Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quán triệt quan điểm Đại hội XII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:52
39728 Lượt xem

Quán triệt quan điểm Đại hội XII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(LLCT) - Đại hội XII nhấn mạnh cần “Xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, điện bình quân đầu người,...); những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo,...); và những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính...).

1.  Đánh giá về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau 30 năm đổi mới (1986-2016)

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội XII khẳng định, sau 30 năm đổi mới, quá trình CNH, HĐH đất nước ngày càng được đẩy mạnh và đạt được những thành tựu quan trọng:

- “Công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần (...); cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

- “Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến; nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hướng khai thác những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; ứng dụng khoa học - công nghệ và mức độ cơ giới hóa được nâng lên; xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ”.

- “Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực (...) quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh”.

- Cơ cấu kinh tế theo ngành dần chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, xây dựng.

Tuy nhiên, quá trình CNH, HĐH đất nước trong những năm qua còn nhiều hạn chế, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đạt mục tiêu đã hoạch định. Cụ thể là:

- “Thực hiện CNH, HĐH còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ chưa có định hướng chiến lược rõ ràng, hiệu quả thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu và thiếu tính kết nối. Phát triển đô thị thiếu đồng bộ, chất lượng thấp. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm”.

- “Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất”. Vì thế, “nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được”. Trên thực tế, 10/15 tiêu chí của nước ta chỉ đạt mức tương đối thấp, cụ thể là:

Những hạn chế, yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do: “Thể chế hóa và tổ chức thực hiện còn chậm, thiếu hệ thống và đồng bộ. Chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn; thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CNH, HĐH với đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới”. “Chưa chuẩn bị thật tốt các điều kiện cần thiết và tận dụng thời cơ để hội nhập quốc tế có hiệu quả; có lúc, có việc chưa gắn chặt với đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

2. Quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới

Đại hội XII nhấn mạnh cần “Xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, điện bình quân đầu người,...); những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo,...); và những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính...).

So với hệ tiêu chí của nước công nghiệp theo hướng hiện đại, những kết quả mà quá trình CNH, HĐH nước ta đạt được còn tương đối thấp và chưa đạt chuẩn. Do đó, để nâng cao chất lượng CNH, HĐH, hướng tới mục tiêu “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đại hội XII đề ra những phương hướng sau:

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình CNH, HĐH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, phát huy lợi thế so sánh, có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao, tham gia sâu, rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có văn minh công nghiệp chiếm ưu thế trong sản xuất và đời sống xã hội; phát triển nhanh và bền vững phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn.

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để CNH, HĐH; đẩy mạnh CNH, HĐH; nâng cao chất lượng CNH, HĐH.

- Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.

- Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; từng bước phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hóa.

- Tiếp tục phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Phân bố công nghiệp hợp lý hơn trên toàn lãnh thổ; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghiệp công nghệ cao vào hoạt động.

3. Một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đại hội XII xác định: “Trong 5 năm tới tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chú trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Quán triệt quan điểm của Đại hội XII về CNH, HĐH đất nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:

Một là,thể chế hóa, hiện thực hóa chủ trương “khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực của CNH, HĐH; đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức và chủ động tích cực hội nhập quốc tế”. Những quan điểm trên đã được Đảng ta nhấn mạnh qua nhiều kỳ Đại hội, song do nội hàm chưa được thể chế hóa, pháp quy hóa, nên hiệu lực thực tế còn thấp. Tình trạng tùy tiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nhập khẩu công nghệ lạc hậu còn phổ biến trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Hai là, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gắn với đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tạo nguồn vốn cho quá trình CNH, HĐH đất nước. Một trong những lợi thế lớn nhất của nước ta là nền nông nghiệp nhiệt đới và nguồn lao động có trí tuệ, giàu sức sáng tạo, đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Ngoài ra, các thành tựu khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và các mối quan hệ hợp tác quốc tế, cùng những hiệp định thương mại với các đối tác, trong đó nhiều nước có nguồn công nghệ hàng đầu thế giới, chính là những ngoại lực quan trọng mà Việt Nam có thể khai thác.

Để phát huy hiệu quả các nguồn nội lực và ngoại lực cho quá trình CNH, HĐH, trong thời gian tới, cần:

- Tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, phân bố lao động hợp lý, đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

- Thực hiện hiệu quả chiến lược xuất khẩu lao động theo chương trình mục tiêu, qua đó tạo nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao cho CNH, , khắc phục tình trạng xuất khẩu lao động kiểu “4D”như hiện nay.

- Tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp, kỹ năng nghề và ngoại ngữ  theo chương trình mục tiêu cho các đối tượng đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên song chưa tìm được việc làm phù hợp, nhằm biến đội ngũ trí thức này thành đội ngũ lao động chất lượng cao.

- Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, trước hết là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đẩy mạnh hợp tác và tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản, Israen nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của đất nước, tạo ra nguồn nông sản chất lượng cao, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ba là, đổi mới giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng sạch, công nghệ thông tin phục vụ CNH, HĐH đất nước. Cụ thể là:

- Xác định rõ nhu cầu và mục tiêu nhân lực chất lượng cao cho quá trình CNH, HĐH giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, để thực hiện đổi mới giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý, đầu tư đúng mức nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tề về  khoa học - công nghệ. Hiện đại hóa những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến, lắp máy, đóng tàu, công nghiệp thông tin, công nghiệp quốc phòng, an ninh,... mà nước ta đang có nhu cầu lớn và có tiềm năng, lợi thế phát triển.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm sớm đưa 3 khu công nghiệp công nghệ cao của đất nước đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò nền tảng, động lực của khoa học - công nghệ đối với quá trình CNH, HĐH đất nước.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cải cách thuế, phí, thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước, nhất là ở khu vực nông thôn.  Phấn đấu đến năm 2020 có một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

GS, TS Hoàng Ngọc Hòa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền