Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số
Thứ hai, 22 Tháng 5 2017 17:06
2554 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

(LLCT) - Dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó, Đảng ta đã dày công xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số làm nòng cốt cho các phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là cơ sở lý luận cho chính sách phát triển đội ngũ này trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người về vấn đề này thể hiện nổi bật ở những nội dung cơ bản sau:

1. Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong phát triển miền núi, vùng dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu rất rõ thực tiễn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người luôn khẳng định đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong thời gian hoạt động bí mật, Người đã lựa chọn vùng đồng bào dân tộc làm căn cứu an toàn, gắn bó với đồng bào và được đồng bào yêu thương che chở. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu năm 1946, người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”(1). Người luôn đánh giá rất cao vai trò của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng: “Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhiều công trạng vẻ vang và oanh liệt. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc, đồng bào miền núi đang cố gắng góp phần xứng đáng của mình”(2). Để miền núi phát triển, trước hết là đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền núi, và sự nghiệp này phải do chính người miền núi làm nòng cốt.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách dân tộc phải được bắt đầu từ công tác cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ là người dân tộc thiểu số. Người luôn khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng và phát triển đội ngũ này. Bởi vì hơn ai hết, cán bộ dân tộc thiểu số là người hiểu rõ thực tiễn, đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi . Cán bộ dân tộc thiểu số sẽ là người tiếp thu và tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi (8-10-1961), Người nêu rõ: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”(3).

2. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phải trên cơ sở  phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc

Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Chính sách dân tộc nói chung, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng, cần phải hướng vào củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc. Người khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất, là: đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”(4).

Cán bộ gồm nhiều thành phần, nhiều vùng miền, dân tộc khác nhau, phải đoàn kết để thành một khối vững chắc mới tạo được niềm tin của nhân dân và hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng. Người thường nhắc nhở: “Cán bộ địa phương, dân tộc, phải cố gắng học tập, đoàn kết chặt chẽ với cán bộ xuôi lên công tác...”. Đoàn kết dân tộc sẽ là môi trường tốt để cán bộ học hỏi, trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng, nghiệp vụ. Người chỉ rõ, muốn đoàn kết tốt thì cán bộ và nhân dân cần dẹp bỏ những thành kiến và cả tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Đây là những tàn dư  do chế độ cũ để lại, cần phải tẩy trừ. Người chỉ rõ: “Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”(5).

Để phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, thì người cán bộ phải gương mẫu đi đầu, gần dân, lấy dân làm gốc, nêu cao đạo đức các mạng và đấu tranh xóa bỏ những thói hư tật xấu. Người nhắc nhở: “Cán bộ quân, dân, chính, đảng phải đoàn kết chặt chẽ; phải luôn gần gũi nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính, kiên quyết chống quan liêu mệnh lệnh, tham ô lãng phí”(6).

Chính sách đoàn kết dân tộc là nền tảng để xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và công tác phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cũng là góp phần vào thực hiện đại đoàn kết dân tộc, và chính cán bộ dân tộc là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền và thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

3. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số gắn liền với công tác quy hoạch cán bộ

Để cán bộ dân tộc thiểu số vượt qua sự tự ti và đảm đương tốt công tác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cấp, các ngành phải chú trọng bồi dưỡng, phát triển, cất nhắc cán bộ dân tộc thiểu số: “Ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ”(7). Người đề ra phương châm trong đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số là cần phải gắn với thực hành, tránh lý thuyết suông, sáo rỗng, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Chương trình giáo dục phải thiết thực, cụ thể, dễ nhớ, phù hợp với khả năng nhận thức và đặc điểm tâm lý văn hóa dân tộc. Trong bài nói chuyện với cán bộ và học sinh trường sư phạm miền núi Nghệ An, Người tổng kết: “Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hóa đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài”(8). Vì thế, Người chú trọng phát triển hệ thống trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm với mục tiêu “đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động”(9). Với mô hình trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, cán bộ dân tộc có điều kiện để học tập và thực hành kiến thức của mình, đưa những kiến thức đã học vào thực tiễn sinh động ngay trong môi trường học tập. Tuy nhiên, Người cũng nhắc nhở nên phát triển trường cho đúng phương hướng vì đây là trường đào tạo cán bộ chứ không phải nông trường để kinh doanh. Mục đích học tập, tích lũy kiến thức phải được đặt lên hàng đầu.

4. Cần tránh tâm lý tự ti, ngại thay đổi của một số cán bộ dân tộc thiểu số

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc tâm lý đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng nhưng do những hạn chế của lịch sử để lại và trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu nên đồng bào còn tự ti trong các hoạt động. Hồ Chí Minh không chỉ cảm thông, chia sẻ những khó khăn của cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số, mà Người còn có niềm tin vững chắc vào năng lực và vai trò to lớn của đồng bào. Người đã động viên, khích lệ: “Cán bộ địa phương thường có tâm lý tự ti, cho mình là văn hóa kém, chính trị kém, không muốn làm cán bộ. Như thế là không đúng. Nếu như thế, không ai làm việc cho đồng bào cả, việc làm đây là do cán bộ địa phương phải làm lấy”(10). Vì tự ti nên một số cán bộ và đồng bào còn bảo thủ, ngại thay đổi, thiếu tính sáng tạo. Người cho rằng, đây là khuyết điểm lớn, cản trở đến sự phát triển của đồng bào, cần phải rút kinh nghiệm và thay đổi: “Cán bộ, đồng bào có một số sợ khó khăn, không muốn cải tiến cách làm việc, không muốn cải tiến kỹ thuật. Cái đó là do bảo thủ, do ngại khó, vì đời ông đời cha làm thế nào thì nay cứ làm như thế. Phải dần dần sửa chữa khuyết điểm đó mới sản xuất tốt được”(11). Người chỉ rõ, đồng bào chính là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển quê hương mình. Vì thế, cần quyết tâm học tập nâng cao trình độ để không ngừng tiến bộ, hoàn thành những nhiệm vụ của cách mạng ở ngay chính quê hương mình và góp phần vào sự nghiệp chung của cả nước. Người khuyên: “Việc làm đây là do cán bộ địa phương phải làm lấy. Vì vậy cho nên còn kém thì phải học, phải tích cực học cách làm việc, tích cực học chuyên môn cho biết. Nếu vì kém mà không làm thì không được. Nhiều cái mình chưa biết, nhưng có quyết tâm học thì phải biết, nhất định biết. Biết là tiến bộ”(12)

5. Ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số

Hiểu sâu sắc văn hóa các dân tộc, đánh giá đúng vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng giữa nam và nữ, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Người khẳng định “Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”(13). Vì vậy, trong công tác cán bộ dân tộc thiểu số, phải đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ cán bộ nữ; xóa bỏ sự phân biệt, đối xử không công bằng giữa nam và nữ. Nói chuyện tại Hội nghị phụ nữ cán bộ miền núi ngày 19-3-1964, Người nhấn mạnh: “Ngày trước, hồi còn có Tây, Nhật và vua, quan, đàn bà con gái các dân tộc bị chúng áp bức, bóc lột tàn tệ. Mặt khác, chúng xúi giục dân tộc này khinh rẻ, oán ghét dân tộc khác. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã làm cho gái và trai bình quyền, các dân tộc bình đẳng”(14).

Bình đẳng dân tộc, bình đẳng tôn giáo, bình đẳng giữa nam và nữ là một trong những thành quả to lớn của cách mạng. Đó cũng chính là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc và là mục tiêu, là động lực của công cuộc xây dựng CNXH. Vì thế, với phụ nữ dân tộc thiểu số - những người đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng cần phải được hưởng thành quả đó. Để thực sự phát huy quyền bình đẳng của mình thì phụ nữ dân tộc thiểu số cần phải không ngừng học tập và nỗ lực trong mọi hoạt động, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Người chỉ rõ: “...chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được. Hiện nay đã có phụ nữ miền núi làm thầy giáo, làm bác sĩ, làm cán bộ kỹ thuật, đội trưởng dân quân,...”(15). Người thường xuyên nhắc nhở các cấp chính quyền cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. Vì thế, tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, khi được biết không có đại biểu nữ người dân tộc thiểu số nào, Người đã nghiêm khắc phê bình: “Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao. Một cuộc họp như thế này mà quên mất vai trò phụ nữ, thì chắc ở các địa phương, các chú cũng quên mất vai trò phụ nữ”(16). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc phát triển đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Chính phủ giao phó cho các cấp chính quyền vùng dân tộc thiểu số và miền núi: “Đảng ủy các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt”(17).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã thể hiện tư duy chính trị tiến bộ và tinh thần nhân văn cao cả . Trên nền tảng tư tưởng đó, trong suốt quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, công tác cán bộ dân tộc thiểu số luôn được Đảng ta quan tâm và đã đạt được những thành tựu to lớn. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong cả nước đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng thể hiện tốt vai trò của mình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc, miền núi nói riêng và cả nước nói chung.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2016

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.249.

(2) Sđd, t.13, tr.458.

(3), (4), (8) Sđd, t.13, tr.225, 458, 269- 270.

(5) Sđd, t.9, tr.375.

(6) Sđd, t.10, tr.406.

(7), (11) Sđd, t.11, tr.523, 551.

(9), (14), (15), (16), (17) Sđd, t.14, tr.164, 262, 263, 158, 264.

(10), (12), (13) Sđd, t.12, tr.212, 212, 377.

 

PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thành Minh

Đại học sư phạm Huế

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền