Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng người cán bộ thanh tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 07 Tháng 4 2017 11:33
6821 Lượt xem

Xây dựng người cán bộ thanh tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ, coi đó là khâu quan trọng giúp cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng.

1. Khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về công tác cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc(1), “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém(2), “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”(3). Vì thế, yêu cầu bắt buộc đối với người cán bộ phải có đủ đức, đủ tài.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ, coi đó là khâu quan trọng giúp cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng. Đại hội VI (1986) đã xác định “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng(4). Năm 1997, Đảng ta ban hành Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII. Tiếp theo, Đại hội XI khẳng định: “Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay(5). Nghị quyết Trung ương 9 khóa X về tiếp tục thực hiện Chiến lược cán bộ đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng(6).

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề ra những giải pháp cấp bách, trong đó giải pháp đầu tiên là làm trong sạch đội ngũ cán bộ: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng(7).

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, từ đó đề ra những giải pháp cấp bách về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực hiện sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của dân đối với Đảng” với quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách(8).

          Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định cán bộ, vấn đề công tác cán bộ, trong đó trụ cột là tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là vấn đề hệ trọng quyết định sự trong sạch, vững mạnh và sự thành công hoặc thất bại trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

2. Xây dựng người cán bộ thanh tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thanh tra và vai trò của cán bộ làm công tác thanh tra. Người nhiều lần nhấn mạnh những yêu cầu riêng đối với cán bộlàm công tác thanh tra. Cụ thể là:

Trước hết, phải có đạo đức cách mạng, phải gương mẫu

Người nói: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cáchmạng”. Người lý giải: “Thường vì cơ quan, địa phương, bộ phận hay công việc nào có chỗ không đúng, chỗ sai lầm mới cần thanh tra (cũng có khi thanh tra cái tốt, nơi tốt, nhưng thường là như vậy) cho nên phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”(9). Người cán bộ thanh tra phải hiểu rõ vinh dự được làm công tác thanh tra, không mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa. “Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy, cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”(10). Người cũng phê bình“Một số cán bộ chưa yên tâm công tác, cholàm công tác thanh tra không tiến bộ, thắc mắc về tiền đồ, đứng núi này trông núi nọ, muốn xin đi công tác khác. Như thế là không hiểu rõ nhiệm vụ của mình, không hiểu vinh dự của mình, là mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa(11).

Thứ hai, phải có năng lực, kinh nghiệm và uy tín

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Người chỉ rõ “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra(12). Cho nên, người làm công tác thanh tra phải càng thực sự có năng lực và sáng suốt; có phương pháp thanh tra khoa học, kịp thời “thanh tra phải đến tận nơi, xem tận chỗ(13); “thanh tra phải cẩn thận, khách quan”(14), “thanh tra phải dùng cách thức phê bình và tự phê bình”(15).

HồChí Minhyêu cầu rất cao đối với cán bộ thanh tra, Người chỉ rõ: “…muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là,việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là,người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín(16).

Thứ ba, phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Rènluyện đạo đức cách mạng có khó không? Khó. Nhưng cố học tập, sửa đổi, cố phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm; công việc của cán bộ thanh tra đòi hỏi cái đó lớn hơn cán bộ khác. Các cô, các chú cũng là cán bộ cách mạng, quyết tâm rèn luyện, học hỏi nhất định làm tròn nhiệm vụ. Nhưng phải quyết tâm… Như cái dao bây giờ chưa sắc nhưng cần phải chặt, nên phải cố mài sắc(17).

Người thẳng thắn phê phán những khuyết điểm ở một số cán bộ thanh tra, như “kèn cựa địa vị; chưa thật đoàn kết; đối với công việc thì chưa đi sâu đi sát, thậm chí có khi ra oai, doạ dẫm những người bị kiểm tra”. Người cho rằng, những cán bộ thanh tra này phải “tự thanh tra mình và sửa chữa những khuyết điểm”,Người ân cần căn dặn:Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng caotrình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”(18).

Thứ tư, phải là người liêm khiết, trong sạch

Xây dựng người cán bộ thanh tra liêm khiết, trong sạch

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi bốn đức tính “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là những đức tính của người cán bộ cách mạng.Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.

Người căn dặn: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cán bộ chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm(19).

Người chỉ ra rằng: “Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên”; nghĩa là, cán bộ phải gương mẫu thực hành liêm khiết trong cuộc sống, trong thi hành công vụ. Nhân dân phải biết kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện Liêm. Pháp luật phải nghiêm khắc, thẳng tay trừng trị kẻ bất Liêm, không phân biệt kẻ đó có chức tước, địa vị to hay nhỏ. Một dân tộc biết Cần, Kiệm, biết Liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.

Nếu như Cần và Kiệm là các phẩm chất cần có trong đời sống, công tác của mọi người; thì Liêm và Chính là những phẩm chất cần có của người cán bộ khi thi hành công vụ, trong đó, Liêm là phẩm chất đầu tiên(20).

Cán bộ thanh tra phải là người có đạo đức và lối sống liêm khiết, thanh liêm. Cha ông ta đã dùng từ quan thanh liêmđể ca ngợi đức tính của những người làm quan trong sạch, vì dân vì nước, dám đấu tranh chống lại những quan lại tham lam, làm hại dân, hại nước.

Cán bộ thanh tra liêm khiết là cán bộ có phẩm chất đạo đức của con người thể hiện lối sống trong sạch, không hám danh không bận tâm toan tính nhỏ nhen ích kỷ. Sống Liêm khiết sẽ làm cho con người thanh thản, nhận được sự quí trọng, tin cậy. Cán bộ thanh tra là người có quyền, có chức trách nên đòi hỏi phải có phẩm chất trong sạch, không tham ô, không nhận tiền của hối lộ.

Người cán bộ thanh tra liêm khiết, là người có đức tính trong sạch và ngay thẳng, một sự chân thật, trên căn bản lẽ phải, không chỉ là theo lẽ phải mà còn là bảo vệ lẽ phải, không gian dối, dối trá, thiên vị; là người cán bộ khách quan, công tâm trong quá trình thanh tra, đặc biệt là khi kết luận thanh tra, giải quyết đơn thư, vụ việc.

Công tác thanh tra luôn tiềm ẩn nguy cơ có hành vi nhận hối lộ, đút lót để làm giảm khuyết điểm của đối tượng thanh tra. Do đó, cán bộ thanh tra phải có lòng tự trọng, khi đó liêm phải gắn liền với sỉ, liêm sỉ - giữ mình sao cho trong sạch, tránh những điều phải xấu hổ, hổ thẹn, trước nhất là hổ thẹn với lương tâm của chính mình, để có những quyết định giải quyết vụ việc đúng đắn, hợp lý, hợp tình.

Xây dựng người cán bộ thanh tra vững vàng

Trong bối cảnh hiện nay, người cán bộ thanh tra bên cạnh đạo đức phải có bản lĩnh vững vàng mới vượt qua được mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ thanh tra có vai trò quan trọng trong thực thi các nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thực tế cho thấy, nguy cơ tham nhũng trong cơ quan thanh tra, nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ thanh tra rất cao. Do đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 05/2011/TT-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành thanh tra. Thông tư quy định rõ 8 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra (Điều 8); 7 hành vi bị cấm trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 12) và 7 hành vi bị cấm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng (Điều 16) nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ thanh tra trong quá trình thực thi công vụ(21).

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (trong đó có cán bộ làm công tác thanh tra) hiện nay chưa được đẩy lùi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn nghiêm trọng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bản thân cán bộ, đảng viên “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân(22). Vì vậy, cán bộ thanh tra muốn liêm khiết, trong sạch trước hết phải rèn luyện để có bản lĩnh vững vàng mới vượt qua được cám dỗ đời thường, mới trở thành người cán bộ thanh liêm.

Vì phẩm chất chính trị, tư tưởng là tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ nói chung, cán bộ thanh tra nói riêng. Lập trường chính trị và khuynh hướng hoạt động của người cán bộ là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của người cán bộ thanh tra trong việc xử lý các tình huống, vấn đề nhạy cảm của nghề nghiệp.

Hiện nay, trước những vấn đề phức tạp trong nghề thanh tra, người cán bộ thanh tra cần phải thể hiện được bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đồng thời vững vàng trước những tác động nhiều chiều của cuộc sống; đương đầu với những thách thức, cám dỗ của cuộc sống. Phải luôn có ý thức chính trị trong mọi công việc; có khả năng phát hiện các khuynh hướng chính trị và nhận ra các vấn đề chính trị trong đời sống hằng ngày; biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào công việc và nhạy bén nhận rõ và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phải vượt qua chính mình từ đó vượt qua mọi sự cám dỗ cũng như những đe dọa từ phía đối tượng thanh tra.

Xây dựng người cán bộ thanh tra liêm khiết, trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cá nhân và của cơ quan, tổ chức

- Đối với cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan thanh tra phải xây dựng kế hoạch và quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,đồng thời quán triệt thực hiệnChỉ thị số 345/CT-TTCP  ngày 22-3-2012 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Phấn đấu thực hiện 05 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 1821-QĐ/BCS ngày 30-12-2011 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ và các kế hoạch cụ thể của mỗi cấp ủy, cơ quan quản lý cán bộ thanh tra.

- Đối với mỗi cán bộ thanh tra, phải nghiêm túc rèn luyện, phấn đấu đạt 5 chuẩn mực, trong đó trước hết là: Có lập trường, quan điểm cách mạng vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao; phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất(23). Có như vậy, người cán bộ thanh tra mới có bản lĩnh chính trị vững vàng, không mơ hồ, không dao động trước những khó khăn, thử thách.

Người cán bộ thanh tra chỉ có thể thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ khi có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin yêu và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với nghề nghiệp của mình. Trước khó khăn, gian khó,người cán bộ thanh tra không được dao động, nao núng; phải vững vàng tìm cách vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng kiên quyết làm đúng đường lốicủa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác thanh tra luôn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, nếu người cán bộ thanh tra không rèn luyện để giữ mình được liêm khiết, trong sạch, vững mạnh thì không thể tránh khỏi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, từ “chuyển hóa”, việc xây dựng người cán bộ thanh tra liêm khiết, trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống tham nhũng, xây dựng và phát triển đất nước.

_____________________

(1), (2), (3), (12), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 5, tr. 269, 240, 54, 521, 521.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2006, tr.446.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2009, tr.241, 239.

(7) http://dangcongsan.vn/.

(8), (22) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 34-35.

(9) Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1977) : Một số văn kiện chủ yếu của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra,tr. 7-10.

(10), (11), (17), (18) Hồ Chủ tịch huấn thị về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 5-3-1960.

(13), (14) Hồ Chủ tịch Huấn thị về công tác thanh tra tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc, ngày 19-4-1957

(16) Thanh tra Chính phủ (2007), kỷ yếu đề tài cấp bộ “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra, tr. 49.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 466.

(20)“Chữ “Liêm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay”, http://dvhnn.org.vn/ .

(21) moj.gov.vn/

(23)“Năm chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra”, http://www.thanhtra.edu.vn/

 

PGS, TS Nguyễn Thị Báo

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền