Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bàn về khái niệm “sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh
Thứ hai, 19 Tháng 6 2017 17:07
4060 Lượt xem

Bàn về khái niệm “sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh

(LLCT) - Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, sửa đổi lối làm việc là sự sửa đổi, đổi mới từ tư duy đến tổ chức thực hiện của cán bộ, đảng viên, của tổ chức Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội. Do đó, sửa đổi lối làm việc mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng trong xây dựng xã hội mới.

1. Hồ Chí Minh quan tâm đến lối làm việc của cán bộ, đảng viên từ rất sớm.

Trong Thư gửi Chi bộ cộng sản Trường đại học Phương Đông (25-6-1927, Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị Chi bộ nhà trường chỉ định một đến hai người chăm lo việc giáo dục cộng sản cho nhóm những người cộng sản An Nam tại đây “để cho họ có thể học cách làm việc(1).

Sau Cách mạng Tháng Tám, sớm phát hiện những khiếm khuyết về cách làm việc của cán bộ nhà nước, ngày 4-10-1945, Hồ Chí Minh đã viết bài “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”, đăng trên báo Cứu quốc, trong đó Người chỉ rõ: “Chính quyền nhân dân đã thành lập được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả” và chỉ ra rằng “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc có phương pháp(2).

Để khắc phục tình trạng trên, Người đã ký các sắc lệnh quy định về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp(3).

Ngày 1-3-1947, khi cuộc trường kỳ kháng chiến mới bắt đầu, với muôn vàn khó khăn, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Hồ Chí Minh phê bình  cách “làm việc lối bàn giấy” và chỉ ra rằng “cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”(4).

Đây cũng là lần đầu tiên Hồ Chí Minh sử dụng tới từ lối làm việc.

Trong tác phẩm Đời sống mới (1947), Hồ Chí Minh đặt câu hỏi:Đời sống mới việc trước tiên là gì? và cho rằng: đó là “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc(5). Điều đó cho thấy, sự quan tâm của Hồ Chí Minh về cách làm việc, lối làm việc của cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao.

2. Hồ Chí Minh thường dùng ba cụm từ: cách làm việc, lối làm việc và lề lối làm việc

Khái niệm cách làm việclối làm việc thường được Người dùng để chỉ cách làm việc, lối làm việc của cá nhân hoặc tập thể.

Khái niệm lề lối làm việc được Hồ Chí Minh sử dụng thiên về những quy định thủ tục làm việc. Trong các Sắc lệnh do Người ký quy định về cách làm việc, bao gồm thủ tục làm việc, lề lối làm việc của các cơ quan và công chức trong bộ máy nhà nước.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã 2 lần sử dụng cụm từlối làm việc nhưng Người dùng tới 10 lần cụm từ cách làm việc như các nhóm cách làm việc và mỗi nhóm lại có nhiều cách làm việc khác nhau. Theo Người, trong lối làm việc có nhiều nhóm cách làm việc và trong mỗi nhóm cách làm việc lại chia ra nhiều cách làm việc khác nhau.

Hồ Chí Minh viết: “cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”(6). Trong nhóm cách đối với cán bộ, Người đã chỉ ra nhiều cách khác nhau(7), trong đó, “Tóm lại đối với cán bộ có năm cách: chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo, giúp đỡ”(8).

Trong mỗi  cách làm việc trên đây lại có những cách nhỏ khác.   

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, khái niệm lối làm việc gồm nhiều nhóm cách làm việc; lề lối làm việc là những lối làm việc đã được luật hóa thành các quy chế, quy định làm việc. Trong nhiều trường hợp, cách làm việc được Người dùng cùng nghĩa như lối làm việc. Ví dụ: lối làm việc bàn giấy, cách làm việc bàn giấy...

3. Đúng như­ tên gọi, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm sửa chữa những sai sót, lệch lạc, chấn chỉnh công tác cán bộ, đảng viên, công tác đảng. Vì vậy, tiêu đề được in đậm trong cuốn sách là: “PHẢI SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC CỦA ĐẢNG”.

Có thể thấy, Sửa đổi lối làm việc thể hiện những quan điểm của  Hồ Chí Minh trong điều kiện Đảng ta lãnh đạo chính quyền, tổ chức toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến tr­ường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp. Trong điều kiện lịch sử như vậy, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đã nêu rõ những vấn đề căn bản sau:

Một là, sửa đổi lối làm việcsự sửa đổi và đổi mới về các cách làm việc trư­ớc những yêu cầu mới của cách mạng và nhiệm vụ này không chỉ là sửa đổi lối làm việc cụ thể mà trước hết là sự sửa đổi, đổi mới từ tư tưởng, đếntổ chức làm việc, trong đó bao gồm cả lối làm việc, cách làm việc cụ thể của cán bộ, đảng viên và toàn Đảng.

Hai là, sửa đổi lối làm việc yêu cầu trước hết cần phải có thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ và đúng sự thật về hiện trạng lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ nhà nước, đảng viên của Đảng để tìm ra nguyên nhân, phương thức sửa đổi, làm cho cán bộ, đảng viên có tư tưởng, đạo đức và lề lối làm việc đúng đắn, giúp cho Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử mới.

Ba là, nội dung sửa đổi lối làm việc phải biểu hiện trong toàn bộ các hoạt động của đảng viên và tổ chức của Đảng, từ tư duy đến chỉ đạo, tổ chức thực hiện và trong các hoạt động thực tiễn của đảng viên và các tổ chức của Đảng về lối làm việc. Như Hồ Chí Minh viết: “Cần phải gắn chặt công việc với tư­ tư­ởng và lề lối làm việc, vì mỗi công việc thành hay bại là đều do tư­ tư­ởng và lề lối làm việc đúng hay sai...”(9).

Người còn chỉ rõ mục đích: “Bao nhiêu cách tổ chức, cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy cách tổ chức,cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chư­a có sẵn ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau miễn là được việc(10). Và, “Phải sửa đổi lề lối làm việc cho thiết thực, để giải quyết công việc cho tốt, cho nhanh”(11).

Bốn là, về tổ chức để sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh cho rằng bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, về mặt nhà nước phải luật hóa và điều lệ hóa hoặc đưa ra các quy định về lề lối làm việc của Đảng một cách cụ thể, đồng thời phải tổ chức sửa đổi lề lối làm việc trước hết từ trong Đảng, nhưng phải thiết thực. Người viết: “Cải tiến lề lối làm việccủa đơn vị mình để làm cho sản xuất và công tác mau tiến bộ”(12).

Năm là, với ý nghĩa là một nội dung cần sửa đổi trong Đời sống mới, trên cơ sở sửa đổi lối làm việc từ trong Đảng tiến tới phát động việc sửa đổi lối làm việc trong các cơ quan nhà nước, ra toàn xã hội và biến nhiệm vụ này thành một phong trào thi đua, phong trào văn hóa thực hiện đời sống mới, văn hóa mới.

cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo... chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng mà ra. Về sâu trong quần chúng...

Nếu không như vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”(13).

Thời gian đã trôi qua, giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vẫn nguyên giá trị. Đối chiếu với thực tiễn hiện nay, để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, cần phải vận dụng đúng đắn quan điểm của Người trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc về phương pháp, phương châm thực hiện, và điều căn bản là phải biến nó thành  một phong trào cách mạng sâu rộng trong mọi cán bộ, đảng viên.

___________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 259

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 42-43.

(3) Các Sắc lệnh như:

- Ngày 22-11-1945, Hồ Chí Minh ký cácSắc lệnh số 63, quy định về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp

- Ngày 25-3-1948, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnhsố 150-SL quy định về tổ chức quyền hạn và cách làm việccủa Hội đồng nhân dân trong vùng địch kiểm soát hoặc bị uy hiếp.

- Ngày 19-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 254-SL quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn,cách làm việc của Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính. Sắc lệnh này dành cả Mục 3 của quy địnhcách làm việc của Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp.

(4), (6), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 113, 324, 288.

(5) Trong sách“Đời sống mới”, Người giải thích:“Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối”. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5 tr. 113.

(7) Theo thống kê, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã sử dụng tới khoảng 60 cách làm việc khác nhau. Ví dụ, Người diễn giải cách đối với cán bộ gồm: cách xem xét cán bộ; cách lựa chọn cán bộ; cách cất nhắc cán bộ; cách dùng cán bộ; cách hiểu cán bộ; cách yêu thương cán bộ; cách giúp cán bộ; cách giữ gìn cán bộ; cách giữ bí mật cho cán bộ; cách đối với cán bộ sai lầm; cách dạy bảo cán bộ...

Hoặc đối với nhóm cách lãnh đạo, Người tóm lược lại gồm: cách quyết định công việc, cách tổ chức thi hành, cách tổ chức kiểm tra, cách chọn người và thay người, cách làm việc với quần chúng, cách hỏi ý kiến dân chúng, cách chỉ đạo nhân dân...

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, 1995, Sđd, tr. 276

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.318

(10), (11), 12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr. 21, 21, 595

 

PGS,TS Phạm Hồng Chương

Lê Hải Nam

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền