dân trong những năm mất mùa”. Học sinh: Bỏ học phí. Phụ nữ: “Đàn bà được bình đẳng với đàn ông về mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”. Người già và tàn tật được chăm nom. Nhi đồng được chăm sóc... Đó là những quyền và lợi ích cách mạng đem lại cho người dân. Nhờ mục tiêu rõ ràng, căn bản và thiết thực đối với lợi ích quốc gia, dân tộc và con người mà Đảng và Hồ Chí Minh đã tập hợp đoàn kết được lực lượng của toàn dân tộc, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã đề cập đến quyền con người đã được nêu rõ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1791 của cách mạng Pháp. Đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, là sự bình đẳng về quyền lợi. Hồ Chí Minh đã từ quyền con người phát triển thành quyền dân tộc khi khẳng định “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(6).

Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam” (Nguyên tắc bình đẳng dân tộc được Hội nghị 51 nước họp tại San Francisco (Hoa Kỳ) ngày 26-6-1945 thông qua trong Hiến chương Liên Hợp quốc). Người khẳng định quyền độc lập của Việt Nam cả về pháp lý và thực tế: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(7).

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và lãnh đạo luôn luôn trung thành với mục tiêu cao cả: ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC. Đó cũng là nội dung cơ bản của quyền dân tộc và quyền con người. Độc lập là khát vọng và là quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Có độc lập thật sự mới có điều kiện để thực hiện các quyền cơ bản của con người. Và chính quyền con người được bảo đảm và thực hiện triệt để mới làm cho quyền độc lập của dân tộc trở nên vững chắc và có ý nghĩa. Ở đây, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa con người và dân tộc, giữa dân và nước - một quan hệ cơ bản và bền vững của lịch sử dân tộc Việt Nam. Quyền độc lập là thiêng liêng, Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(8).

Đất nước vừa độc lập, các thế lực bên ngoài đã quay lại xâm lược hòng xóa bỏ quyền độc lập và chế độ cộng hòa dân chủ non trẻ. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến bền bỉ, lâu dài, vì nền độc lập chân chính và bền vững. Sự nghiệp đấu tranh đó chỉ có sức mạnh thật sự khi phát huy cao độ khát vọng độc lập, tinh thần yêu nước và khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời biết chăm lo tới những quyền tự do, dân chủ, quyền sống và lợi ích chân chính của nhân dân, của mỗi con người.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó gồm những quyền con người phải được bảo đảm: Phải chống nạn đói để cho mọi người dân được sống. Phải chống nạn dốt, xóa nạn mù chữ, vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thực hiện ngay quyền tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội và “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Xóa bỏ thuế thân đánh vào con người, những thứ thuế vô lý khác. Thực hiện tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo. Chế độ thực dân đã hủ hóa dân tộc Việt Nam bằng những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp khẳng định quyền độc lập và các quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp 1946 nêu rõ:

“Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”(10) (Điều thứ 2).

“Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều thứ 6).

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9). Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài (Điều thứ 10). Xác định quyền tư hữu tài sản (Điều thứ 12). “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều thứ 14). “Những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều thứ 8). Thực hiện giáo dục cưỡng bách và không học phí. Quốc dân thiểu số được quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. “Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình của Nhà nước” (Điều thứ 15). Người nước ngoài vì đấu tranh cho tự do, dân chủ mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam. Đó là những quyền con người, quyền công dân rất cơ bản và tiến bộ. Những quyền con người trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập do Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo hoàn toàn phù hợp với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên Hợp quốc ngày 10-12-1948.

Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 được ký kết tại Hà Nội giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa Pháp đã ghi rõ:

“Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do có Chính phủ của mình, Nghị viện của mình, quân đội của mình, tài chính của mình, và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương và trong Khối Liên hiệp Pháp. Về việc hợp nhất ba “kỳ”, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận, nhưng quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết”(11). Tuy chưa được công nhận hoàn toàn độc lập thống nhất, song đó là bước tiến quan trọng về mặt pháp lý làm cơ sở để đấu tranh giành độc lập thống nhất hoàn toàn.

Đầu năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của Đảng ta. Với cuộc kháng chiến kiên cường mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Pháp và các nước lớn đã đi đến ký kết Hiệp định Geneve (21-7-1954) công nhận nền độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

“Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín”(12).

Hiệp định Geneve quy định sau 2 năm, đến 20-7-1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Mỹ đã thay thế Pháp ở miền Nam, thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, xây dựng chính quyền tay sai do Ngô Đình Diệm đứng đầu, phá hoại Hiệp định Geneve, cự tuyệt tổng tuyển cử, chia cắt lâu dài nước Việt Nam, đàn áp phong trào yêu nước, cách mạng và nguyện vọng thống nhất đất nước của nhân dân miền Nam. Thực hiện khát vọng độc lâp, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đã đứng lên đấu tranh bền bỉ và anh dũng. Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với quy mô ngày càng ác liệt, phá hoại nền độc lập tự do của Việt Nam.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã phá hoại nền độc lập, thống nhất của Việt Nam, xâm phạm các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam, đồng thời xâm phạm quyền con người, trước hết là quyền được sống của người dân Việt Nam. Hàng triệu người Việt Nam gồm những chiến sĩ cách mạng yêu nước, bộ đội, những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu và cả dân thường đã chết trong chiến tranh. Hàng chục vạn người bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn bắt giam, đày ải, tra tấn trong một hệ thống các nhà tù như Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều nhà tù khác. Chưa ở đâu quyền con người bị xâm phạm tàn bạo, có chủ đích và kéo dài như ở các nhà tù của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1954-1975. Thực tế khắc nghiệt đó đã thức tỉnh sự phản kháng của những người Mỹ chân chính. Ngày 2-7-1970, hai nghị sĩ Mỹ là Augustus Hawkins và Wiliam Anderson đã dũng cảm tố cáo trên báo chí tội ác dã man ở Chuồng Cọp, Côn Đảo, mà các ông cho rằng “Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy”.

Dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành lại nền độc lập từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhưng phải tiến hành 30 năm kháng chiến chống những thế lực thực dân, đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất mới có được nền độc lập, thống nhất bằng Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30-4-1975. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày 27-1-1973, trong Điều 1 ghi rõ:

“Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”(13).

Hồ Chí Minh đã suốt đời đấu tranh cho nền độc lập vững bền của dân tộc Việt Nam. Với Người, quyền độc lập dân tộc là thiêng liêng, nhưng phải hướng tới quyền tự do, sung sướng, hạnh phúc cho nhân dân, cho mỗi con người. Quyền dân tộc là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; là con đường tự chủ phát triển đất nước giàu mạnh “sánh vai với các cường quốc năm châu”, tiến lên chủ nghĩa xã hội; là quyền được sống trong hòa bình, dân chủ, tự do, thân thiện và làm bạn với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh suốt đời mưu cầu cuộc sống tốt đẹp cho mỗi con người, quyền có cuộc sống ấm no, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, có nhà ở tử tế, trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, người già, người nghèo, người tàn tật được giúp đỡ. Các quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội được chú trọng và hoàn thiện. Ở Hồ Chí Minh, quyền dân tộc và quyền con người là thống nhất trong cả nhận thức và hành động, trong quan điểm, đường lối, chính sách và pháp luật mà Người mong muốn thực hiện. Không có độc lập chân chính, bền vững thì không thể thực hiện được quyền con người và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản, thiết thực của con người là sự bảo đảm cho độc lập thật sự và khẳng định tầm cao của giá trị độc lập.

Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền độc lập của dân tộc trong Điều 1: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Với bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Hiến pháp đã quy định rõ trong toàn bộ Chương II từ Điều 14 đến Điều 49 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Đảng, Nhà nước đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc và chăm lo nâng cao đời sống về mọi mặt của nhân dân, “bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân”(14). Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”(15). Đại hội XII nhấn mạnh nhiệm vụ: “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững”(16). Chú trọng phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nhiệm vụ trọng tâm đó là sự thống nhất giữa quyền và lợi ích dân tộc với quyền, lợi ích và nghĩa vụ của con người, của công dân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

(1) Hồ Chí Minh:Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr.94.

(2), (3), (4) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.299, 300, 311.

(5) Sđd, t.2, tr.292.

(6), (7), (8), (9), (11) Sđd, t.4, tr.1, 3, 64, 7, 583.

(10)Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.392.

(12) Bộ Ngoại giao: Hiệp định Giơnevơ - 50 năm nhìn lại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.314.

(13) Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.481.

(14), (15), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.178-179, 218-219, 219.

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền